Với Wilfred Ndidi, Leicester đã không còn phải “nhớ” Kante

Tác giả Elflaco - Thứ Sáu 22/11/2019 16:18(GMT+7)

Màn trình diễn mới nhất của Ndidi, trong trận Leicester đánh bại Arsenal 2-0, là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Ndidi ở-tuổi-22 là một mẫu tiền vệ trung tâm có thể làm tốt tất cả.

Thời niên thiếu, biệt danh của Wilfred Ndidi là “Cậu bé đậu phộng”. Biệt danh này gắn với công việc của Ndid khi cậu theo học ở Trung tâm bóng đá trẻ Nath Boys Academi, ngoại ô Lagos. Đấy là quãng thời gian mà Ndidi kiếm thêm bằng nghề bán dạo.

 

Cậu bán đủ thứ lặt vặt, từ đậu phộng (lạc), ớt, cà chua, kẹo viên, đến nước suối đóng chai… Thu nhập còm từ nghề bán dạo giúp Ndidi có tiền mua giầy, đủ sống qua ngày tại Lagos để nuôi dưỡng giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. 

Giờ thì “cậu bé đậu phộng” ấy đã là nhân vật quan trọng bậc nhất trong đội hình Leicester đứng thứ hai trên BXH Premier League. Không hề quá khi nói, Ndidi, trong năm thứ ba ở Leicester, đang có một mùa giải siêu hạng!
 
Trước hết, hãy để những thống kê chuyên môn lên tiếng. Với 60 pha “tắc” bóng thành công và 35 lần thắng đối đầu tay đôi, Ndidi là cầu thủ tốt nhất ở cả 2 hạng mục này trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Thành tích ghi bàn của Leicester (29) chỉ kém duy nhất Man City (35) nhưng “Bầy Cáo” chính là đội có năng lực phòng ngự tốt nhất giải. Sau 12 trận tại Premier League 2019/20, Leicester chỉ thủng lưới 8 bàn. Leicester đã thắng 4 trận liên tiếp và 3 vòng đấu gần nhất đội bóng này giữ sạch lưới. 
 
Leicester đang bay cao trên BXH Premier League, không chỉ bởi những bàn thắng của Jamie Vardy, bộ óc sáng tạo của James Maddison màn còn nhờ đóng góp lớn lao của Ndidi, trong việc đảm bảo sự chắc chắn cho hậu phương “Bầy Cáo”. 
 
“Tôi đã trưởng thành từ gian khó, ở nơi mà bạn phải chiến đấu để có thể sống sót, để có thứ cho vào miệng” – Ndidi kể lại. Phẩm chất bóng đá của Ndidi được hình thành và tôi luyện không phải là từ sân bóng, cũng chẳng ở công viên mà là từ đường phố. Nơi mớ giấy lộn được bọc tròn bằng băng keo thay thế trái bóng da. Nơi cột gôn khung thành là những viên đá xếp cách nhau vài mét.
 
Cha Ndidi phục vụ trong quân đội Nigeria và cả nhà anh sống trong khu quân sự. Gia đình Ndidi không muốn cậu theo nghiệp bóng đá, muốn cậu tập trung vào việc học nhưng khát vọng mạnh mẽ của Ndidi là không gì có thể ngăn cản. Ngoài việc bán đồ ăn nhẹ và thức uống trên đường phố, Ndidi còn làm thêm cả nghề rửa xe để tich lũy tiền cho việc theo học bóng đá. 
 
Nỗ lực của Ndidi đã được đền đáp, năm cậu 16 tuổi, tại một giải đấu thường niên của Hệ thống Nath Boys Academy. Màn trình diễn của Ndidi, đã lọt vào mắt xanh Roland Janssen – chuyên gia săn tìm tài năng trẻ của CLB Bỉ Genk. Đề nghị của Janssen cho Ndidi: Hai tháng thử việc ở Genk, nếu chứng tỏ được năng lực, sẽ được tuyển vào Học viện CLB.
 

