Xherdan Shaqiri và tình yêu với hai màu cờ

Tác giả CG - Thứ Ba 03/07/2018 17:13(GMT+7)

Nhà chúng tôi chẳng có tí hơi ấm nào dù có một cái lò sưởi lớn. Đó là một căn nhà cũ trên một nông trại ở Basel và chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào. Thực sự tôi không nghĩ về điều đó. Tôi cố giữ ấm bản thân bằng cách chạy vòng quanh nhà như điên. Anh trai tôi là người luôn phàn nàn về cái lạnh vì phòng anh ấy ở tầng trên và cách xa lò sưởi. Anh thường phải đắp 5 cái chăn mỗi khi đi ngủ vào mùa đông.
Xherdan Shaqiri và tình yêu với hai màu cờ
Gia đình tôi rời Kosovo trước khi chiến tranh nổ ra. Năm đó tôi 4 tuổi, cùng với hai anh trai và bố mẹ phải bắt đầu cuộc sống mới ở Thụy Sĩ. Thật chẳng dễ dàng gì. Bố tôi không nói được tiếng Đức của người Thụy Sĩ và đầu tiên phải làm nghề rửa bát đĩa trong một nhà hàng. Cuối cùng bố cũng kiếm được công việc xây dựng cầu đường. Mẹ tôi thì làm lao công trong một tòa nhà văn phòng ở thành phố. (Tôi giúp mẹ hút bụi còn hai anh thì lau cửa sổ).
 
Thụy Sĩ là một quốc gia đắt đỏ. Bố mẹ tôi phải rất vất vả kiếm sống vì vẫn phải gửi tiền về cho các thành viên trong gia đình vẫn ở Kosovo. Lúc đầu, chúng tôi có thể bay về gặp họ hàng năm. Mẹ tôi luôn nói rằng “Trên máy bay con, con đúng là đứa trẻ hư! Lúc nào cũng leo trèo qua các hàng ghế và chạm vào người ngồi sau! Con chẳng bao giờ yên lặng được phút nào!”
 
Nhưng khi chiến tranh nổ ra, chúng tôi không còn có thể trở về quê nhà được nữa và những thành viên trong nhà vẫn còn mắc kẹt ở lại gặp rất nhiều khó khăn. Ngôi nhà của chú tôi bị đốt cháy rụi. Quá nhiều khổ đau xảy đến. Bố tôi luôn cố gắng gửi nhiều tiền về nhất có thể, vì thế chúng tôi chưa bao giờ dám tiêu pha lớn trong suốt quãng thời gian tôi lớn lên, ngoại trừ vào những ngày sinh nhật.
 
Liverpool đang gặp khó trong việc chiêu mộ Shaquiri
Chuyện buồn cười, thực ra… Ronaldo là thần tượng của tôi, Ronaldo “gốc” ấy. Cách anh ấy chơi bóng với tôi là một thứ ma thuật. Suốt vòng chung kết World Cup 1998, khi anh ấy bị chấn thương và Brazil thất bại trước đội tuyển Pháp, tôi đã khóc rất nhiều vì tôi cảm thấy buồn cho anh. Sinh nhật 7 tuổi của tôi là đúng 3 tháng sau World Cup và suốt 3 tháng đó, tôi luôn kì kèo với mẹ là “Tất cả những gì con muốn trong ngày sinh nhật là chiếc áo màu vàng của Ronaldo. Làm ơn mua cho con cái áo ấy.”
 
Khi ngày sinh nhật của tôi tới, mẹ có dành cho tôi một hộp quà. Tôi mở ra và bên trong là chiếc áo Ronaldo màu vàng. Nó chỉ là một hàng giả ở trong chợ mà thôi, thậm chí còn không có huy hiệu đội bóng trên đó. Đó đơn thuần là một cái áo vàng với số 9 màu xanh. Bố mẹ tôi không có tiền để mua một chiếc áo chính hãng. Tuy nhiên điều đó chẳng thành vấn đề. Với tôi đó là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời. Tôi mặc nó trong 10 ngày và thậm chí còn kiếm những cái quần đùi màu vàng để mặc cùng.
 
Tôi là đứa trẻ nhập cư duy nhất ở ngôi trường đang học và tôi nghĩ những đứa trẻ Thụy Sĩ kia cũng không hiểu tại sao tôi lại bị ám ảnh với bóng đá đến như vậy. Tại Thụy Sĩ, bóng đá chỉ là một môn thể thao. Nó không phải cuộc sống như ở nhiều quốc gia khác. Tôi còn nhớ khi Ronaldo đến World Cup 2002 với mái tóc tam giác, tôi đã đến tiệm cắt tóc và bảo người thợ là “Cắt cho cháu kiểu tóc Ronaldo nhé.”
 
Nhưng lúc đó tóc tôi lại là kiểu xoăn vàng nên trông nó thật điên khùng. Tôi tới trường và đứa nào cũng nhìn tôi kiểu chuyện gì xảy ra với thằng này thế? Thằng đó đã làm cái quái gì thế?
 
