Vì sao Premier League là “mồ chôn” của các Raumdeuter?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Bảy 18/03/2023 11:06(GMT+7)

Không dễ để tìm ra lời giải cho câu hỏi: 'Vị trí tốt nhất của Kai Havertz ở Chelsea là gì?'. Bởi không những Havertz không thể tách mình khỏi các hậu vệ để trở thành một số 9 đáng tin cậy, anh cũng chẳng có bộ kỹ thuật hay khả năng rê dắt để chơi như một số 10 cổ điển.

 

Cầu thủ người Đức đang mắc kẹt trong một tình trạng chơi vơi. Có cảm giác như dù đá ở vị trí nào đi nữa, Frank Lampard, Thomas Tuchel và Graham Potter vẫn không thể phát huy hết tài năng của Havertz.

Tất nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Trong mùa giải cuối cùng cho Leverkusen, Havertz đã ghi 18 bàn thắng và có 9 pha kiến tạo trong 3797 phút và được ca ngợi là một trong những tài năng lớn nhất nước Đức ở tuổi 20. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Suy nghĩ đầu tiên của nhiều người hẳn sẽ là ‘Bundesliga Tax’, thuật ngữ miêu tả việc các cầu thủ gặp khó khăn hơn trong việc ghi bàn và kiến tạo ở Anh so với ở Đức. Mặc dù vậy, đó không phải lý do lớn nhất và duy nhất.

Đây là câu trả lời: Kai Havertz là ‘Raumdeuter’ (Kẻ đánh cắp không gian), mẫu cầu thủ xuất hiện từ trong bóng tối, để rồi bất ngờ xuất hiện trước ánh đèn sân khấu.

Raumdeuter là gì? Tại sao mẫu cầu thủ này lại thống trị Bundesliga?

Bóng đá là môn thể thao tìm kiếm khoảng trống. Nếu đội của bạn không có bóng, bạn sẽ tìm cách giảm thiểu khoảng trống. Nếu đội của bạn có bóng, bạn sẽ muốn di chuyển vào đó.

Các tiền đạo thường có bộ kỹ năng giúp họ tự tạo ra khoảng trống nhờ tốc độ, sức mạnh và khả năng rê bóng. Nhưng nếu không được ông trời ban cho những khả năng này, bạn sẽ làm gì? Bạn cần tìm ra khoảng trống được mở ra ở đâu, dựa trên cách đồng đội của bạn đang làm gì, từ đó tính toán thời gian để di chuyển vào đó. 

Đây là ý tưởng cơ bản mà Thomas Muller đã xây dựng trong suốt sự nghiệp của mình. Sau vài giải đấu gây ấn tượng, anh đã được một phóng viên hỏi vai trò thực sự của mình là gì. “Ich bin ein Raumdeuter (Tôi là kẻ đánh cắp không gian),” cầu thủ người Đức đáp.

Có lẽ Thomas Muller là cầu thủ đầu tiên và duy nhất thể hiện vai trò của một Raumdeuter

Với câu trả lời đó, có cảm giác như Thomas Muller là cầu thủ đầu tiên và duy nhất thể hiện vai trò đó. Sự thật là ‘Raumdeuter’ chỉ là một khái niệm Muller tạo ra để tượng trưng cho phong cách chơi bóng của mình. Không ít cầu thủ trong quá khứ và hiện tại có lối chơi tương tự cầu thủ thuộc biên chế Bayern Munich.

Ngoài biệt danh Der Bomber (Kẻ dội bom), Gerd Muller còn được biết đến với biệt danh 'Bóng ma của vòng cấm' vì khả năng xuất hiện bất ngờ trong vòng cấm và ghi bàn. Một trong những câu nói nổi tiếng của cố tiền đạo vĩ đại này là: “Tôi chưa bao giờ thích biểu diễn ma thuật trước đám đông. Tôi chỉ muốn ghi bàn.”

Với cả hai Muller, khái niệm cốt lõi vẫn giống nhau: Họ sẽ quan sát cách đồng đội di chuyển, sau đó quan sát nơi đối phương đứng. Khu vực nào mà cả hai nhóm này không chiếm giữ trên sân sẽ là nơi họ đến. Căn chỉnh thời điểm, trí thông minh và kỹ thuật để tận dụng tối đa các cơ hội cũng rất quan trọng.

Tại sao phong cách chơi bóng này lại tỏ ra hiệu quả ở Bundesliga?

