Vì sao Pep lại xếp John Stones đá tiền vệ số 8 thay vì số 6 trước Inter Milan?

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Chủ Nhật 18/06/2023 19:36(GMT+7)

Vị trí và vai trò/chức năng thi đấu của John Stones được xem là một phát kiến bản lề của Pep Guardiola và góp phần khắc họa nên sự thành công vang dội của Man City trong mùa giải đã qua. Cũng chính Stones trở thành một nét chấm phá chiến thuật nữa trong trận chung kết Champions League tại Istanbul. Pep đã lại thay đổi trong trận chung kết, nhưng lần này ông đã giành chiến thắng.

 

John Stones vốn đã đa nhiệm, nay còn đa nhiệm hơn

Kể từ đầu năm 2023 này, Stones đã gần như thường trực được Pep xếp đá trong một vai trò phức hợp, lai giữa trung vệ lệch và tiền vệ trung tâm. Khi City không bóng, anh là trung vệ trong hàng thủ 4 người. Khi City có bóng, Stones dâng lên chơi cạnh Rodri trong cặp tiền vệ số 6. Từ đó, cấu trúc quen thuộc lúc triển khai bóng của City là 3-2-4-1 với một khối vuông ở giữa sân gồm Rodri-Stones-Kevin De Bruyen-Gundogan. Đó được xem là công thức làm nên sức mạnh hủy diệt của City từ đầu năm nay.

Nhưng, trước Inter Milan, một lần nữa trong một trận đấu quan trọng của sự nghiệp, Pep lại thay đổi, khi ông phá bỏ đi cấu trúc chiến thắng ấy. Thay vào đó, Pep sử dụng hệ thống 3-4-3 kim cương, với hình thoi ở giữa thay vì hình vuông. Cụ thể, Stones tại cầu trường Ataturk không còn đứng cạnh Rodri trong cặp tiền vệ trung tâm ở giai đoạn triển khai bóng. Anh được xếp đá như một tiền vệ số 8. Trong hình thoi ấy, Rodri là đáy, Gundogan là đỉnh – tức chơi như một số 10, còn Stones và KDB thú vị thay lại chơi ở mỗi bên.

Có thể nói, phạm vi hoạt động lẫn vai trò của Stones trước Inter Milan còn phức hợp và đa nhiệm hơn cả quãng thời gian trước đó. Lúc City không bóng và tổ chức phòng ngự, Stones trở về với vị trí hậu vệ cánh phải. Còn lúc City có bóng triển khai ở 1/3 đầu sân, như đã nói, anh đá như một tiền vệ số 8. Đến khi City có bóng từ 1/3 giữa sân đổ lên, Stones sẵn sàng tùy thời điểm có những bước di chuyển đâm ra biên, tìm cách lẻn phía sau lưng biên thủ (wingback) trái của Inter.

Các khư vực, không gian hoạt động, di chuyển của John Stones ở chung kết Champions League

Nhưng vì sao Pep lại thay đổi như vậy? Ngay từ những cuộc phỏng vấn, họp báo trước thềm trận chung kết, Pep đã liên tục cho thấy sự tôn trọng và đề cao lối chơi cùng hệ thống của Inter Milan. Có thể, nhiều người sẽ cho rằng đấy chỉ là phong cách “khen trước trận, làm gỏi trong trận” của Pep đối với các đối thủ. Song, Inter của Simone Inzaghi thực sự là một tập thể có được sự phức tạp về chiến thuật và rất nhuyễn bài, cả khi không bóng lẫn có bóng.

Hai giả thiết về 3-4-3 kim cương của Pep trước Inter

Dù đã từng không ít lần chạm trán những đối thủ sử dụng hệ thống 5-3-2 ở Premier League, nhưng mỗi tập thể có một cách tổ chức phòng ngự khác nhau. Cách bố trí cầu thủ trên sa bàn chỉ là tĩnh, thứ sống động nhất và tiên quyết nhất nằm ở chức năng và vai trò của từng cầu thủ trên sân. Đối phó với hệ thống 5-3-2 của Inter Milan có lẽ đã khiến Pep phải thật sự cân nhắc, thay vì giữ nguyên công thức cũ. 