Xherdan Shaqiri ghi bàn vào lưới Serbia
Nhưng tôi không quan tâm, tôi vẫn chỉ là chính mình thôi. Trường của tôi nằm ở một nơi rất đẹp trong thị trấn và nhà tôi thì chỉ cách có 5 phút đi bộ từ một nơi rất tệ của thị trấn ấy. Tuy nhiên đó là nơi thật tuyệt để chơi bóng. Mẹ đã xin tôi đừng đi tới đó nhưng hàng ngày tôi vẫn đi bộ tới sau khi tan học để đá bóng. Tôi biết nhiều người nghĩ Thụy Sĩ toàn là cảnh đẹp và quả thực hầu như là thế. Nhưng ở trong cái công viên này thì đúng là trông rất điên rồ. Tất cả các đội bóng tập hợp ở đó cứ như là Liên hợp quốc vậy. Chúng tôi có người Thổ Nhĩ Kỳ, người châu Phi, người Serbia, người Albania,… Và không chỉ là bóng đá – ai cũng chơi ở đó nên bạn sẽ thấy nhiều đứa trẻ người Đức nhảy hip hop, đọc rap, những bạn gái đi bộ thẳng qua sân bóng khi một trận đấu đang diễn ra.
 
Ở đó, bóng đá thực sự là bóng đá. Bạn sẽ thấy có những người lúc nào cũng bị ăn đấm. Tôi thì chưa bao giờ bị đấm vì lúc nào cũng giữ mồm giữ miệng. Nhưng việc đá bóng ở cái công viên đó thực sự đã giúp tôi nhiều điều vì lúc đó tôi chỉ là một thằng nhóc nhỏ con và đã học được cách thi đấu với những người đàn ông không biết đùa là như thế nào.
 
Năm 14 tuổi, tôi đá cho đội trẻ FC Basel và chúng tôi có cơ hội thi đấu ở Nike Cup tại Prague. Vấn đề là tôi sẽ phải nghỉ học một vài ngày và khi tôi hỏi thầy giáo, ông ấy đã nói không. Ở Thụy Sĩ, các giáo viên rất nghiêm túc với công việc giáo dục. Lúc đó tôi nghĩ: “Vãi. Được thôi, mình sẽ giả vờ ốm”.
 
Và thế là mẹ tôi viết một lá đơn gửi tới trường, nội dung nói là tôi bị cảm cúm hay gì đó. Còn thực chất tôi đã tới Prague đá giải. Tôi đã thi đấu tốt và đó là lần đầu tiên được chứng kiến những đứa trẻ từ các nước khác nhìn mình kiểu như là thằng bé đó tới từ Basel đấy. Cảm giác đó thật tuyệt.
 
Xherdan Shaqiri chơi nổi bật trong chiến thắng của Thụy Sỹ trước Serbia
Chúng tôi trở về nhà và sáng thứ Hai tuần sau, tôi lại đến trường và vẫn giả vờ ốm một chút. Và giáo viên của tôi lập tức nói “Xherdan lại đây. Lại đây, lại đây.”
 
Thầy vẫy tôi và lôi tờ báo ra khỏi ngăn bàn. Ông ấy chỉ xuống và bảo “Ồ, em bị ốm đây hả?”
 
Và trên trang nhất của tờ báo là hình ảnh tôi đang cười, trên tay cầm danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Tôi chỉ biết nhìn thầy và đưa tay lên trời kiểu “Ôi… thật là chết tiệt!”
 
Sau giải đấu đó tôi bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý nhưng tiền bạc vẫn thực sự là một vấn đề với gia đình vì anh em tôi đều chơi cho Basel. Mỗi khi chúng tôi phải chi trả cho một trại tập luyện nào đó ở Tây Ban Nha là đã mất khoảng 700 Franc Thụy Sĩ rồi. Một đêm, bố đến nói chuyện với chúng tôi: “Các con biết đấy, bố mẹ không thể đóng khoản tiền này.”
 
Chính vì thế mà tôi và các anh phải ra ngoài kiếm tiền. Tôi đã đi cắt cỏ trong 3 tuần và một ông anh tôi – thậm chí tôi không biết chính xác là anh ấy làm gì – làm việc trong một nhà máy với những tấm kính bảo hộ lớn. Bằng nhiều cách, chúng tôi đã có đủ tiền và có thể đi Tây Ban Nha. Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi khi đó không phải là không được đi mà là các đồng đội phát hiện ra chúng tôi không thể đóng tiền.
 
Chắc hẳn các bạn cũng biết điều đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào khi xung quanh là những đứa trẻ cùng bạn tận hưởng niềm vui và nhất là khi bạn mới chỉ 16, 17 tuổi. Sau buổi tập, cả lũ sẽ đi lấy đồ ăn từ ki ốt và anh em chúng tôi thì không bao giờ có đủ tiền nên luôn phải viện cớ để về nhà luôn. Nhưng tôi cho rằng điều đó cũng khiến tôi khao khát hơn, khao khát được thi đấu với những người giỏi nhất, luôn là như vậy.
 
