Wan-Bissaka gia nhập Man Utd: Canh bạc rủi ro… cho tất cả

Tác giả August - Chủ Nhật 30/06/2019 23:53(GMT+7)

Zalo

Một Wan-Bissaka với những thông số chuyên môn phòng ngự siêu hạng nhưng ngược lại vô cùng tầm thường trong hỗ trợ tấn công, lại mới chỉ có 1 mùa giải đỉnh cao ở đội bóng trung bình tại Premier League, liệu có thể vươn tới tầm cao mới tại Old Trafford

50 triệu bảng. Và Aaron Wan-Bissaka chính thức gia nhập Man Utd. Cầu thủ sinh năm 1997, cập bến Old Trafford từ Crystal Palace, trở thành hậu vệ đắt giá nhất lịch sử “Quỷ đỏ”, là hậu vệ cánh có mức phí chuyển nhượng cao thứ 3 trong lịch sử bóng đá Thế giới và thuộc Top 7 chuyên gia phòng ngự đắt giá nhất xưa nay.
MU chieu mo thanh cong Aaron Wan-Bissaka
 
WAN-BISSAKA: TỚI MAN UTD LÚC NÀY LÀ QUÁ...VỘI VÀNG?
 
Nhưng mua cầu thủ trẻ với mức giá khủng, đặc biệt là 1 tài năng trẻ người Anh luôn là một canh bạc lớn. Hiểu một cách đơn giản, song hành cùng với “mỗi Wayne Rooney” hay “mỗi Rio Ferdinand” – những tài năng tuổi teen có phí chuyển nhượng cao nhưng thành công rực rỡ sau này thì luôn có “những Andy Carroll”, như dạng thần đồng được thổi phồng quá mức về tài năng và không bao giờ đáp ứng được sự kì vọng bởi áp lực của cái giá quá lớn.
 
Man Utd không thiếu những ví dụ điển hình về cái gọi là “hai mặt vấn đề” khi đầu tư lớn vào các tài năng trẻ người Anh. Thành công có Rooney, Ferdinand nhưng thất bại cũng không ít. Như Phil Jones, cầu thủ mà khi nhắc tới quãng thời gian khoác áo “Quỷ đỏ” thường gắn liền với những tiếng thở dài. Hay như chính Luke Shaw, gia nhập Old Trafford với giá 30 triệu bảng ở tuổi 18, dính chấn thương siêu nặng và phải tới mùa giải vừa qua, tức sau 4 năm, mới phần nào thể hiện được năng lực. 
Aaron Wan-Bissaka qua loi ke cua cac HLV
 
 
Wan-Bissaka, 21 tuổi, mới chỉ có một mùa giải duy nhất đá chính ở Crystal Palace, sẽ trở thành “một Ferdinand mới” hay đi vào vết xe đổ của “một Phil Jones”? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời tốt nhất, nhưng ngày từ thời điểm này, khi Wan-Bissaka vừa chính thức ra mắt Man Utd, bên cạnh rất nhiều kì vọng dành cho tài năng trẻ này đương nhiên là những hoài nghi cực lớn.
 
Ferdinand là 1 trong những người đầu tiên viết lời chào mừng hậu vệ trẻ này khi thương vụ Wan-Bissaka chính thức hoàn tất. Trên Twitter cá nhân, Rio viết: “Tài năng. Trẻ trung. Người Anh. Và quan trọng hơn, tràn đầy khát khao chinh phục. Cậu ấy xứng đáng với cơ hội tuyệt vời này để có thể tiến xa hơn nữa trong tương lai. Cầu chúc may mắn cho Wan-Bisska trên hành trình mới này”. 
 
Rio, một người thực sự yêu Man Utd và luôn lo lắng cho vận mệnh của CLB, dĩ nhiên rất kì vọng rằng Wan-Bissaka không chỉ vượt qua kỉ lục về mức giá hậu vệ đắt nhất lịch sử Man Utd (của anh) mà còn có thể vượt qua chính tầm vóc cũng như những cống hiến của anh trong quãng thời gian chinh chiến trong màu áo Đỏ. Nhưng giữa Wan-Bissaka và Rio, ở điểm xuất phát khi tới Man Utd, có quá nhiều sự khác biệt. 
 
