Với Ilkay Gundogan, Xavi gần như đã có một bản sao của chính mình

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 15/10/2023 08:22(GMT+7)

Chỉ vài ngày sau khi được hưởng thụ niềm hân hoan từ chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử CLB, các quan chức cấp cao của Manchester City đã nhận được một thông tin đáng thất vọng là họ sẽ để mất đội trưởng Ilkay Gundogan vào tay Barcelona. Nhưng đồng thời, họ cũng biết rằng đây là một quyết định rất dễ hiểu của ngôi sao người Đức.

 

Trước hết, đối với một cầu thủ đã trải qua 7 mùa giải khoác áo Man City và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp với thành tựu ăn ba danh hiệu ở mùa giải trước, đương nhiên đây là thời điểm thích hợp để tìm kiếm những thử thách mới. Và xét theo góc độ chuyên môn, thì việc Gundogan chọn Xavi làm “sếp” mới của mình là hoàn toàn hợp lý. 

“Không mấy người có thể so sánh với Xavi về di sản và tầm ảnh hưởng trong bóng đá, nhưng nếu xét về việc ai là cầu thủ tiệm cận với Xavi nhất, thì không ai có thể sánh bằng Gundogan,” một quan chức của Man City – yêu cầu được giấu tên vì không được phép phát biểu vào thời điểm đó – khẳng định.

Cả Xavi và Gundogan đều nổi tiếng với việc đã bù đắp cho những điểm yếu về thể hình, thể chất bằng tư duy chiến thuật và kỹ thuật siêu phàm. Họ cũng đã trải qua một sự nghiệp tương đồng nhau.

Hãy bắt đầu với Xavi.

Nhà cầm quân năm nay 43 tuổi đã có màn ra mắt cho Barcelona vào năm 1998 sau khi được đưa lên đội một với tư cách một tiền vệ phòng ngự. Tại học viện lừng danh của họ, Xavi được xem là hình mẫu hoàn hảo về một Barcelona “pivot” cổ điển – giống như Pep Guardiola gần 1 thập kỷ trước đó. 

Những nấc thang đầu tiên trong sự nghiệp của Xavi bao gồm theo dõi Guardiola với lòng ngưỡng mộ sâu sắc, sau đó bắt chước phong cách của ông, rồi cạnh tranh với ông để chiếm lấy một vị trí trong đội hình đá chính của Barcelona.

 

Khi Frank Rijkaard bắt đầu đẩy anh lên chơi cao hơn trên sân đấu, bước đột phá thực sự đã đến.

Nhà cầm quân người Hà Lan – đảm nhận chiếc ghế HLV trưởng vào năm 2003 – chính là người đầu tiên tin rằng Xavi có thể phát triển thành một tiền vệ tấn công đẳng cấp. Ông đã triển khai Xavi trên sân cùng những cầu thủ thiên về phòng ngự trong các vai trò lùi sâu hơn ở phía sau anh, chẳng hạn như Edgar Davids, Thiago Motta hoặc Edmilson.

Barcelona đã giành chức vô địch Champions League vào năm 2006, nhưng Xavi chỉ được ngồi dự bị trong trận chung kết sau khi phải nghỉ thi đấu dài hạn vì một chấn thương, tuy nhiên ngay từ thuở ấy anh đã có thể thăng hoa trong vai trò mới. Sự phát triển của tiền vệ người Tây Ban Nha đã được tiếp diễn, nhờ ảnh hưởng của HLV trưởng đội tuyển Tây Ban Nha lúc bấy giờ là Luis Aragones, và của Guardiola sau khi ông tiếp quản cương vị thuyền trưởng của Barca vào năm 2008.

Tất nhiên, phần còn lại là lịch sử. 

Cuộc lột xác từ một tiền vệ phòng ngự thành một tiền vệ thiên về tấn công của Gundogan cũng đã diễn ra theo cách tương tự.

Ngôi sao năm nay 32 tuổi đã có màn ra mắt ở Bundesliga vào năm 2009 trong màu áo Nuremberg, và luôn được xem là một tiền vệ đa năng, nhưng khoảng thời gian đẹp nhất của anh ở Đức là khi cùng Sven Bender tạo thành một cặp “trục kép” tại Borussia Dortmund.

Gundogan gia nhập Man City vào năm 2016, với tư cách là bản hợp đồng đầu tiên của Guardiola tại CLB này, và ban đầu đã có không ít người nghi ngại về khả năng phòng ngự của anh. Gundogan không phải là kiểu tiền vệ trụ độc lập mà chúng ta thường thấy ở một đội bóng do Guardiola dẫn dắt, nhưng anh chắc chắn đã tỏa sáng trong một khoảng thời gian dài đảm nhận vai trò đó vào năm 2019 khi Fernandinho không thể ra sân  vì chấn thương.

