Marco Materazzi đã dự định đưa các con tới Disneyland Paris sau World Cup 2006. Anh đã phải xa cách ngôi nhà thân yêu của mình ở Milan suốt 6 tuần và rất muốn có một chuyến đi chơi cùng gia đình để bù đắp cho khoảng thời gian đó. Họ sẽ cưỡi ngựa, tạo dáng chụp ảnh với chuột Mickey.
Sau khi toàn tâm toàn ý cống hiến cho ĐTQG Italy trong vai trò trung vệ, Materazzi muốn trở lại với vai trò một ông bố. Nhưng anh đã không thể làm điều đó và được khuyên nên huỷ chuyến du lịch đã lên kế hoạch. Materazzi đã phải làm vậy với một trái tim nặng trĩu, tự hỏi mình nên nói chuyện này với bọn trẻ thế nào đây.
“Đó là lần đầu tiên tôi không thể giữ lời hứa trong tư cách một ông bố,” anh than thở. Thật không may, sau những gì đã diễn ra trong trận chung kết World Cup tại Berlin cách đó không lâu, việc Materazzi đến Pháp vào thời điểm ấy sẽ bị coi là một hành động khiêu khích trắng trợn.
Đó chính là hệ quả từ hình ảnh một tên bẩn tính khoái khiêu khích người khác đã gắn chặt với Materazzi, trong khi ý định duy nhất của anh là thể hiện tình yêu của một ông bố chiều con. Điều đó khiến anh rất buồn rầu. Chẳng phải anh mới là nạn nhân trong scandal cú húc đầu của Zinedine Zidane thay vì là thủ phạm hay sao? “Rõ ràng đó là định mệnh của tôi,” Materazzi chia sẻ trong cuốn hồi ký của anh, The Life of a Warrior (Cuộc đời của một chiến binh). “Tôi chưa bao giờ có thể tận hưởng trọn vẹn những điều mà mình đạt được, bởi vì luôn có thứ gì đó phá đám. Trong lần này, đó là cuộc tranh cãi bất tận sau trận chung kết và cú húc đầu kia.”
***
Vào một ngày mưa phùn của tháng 11, Materazzi đã đến London. Phải chăng là vì Inter sẽ góp mặt trong một trận đấu thuộc đấu trường Champions League với đối thủ Arsenal hoặc Chelsea? Không, mục đích anh ở đây không phải là để bảo vệ khung thành của Julio Cesar khỏi Robin Van Persie hoặc Didier Drogba. Materazzi đi London lần này là để bảo vệ phẩm giá của chính mình tại Toà Án Tối Cao. Sau trận chung kết World Cup, tờ Daily Mail đã cáo buộc rằng chính Materazzi đã kích động Zidane húc đầu vào mình với những “lời lẽ phân biệt chủng tộc hèn hạ” và “sỉ nhục mẹ của Zidane”.
Nhưng cuối cùng, họ đã phải xin lỗi Materazzi vì đã vu khống anh, cả The Sun và Daily Star cũng vậy, sau một loạt các vụ kiện về tội xúc phạm danh dự do chính trung vệ người Italy thực hiện. Đó chẳng khác nào một cú ăn ba khác bên cạnh cú ăn ba mà anh được ăn mừng cùng Inter vào năm 2010. Sau hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, tờ The Times đã vinh danh cố vấn pháp lý của anh là “Luật sư xuất sắc nhất tuần”.
Đối với Materazzi, đây là một cuộc chiến có tầm quan trọng cực lớn, khiến anh căng thẳng và nghiêm túc hơn bao giờ hết.