Genk thực sự ấn tượng với những gì Ndidi, khi đó đá trung vệ, thể hiện. Tuy nhiên, việc kí hợp đồng với một cầu thủ dưới 18 tuổi ngoài EU như Ndidi là không được phép thế nên sau 2 tháng thử việc ở Genk, Ndidi đành phải quay về Lagos. Với một lời hứa từ Janssen: khi Ndidi đón sinh nhật tuổi 18, Genk sẽ đưa cậu trở lại.
 
Alex McLeish, cựu HLV Genk mùa giải 2014/15, vẫn nhớ như in “trải nghiệm đầu tiên” của mình với Ndidi. “Tôi ước giá như mình là đại diện của Ndidi, chứ không chỉ là HLV của cậu ấy. Câu chuyện của Ndidi thực sự đặc biệt” – McLeish hồi tưởng lại.
 
“Trong tháng đầu tiên chính thức nhận công việc làm HLV Genk, tôi có 2 cuộc nói chuyện với Roland (Jenssen). Đầu tiên cậu ấy kể về việc chúng tôi từng là đối thủ ở cúp C2 mùa giải 1982/83, khi Aberdeen (với McLeish là ngôi sao ở vị trí trung vệ - ND) đánh bại Waterschei Thor - đội bóng mà Jensen khoác áo tại vòng bán kết. Lần trao đổi thứ hai là khi Roland nói về một tài năng trẻ và thúc giục tôi trao cơ hội cho chàng trai này. Một cầu thủ sắp bước sang tuổi 18 người Nigeria, người hơn 1 năm trước từng thử việc tại Genk”.
 
“Roland cho tôi xem một số cuộn băng ghi hình về cậu ta. Và ấn tượng đầu tiên của tôi về chàng trai trẻ này là chính là tốc độ. Thực sự là cậu ta rất nhanh. Và suy nghĩ chạy qua đầu tôi lúc đó là mình muốn có chàng trai này. Tình hình tài chính của Genk thời điểm ấy không dư dả nhưng thật may giám đốc Thể thao Gunter Jacob đã “bật đèn xanh”. 
 
Cả mùa giải 2014/15, McLeish chỉ thực hiện duy nhất một thương vụ chuyển nhượng: mua Ndidi vào những ngày cuối cùng của “phiên chợ” tháng 1, với giá… 100.000 bảng. Trận đấu đầu tiên của Ndidi sau khi gia nhập Genk là đá cho đội dự bị CLB gặp Anderlecht. 
 
“Tôi xếp Wilfred đá trung vệ trong trận đấu của dội dự bị Genk làm khách tại Anderlecht. Cậu ta vượt qua bài test này dễ như ăn kẹo vậy. Thời điểm ấy Genk thiếu nhiều cầu thủ quan trọng bởi giải CAN, thế nên tôi quyết định “chơi canh bạc” với Wilfred. Gặp Charleroi, Wilfred có trận ra mắt đội một ở vị trí hậu vệ trái. Một màn trình diễn xuất sắc. Chính từ lúc đó, tôi đã tin chắc rằng: “thằng nhóc này sẽ có một tương lai xán lạn”.
 
Mùa 2014/15, Ndidi đá chính 6 trận ở giải hạng Nhất Bỉ, 3 trận hậu vệ trái, 3 trận đá tiền vệ trung tâm. Sau khi không thể giúp Genk giành vé dự Champions League, McLeish chia tay CLB này và người thay thế ông là Peter Maes. Trong toàn bộ mùa giải thứ hai, mùa 2015/16, Ndidi được Maes “đóng đinh” ở vị trí tiền vệ trụ. Anh chơi 36 trận ở giải VĐQG và 43 trận trên mọi đấu trường. Rất nhiều trong số này là những màn trình diễn xuất sắc. 
 
