Yan Dhanda: Hình mẫu cầu thủ Nam Á ở xứ sở Sương Mù

Tác giả KDNX - Thứ Hai 19/08/2019 13:49(GMT+7)

Ở tuổi 20, Yan Dhanda đi từ cấp độ "phủi" đến đội một của Swansea City, khởi đầu ở cấp độ trẻ của West Bromwich rồi đến Liverpool. Anh từng ra sân trong màu áo U-16 và U-17 của Anh. Mọi thứ rõ ràng đang rộng mở với chàng trai tài năng gốc Ấn Độ.

Có một từ mà những di dân gốc Nam Á đều không muốn nghe nhưng vẫn phải nghe. Đó là Pakis. Một từ viết tắt của "Pakistan" nhưng mang hàm ý miệt thị với những người dân gốc Nam Á. Yan Dhanda cũng không phải là ngoại lệ. Dù còn rất nhỏ, nhưng chàng trai người gốc Ấn Độ vẫn không thể quên được trải nghiệm đó.

Yan Dhanda: Hình mẫu Nam Á ở Premier League
"Cái từ đó thường phát ra từ những người thi đấu với tôi và bạn bè hay từ đối thủ," anh bộc bạch. "Họ thường nói những thứ như, "thằng đó là dân Paki, chẳng làm được tích sự gì đâu". Tôi cũng thường nghe "Paki này, Paki nọ" từ những người qua đường. Nhưng chẳng có vấn đề gì. Nó chỉ khiến tôi muốn chứng minh họ sai thôi.
 
Dhanda đã làm được điều đó. Ở tuổi 20, anh đi từ cấp độ "phủi" đến đội một của Swansea City, khởi đầu ở cấp độ trẻ của West Bromwich rồi đến Liverpool. Anh từng ra sân trong màu áo U-16 và U-17 của Anh. Mọi thứ rõ ràng đang rộng mở với chàng trai tài năng gốc Ấn Độ. 
 
Ảnh hưởng của Dhanda tuy vậy không chỉ dừng lại trên sân bóng, nó còn ảnh hưởng lên đời sống và suy nghĩ của những cầu thủ trẻ gốc Nam Á sinh ra và lớn lên ở Anh. Những người thường bị ngó lơ, thậm chí không hề nhận được sự tôn trọng từ những cầu thủ khác. Dhanda trông thì có vẻ quá trẻ so với trách nhiệm của mình, nhưng anh vẫn cho thấy rằng mình có đủ khả năng để gánh vác trách nhiệm của mình: mở đường cho hy vọng của các cầu thủ gốc Nam Á.
 
Điều này đã được chứng minh bằng hành động gia nhập chiến lược "Bringing Opportunities to Communities" (Đưa cơ hội tới cộng đồng-ND) của LĐBĐ Anh. Một chiến lược nhằm gia tăng sự hiện diện của cộng đồng gốc Nam Á trong bóng đá Anh. Khởi đầu bằng việc bổ nhiệm người Nam Á vào liên đoàn. Thêm vào đó là một bộ phim về những tấm gương vươn lên của người Nam Á trong bóng đá như trọng tài nữ Lisa Rashid, cầu thủ futsal Lucindha Lawson, HLV đội nữ Charlton Riteesh Mishra và gần đây nhất là Dhanda.
 
"Tôi được một người thuộc LĐBĐ Anh liên hệ, lập tức tôi nắm bắt cơ hội này," anh chia sẻ. "Tôi chưa từng đặt ra câu hỏi tại sao lại có quá ít người Nam Á trong bóng đá thời mới lớn. Tôi chỉ tập trung vào bản thân. Giờ đây, mọi thứ dần hiển hiện trước mắt."
 