Mid-block (bảo vệ 1/3 giữa sân, với việc các tiền đạo không áp sát đối phương quá cao, còn hàng thủ không lùi quá sâu - ND) vẫn là chiến thuật được áp dụng tại Bundesliga cho đến nay. Điều đó tạo ra những khoảng trống giữa các tuyến, cũng như phía sau hàng thủ để các ‘Raumdeuter’ khai thác.

Việc triển khai pressing cũng tạo ra vấn đề tương tự. Vì khi các cầu thủ tập trung vào việc pressing người có bóng, nó sẽ tạo ra những khoảng trống cho các tiền đạo, những người di chuyển không bóng. Đó là những yếu tố khiến Thomas Muller ở Bayern Munich và Kai Havertz khi còn chơi cho Bayer Leverkusen được hưởng lợi.

Tại sao nó không hiệu quả ở Premier League?

Trong những năm 90, Premier League đã trải qua quá trình phát triển chiến thuật tương tự. Nhiều đội chuyển từ sơ đồ 4-4-2 sang 4-4-1-1 để khai thác khoảng trống giữa các tuyến, cũng như khoảng trống phía sau hàng phòng ngự đối phương. Sự thay đổi này đã mang đến cho chúng ta những cái tên như Eric Cantona và Dennis Bergkamp 

Brian Phillips trong series bài viết ’22 Goals’ cho The Ringer đã đưa ra kết luận xúc tích về những gì Bergkamp đã mang đến trong vai trò này: “Đó là sự tự tin tuyệt đối rằng bạn sẽ nhận được đường chuyền ở vị trí bạn đứng. Niềm tin rằng pha di chuyển vào khoảng trống của bạn sẽ khiến toàn bộ hàng thủ đối phương bị phá vỡ.”

Vấn đề là kể từ thời điểm đó, chiến thuật ở Premier League đã trở nên đa dạng hóa (hơn là tiến hóa). Premier League được biết đến như một giải đấu toàn cầu, với sự đa dạng của các cầu thủ và HLV. Nghĩa là có rất nhiều ý tưởng khác nhau xung quanh giải đấu, thay vì một tầm nhìn thống nhất. Nếu có một cách chơi nào được coi là thuần Anh thì nó được coi là lỗi thời và không hiệu quả.

Van de Beek cũng có bộ kỹ năng của một Raumdeuter nhưng anh lại đang quá chật vật tại MU

Vì vậy, điều này khiến mẫu cầu thủ có bộ kỹ năng cụ thể như ‘Raumdeuter’ khó có thể tạo ra tác động một cách ổn định, vì hoàn cảnh giữa các trận đấu thường khác nhau. Họ không có một công thức cố định nào để thành công. Chúng ta đã thấy điều này xảy ra với Kai Havertz ở Chelsea, Donny van de Beek, Jadon Sancho ở Manchester United và Davy Klaasen ở Everton.

Nhìn chung, hầu hết các đội bóng ở Premier League không để lại nhiều khoảng trống xung quanh vòng cấm. Đa phần những cầu thủ này không có đủ tốc độ để băng xuống hoặc khả năng rê bóng để phá vỡ các hàng thủ lùi sâu. 

Hơn nữa, nếu nhìn vào những đội bóng kiểm soát bóng đủ tốt để tận dụng triệt để khả năng của mẫu cầu thủ như Muller, họ thường chọn ký hợp đồng với một cầu thủ có kỹ năng toàn diện hơn nhiều.

Ngoại lệ mang tên Dele Alli

Trong ba mùa giải, Dele Alli là một trong những cầu thủ tấn công hay nhất nước Anh, chỉ xếp sau Harry Kane ở Tottenham Hotspur. Ở mùa giải 16/17, anh ghi 18 bàn và có 9 đường kiến tạo ở Premier League, đồng thời giành danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa giải.

Nhiều người tin rằng Alli sẽ chỉ chơi hay hơn theo thời gian. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Alli thậm chí còn không được đá chính cho Besiktas. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Alli sở hữu kỹ thuật điêu luyện, đặc biệt là khả năng điều khiển trái bóng ngay từ cú chạm đầu tiên giống như nhiều cầu thủ đảm nhận vai trò ‘Raumdeuter’. Tuy nhiên, không giống như những người đồng nghiệp, Alli đã tạo ra ảnh hưởng như vậy ở Premier League nhờ sự vượt trội về mặt thể chất. 