Genk là lò đào tạo ngôi sao có tiếng của châu Âu. Và vì thế, phong độ chói sáng của tiền vệ 19 tuổi người Nigeria nhanh chóng thu hút rất nhiều sự quan tâm tới từ Premier League. Chelsea, rồi Newcastle đồng loạt nhập cuộc. Nhưng Leicester mới là đội giành được chữ kí của Ndidi, với mức phí chuyển nhượng 15 triệu bảng (chưa kể các điều khoản phụ trội lên tới 3 triệu). 
 
Thời điểm đó, Leicester đang gặp vấn đề trong việc tìm người thay thế N’Golo Kante, sớm gia nhập Chelsea Hè 2016. HLV Claudi Ranieri đã thử nghiệm Daniel Amartey và một số cầu thủ khác ở vị trí “mỏ neo” trong đội hình Leicester nhưng khoảng trống mà Kante để lại trong đội hình nhà ĐKVĐ Premier League đơn giản là không thể lấp đầy. Đấy là lý do mà Leicester sẵn sàng “chơi lớn” với thương vụ Ndidi ngay khi kì chuyển nhượng tháng 1/2017 mở cửa.
 

Hai ngày sau khi gia nhập Leicester, Ndidi có màn ra mắt CLB, trong trận đấu với Everton ở vòng 3 cúp FA. Ndidi đá chính và đá trọn 90 phút, tạo ra ấn tượng cực kì mạnh mẽ, giúp Leicester giành thắng lợi 2-1 ở Goodison Park. Kể từ cột mốc ấy, Ndidi đơn giản là không ngoảnh đầu lại nữa, với những bước tiến bộ mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện để trở thành 1 trong những tiền vệ trung tâm hay nhất tại Anh.
 
Trong 2 năm liên tiếp tiếp, 2017 và 2018, Ndidi giành giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Leicester. Ở mùa giải trọn vẹn đầu tiên ở Premier League, mùa 2017/18, Ndidi trở thành chuyên gia “tắc bóng” số 1 giải đấu, với 138 lần thành công – hơn 21 lần so với người xếp thứ hai ở hạng mục này (Idrissa Gueye). Nhưng phải tới khi Leicester được dẫn dắt bởi HLV Brendan Rodgers, người ta mới thấy được một Ndidi thực sự hoàn hảo. 
 
Giống như McLeish, người tin rằng Ndidi có đủ sự tinh tế và những phẩm chất đặc biệt, ngoài tốc độ cực nhanh, để đá tiền vệ hoặc hậu vệ biên thay vì trung vệ; giống như Maes, người đã định hình Ndidi trong vai trò “kẻ hủy diệt đối thủ” ở vị trí tiền vệ trung tâm; Rodgers cũng có những ý tưởng đột phá trong cách khai thác tài năng của cầu thủ này.

Rodgers sớm nhìn ra rằng, Ndidi không chỉ là một tiền vệ mạnh mẽ, giàu tính chiến đấu, tắc bóng giỏi, tranh chấp tốt mà còn là một cầu thủ có kĩ năng xử lý bóng thượng hạng. Và chính vì thế, Rodgers khuyến khích Ndidi tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng, kiến tạo lối chơi của Leicester thay vì “bó hẹp” bản thân trong vai trò tiền vệ đánh chặn – thu hồi bóng.
 
Màn trình diễn mới nhất của Ndidi, trong trận Leicester đánh bại Arsenal 2-0, là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Ndidi ở-tuổi-22 là một mẫu tiền vệ trung tâm có thể làm tốt tất cả. Đấy là trận đấu mà Ndidi được Whoscored chấm điểm cao nhất trong số 22 cầu thủ đá chính (8,6), là hơn 90 phút mà anh vẫn xuất sắc trong vai trò quen thuộc của mình: tắc bóng thành công nhiều nhất (6), thắng tranh chấp tay đôi nhiều nhất (4). 
 
