Với tài năng của Lionel Messi, bao nhiêu tiền cũng đáng cả!

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 28/08/2020 11:28(GMT+7)

Messi có thể đã bước qua độ tuổi thường được đánh giá là lý tưởng nhất về mặt thể chất dành cho một tiền đạo, nhưng vị thế cầu thủ quan trọng nhất – với một đẳng cấp vượt rất xa những người còn lại – trong đội hình Barcelona của anh vẫn không hề có chút suy chuyển nào.

Cầu thủ thuộc hàng kiệt xuất nhất thế giới sẽ ngay tức khắc nâng tầm bất kỳ đội bóng nào mà anh gia nhập, đó là một sự thật không ai có thể phủ nhận. 

 
Liệu Lionel Messi có còn là một cái tên đáng để “phá két”? Câu trả lời rất đơn giản và hết sức rõ ràng: Chắc chắn là có. 
 
Chàng trai này là một trong những gương mặt xuất sắc nhất từng xuất hiện trong thế giới của môn thể thao vua, tài năng đến mức chỉ riêng mình anh cũng đáng để bạn thực hiện một chuyến đi dài đến một vùng đất xa lạ nào đó để được chiêm ngưỡng đôi chân thần kỳ ấy trình diễn trong 90 phút, phi thường như thể anh không hề thuộc về hành tinh này. 
 
Nhưng … chàng trai thiên tài ấy đã bước sang tuổi 33. Và bất cứ ai đang đọc bài viết này, đặc biệt là những người đã bước đến giai đoạn tương tự của cuộc đời, có lẽ đều nhận thức được rằng, không một cá nhân nào thoát được sự tàn phá của thời gian cả, dù cho Messi có thể làm chậm quá trình đó lại. Nhưng liệu điều này có ảnh hưởng đến “ham muốn” được sở hữu anh, bên cạnh những khoản tiền khổng lồ mà họ chắc chắn phải gánh? 
 
Messi có thể đã bước qua độ tuổi thường được đánh giá là lý tưởng nhất về mặt thể chất dành cho một tiền đạo, nhưng vị thế cầu thủ quan trọng nhất – với một đẳng cấp vượt rất xa những người còn lại – trong đội hình Barcelona của anh vẫn không hề có chút suy chuyển nào. Anh đã có 25 bàn thắng và thực hiện 21 pha kiến tạo ở mùa giải trước, con số được ghi nhận ở mùa giải 2018/2019 là 36 pha lập công và 13 lần kiến tạo cho đồng đội phá lưới đối phương, và khi chúng ta càng mổ xẻ kỹ lưỡng hơn về những số liệu mà ngôi sao người Argentina đạt được ở mùa giải 2019/2020, “output” của anh sẽ càng cho thấy một sự ổn định đến đáng kinh ngạc: 
 
Số bàn thắng, số pha kiến tạo và phần đóng góp của Messi vào tổng số bàn thắng+kiến tạo mà Barcelona có được qua từng mùa giải – tính từ mùa giải 2010/2011 đến nay.
25 bàn thắng mà Messi ghi được tại La Liga 2019/2020 thực sự là thành tích thấp nhất của anh kể từ mùa giải 2008/2009, nhưng tổng thể các số liệu thống kê được ghi nhận ở cầu thủ người Argentina lại đang cho thấy một phong độ ngoạn mục hơn bao giờ hết, với việc số 10 của Barcelona đã đạt đến điểm tối đa ở các thước đo tấn công (attack), nhãn quan (vision), chuyền bóng (passing) và rê dắt (dribble) trong thuật toán của Telegraph:
 
 
So sánh Lionel Messi và Karim Benzema tại La Liga mùa giải 2019/2020
Trên thực tế, một cầu thủ chỉ cần đạt điểm tối đa ở hai trong số các thước đo trên cũng là rất ấn tượng rồi. Ví dụ, Kevin de Bruyne chính là cái tên đạt điểm cao nhất tại Premier League 2019/2020 về hai khía cạnh nhãn quan và chuyền bóng:
 
 
So sánh Kevin De Bruyne và James Maddison tại Premier League mùa giải 2019/2020
Mặc dù là hai cái tên đến từ những giải đấu khác nhau, nhưng không thể phủ nhận việc sự khác biệt giữa output của Messi và De Bruyne – ngôi sao sáng giá nhất của Man City – là rất lớn. 
 