Trong sự nghiệp bóng đá của mình, Materazzi thường tạo ấn tượng rằng anh là một người đàn ông luôn đón nhận mọi vấn đề một cách điềm tĩnh với một cái đầu lạnh, thậm chí thích thú và say sưa tận hưởng những tai tiếng vây quanh mình. Nhưng trong vụ việc này, anh đã phải nhận những lời đe doạ tính mạng sau các cáo buộc hoàn toàn sai sự thật của Mail, và dù cho Materazzi nổi tiếng với hình ảnh của một chiến binh lạnh như băng và không biết sợ là gì, anh vẫn là một con người và là một người đàn ông của gia đình, vậy nên đương nhiên anh không thể thờ ơ khi những ảnh hưởng tiêu cực từ vụ lùm xùm này mà anh và gia đình đang phải hứng chịu không chỉ dừng lại ở việc phải huỷ chuyến du ngoạn Euro Disney.
Bản thân cú húc đầu và những lời qua tiếng lại mà anh và Zidane thực sự ném vào nhau không phải là điều khiến Materazzi ân hận, mà là việc anh đã không lên tiếng ngay sau trận đấu. “Sự im lặng của tôi và anh ta sau trận đấu đã tạo điều kiện cho mọi người suy diễn, nói và viết những điều bịa đặt về các câu từ mà chúng tôi đã nói với nhau.” Một mặt, vụ việc này đã trở thành tâm điểm thu hút nhiều sự chú ý nhất thay vì trận đấu. Nhưng mặt khác, Materazzi và Zidane vốn dĩ đã trở thành những nhân vật chính của trận chung kết World Cup 2006 từ trước khi cú húc đầu xảy ra.
Sau khi đánh bại Đức trong hiệp phụ tại Signal Iduna Park, một sân đấu mà đội chủ nhà chưa từng để thua, Azzurri không còn lo sợ bất cứ đối thủ nào. Nhưng họ sẽ thích gặp Brazil hơn là Pháp.
Khi xem các trận đấu tại khách sạn đóng quân của đội ở Duisburg, trung vệ đối tác của Materazzi là Fabio Cannavaro sau này đã kể lại rằng mình đã ngã phịch ra ghế trong sự thán phục sau mỗi khoảnh khắc thiên tài của Zidane. Đội tuyển Pháp đã loại Italy sau loạt sút luân lưu ở vòng tứ kết của World Cup 1998, và bàn thắng vàng của David Trezeguet đã một lần nữa biến Azzurri trở thành những kẻ chiến bại trước Pháp trong hiệp phụ của trận chung kết Euro 2000. Marcello Lippi từng làm việc với Zidane ở Juventus và biết rõ khả năng của tiền vệ người Pháp. “Tôi hy vọng mình sẽ không xúc phạm bất kỳ ai khi nói ra điều này, nhưng cậu ta chính là cầu thủ xuất sắc nhất mà tôi từng huấn luyện.”
Zidane chính là chủ nhân của Quả Bóng Vàng vào năm 1998, và có khả năng rất cao anh sẽ được France Football trao cho giải thưởng danh giá này một lần nữa nếu có thể đưa đất nước mình đến với chức vô địch World Cup thứ hai ở Đức. Mọi thứ về Zidane đều mang đến cảm giác mãn nhãn; cái đầu hói sáng bóng, những chữ cái đối xứng nhau một cách hoàn hảo trong tên và họ của anh, “thuốc súng” ẩn giấu sau những cú chạm bóng khoan thai, mượt mà tựa như lông ngỗng. Vừa duyên dáng, vừa nguy hiểm và đáng sợ, Zidane như thể một vũ công ba lê kiêm võ sư đai đen, và anh đã dạy cho người Brazil một bài học thế nào mới là chơi bóng vừa hiệu quả vừa đậm chất nghệ trong trận tứ kết. Dõi theo Zidane, chúng ta sẽ luôn thấy người đàn ông này kiểm soát tuyệt đối mọi thứ một cách hoàn hảo.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ở phút thứ 7 của trận chung kết, Zidane đã đứng trước một quả penalty và quyết định thực hiện kỹ thuật táo bạo nhất trước thủ môn xuất sắc nhất thế giới. Anh muốn thực hiện một quả Panenka trước Gianluigi Buffon trong trận đấu lớn nhất của thế giới bóng đá. Quyết định cực táo bạo này đã trở thành một lời tuyên bố về sự xuất chúng của Zidane. Nó cho thấy rõ ý định của anh. Đây chính là cách mà anh muốn trình diễn trong trận đấu cuối cùng của mình. Và anh đã thành công – khiến Buffon phải vào lưới nhặt bóng với một cú sút tuyệt vời cả về mặt chất lượng lẫn thẩm mỹ.