Con số xung quanh vấn đề này thực sự đáng lưu ý. Người gốc Nam Á đã sống ở Anh xuyên suốt lịch sử đất nước này, họ chiếm 8% tổng dân số. Thế nhưng lịch sử cho thấy rất ít cầu thủ gốc Nam Á từng thi đấu ở nền bóng đá nước này. Thống kê cho thấy, tới lúc này mới chỉ có 12 cầu thủ gốc Nam Á thi đấu mà thôi. Thêm vào đó là sự thiếu hụt HLV cùng sự nghi kỵ của những người xung quanh Dhanda, những người luôn cho rằng người Nam Á sẽ không bao giờ thành công với bóng đá, càng khiến cho người Nam Á xa rời môn chơi truyền thống của quốc gia mà họ sinh sống.
 
Sự cứng cỏi về mặt tâm lý của Dhanda khiến anh không cam chịu sự phân biệt. Anh thậm chí còn có được điều mà hầu hết những đứa trẻ gốc Nam Á sinh ra và lớn lên ở Anh không có, một người cha đam mê bóng đá. "Bố tôi thi đấu cho Tipton Town," Dhanda chia sẻ về người cha Jaz của mình. "Chú tôi cũng thi đấu cho họ. Từ năm 5 tuổi, tôi đã theo dõi họ thi đấu. Vậy nên cũng khá bình thường với tôi khi chứng kiến người gốc Nam Á thi đấu."
 
"Bố cũng giúp tôi đối mặt với phân biệt chủng tộc. Từ hồi nhỏ, tôi đã được bố dạy rằng nếu người ta nói gì tệ hại với tôi, cứ phớt lờ đi. Điều tôi vẫn thường làm cho tới tận bây giờ."
 
Dhanda là một người đa chủng tộc: anh có mẹ là người Anh, bố là người Punjab. Anh từng cùng bố và các thành viên trong gia đình về Punjab để kết nối với cội nguồn của mình cũng như tạo cảm hứng cho lớp trẻ của quê hương. "Tôi đến các ngôi trường khác nhau, trò chuyện với các cô cậu bé về cuộc đời mình. Chúng có vẻ thích thú." Trở về Swansea, Dhanda tập trung vào việc tạo cảm hứng cho các cầu thủ Nam Á bằng những màn trình diễn trên sân, điều anh vẫn đang cố gắng thực hiện sau khi chuyển từ vùng Merseyside đến phía nam xứ Wales theo dạng chuyển nhượng tự do.
 
Chàng tiền vệ có một khởi đầu khá suôn sẻ, anh ghi bàn ngay ở trận đầu tiên ra mắt cấp độ chuyên nghiệp, giúp đội nhà giành chiến thắng 2-1 trước Sheffield United ngay ngày khai màn Championship. Nhưng sau đó, anh chỉ ra sân 5 trận khi HLV Graham Potter cho rằng anh quá thấp so với yêu cầu chung. Dhanda đành chấp nhận tập luyện nhằm nâng cao thể hình để có thể tạo ấn tượng với Steve Cooper, người thay thế Graham Potter hồi tháng trước sau khi ông chuyển đến Brighton.
 
"Tôi đã nói chuyện với HLV, rõ ràng toàn đội đang có được một khởi đầu tươi mới dưới thời của ông," Dhanda chia sẻ trong một buổi chiều ấm áp ở khu sân tập bắt mắt của Swansea ở ngoại ô thành phố. "Nắm bắt cơ hội hay không phụ thuộc hoàn toàn ở chúng tôi, và đó chính là điều tôi muốn làm."
 
Dhanda có được nhiều thiện cảm ở Swansea. Họ không hề muốn đánh mất một cầu thủ đã từng thử việc ở Liverpool từ năm 14 tuổi. Dhanda dù không trụ được ở The Kop, nhưng anh vẫn không hề nuối tiếc khi bỏ ra 6 năm ăn tập ở đó. "Tôi tập với đội một khá nhiều," anh nói. "Thật tuyệt vời khi được đứng chung sân với Gerrard, Sterling và Coutinho. Coutinho là cầu thủ tuyệt nhất tôi từng thấy. Anh ấy cũng là người tuyệt nhất. Ngày đầu tiên gặp nhau, anh ấy đã khiến tôi cảm thấy được chào đó. Anh ấy thậm chí còn theo dõi Instagram của tôi."