Các số liệu thống kê của Messi là quá khó tin và cực kỳ ổn định trong xuyên suốt những năm tháng khoác áo Barcelona. Ở mùa giải qua, anh chính là người kiến tạo nhiều cơ hội ghi bàn nhất, dứt điểm nhiều nhất, chạm bóng nhiều thứ tư, thực hiện và cũng thành công trong nhiều pha rê dắt bóng nhất – trong hầu hết mọi chỉ số liên quan đến khía cạnh tấn công, Messi đều đứng đầu hoặc ở gần với vị trí đó.  
 
Tất nhiên, khả năng đóng góp cho công tác phòng ngự (defence) và khía cạnh thể chất (physical) chưa bao giờ là những thước đo mà Messi thể hiện quá ấn tượng. Trong suốt thập kỷ qua, điều đó đã không thực sự thay đổi nhiều:
 


Mặc dù vậy, trên thực tế, các thông số của ngôi sao người Argentina trong khía cạnh này lại không hề khác biệt quá lớn so với những gì Pep Guardiola đang nhận được từ tiền đạo cánh phải thuận chân trái và sở hữu kỹ thuật cá nhân cao cường của ông hiện tại, Riyad Mahrez. Trong đó, Messi thực hiện 0,64 pha tắc bóng mỗi 90 phút, 0.21 lần cắt đường chuyền của đối phương mỗi 90 phút, 1.7 tình huống thu hồi bóng mỗi 90 phút, và phạm lỗi 0,61 lần mỗi 90 phút, còn những con số được ghi nhận ở Mahrez lần lượt theo thứ tự đó là 0.85, 0.55, 2.73 và 0.39. Ngôi sao người Algeria đúng là có nhỉnh hơn đôi chút trong khía cạnh đóng góp phòng ngự, nhưng anh chỉ ghi 11 bàn thắng và thực hiện 9 pha kiến tạo. Xin nhắc lại một lần nữa, Messi đã kết thúc La Liga 2019/2020 với 25 pha lập công và 21 lần kiến tạo cho đồng đội ghi bàn. 
 
Bất cứ ai tập trung quan sát Messi trong một trận đấu của Barcelona đều không hề lạ lẫm gì với việc ngôi sao người Argentina thường xuyên “đi bộ gãi mông” một cách “lười biếng”, thậm chí đôi khi hoàn toàn đứng im bên phần sân đối phương. Đó là một hình ảnh đã trở nên rất quen thuộc, khi Messi có xu hướng “tiết kiệm năng lượng” trong giai đoạn đội của anh không kiểm soát bóng, để dành nó cho những khoảnh khắc bùng nổ ngắn ngủi và bất thình lình, có thể định đoạt kết quả trận đấu. 
 
Dưới thời Pep Guardiola, Messi đảm nhận vai trò tiền đạo cánh phải trên hàng công Barcelona, nhưng thực tế lại hoạt động chẳng khác gì một tiền đạo trung tâm, được hỗ trợ bởi đôi chân và tư duy chơi bóng “miễn chê” của Dani Alves ở phía bên ngoài anh. Mặc dù mang danh nghĩa là một hậu vệ phải, nhưng về cơ bản, Alves đã thi đấu như một winger phải, cung cấp khả năng kéo width (tận dụng tối đa chiều ngang sân) mà Guardiola cần ở cánh để duy trì cấu trúc đội hình trong hệ thống của ông, mang đến lợi thế về quân số trong các tình huống tấn công và tạo điều kiện cho Messi “bóp cò”. 
 