Rio Ferdinand khen ngoi Wan-Bissaka
Rio Ferdinand khen ngợi Wan-Bissaka
Trước khi đầu quân Man Utd, Rio đã là trụ cột là ngôi sao số 1 của Leeds. Wan-Bissaka, như trên đã nói, mới chỉ có duy nhất 1 mùa giải đỉnh cao cho Palace mà thôi. Tức, tài năng của Rio đã được khẳng định trước khi anh vươn tới những tầm cao mới ở Old Trafford. Còn Wan-Bissaka, ai dám chắc mùa giải 2018/19 của cầu thủ này là điểm khởi đầu cho một sự thăng tiến mạnh mẽ hay chỉ là hiện tượng nhất thời? Đấy là điểm hoài nghi thứ nhất!
 
Ở tuổi 21, mới chỉ có 1 năm kinh nghiệm Premier League, chưa chơi 1 trận nào cho đội tuyển Anh, Wan-Bissaka dù đang nhận được rất nhiều lời khen nhưng nếu nhìn vào hành trình phát triển của cầu thủ này, thật khó có thể nói anh là một siêu tài năng trẻ. Kiểu như Luke Shaw, 16 tuổi đã nhận được “chăm sóc" đặc biệt, chưa đầy 18 tuổi đã là trụ cột ra sân khá thường xuyên cho Southampton ở Premier League hay chính Way Rooney, gây bão với những màn trình diễn siêu hạng từ năm mới 17 tuổi. Theo Nigel Martin, một cựu danh thủ của Premier League, thì việc Wan-Bissaka gia nhập Man Utd chỉ sau 1 mùa giải được trao cơ hội đá chính, là quá… vội vàng. 
 
“Những gì Wan-Bissaka thể hiện ở mùa giải vừa kết thúc thật đáng kinh ngạc. Và tôi tin chắc rằng, cậu ấy sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều nếu đá thêm cho Palace một mùa giải nữa, vừa tích lũy được kinh nghiệm lại vừa có không gian để phát triển. Việc gia nhập Man Utd ngay thời điểm này là quá mạo hiểm bởi giờ Wan-Bissaka sẽ phải thúc đẩy bản thân mình gấp rút hơn để có thể đối mặt với những yêu cầu, thách thức và áp lực lớn hơn. Có những cầu thủ, sức ép càng lớn thì sức bật càng mạnh mẽ. Nhưng số khác thì không.
 
 Với tôi, đây là một thương vụ chuyển nhượng nhiều rủi ro cho Wan-Bissaka”. Bình luận của Martin hoàn toàn có lý, nếu nhìn vào Bissaka, người từng rất buồn vì không được Palace cho một đội bóng ở giải League One mượn hồi tháng 1/2018, chỉ vì đấy là cơ hội để chàng trai này được thi đấu thường xuyên thay vì chỉ sắm vai “quân xanh” ở đội một CLB chủ sân Selhurst Park.
 
XUẤT SẮC TRONG PHÒNG NGỰ NHƯNG HỖ TRỢ TẤN CÔNG LẠI QUÁ THƯỜNG
 
Tại Palace có nhiều giai thoại về khả năng của Wan-Bissaka, mà nhiều nhất chính là anh là cầu thủ duy nhất sở hữu tốc độ có thể “đua” với ngôi sao số 1 của sân Selhurst Park, Wilfried Zaha. Sở hữu thể hình đẹp và sải chân dài, Wan-Bissaka là 1 trong những cầu thủ tắc bóng giỏi nhất Premier League mùa trước. Mùa giải 2018/19 kết thúc, Wan Bissaka thực hiện tới 129 pha xoạc bóng (thành công 90), nhiều hơn tối thiểu 11 lần so với bất kì hậu vệ nào của giải đấu.
 