Trong sự ân hận vì đã “tặng” cho đối thủ một quả penalty, Materazzi đã cố tìm cách sửa sai. Tuy nhiên, quyết định cho tuyển Pháp được hưởng phạt đền là một sai lầm của trọng tài, bởi vì trong đoạn clip quay chậm tình huống dẫn tới quả penalty đó, Materazzi hầu như không hề chạm vào Florent Malouda. Nhưng đáng tiếc là vào thời điểm ấy VAR chưa ra đời.
Rất nhanh sau đó, tình hình tưởng chừng sẽ trở nên tệ hơn nữa đối với Italy khi Willy Sagnol thực hiện một quả tạt và cú đánh đầu phá bóng của Materazzi đã suýt chút nữa trở thành một pha phản lưới nhà. “Tôi đã tự nghĩ, ‘đây không phải là đêm của mình rồi’,” Materazzi kể. Nhưng Italy đã không bị dẫn trước quá lâu. Trong khi tập luyện cho khâu dàn xếp tấn công trong các tình huống cố định, các đồng đội của Materazzi đã nói với anh rằng Patrick Vieira rất sợ khả năng không chiến của anh. Họ đã đối đầu nhau trong các trận Derby d’Italia, và nỗi sợ đó đã trở thành sự thật. Materazzi đã nhảy cao hơn tiền vệ người Pháp để đánh đầu mang về bàn thắng gỡ hoà cho Azzurri.
Anh đã chỉ tay lên trời, hình dáng cao ráo của Materazzi khiến anh trông như thể một cột buồm mà các cầu thủ Italy bám vào sau một cơn bão sớm. Trong một khoảnh khắc, sự xúc động đã ngập tràn tâm trí anh, mặt anh đỏ bừng và chực trào nước mắt. Với hành động chỉ tay lên trời, anh đang tặng bàn thắng đó cho mẹ mình, Anna, người đã qua đời khi anh chỉ mới 15 tuổi. “Mẹ đã ở đó,” Materazzi nói. “Khi tôi bật nhảy cao hơn Vieira và đưa bóng vào lưới, bà ấy đã ở đó. Khi tôi khóc lóc ở một góc sân, hôn vào chiếc cúp vô địch World Cup và hát hò cùng đồng đội, bà ấy đã ở đó.”
Nỗi đau của Materazzi, tình yêu vĩnh cữu mà anh dành cho mẹ mình – con gái của Materazzi đã được đặt tên theo tên của bà – đồng nghĩa rằng anh không bao giờ có thể xúc phạm mẹ của người khác. “Chỉ những kẻ mù tịt về chuyện này mới có thể viết và nói rằng tôi đã xúc phạm mẹ của Zidane ở Berlin. Chỉ những kẻ chẳng biết gì về tôi cả mới rắp tâm bịa đặt ra câu chuyện đó. Tôi sẽ không bao giờ cho phép mình bôi nhọ tình mẫu tử thiêng liêng, bởi vì tôi hiểu rõ cảm giác khi mất đi tình yêu ấy đau đớn đến thế nào.”
Trận đấu đã phải bước sang hiệp phụ, và tuyển Pháp đã càng cho thấy khả năng giành chiến thắng của họ là cực cao. Một quả tạt khác của Sagnol đã tìm đến được Zidane trong vòng cấm. Rino Gattuso lại một lần nữa không thể kiểm soát anh. Nhưng Buffon đã kịp thời cứu nguy. Gattuso đã bảo Materazzi rằng hãy bắt đầu kèm sát Zidane. Tiền vệ của AC Milan nhận thấy anh không thể làm điều đó một mình.