Barcelona đã không còn chơi thứ bóng đá mà họ từng trình diễn, không còn triển khai các biến thể của “hệ thống Cruyff” là 4-3-3 hoặc 3-4-3 như Guardiola từng làm, cũng như thường sử dụng sơ đồ 4-4-2 dưới thời  Ernesto Valverde và Quique Setien, có lẽ vì nó phù hợp nhất với đội ngũ nhân sự sẵn có. Dù là áp dụng hệ thống nào đi nữa, việc Messi được đảm nhận một vai trò đầy tự do là không hề thay đổi, còn đội bóng thì hoàn toàn phụ thuộc vào anh, và nó đã luôn được xây dựng theo cách đó. 
 
Nếu Manchester City ký hợp đồng với Messi, liệu Guardiola có còn sẵn sàng “chứa chấp” một cầu thủ sẽ đóng góp cực kỳ ít cho phong cách pressing cường độ cao mà đội bóng của ông đang thi triển? Ngay cả cầu thủ ghi bàn hàng đầu lịch sử câu lạc bộ, Sergio Aguero, cũng từng bị nhà cầm quân người Catalan loại khỏi đội hình vì những yêu cầu chiến thuật mà ông đặt ra, với minh chứng tiêu biểu nhất là việc khả năng đóng góp trong giai đoạn không kiểm soát bóng của Gabriel Jesus được ưu tiên hơn tư duy tấn công của Aguero trong chiến thắng ở trận lượt đi thuộc vòng tứ kết Champions League 2019/2020 trước Real Madrid vào tháng Hai năm nay. 
 
Đối với Guardiola, hệ thống “là tiên là phật”, và nếu Messi không thể pressing, không thể lui về hỗ trợ phòng ngự, và không thể tranh bóng với sự quyết tâm và nguồn năng lượng mà các yêu cầu chiến thuật của ông đặt ra, liệu có đáng để phá vỡ cơ cấu lương của câu lạc bộ và gây nên một sự bất ổn tiềm tàng trong đội hình để “phục vụ” cho ngôi sao người Argentina? 
 
Câu trả lời … chắc chắn là “có”. Đó là chuyện đương nhiên. Việc phải điều chỉnh lại hệ thống để phù hợp với một tài năng “ngoài hành tinh” như Messi là không thể bàn cãi, và bất kỳ nhà cầm quân nào cũng sẽ sẵn sàng làm điều này. 
 
Không chỉ bởi Messi có thể luồn lách qua 5 cầu thủ, thoát khỏi ít nhất 3 ý định phạm lỗi của đối phương trên con đường thực hiện một cú sút, mà còn vì sự chính xác và thứ uy lực kinh người được anh thể hiện trong việc đánh bại các thủ môn. Siêu sao người Argentina chẳng khác nào một nhân vật trong trò chơi điện từ có hầu hết các chỉ số đều được thiết lập là 99 – điều đã thực sự xuất hiện theo đúng nghĩa đen trong các phiên bản của FIFA và PES ở thập kỷ qua. 
 
Hãy nhìn vào pha lập công gần nhất (và cũng có thể là cuối cùng) của Lionel Messi trong màu áo Barcelona, và sau đó tự hỏi rằng: Liệu có bất kỳ câu lạc bộ nào sẵn sàng khước từ cơ hội được sở hữu một đôi chân thần kỳ đến vậy trong đội hình chỉ vì những lý do kiểu như “kém máu lửa” hay “sụt giảm thể lực” so với các năm trước? 
 
 
Những ma thuật mà Messi trình diễn trong các trận đấu là thứ dù cho có nỗ lực huấn luyện cũng chẳng thể đạt được, và với một bộ khung phù hợp xoay quanh anh, ngôi sao người Argentina sẽ chính là sự khác biệt giữa một đội bóng giỏi và một đội bóng vĩ đại. Những danh hiệu sẽ theo đó mà đến và Guardiola biết rõ điều này. 
 