Rồi Dhanda bắt đầu chia sẻ suy nghĩ của mình về việc vì sao có quá ít cầu thủ Nam Á, và làm thế nào để nâng cao số lượng cầu thủ Nam Á. Dhanda đề xuất một phương án: các CLB có thể học theo chương trường Asian Stars của Chelsea, một chương trình đã được đưa vào hoạt động trong một thập kỷ, thu hút hằng trăm đứa trẻ vào các hoạt động nhắm tới việc nâng cao số lượng cũng như tinh thần đam mê bóng đá của các cầu thủ trẻ Nam Á. "Tôi tham gia chương trình đó 9 năm trước," Dhanda nói. "Nó là một chương trình tốt và cần được nhân rộng."
 
Về phía các CLB, đã có nhiều sự thay đổi về thái độ với các cầu thủ Nam Á. Ban đầu, các HLV thường gạt họ qua một bên vì cho rằng các cầu thủ Nam Á thiếu sự nhiệt huyết cần có cho cấp độ chuyên nghiệp. Một thành kiến có phần phiến diện. Nhưng cũng như mọi thành kiến, nó hoàn toàn dựa vào trải nghiệm cá nhân. Các gia đình Châu Á cũng không muốn con mình chơi bóng. Họ muốn con mình đi theo những ngành học liên quan tới tri thức nhiều hơn như dược hoặc luật.
 
"Không thể cứ mãi giả vờ rằng mọi chuyện không diễn ra, vì nó vẫn đang diễn ra hằng ngày," Dhanda nói. "Nhưng vài thế hệ sau, mọi thứ sẽ khác. Tôi có những người bạn đã có con và họ nói rằng nếu con họ muốn, họ sẽ ủng hộ chúng đi theo con đường bóng đá. Tôi chắc rằng điều đó cũng tương tự với những cặp cha mẹ trẻ người gốc Nam Á."

Trong số 12 cầu thủ gốc Nam Á thi đấu ở cấp độ chuyên nghiệp của bóng đá Anh, chúng ta có thể kể ra những cái tên như Danny Bath, người gốc Punjab, Neil Taylor, người Bengal, Hamza Choudhury của Leicester, có mẹ người Bangladesh, đầu quân cho đội U21 Anh ở giải U21 Châu Âu tổ chức ở Italy. Dù chỉ đóng góp một pha tắc bóng trong trận mở màn gặp Pháp khiến anh bị đuổi khỏi sân, anh vẫn được coi là một ngôi sao của tương lai ở cấp độ CLB và ĐTQG.
 
"Hamza là bạn tôi, nhưng tôi ghét đối đầu với anh ta vì anh ta đá tốt quá," Dhanda chia sẻ với một nụ cười. "Anh ấy là một cầu thủ tốt, chứng kiến anh ấy thi đấu ở Premier League khiến tôi cũng muốn làm điều tương tự."
 
"Điều quan trọng nhất giờ đây là nâng cao số lượng cầu thủ Nam Á ở cấp độ chuyên nghiệp. Chúng tôi là hình mẫu cho các cầu thủ gốc Nam Á, họ cần phải thấy rằng bóng đá là môn chơi giành cho họ. Nếu bạn yêu thích điều gì đó và muốn biến nó thành sự nghiệp của đời mình, bạn nên được cho phép làm điều đó, dù bạn có hoàn cảnh ra sao."
 
Lược dịch từ bài viết gốc: " Yan Dhanda: ‘I was racially abused as a child but I never let it affect me’" của tác giả Sachin Nakrani đăng trên The Guardian

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.