Khoảng 1 năm sau khi 17 tuổi, tôi được gọi lên đội một Basel. Tôi được vào sân khoảng 20 phút cuối trận và tôi nghĩ mình đã đá khá tốt. Tôi tiếp tục thể hiện bản thân trong buổi tập ngày hôm sau và huấn luyện viên đội trẻ nói với tôi rằng “Cái quái gì thế? Cậu nghĩ cái gì vậy?”
 
Tôi trả lời “Thầy đang nói về cái gì ạ?”
 
Ông ấy nói tiếp “Tôi vừa nói chuyện với huấn luyện viên trưởng. Ông ấy bảo rằng tất cả những gì cậu làm chỉ là rê bóng. Cậu phải trở lại đội hai, có thế thôi.”
 
Shaqiri trong màu áo đội tuyển Thụy Sỹ
Tôi hoàn toàn bị sốc và nghĩ là cơ hội đá ở đội một Basel đã hết.
 
2 tuần sau, họ sa thải huấn luyện viên trưởng. Một vị huấn luyện viên mới xuất hiện. Ông ấy gọi tôi lên đội một và thật hài hước khi xếp tôi đá hậu vệ trái. Và… các bạn biết không, tôi thích tấn công và kiến tạo, do đó các hậu vệ luôn quát tôi rằng “Cậu phải quay về ngay! Quay lại đi!”
 
Hahaha! Tôi có thể nói gì đây? Mọi chuyện sau đó với tôi diễn ra khá thuận lợi vì báo chí nói rằng có lẽ tôi sẽ được triệu tập lên đội tuyển tham dự World Cup 2010. Thực sự tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Đúng là điên rồ. Thời điểm tôi biết mình được có tên trong danh sách thật là quá cảm xúc. Tôi về thẳng nhà kể với bố mẹ và họ cũng rất hạnh phúc. 
 
Mọi thứ xảy ra quá nhanh. Mới ngày nào tôi còn 16 tuổi, cắt cỏ trong vườn của nhà người ta để có tiền đi Tây Ban Nha và năm 18 tuổi, tôi đã trên chuyến bay tới Nam Phi dự World Cup. 
 
Tôi nhớ khi chúng tôi đối đầu với đội tuyển Tây Ban Nha, nhìn thấy Iniesta ở trước mặt, tôi đã nghĩ rằng Wow, người mà tôi xem trên TV, anh ấy đang ở đây. Nhưng điều mà tôi sẽ luôn khắc sâu trong lòng là khi đặt chân tới Nam Phi, chúng tôi đến khách sạn của mình và ở bên ngoài mỗi phòng lại có một người lính cầm một khẩu súng rất to. Chúng tôi có những người lính bảo vệ riêng. Tôi thấy thật thú vị vì… chỉ 1 năm trước đó tôi vẫn còn từ công viên chạy về nhà vào ban đêm! Giờ đây thì tôi đã có vệ sĩ vũ trang riêng?!
 
Xhaka Shaqiri
Với bố mẹ tôi, có lẽ thời khắc chứng kiến tôi thi đấu ở World Cup là một thời khắc thực sự tự hào vì họ đến Thụy Sĩ với hai bàn tay trắng và làm việc rất cật lực để các con có một cuộc sống thật tốt đẹp. Tôi nghĩ truyền thông thường hiểu sai cảm xúc của tôi với đất nước Thụy Sĩ. Tôi cảm thấy mình có hai ngôi nhà, đơn giản thế thôi. Thụy Sĩ cho gia đình tôi mọi thứ và tôi cũng cố gắng cống hiến hết mình cho đội tuyển quốc gia. Nhưng bất cứ khi nào đến Kosovo, tôi cũng lập tức có cảm giác của một mái ấm. Điều này nghe có vẻ không hợp lý lắm nhưng đó là cảm xúc trong lòng tôi. 
 
Năm 2012, khi chúng tôi đối đầu Albania, tôi đã thêu quốc kỳ của Thụy Sĩ, Albania và Kosovo lên đôi giày của mình. Và một vài tờ báo Thụy Sĩ đã nói những điều khá tiêu cực. Họ buông lời chỉ trích nhưng tôi cho rằng bọn họ thật điên rồ vì đó đơn giản là danh tính, là quê hương của tôi thôi. Điều tuyệt vời ở Thụy Sĩ là đây là đất nước luôn dang tay chào đón những người đến từ những nơi bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và đói nghèo tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thụy Sĩ có nhiều núi và hồ. Nhưng Thụy Sĩ cũng có một công viên mà tôi từng chơi bóng với các bạn người Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, châu Phi, các bạn gái và các rapper người Đức. Thụy Sĩ dành cho tất cả mọi người.
 
Tại World Cup 2018, khi vào sân tôi sẽ xỏ đôi giày có thêu quốc kỳ Thụy Sĩ và Kosovo. Chẳng phải vì lý do chính trị hay những thứ liên quan gì hết mà đơn giản những lá cờ ấy đã kể nên câu chuyện cuộc đời tôi. Đừng lo lắng, lá cờ Thụy Sĩ vẫn nằm trên chiếc giày trái của tôi mà.
 
Lược dịch từ bài viết “Now I Got My Own Army Guy?” trên The Player’s Tribune.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.