Wan-Bissaka
 
Trong Top 10 những chuyên gia tắc bóng xuất sắc nhất Premier League mùa trước (bao gồm cả các tiền vệ), Wan-Bissaka là cầu thủ có số lần bị “đánh bại’ trong tình huống 1 chọi 1 ít nhất. Chính xác anh chỉ bị qua người 10 lần trong tổng cộng 3135 phút thi đấu thực tế. Để tiện so sánh, cặp hậu vệ cánh gây bão mùa trước của Liverpool, Andy Robertson và Trent Alexander-Arnold, lần lượt bị đánh bại tới 31 và 32 lần trong các tình huống 1 đối 1. Với 84 lần thắng tranh chấp tay đôi, Wan-Bissaka là cầu thủ giỏi thứ hai giải đấu ở hạng mục này. 
 
Cuối mùa trước, sau trận Palace đánh bại Fulham 2-0, HLV Roy Hodgson từng nói thế này về Wan-Bissaka: “Cậu ấy chỉ mắc duy nhất 1 lỗi trong 94 phút thi đấu. Thật… may quá vì tôi đang nghĩ, chàng trai này hoàn hảo như Robot vậy”.
 
Nhưng thực tế, Wan-Bissaka không hề hoản hảo đến thế! Về kỹ năng phòng ngự, Man Utd rõ ràng sẽ sở hữu một cầu thủ có thể gia tăng sự chắc chắn cho hành lang phải, vốn đươc coi là 1 trong những điểm yếu nhất của “Quỷ đỏ” kể từ khi Valencia chấn thương và mất phong độ. Nhưng ở chiều ngược lại, Wan Bissaka chưa cho thấy dấu hiệu rằng anh, dù rất nhanh dù khá thường xuyên lao lên phía trước, là một cầu thủ có thể hỗ trợ tấn công tốt. Một yêu cầu tối quan trọng để trở thành hậu vệ cánh ở đẳng cấp cao nhất!
 
Với 7,27 hành động tấn công bình quân trận, Wan-Bisska, về lí thuyết sở hữu một chỉ số rất tốt, vượt rất xa những Kyle Walker, Matt Doherty, Ashley Young hay thậm chí chính Trent Arnold của Liverpool – hậu vệ có thành tích kiến tạo hay nhất 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa trước, vốn là những người không chạm mốc 5 hành động tấn công bình quân trận. 
 
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở sự hiệu quả. Trong hơn 7 hành động tấn công trung bình mỗi trận, Wan-Bissaka chỉ có 2,1 lần thực hiện các tình huống tạt bóng/căng ngang từ biên, tức còn kém xa chính Ashley Young – người chịu rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng fan Man Utd mùa trước (Young có 3,32 cú tạt mỗi trận). Tỷ lệ tạt bóng thành công của Wan-Bissaka cũng không hề ấn tượng, 
Wan-Bissaka
 
chỉ 33%. Cả mùa trước, Wan-Bissaka không ghi được bàn nào có 3 pha “dọn cỗ” thành bàn, sở hữu vỏn vẹn 14 đường chuyền kiến tạo (key-pass) tại Premier League (tức bình quân trận chỉ 0,4 lần). Để tiện so sánh, Young có 2 bàn, 2 đường chuyền thành bàn và 1,3 key-pass mỗi trận. Đừng quên rằng, Young hơn Bissaka tới 12 tuổi và là một “hậu vệ cánh biến hình” chứ đấy không phải là sở trường của cầu thủ này.
 
Một Wan-Bissaka với những thông số chuyên môn phòng ngự siêu hạng nhưng ngược lại vô cùng tầm thường trong hỗ trợ tấn công, lại mới chỉ có 1 mùa giải đỉnh cao ở đội bóng trung bình tại Premier League, liệu có thể vươn tới tầm cao mới tại Old Trafford, trong áp lực khủng khiếp của mức phí chuyển nhượng kỉ lục và sức ép buộc phải thành công ngay lập tức? 
 
Một bài viết của August/Trên Đường Pitch

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Võ Hoàng Minh Khoa: Dũng mãnh và đầy quyết đoán

22h30 tối nay, U23 Việt Nam lần đầu tái ngộ U23 Uzbekistan ở một trận chính thức, sau cuộc đại chiến lịch sử năm 2018. Và nếu đội bóng đầy duyên nợ có biệt danh “Sói trắng”, thì lần này, chúng ta cũng sẵn sàng giáp mặt họ với một chiến binh mang nhiều phẩm chất của loài mãnh thú này.

X
top-arrow