Vì sao Tottenham lại mượn "chiến thần" Lenglet từ Barcelona?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Năm 14/07/2022 15:03(GMT+7)

Cuối mùa trước, GĐTT Fabio Paratici đã có trong tay danh sách rút gọn cho vị trí trung vệ lệch trái mà Tottenham Hotspur nhắm đến hè này. 

 

Những cái tên đứng đầu là Josko Gvardiol của RB Leipzig và Alessandro Bastoni của Inter Milan. Có Nico Schlotterbeck, người khi đó còn khoác áo Freiburg. Có cả Sven Botman, cầu thủ lúc ấy thuộc biên chế của Lille. Chưa kể Pau Torres, người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn dù đã từ chối chuyển đến Tottenham cách đây một năm.

Tuy nhiên, Tottenham không mua bất kỳ ai trong số họ. Từ tâm thế của những chú hải âu tranh giành miếng ăn trong phim Finding Nemo, họ bỏ qua các ưu tiên ban đầu của họ cũng như thỏa hiệp với thực tế khắc nghiệt. Đây có phải là sự đổi mới? Có thể. Đó có phải là sự tuyệt vọng? Cũng không hẳn. Chỉ có một điều chắc chắn: Tottenham muốn hoàn thành công tác chuyển nhượng nhanh nhất có thể.

Antonio Conte chưa bao giờ giấu diếm ý định làm việc ngay với các cầu thủ mới, thay vì chờ đợi các cuộc đàm phán kéo dài từ tháng 7 sang tháng 8, như tình trạng của chính đội bóng này trong những mùa hè trước. Đây mới là giai đoạn tiền mùa giải đầu tiên của ông tại Tottenham, nhưng Tottenham đã có Ivan Perisic, Fraser Forster, Yves Bissouma và Richarlison. Dù đang là mùa hè, Conte đã nhìn thấy mùa xuân của mình tại sân tập.

Dù vậy, họ vẫn còn thiếu một trung vệ lệch trái. Ngay cả khi Ben Davies chỉ nghỉ đúng hai trận kể từ khi Conte nắm quyền thay cho Nuno Espirito Santo, Paratici vẫn muốn có sự nâng cấp toàn diện. 

Đây là vị trí Spurs ưu tiên bổ sung, do đó họ sẵn sàng chi số tiền ít nhất bằng với con số 42,5 triệu bảng mà họ đã bỏ ra cho Cristian Romero, người hiện đang đá ở vị trí hậu vệ lệch phải. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đã được chứng minh là khó khăn hơn dự kiến khá nhiều.

 

Ngay cả 50 triệu bảng cũng không đủ để ký hợp đồng với Gvardiol. RB Leipzig đánh giá cầu thủ này cao đến mức họ muốn một con số cao hơn thế. Schlotterbeck được Paratici đánh giá rất cao, nhưng anh muốn ở lại Đức và ký hợp đồng với Dortmund. Botman được cho là không sở hữu nền tảng thể lực dồi dào như những lựa chọn khác, cũng như ít kinh nghiệm chơi trong sơ đồ ba trung vệ. Đó là lí do Spurs từ chối Botman, tạo điều kiện cho Newcastle United đánh bại AC Milan để giành lấy chữ ký của cầu thủ người Hà Lan.

Bastoni là người Spurs cố gắng kí hợp đồng nhất. Có hai lợi thế lớn: Conte đã làm việc với cầu thủ này trước đây. Spurs cũng hiểu tình hình tài chính hiện tại có phần bi đát của Inter Milan.

Nhưng Inter không hề muốn bán Bastoni. Bản thân Bastoni cũng không chưa nghĩ đến việc chuyển đi (anh là một CĐV nhiệt thành của Inter). Inter thà bán Milan Skriniar cho Paris Saint-Germain và thay thế cầu thủ này bằng Gleison Bremer của Torino, chứ không hề có ý định bán cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của họ. Cả hai thương vụ này vẫn chưa diễn ra, đồng nghĩa với việc hiệu ứng domino về các thương vụ trung vệ vẫn chưa đổ.

Đó là lý do vì sao Tottenham chiêu mộ các vị trí khác trước (wingback trái, tiền vệ trung tâm, thủ môn dự bị, một tiền đạo đa năng), thay vì vị trí mà họ đã ưu tiên từ đầu.

Lúc này, Tottenham có hai sự lựa chọn: Chờ đợi khắc khoải như Ngạn chờ Hà Lan, với hy vọng nhỏ nhoi rằng tình hình Bastoni sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho họ, hay là hướng đôi mắt xuống phía dưới danh sách, với những cái tên có thể dễ dàng “chốt đơn”.

Chúng ta đã biết lựa chọn của Tottenham là gì, khi thấy Clement Lenglet cầm trên tay chiếc áo của đội bóng này. Nỗi lo trở thành trò cười cho giải đấu của những người hâm mộ Spurs là có; không phải ngẫu nhiên Lenglet vẫn bị các người hâm mộ Việt Nam gọi là “chiến thần” với hàm ý mỉa mai.