Sau đó, trong trận đại dịch năm 2020, Guardiola đã lâm vào tình cảnh không có trong tay nhiều sự lựa chọn cho hàng công. Ông đã nhìn thấy ở Gundogan những gì mà Rijkaard từng thấy ở Xavi: Một cầu thủ sở hữu khả năng đọc trận đấu và phán đoán siêu việt đến mức anh có thể dễ dàng thích nghi với một vai trò mới. Thế là tuyển thủ quốc gia Đức trở thành một số 9 ảo, và anh sẽ kết thúc mùa giải 2020-21 với tư cách vua phá lưới của Man City (ghi 17 bàn trên mọi đấu trường).

 

Gundogan vẫn tiếp tục phục vụ cho đội chủ sân Etihad với tư cách một cầu thủ đa chức năng, nhưng chính khía cạnh tấn công trong bộ kỹ năng của anh – được hoàn thiện trong những năm gần đây – là lý do chính thuyết phục Xavi và Barcelona thúc đẩy thương vụ ký hợp đồng với anh dưới dạng chuyển nhượng tự do trong mùa hè vừa qua.

Vậy còn chủ đề của bài phân tích này – rằng Gundogan chính là cầu thủ tiệm cận với Xavi nhất, thì sao? Hãy xem xét sâu hơn vào cách anh hòa nhập với Barcelona. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta nên lưu tâm một sự thật mang tính tổng quát hơn. 

Tại CLB chủ sân Camp Nou, Xavi và Gundogan là thành viên của những đội bóng hoàn toàn khác biệt nhau, không chỉ về chất lượng, mà còn cả đội hình và các chiến thuật được sử dụng. Giữa vai trò của Gundogan hiện nay và vai trò của Xavi thời đỉnh cao cũng có sự khác biệt.

Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều điểm tương đồng.

Ảnh dưới đây thể hiện các pha chạm bóng của Xavi (chỉ tính những tình huống mở) trong mùa giải 2008-09. Đây là mùa giải đầu tiên Guardiola dẫn dắt Barcelona, và cũng là mùa giải mà họ giành được một cú ăn ba. 

 

Khu vực hoạt động chính của Xavi là ở phần sân đấu bên phải của khu trung tuyến, nơi diễn ra 15% số lần chạm bóng của anh. Nhưng các tình huống chạm bóng ở “zone 14” (vùng trung lộ ngay trước vòng cấm) cũng chiếm tỷ lệ đến 11%. 

Gundogan đang trải qua những ngày tháng đầu tiên khoác áo Barcelona – anh chỉ mới ra sân 9 trận ở La Liga, và một trong số đó là từ băng ghế dự bị - vậy nên bản đồ nhận bóng tiếp theo sẽ được tạo nên từ một kích cỡ mẫu còn rất nhỏ. Nhưng rõ ràng là ngôi sao người Đức cũng chạm bóng ở zone 14 với một tần suất đáng kể giống Xavi, với tỷ lệ 14%.    

 

Chúng ta cũng có thể thấy rằng Gundogan không có khuynh hướng lùi sâu nhiều như Xavi.

Nguyên nhân chủ yếu là vì Barca không cần anh làm vậy.

Thay vào đó, phần sân đấu bên phải của khu trung tuyến thường là nơi khởi đầu các tình huống cầm bóng của Frenkie De Jong, cùng sự hỗ trợ của tiền vệ trụ Oriol Romeu bên cạnh. Ngoài ra, sự xuất hiện của Joao Cancelo – một hậu vệ cánh có khuynh hướng bó vào phía trong sân đấu – đã khiến Gundogan càng có ít lý do để tái hiện khía cạnh này trong vai  trò mà Xavi đảm nhận thuở trước. 

Trong những năm cuối khoác áo Man City, Gundogan đã chơi thiên về hướng một nhân tố đánh phá vòng cấm hơn là một cầu thủ xây dựng lối chơi – và đây cũng là điều mà Xavi mong muốn ở anh. Không khó để nhận thấy rằng nhà cầm quân người Tây Ban Nha không muốn để Gundogan chơi lùi sâu. Ngay cả khi Romeu không ra sân trong trận đấu với  Royal Antwerp ở vòng bảng Champions League, ông vẫn thích sử dụng De Jong trám vào vị trí tiền vệ phòng ngự hơn là Gundogan, cầu thủ được cho là đã có màn trình diễn hay hơn trong trận này.