Vào lần tiếp theo Zidane xâm nhập vòng cấm của Italy, Materazzi đã đảm bảo rằng tiền vệ người Pháp đang bị kèm chặt hơn. Và điều đó đã diễn ra hết lần này đến lần khác. Materazzi đã xin lỗi, nói với Zidane rằng mình không thể để anh ta được tự do di chuyển và thực hiện một cú dứt điểm nguy hiểm khác.
Khi họ rời khỏi vòng cấm, Materazzi khẳng định rằng Zidane đã nói: “Nếu mày muốn cái áo của tao, chờ hết trận tao cho mày.” Nhưng Materazzi vốn đã có một chiếc áo đấu của Zidane. Họ đã đổi áo với nhau sau một trận đấu khác của Italy và Pháp trong quá khứ. “Tôi đã trả lời rằng, ‘Tao thích chị mày hơn đấy’.” Anh chẳng nghĩ gì nhiều về tình huống đó cả. Đối với Materazzi, đó chỉ là một kiểu đấu khẩu thường xảy ra trên sân trường, tại Italy, hoặc thậm chí là tại nhà nguyện. Chỉ đơn thuần là vài câu chửi nhau thoáng qua mà thôi, chẳng có gì nghiêm trọng cả. Nhưng nó lại khiến Zidane nổi cáu và hậm hực đủ nhiều, đủ lâu để tạo nên một tai hoạ. Gương mặt bí hiểm, khó dò như thể Nhân Sư của tiền vệ người Pháp đột nhiên nứt vỡ.
Chị gái của Zidane, Lila, đã gọi điện cho anh rất nhiều lần vào ngày hôm đó. Mẹ của họ không được khoẻ và Lila đang chăm sóc bà. Cô đã gọi điện hết lần này đến lần khác. Chính vì vậy mà Zidane vốn đã rất căng thẳng. Trong hoàn cảnh đó, anh lại đang phải chuẩn bị cho một trận chung kết, trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp lừng lẫy của mình. Mùa hè này, Zidane đã kể lại vụ việc trong một cuộc phỏng vấn với L’Equipe để đánh dấu sinh nhật tuổi 50 của mình. “Anh ta không nói gì về mẹ tôi cả,” Zidane giải thích. “Anh ta thường phân trần như vậy và đó là sự thật. Nhưng anh ta đã xúc phạm chị gái tôi, người đang ở bên cạnh mẹ tôi thâu đêm suốt sáng vào thời điểm đó. Mọi người thường nói với nhau đủ thứ trên sân đấu. Đôi khi là những lời lẽ tồi tệ. Tuy nhiên hầu như chỉ là võ mồm thôi chứ chẳng động thủ. Nhưng vào ngày hôm ấy, hành động kia đã xảy ra. Những lời lẽ của anh ta về chị tôi đã kích động một thứ gì đó trong tôi. Chỉ mất 1 giây thôi. Sau đó, mọi thứ kết thúc.”
Materazzi không hề ngờ đến những gì xảy ra sau đó. Anh đang nhìn sang chỗ khác trong khi Zidane chạy ra trước mặt mình và chuẩn bị tung ra cú húc đầu.
Trọng tài chính người Argentina, Horacio Elizondo, ban đầu không hề biết chuyện gì vừa xảy ra cả. Ông không biết vì sao Materazzi lại nằm ngửa. 69.000 khán giả tại Olympic Stadion đều hướng sự chú ý về Elizondo. Hơn 715 triệu người trên khắp thế giới đang nín thở theo dõi ông. Họ muốn biết ông sẽ làm gì vì họ đang nhìn thấy điều mà Elizondo không thể thấy tận mắt: Cú húc đầu của Zidane đã được phát lại trên truyền hình.