Gần đây, khi Guardiola được hỏi về suy nghĩ của nhà cầm quân này với quan điểm cho rằng ông chỉ có thể giành được Champions League tại Barcelona nhờ sở hữu những Andres Iniesta, Xavi và Lionel Messi trong đội hình, vị huấn luyện viên trưởng của Manchester City đã hoàn toàn đồng ý về lời nhận định đó. 
 
“Tôi sẽ không tranh cãi một giây nào cả, bởi vì khi còn dẫn dắt Barcelona, tôi đã nói đi nói lại rất nhiều lần rằng chúng tôi giành được các chức vô địch là nhờ câu lạc bộ này sở hữu những cầu thủ cực kỳ phi thường.” 
 
Khi được đặt câu hỏi vào một cuộc họp báo diễn ra trước đây trong khoảng thời gian dẫn dắt Man City về việc đội bóng nào là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Champions League theo quan điểm của mình, Guardiola chỉ trả lời: “Messi đang chơi cho đội nào nhỉ?”
 
Messi đã phải “gánh” một tập thể đầy kém cỏi trong vài mùa giải qua, liên tục đóng vai trò là vị cứu tinh trong các trận đấu mà Barcelona suýt thua, những trách nhiệm mà anh đảm đương là vô cùng to lớn. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua vị trí thi đấu của anh, với việc Messi phải thường xuyên lùi sâu xuống tận khu vực của một tiền vệ phòng ngự để nhận bóng/kéo bóng lên trên và cầm trịch trận đấu, giống như một người nhạc trưởng phải làm việc quá sức hơn là một “nhân vật chính” được phục vụ “tận răng”. 
 
 
Lionel Messi là cầu thủ duy nhất biết tiến bóng trong đội hình Barcelona ở mùa giải qua. (Trục dọc: Số đường chuyền mỗi 90 phút. Trục ngang: Số lần cầu thủ tiến bóng bằng đường chuyền). (Progressive passes: Theo định nghĩa của WyScout, là những đường chuyền về phía trước có chiều dài 30m trong trường hợp được bắt đầu bên phần sân đội mình, và 10m trong trường hợp được bắt đầu bên phần sân đối phương)
 
Nhưng ngay cả vậy, anh vẫn có thể tìm ra cách để trở thành sự hiện diện nổi bật nhất trên sân, và minh chứng chính là việc Messi đã được hệ thống chấm điểm cầu thủ của WhoScored nhận định là gương mặt xuất sắc nhất trong 27 trên 44 trận ở mọi đấu trường mà ngôi sao người Argentina đã chơi vào mùa giải 2019/2020. Đối với những người không biết về thuật toán tính điểm tuyệt vời của Whoscored, thì hãy cứ yên tâm rằng đó là một thành tích cực kỳ tuyệt vời. 
 
Xét về những lợi ích bên ngoài sân cỏ, bất kỳ đội bóng nào cũng sẽ nhận được một sự thúc đẩy cực kỳ lớn về mặt thương mại và danh tiếng nếu có được sự phục vụ của cầu thủ kiệt xuất nhất hành tinh và nếu phải nêu ra tên của một người có thể thiết kế nên một cấu trúc chiến thuật tận dụng được tối đa những gì tốt nhất của từng cá nhân – và đặc biệt là các ngôi sao – thì đó sẽ chính là Pep Guardiola. 
 
Những cầu thủ xuất sắc nhất và các danh hiệu cao quý gần như luôn đi cùng với nhau. Bất kỳ câu lạc bộ nào sở hữu được Messi, họ sẽ có được một trong những đội bóng đá xuất sắc nhất thế giới. 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Is Lionel Messi still worth the huge cost of signing him?” của tác giả JJ Bull, đăng tải trên Telegraph.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.