Trong cuộc họp báo trước trận đấu với Royal Antwerp, Xavi đã nói: “Chúng tôi biết cậu ấy có thể chơi ở đáy hàng tiền vệ, nhưng hiện tại, tôi và các trợ lý tin rằng, khu vực tỏa sáng của cậu ấy cần phải là ở gần vòng cấm, hoặc thậm chí là bước vào bên trong nó. Với việc Pedri bị chấn thương, chúng tôi càng cần cậu ấy ở đó hơn.”

Tuy nhiên, cho đến nay, tuy đang chơi tốt, nhưng Gundogan vẫn chưa thể thực sự thăng hoa tại Barcelona.

Xavi cũng từng khẳng định rằng “mọi thứ sẽ tốt hơn khi Gundogan có bóng”. Nhưng trên thực tế, tiền vệ người Đức đang không nhận được nhiều bóng – đặc biệt là khi so với ông sếp hiện tại của anh trong những năm tháng tung hoành ở tuyến giữa của Barca.

Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2013, số lần chạm bóng trung bình mỗi trận ở La Liga của Xavi luôn trên 100 (cao nhất là 123,0 ở mùa 2010-11, và thấp nhất là 101,6 ở mùa 2008-09). Còn Gundogan, sau 9 trận đầu tiên ở giải VĐQG Tây Ban Nha, số lần chạm bóng trung bình mỗi trận của anh chỉ là 63,7.

Một lần nữa, con số thống kê trên được lấy từ một kích cỡ mẫu còn rất nhỏ - và có 2 trận trong số 9 trận đó, trước các đối thủ Cadiz và Granada, tổng số lần chạm bóng của anh lần lượt là 114 và 127. Nhưng có đến 3 trong 4 trận đấu mà Barca đối đầu với một hàng thủ 5 người, số lần chạm bóng của Gundogan ở mức rất thấp: 74 trước Getafe, 68 trước Celta Vigo và 51 trước Mallorca.

Trong 7 mùa giải chơi bóng ở Premier League cho Man City, Gundogan có trung bình 87,7 lần chạm bóng mỗi 90 phút. Con số này cũng kém xa thống kê của Xavi, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với tần suất chạm bóng hiện tại của ngôi sao người Đức ở La Liga. 

Trong những năm tháng đầu, Gundogan chạm bóng nhiều hơn, hồi ấy anh hoạt động tại những vị trí thấp hơn và tham gia nhiều hơn vào công đoạn triển khai bóng khi hệ thống của Guardiola vẫn đang trong quá trình phát triển. Tới lúc hệ thống đó được củng cố, The Citizens đã đẩy ngôi sao người Đức lên chơi cao hơn trên sân đấu, và không thực sự cần anh tham gia nhiều vào quá trình phát triển bóng như trước đây nữa.

Như bảng biểu bên dưới cho thấy, sự khởi đầu của Gundogan tại Barca đã tạo nên những con số tương tự như Xavi khi xét về hiệu suất kiến tạo, tần suất chuyền bóng chính xác, tần suất rê dắt bóng thành công, và tần suất thu hồi bóng. 

 

Sau 11 trận đã chơi trên mọi đấu trường tại CLB mới, Gundogan vẫn chưa thể ghi bàn. Nhưng Xavi đã rất hài lòng về những đóng góp của anh cho đến nay.

“Cậu ấy đang làm tốt mọi thứ, tất cả mọi thứ theo đúng nghĩa đen luôn. Nếu chúng tôi có thể chơi hay, thì đó là nhờ những cầu thủ như cậu ấy,” HLV người Tây Ban Nha khẳng định sau chiến thắng 5-0 trước Real Betis vào ngày 16 tháng 9. “Thành thật mà nói, bản hợp đồng của cậu ấy chẳng khác nào một món quà trời ban cả. Cậu ấy là một cầu thủ siêu phàm, mang đến cảm giác thực sự thỏa mãn khi quan sát.”

Đích thân Xavi đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ký hợp đồng với Gundogan hồi mùa hè, bởi vì ông kỳ vọng rằng ngôi sao người Đức sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc nâng cao cả tính giải trí lẫn chất lượng chuyên môn trong các màn trình diễn của Barcelona theo một cách thật cuốn hút.

Đối với một CLB bị ám ảnh bởi việc đạt được sự tiến bộ theo hướng này, Gundogan càng tham gia vào trận đấu nhiều chừng nào thì càng tốt chừng đó. 

Theo Pol Ballús, The Athletic

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.