“Cầu từ thiện của vợ chồng Công Vinh bị chê lên chê xuống” , “Xây cầu từ thiện, Công Vinh vẫn bị ném đá dữ dội”… đó là một vài tít báo xuất hiện một cách phổ biến trong vài ngày qua và đó cũng là cách phản ứng của một bộ phận không nhỏ dư luận về câu chuyện xây cầu từ thiện của Công Vinh tại một xã của tỉnh Kiên Giang. Vài người có lẽ sẽ hơi bất ngờ về việc này nhưng nếu đã dõi theo Công Vinh qua nhiều năm thì đó lại không phải một câu chuyện mới. Bởi suy cho cùng, ngoài Hồ Ngọc Hà và Ngọc Trinh ra có lẽ chẳng còn ai phải chịu nhiều lời bán tán của dư luận như tiền đạo người xứ Nghệ.
TỪ KẺ "ĂN MAY" TRÊN SÂN BÓNG...
Chân sút vĩ đại nhất trong lịch sự của đội tuyển quốc gia; chân sút nội xuất sắc nhất tại giải vô địch quốc gia; cầu thủ nội đắt giá nhất trong lịch sử; cầu thủ ghi bàn thắng quyết định nhất mang về chức vô địch mà cả đất nước luôn chờ đợi. Nếu một cầu thủ làm được tất cả những điều trên thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cầu thủ ấy chắc chắn sẽ là một huyền thoại, được người ta kính trọng hết mực, ở một vài nơi anh ta có thể được dựng tượng tại quê mình và thậm chí được lấy tên để đặt cho một con đường hay một sân bay. Câu chuyện ấy diễn ra ở hầu hết các quốc gia nhưng không phải là ở đây, tại Việt Nam. Công Vinh là người nắm giữ tất cả các kỷ lục ấy của bóng đá Việt Nam vậy mà sau tất cả - ở đâu đó, một vài người dành cho anh ba chữ “Thằng ăn may”!
Chúng ta vẫn biết đến Sea Games 2005 như vết nhơ lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam nhưng vẫn có những người nhắc lại và cho rằng nếu không có sự kiện ấy, Công Vinh đã chẳng có cơ hội thành công như bây giờ.
“May mắn không đến với một ai cả nếu như họ không có khả năng và không cố gắng hết khả năng đó.”
Đó là câu trả lời của anh và hơn hết là cách anh nỗ lực thể hiện trên sân bóng. Cũng nên nhớ rằng tiền đạo xứ Nghệ đã giành quả bóng vàng Việt Nam năm 2004 trước cả thời điểm vụ bê bối tại Sea Games 2005 diễn ra. Ở một nền bóng đá mà những thứ tiêu cực dễ được nhận ra hơn cả những điều tốt đẹp thì chẳng ai “ăn may” được như Công Vinh trong suốt những năm qua: “Ăn may” để hoàn thiện bản thân từ thể hình cho đến kỹ thuật; “ ăn may” để đứng vững trước những bàn tán, công kích của dư luận, “ăn may” để duy trì phong độ trong suốt nhiều năm dài và “ăn may” để được những người có chuyên môn thừa nhận như tiền đạo xuất sắc nhất Việt Nam và hàng đầu Đông Nam Á một thập kỷ qua. Công Vinh “ăn may” hay thật!
|
Người hùng của bóng đá Việt Nam 2008 |
Ở môi trường bóng đá có vô số những cám dỗ, một môi trường mà đầy rẫy những cầu thủ chưa kịp thành “sao” đã “xịt” bởi những thứ tiêu cực, thì chàng trai ấy vẫn đứng vững biết cách vượt qua những thứ ấy để bảo vệ chính sự nghiệp của mình. Và hãy đợi xem, rồi khi Công Vinh chính thức chia tay bóng đá, Việt Nam sẽ lại phải mòn mỏi tìm được ra kẻ “ăn may vĩ đại” như Công Vinh kể cứu vớt cho cả một nền bóng đá.
Không phải ai cũng cho rằng Công Vinh ăn may nhưng họ lại có một suy nghĩ khác theo kiểu “Công Vinh chơi bóng không mang lại cảm xúc được như cầu thủ A hay cầu thủ B…”. Đã nói về cảm xúc thì không thể nói là đúng hay sai. Nhưng bạn có nhớ mình đã từng sướng phát điên như thế nào, chạy khắp phố hò hét ra sao, hay hơn nữa là hòa vào dòng người cùng màu cờ nhuộm đỏ khắp các góc phố tuyệt vời thế nào sau cú lắc đầu thành bàn của chàng trai năm ấy không? Buổi tối mùa đông cuối năm 2008 nếu không gọi là cảm xúc thì trần đời này thứ gì được gọi là cảm xúc?
NHỮNG CHUYỆN ĐẦY TAI TIẾNG NGOÀI SÂN CỎ
Vụ “cái cầu” vài ngày gần đây không còn là lần đầu tiên Công Vinh gây ra những cơn bão dư luận. Năm 2010, Công Vinh tạo ra một scandal lớn khi có những bức ảnh “bán nude” nhạy cảm cùng bạn gái Thủy Tiên. Kể cả sau này, khi hai người đã công khai chuyện tình cảm và kết hôn thì vẫn có nhiều người cho rằng Công Vinh đã dấn quá sâu vào trong những câu chuyện của giới Showbiz ồn ào. Về những bức ảnh nhạy cảm năm 2010, Công Vinh và Thủy Tiên đều đã lên tiếng giải thích rằng mình bị ép chụp và không hề biết chúng được sử dụng như thế nào. Nhưng thật ra họ cũng không cần phải làm như thế, trong câu chuyện ấy chẳng ai có lỗi đơn giản vì không có ai chịu thiệt cả. Vậy thì chỉ trích ai và để làm gì? Chuyện sau này Công Vinh có tham gia một số hoạt động để giúp công việc của Thủy Tiên mà nhiều người cho rằng có thể làm ảnh hưởng đến việc thi đấu lại càng không hợp lý. Ra là bây giờ người ta còn chê trách một người đàn ông biết quan tâm và giúp đỡ cho sự nghiệp của vợ mình như thế và vậy thì chắc phải đi thần tượng mấy anh chàng đào hoa và sát gái cho đến cả khi đã có vợ?