Elizondo đặt ngón tay lên tai và liên lạc với trợ lý của mình là Dario Garcia để hỏi xem anh ta có thấy gì không. Câu trả lời là không. Trọng tài biên Rodolfo Otero cũng không. Trọng tài thứ tư, Luis Medina Cantalejo, thì có: “Horacio, Horacio, tôi đã thấy nó. Một cú húc đầu thực sự bạo lực của Zidane vào Materazzi.”
Đương nhiên, sau khi nhận được câu trả lời về chuyện đã xảy ra, Elizondo không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đuổi Zidane ra khỏi sân.
Đây không phải là lần đầu tiên Zidane để một vụ việc như thế này xảy ra. Lippi hiểu điều đó hơn ai hết. Ông từng ở trong hoàn cảnh của HLV trưởng Raymond Domenech bên phía đội tuyển Pháp, và bất kỳ ai đã xem “Zidane: A 21st-century portrait”, một bộ phim theo sát mọi hành động của anh trong một trận đấu giữa Real Madrid và Villareal, đều biết rằng ngôi sao người Pháp cũng đã bị đuổi khỏi sân với một chiếc thẻ đỏ trong trận đấu đó.
“Trong quá khứ, cậu ấy đã húc đầu vào một cầu thủ của Hamburg (Jochen Kientz) ở Champions League (vào năm 2000) và đấm một cầu thủ của Parma,” Lippi hồi tưởng. “Nhưng Zidane vẫn là một con người vĩ đại và vài hành động sai lầm sẽ không thay đổi được điều đó.”
Có lẽ chỉ có hình ảnh Roberto Baggio ủ rũ đứng chôn chân tại chỗ sau khi thất bại trong lượt đá luân lưu của mình trước đối thủ Brazil vào năm 1994 mới mang đến một cảnh tượng đáng buồn hơn trong một trận chung kết World Cup so với hình ảnh Zidane đi qua chiếc cúp vô địch với tâm trạng chán nản tột cùng.
Còn Materazzi sẽ sớm được đặt một chiếc mũ mang màu cờ Italy lên chiếc cúp vô địch. Anh đã thực hiện thành công lượt sút của mình trong loạt đá luân lưu. Trezeguet đã sút hỏng và Fabio Grosso đã trở thành Marco Tardelli của một thế hệ mới. “Tôi phải chấp nhận nó,” Zidane chia sẻ với L’Equipe về cú húc đầu. “Tôi không tự hào về nó, nhưng nó vẫn là một phần trong cuộc hành trình của tôi. Hồi ấy tôi đã quá mong manh. Và chính trong những khoảnh khắc ‘mong manh dễ vỡ’ đó, đôi khi bạn sẽ có những hành động sai lầm. Đó là cách trận đấu cuối cùng của tôi kết thúc. Thật kinh khủng. Nhưng chuyện đã rồi, đành chịu thôi. Thật khó chấp nhận. Nhưng nó là một phần trong sự nghiệp của tôi. Nó là một phần của câu chuyện về cuộc đời tôi, cũng giống như 2 bàn thắng mà tôi đã ghi trong trận chung kết năm 1998.”
Chưa đầy một tuần sau trận chung kết, đã có một phiên điều trần kỷ luật diễn ra ở trụ sở của FIFA tại Zurich. Materazzi đã bị treo giò 2 trận, trận thứ hai cũng là một cuộc đối đầu với đội tuyển Pháp tại Paris thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup. Quyết định đó đã khiến Materazzi rất bất mãn. Anh tuyên bố rằng đội pháp lý của mình có trong tay video về việc chính Zidane cũng từng sử dụng những lời lẽ xúc phạm đối thủ tương tự như anh trong quá khứ, nhưng cuối cùng quyết định không sử dụng nó để bào chữa cho mình. Câu chuyện này đã trở nên quá ồn ào, quá nghiêm trọng. Trung vệ người Italy cho rằng tốt hơn hết là nên để nó dịu xuống, trôi vào quá khứ và bản thân mình thì tiếp tục tiến bước.