 

Tuy nhiên, có một cách khác để nhìn nhận thương vụ này. Bằng cách ký hợp đồng với một tuyển thủ quốc tế giàu kinh nghiệm, trong một bản hợp đồng cho mượn với rủi ro thấp, Spurs đã có cho mình phương án dự phòng cũng như sự cạnh tranh cần thiết cho Davies, ngay cả khi Lenglet sẽ không có được sự thăng hoa hay tuổi trẻ của Gvardiol hay Bastoni.

Mặc dù nhắc tới Lenglet là nhắc đến những năm tháng khó khăn mà cầu thủ này trải qua với Barcelona, điều đó không đồng nghĩa với việc Lenglet là một cầu thủ tồi. Danh tiếng của trung vệ 27 tuổi đã chạm đáy đến mức đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để ký hợp đồng với anh, trong bối cảnh các đội bóng khác gần như ngó lơ, còn Barca sẽ mở hội khi thấy anh ra đi.

Barcelona đã ký hợp đồng với Lenglet từ Sevilla vào mùa hè năm 2018. Cầu thủ người Pháp gia nhập tập thể vừa vô địch La Liga, nhưng Barca đã không tái hiện được điều này kể từ đó.

Lenglet đã chơi tương đối ăn ý với Gerard Pique. Bộ đôi này đã chơi 70% số phút có thể ở La Liga trong các mùa giải 19/20 và 20/21. Trong hai mùa này, Lenglet đứng thứ 5 ở La Liga về khả năng kéo bóng và thứ 2 về tỷ lệ chuyền chính xác. Cầu thủ sinh năm 1995 thường xuyên bị nghi ngờ về tài năng chơi bóng, nhưng các thông số cho thấy anh cầm bóng rất tốt, với một cái chân trái khá là “ngoan”.

Vấn đề của trung vệ này tiếc thay nằm ở khía cạnh phòng ngự. Khi Barcelona liên tục thay đổi HLV, cũng như đội hình đang ngày càng trở nên già cỗi, họ liên tục phải nhận những thất bại tủi hổ trước các đội bóng “đồng cân đồng lạng”. Không ai gặp khó hơn Lenglet - đó là trận thua khó tin 4-0 tại Anfield vào tháng 5/2019, thất bại nhục nhã 8-2 trước Bayern Munich vào tháng 8/2020 và cú hat-trick của Kylian Mbappe hồi tháng 2/2021.

Những sai sót xuất hiện ngày càng nhiều, khiến Lenglet mất vị trí chính thức. Mùa trước, anh chỉ đá 1/4 thời gian có thể tại La Liga. Xavi nói rằng anh có thể ra đi.

Lenglet thiếu đi sự nhanh nhẹn của một trung vệ hiện đại, điều có thể khiến anh phải vật lộn với giải đấu giàu thể chất như Premier League. Tuy nhiên, điểm yếu này có thể được che đậy, khi anh sẽ chơi trong sơ đồ ba trung vệ. Cầu thủ người Pháp cũng sẽ được hưởng lợi từ việc hàng thủ của Tottenham hiện tại không dâng cao như dưới thời Mauricio Pochettino.

 

Những người thích phê bình sẽ chỉ ra màn trình diễn kém cỏi của Lenglet trong những trận thua tồi tệ kể trên của Barcelona. Tuy nhiên, sẽ thiếu công bằng nếu nói rằng Barca thua trận chỉ vì Lenglet. 

Những cầu thủ giỏi đều có thể gặp khó khăn ở những CLB có phong độ kém. Sau đó, họ đến nơi khác và thăng hoa với một khởi đầu mới ít áp lực hơn. Hãy nhìn vào Rodrigo Bentancur và Dejan Kulusevski, những người đến Tottenham từ Juventus và ngay lập tức tỏa sáng nhờ Conte.

Đúng vậy, Lenglet là một bước lùi so với ý tưởng chi đậm cho một trong những trung vệ lệch trái trẻ xuất sắc nhất thế giới. Cầu thủ người Pháp là một sự thỏa hiệp, một khoảng dừng, một lời nhắc nhở rằng không phải mục tiêu hàng đầu nào cũng có thể nhanh chóng có được.

Lenglet đơn giản là không hào nhoáng như Gvardiol hay Bastoni. Nhưng với việc Davies có phong độ quá ổn định mùa trước, có lẽ Spurs chỉ cần một phương án dự bị dày dặn kinh nghiệm, hơn là một trung vệ thú vị như Romero. 

Tottenham đã làm được rất nhiều việc kì chuyển nhượng này. Và giờ chỉ là những khâu hoàn thiện cuối cùng.

Lược dịch, có chỉnh sửa bài viết “How Spurs got to Clement Lenglet – a move that makes sense” của Jack Pitt-Brooke (The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

Dẫn dắt Manchester United sẽ là một rủi ro lớn với Ruben Amorim?

Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.

Nicolas Jackson: Tiến bước trong chỉ trích

Bất chấp việc bị chỉ trích rất nhiều kể từ khi đến Anh, Nicolas Jackson đã đạt được 20 bàn thắng tại Premier League cho Chelsea nhanh hơn các danh thủ của CLB như Gianluca Vialli, Eidur Gudjohnsen hay Didier Drogba.