|
Công Vinh trong màu áo Sapporo |
Công Vinh không chỉ làm tốt bổn phận của một người chồng mà cả ở bộn phận làm con hay làm cha nữa. Năm 2013, Công Vinh đã có thể chơi bóng lâu dài tại Nhật Bản bởi sau khi hợp đồng cho mượn 5 tháng kết thúc, câu lạc bộ Consadole Sapporo đã ngỏ ý muốn có được sự phục vụ của anh trong những năm tháng tiếp theo với những sự đãi ngộ rất tốt như chính anh đã thừa nhận, nếu không nắm bắt cơ hội này, bản thân sẽ cảm thấy thực sự khó chịu và nuối tiếc. Nhưng anh đã từ chối, đơn giản vì anh không muốn phải xa gia đình của mình quá lâu và không muốn tuổi thơ của con mình thiếu đi hình bóng người cha. Và người ta cũng gần như rất ít khi thấy hình ảnh con anh xuất hiện, đó là quyết định của anh còn lý do, chắc bạn có thể hiểu được. Chúng ta cũng không cần phải nhắc lại tuổi thơ gian khó của Công Vinh thêm nữa, bởi thực ra ở vào thời kỳ ấy ở mảnh đất Miền Trung gió Lào nắng rát ấy cũng chẳng có mấy tuổi thơ nào được êm đềm. Nhưng hãy nhìn vào cái cách anh vượt qua những ngày tháng ấy để thành công, tự lo được cho bản thân và giúp đỡ cả gia đình ra sao. Và đâu đó người ta lại chỉ đọc được những bài báo về chuyện chị gái của một cầu thủ giàu có phải bán vé số…
Quay trở lại với câu chuyện xây cầu từ thiện của Lê Công Vinh, lẽ ra việc ấy phải đường tán thưởng và tuyên dương chứ không phải là những lời phán xét về việc anh thích thể hiện hay “mặt cầu không đủ mịn” hay “cái cầu quá xấu”... Có rất nhiều cây cầu còn cần được tạo ra, sửa chữa lại ở Việt Nam và có những người đáng ra phải có trách nhiệm làm việc ấy chắc hẳn mong muốn có thật nhiều những người như Công Vinh và Thủy Tiên – những người vô tư đứng ra làm công việc đáng ra họ không phải làm để rồi sau đó miễn phí nhận thêm “gạch đá” có lẽ đủ để xây một cây cầu khác. Và phải chăng làm từ thiện thì không được nói ra và “thà khốn nạn trong lặng im còn hơn là tử tế ra bên ngoài”?!!?
|
Công Vinh và Thủy Tiên cùng cây cầu từ thiện |
...ĐẾN MỘT CÔNG DÂN MẪU MỰC
Nếu xã hội ngoài kia ai cũng làm việc và đóng góp như tiền đạo 31 tuổi thì hẳn sẽ rất tuyệt. Chỉ quan tâm đến công việc của mình, luôn cố gắng hết sức và biết cách tạo ra những đồng tiến chính đáng từ những gì mình có, và điều quan trọng là luôn khát khao cống hiến cho đất nước.
Bạn có thể thấy cầu thủ nọ xin phép không lên đội tuyển vì gia đình có chuyện, vì xích mích cá nhân hay vì một lý do nào khác nhưng đó không phải là câu chuyện của Công Vinh. Chuyện của anh là những trận cầu chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo mặc kệ “búa rìu” dư luận, những lần một mình kéo cả tập thể Việt Nam đi lên hay những giọt nước mắt nhạt nhòa vì thất bại của đội tuyển.
Lê Công Vinh cũng chính là hình ảnh đại diện của cả nền bóng đá và đất nước Việt Nam trong nhiều năm qua chí ít là trong khu vực hay ở Nhật Bản, Bồ Đào Nha - những nơi anh đã từng thi đấu. Khi trang facebook chính thức của AFF Suzuki Cup 2016 đăng tải bức hình đội tuyển Việt Nam cùng câu hỏi liệu chúng ta có thể vô địch giải đấu năm nay hay không, bình luận hàng đầu của một người nước ngoài bằng tiếng Anh có nội dung thế này:
“Việt Nam có thể làm nên chuyện. Nếu cầu thủ số 9 của họ đảm bảo thể lực và phong độ để thi đấu. Anh ta là cầu thủ số 1 của Việt Nam”
Thậm chí cả những cổ động viên nước ngoài cũng biết điều ấy thì chúng ta còn có gì phải hoài nghi.
Công Vinh sẽ chính thức treo giày sau kỳ AFF cup cuối năm nay, vì thế những người vốn không ưa anh có lẽ vẫn sẽ cố tìm những cơ hội để thể hiện những hoài nghi ấy vì dẫu sao họ cũng không còn nhiều thời gian nữa. Còn rất nhiều cổ động viên Việt Nam hẳn sẽ không bao giờ có thể quên được Công Vinh và vẫn sẽ sởn da gà khi xem lại bàn thắng từ cú đánh đầu của anh năm 2008 - Bàn thắng “đẹp nhất” trong lịch sử bóng đá Việt Nam!
SW (TTVN)