Cái tên Dele Alli là một ngoại lệ dù anh chưa hoàn toàn là một Raumdeuter chính hiệu

Khả năng di chuyển của Alli rất tuyệt, nhưng nó cũng không cần phải quá đặc biệt. Cầu thủ người Anh khá thoải mái trong việc để đối phương đứng gần mình hơn là các ‘Raumdeuter’ truyền thống, vì biết rằng mình không hề thua kém họ về mặt thể chất. Alli cũng có thể thực hiện nhiều pha chạm bóng hơn, vì anh có khả năng định hướng cơ thể rất tốt.

Sau đó, Alli liên tục dính chấn thương và đánh mất lợi thế về thể chất. Giờ anh không thể dễ dàng vượt qua các hậu vệ. Những pha chạm bóng thừa thãi cũng có thể khiến anh bị loại khỏi cuộc chơi. Ngoài ra, bộ kỹ năng ‘Raumdeuter’ chưa hoàn thiện của Alli (do ỷ lại vào thể chất của mình) khiến anh trượt dốc rất nhanh. Thái độ chơi bóng của cựu cầu thủ Tottenham cũng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Alli từng là một cầu thủ dị thường, vì anh không cần quá hoàn thiện các kỹ năng của một ‘Raumdeuter’ nhờ những điểm mạnh của mình. Một khi Alli sa sút về thể chất, chuẩn mực đã được thiết lập lại.

Vậy chúng ta có nên mua ‘Raumdeuters’ không?

Có và Không.

Như đã đề cập ở trên, ‘Raumdeuter’ chỉ là một thuật ngữ Muller tạo ra để định nghĩa cách chơi bóng của bản thân. Nếu một cầu thủ dựa vào bộ kỹ năng tương tự, hẳn chúng ta sẽ có lý do để phản đối việc họ ký hợp đồng với một đội bóng ở Premier League (Florian Wirtz là một ví dụ điển hình).

Tuy nhiên, chỉ vì họ đóng vai trò ‘Raumdeuter’ không có nghĩa là họ bị giới hạn ở những bộ kỹ năng đó. Roberto Firmino chơi như một ‘Raumdeuter’ ở Hoffenheim. Nhưng nhờ khả năng kết hợp với các đồng đội và kiểm soát bóng tốt, anh đã thích nghi với vai trò số 9 ảo ở Liverpool và tạo thành một hàng công đáng gờm cùng với Sadio Mane và Mohammed Salah.

Khi còn khoác áo Sporting CP, Bruno Fernandes chơi như một hộ công trong phần lớn số lần ra sân. Tiền vệ người Bồ Đào Nha thường xuyên thực hiện các pha chạy chỗ của cầu thủ thứ ba (third man run) trong và xung quanh vòng cấm để có được các vị trí ghi bàn. Tuy nhiên, cầu thủ này cũng cho thấy tần suất hoạt động và khả năng chuyền bóng đáng kinh ngạc, giúp anh đảm nhận vai trò sáng tạo nhiều hơn ở Man United.

Bruno Fernandes cũng đóng vai trò của một 'kẻ cắp không gian' tại MU

Man United cũng sẽ hy vọng có thể điều chỉnh thành công Sancho trong vai trò mới. Tại Dortmund, anh là mẫu cầu thủ sáng tạo chơi ở cả hai cánh hoặc trung lộ, tìm ra những khoảng trống và kiến tạo cho các đồng đội. Tuy nhiên, tại Premier League, sự thiếu bùng nổ và thể chất yếu của Sancho khiến anh rất chật vật trong việc lấy lại phong độ.

Kế hoạch hiện tại dường như là để anh đóng vai trò tương tự như Bernardo Silva tại Manchester City, nhờ nhãn quan và đôi chân khéo léo của Sancho. Nhưng liệu điều đó có thành công hay không thì còn phải chờ, bởi thể chất hạn chế của Sancho đang cho thấy những trở ngại.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thấy những nỗ lực thích nghi không thực sự hiệu quả. Van de Beek chơi tệ khi đá hộ công. Havertz không phát huy hết khả năng của mình khi phải chơi tiền đạo cắm. 

Sẽ luôn có những ngoại lệ cho mọi quy tắc. Với sự phát triển chiến thuật trong những năm gần đây, việc các HLV tìm ra cách để giúp các ‘Raumdeuter’ chơi hiệu quả là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Còn hiện tại, Premier League đang là mồ chôn cho những cầu thủ tấn công chỉ biết khai thác không gian và không nổi trội ở những kỹ năng khác. 

Lược dịch, có chỉnh sửa bài viết “Why is there no room for Raumdeuters in the Premier League?” của Casey Evans

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?