Và đấy cũng cũng là trận đấu mà tiền vệ người Nigeria tỏa sáng rực rỡ ở các hạng mục có thiên hướng tấn công. Ndidi là cầu thủ có số pha đi bóng qua người thành công cao nhất (3 lần, 100%), đạt tỉ lệ chuyền chính xác 90%, có 15 đường chuyền (trong tổng số 34) ở 1/3 phần sân đối phương, 2 đường chuyền mở ra cơ hội, đặt dấu ấn rõ nét trong tình huống ghi bàn của Maddison và sở hữu một pha dứt điểm dội xà.
 
“Bất kì đội bóng hàng đầu nào cũng cần một tiền vệ phòng ngự sẵn sàng làm những “công việc hắc ám”. Chúng tôi có Ndidi, một chàng trai có biệt tài “đánh hơi sự nguy hiểm”, một tiền vệ có khả năng “cover” mọi điểm nóng, luôn tích cực “pressing” gây áp lực lên đối thủ. Nhưng quan trọng hơn, Ndidi còn là một cầu thủ đặc biệt thông mình, chăm chỉ và luôn nỗ lực để hoàn thiện mình” – Rogders nói về cậu học trò.
 
Các HLV tiền nhiệm Leicester thường sử dụng Ndidi đá cặp với một tiền vệ trung tâm khác trong sơ đồ 4-2-3-1. Nhưng Rodgers thì không. Mô hình quen thuộc của Leicester thời Rodgers là 4-1-4-1, với Ndidi là “cái đinh” gắn kết 2 tuyến: hậu vệ - tiền vệ. “Vai trò của Ndidi là rất rõ ràng. Bảo vệ hậu tuyến đồng thời tạo ra sự liên kết và tính liên tục với các cầu thủ chơi ở phía trên. Thật tuyệt vời khi chứng kiến Ndidi tiến bộ từng ngày. Và tin tôi đi, Ndidi-hay-nhất vẫn còn ở phía trước” – lời Rodgers.
 
Hai hậu vệ cánh của Leicester, Ricardo Pereira (phải) và Ben Chilwell (trái) có lẽ là những người cảm thấy thoải mái nhất khi có một đồng đội như Ndidi. “Vai trò của Wilfred là vô cùng quan trọng. Anh ấy có lẽ là tiền vệ thu hồi bóng giỏi nhất mà tôi từng biết. Chơi cùng Wilfred, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Bởi vì mỗi khi dâng lên tấn công, tôi và cả Chilly (Chilwell) đều yên tâm rằng, phía sau mình luôn có “Mr-đáng-tin-cậy” Wilfred” – Pereira không giấu được sự ngưỡng mộ dành cho người đồng đội.
 

McLeish, người thày đầu tiên của Ndidi tại Genk, chắc chắn hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của Rodgers về tiền vệ người Nigeria. “Ndidi đang tiến bộ mạnh mẽ. Và nên nhớ chàng trai này mới chỉ 22 tuổi và vẫn còn có thể hay hơn nữa trong tương lai. Ở khía cạnh hỗ trợ phòng ngự, Ndidi thực sự siêu hạng. Cậu ấy chỉ cần cải thiện thêm một chút về mặt kĩ thuật kiểm soát và xử lý bóng. Được làm việc với một HLV giỏi như Brendan, là cơ hội tuyệt vời cho sự phát triển của Ndidi”.
 
“Ndidi không bao giờ là một Luka Modric bởi phong cách giữa họ có quá nhiều sự khác biệt. Ndidi khiến tôi liên tưởng đến Kante, một siêu sao hàng đầu ở vị trí của mình. Chẳng có lý do gì để hoài nghi về việc Ndidi sẽ sớm đạt tới đẳng cấp của Kante. Không cần phải là một Modric, cứ tiếp tục những gì mà cậu ấy đang làm rất tốt, Ndidi sẽ là người giỏi nhất” – McLeish.
 
Lược dịch từ Ndidi is even better under Rodgers this season: ‘There is no reason why he cannot be a superstar like Kante’ – The Athletic

EL FLACO
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.