Materazzi sẵn sàng bắt tay giảng hoà với Zidane. Anh đã nói với uỷ ban kỷ luật rằng theo ý kiến của mình, Zidane xứng đáng được trao Quả Bóng Vàng. “Nhưng giờ đây vụ việc này đã đi quá xa và trở nên nghiêm trọng quá mức cần thiết,” Materazzi nói, “bản án đã được viết. FIFA thích phạt tôi hơn.” Zidane, một cầu thủ bóng đá đã nghỉ hưu, thì nhận án 3 ngày làm việc phục vụ cộng đồng với các hoạt động nhân đạo của FIFA. Liệu hình phạt này có thích đáng với hành vi sai trái của cựu cầu thủ người Pháp hay không? “Chỉ nhiều hơn tôi vỏn vẹn 1 ngày thôi!” Materazzi nói trong sự bực bội.
Trước kỳ World Cup tiếp theo diễn ra ở Nam Phi, chủ tịch FIFA khi ấy là Sepp Blatter đã phát hiện ra một cơ hội PR cực lý tưởng. Ông ta muốn giúp Materazzi và Zidane giảng hoà.
“Có lẽ họ nên cùng nhau đến đảo Robben, nơi Nelson Mandela đã bị giam giữ trong 27 năm,” Blatter nói. “Thật đáng tiếc… khi World Cup kết thúc với một tấm thẻ đỏ.”
Thay vào đó, Materazzi và Zidane đã tình cờ gặp nhau tại bãi đậu xe của một khách sạn ở Milan vào tháng 11 năm 2010. Real Madrid đã hành quân đến thành phố này để đấu với AC Milan trong một trận đấu thuộc Champions League, và Zidane lúc đó đang là một thành viên trong ban lãnh đạo của CLB Tây Ban Nha, cố vấn cho Florentino Perez và Jose Mourinho. “Những gì chúng tôi đã nói với nhau ngày hôm ấy sẽ được giữ bí mật. Tôi chỉ có thể kể nhiêu đây thôi: Lúc đó chủ yếu là tôi nói chuyện và khi mà cuối cùng anh ấy cũng chịu đưa tay ra, tôi đã bắt nó thật chặt cho đến khi anh ấy nhìn thẳng vào mắt tôi,” Materazzi kể với Mediaset. “Đó chính là những gì tôi muốn. Đối với tôi, điều đó thật tuyệt, còn anh ấy cảm thấy thế nào thì tôi chịu.”
Tại Qatar, đã có một tác phẩm điêu khắc bằng đồng tái hiện lại cú húc đầu được tạo nên bởi nghệ sĩ người Pháp gốc Nigeria Adel Abdessemed. Nó dự kiến sẽ được trưng bày trở lại trong thời gian diễn ra World Cup tại bảo tàng thể thao ở Doha, ban đầu nó từng được đặt ở một địa điểm trên bờ biển nhưng sau đó đã bị dẹp đi. Vốn là đại sứ của Qatar trong quá trình tranh quyền đăng cai World Cup, Zidane chắc hẳn sẽ có mặt tại giải đấu này. Có lẽ một ngày nào đó anh sẽ trở thành HLV trưởng của ĐTQG Pháp tại World Cup. Bản thân anh cũng cảm thấy mình có một công việc đang dang dở sau năm 2006. Anh chia sẻ với L’Equipe: “Đó chính là lý do tôi đã nói với Les Blues rằng, cuộc hành trình của mình với đội bóng này vẫn chưa kết thúc đâu. Tôi không muốn nó kết thúc như vậy. Nó chưa hề kết thúc.”
Theo James Horncastle, The Athletic