Khi đối đầu với City, bài toán luôn được đặt ra với các đối thủ là họ sẽ chấp nhận đánh đổi điều gì trước khâu triển khai bóng của The Cityzens. Đó là xếp đông quân số gây áp lực tầm cao rát, nhưng chấp nhận thế một-một hoặc thậm chí là thua thiệt quân số ở phía sau? Hay giữ vững thế quân số ngang bằng hoặc nhỉnh hơn ở các tuyến bên dưới, nhưng đổi lại là nhường City thoải mái triển khai bóng ở tuyến dưới của họ?

Giả sử City vẫn giữ nguyên cấu trúc 3-2-4-1 quen thuộc như trước đó, tức Stones vẫn chơi cạnh Rodri ở cặp tiền vệ trung tâm, ta sẽ có minh họa như thế này. Lúc này, KDB và Gundogan chính là những số 10 trong hệ thống, chơi phía sau Haaland.

Giả sử City vẫn duy trì hệ thống 3-2-4-1 khi có bóng trước Inter

Trong cách phòng ngự của Inter, tiền vệ Brozovic gần như giữ nhiệm vụ làm tấm lá chắn trước hàng thủ. Do đó, hai tiền vệ còn lại sẽ kết hợp cùng cặp tiền đạo ở phía trên giữ trọng trách không cho phép City dễ dàng triển khai bóng từ tuyến dưới. Dĩ nhiên, ở giai đoạn này, City sẽ luôn có lợi thế quân số là 5 so với 4 của Inter, chưa kể vẫn còn đó Ederson. Đổi lại, Inter sẽ đạt được mục đích đảm bảo thế quân số an toàn ở tuyến dưới, khi cặp trung vệ lệch theo kèm KDB và Gundogan, còn trung vệ giữa Acerbi cùng Brozovic phong tỏa lấy Haaland. 

Nhưng, Pep có vẻ không muốn đội bóng của mình bị phong tỏa tuyến trên như thế. Và ông chuyển thành 3-4-3 kim cương! 

Hệ thống 3-4-3 kim cương của City trước Inter

Đây là giả thiết đầu tiên khi Pep đổi thành 3-4-3 kim cương. So sánh với cặp số 10 trong 3-2-4-1, cặp số 8 trong 3-4-3 kim cương của City với vị trí đứng thấp hơn và dãn ra sẽ gây ra vấn đề nan giải cho các trung vệ của Inter. Hai trung vệ lệch sẽ buộc phải di chuyển một quãng đường dài hơn, nhấc ra khỏi khu vực phòng ngự mặc định của họ, nếu muốn bắt lấy hai số 8 này. Và một khi làm vậy, có những khoảng trống sau lưng những trung vệ lệch đó để khai thác. Chưa kể, với đỉnh hình thoi là Gundogan chơi sau lưng Haaland, City có thêm nhân sự để đối phó với trung vệ giữa Acerbi và tiền vệ trụ Brozovic của Inter. 

Nói cách khác, Pep sẵn sàng đánh đổi, chấp nhận rút bớt nhân sự ở tuyến dưới khi triển khai bóng, để tăng thêm quên số ở các tuyến trên mà cụ thể là có 3 (gồm một số 10 và hai số 8, so với chỉ hai số 10). Bấy giờ, City còn lại 4 nhân sự trong khâu làm bóng ở tuyến dưới (vì Stones đã được rút khỏi tiền vệ số 6 cạnh Rodri), đối đầu với 4 cầu thủ bên phía Inter (gồm hai tiền đạo và hai tiền vệ số 8). Song, nếu thêm cả Ederson, City vẫn có được lợi thế quân số ở khâu này. Pep “tiết kiệm”, nhưng không đẩy tình hình vào thế quá bất lợi.

Giả thiết đầu tiên về lý do Pep chọn 3-4-3 kim cương trước Inter

Còn đây là giả thiết thứ hai khi Pep đổi thành 3-4-3 kim cương. Nếu Inter không muốn mạo hiểm đẩy hai trung vệ lệch lên theo kèm hai số 8 của City, chính những tiền vệ số 8 của họ phải làm thay nhiệm vụ này. Nhưng từ hành động đó của những Calhanoglu và Nicolo Barella, City sẽ lại áp đảo hoàn toàn về nhân sự trong khâu triển khai bóng (4 đấu 2) và Rodri có được không gian trước mặt để chơi bóng nhiều hơn. Bấy giờ, ở trục giữa, Rodri, Gundogan và Haaland có thể kết nối với nhau và nhiệm vụ che chắn trước hàng thủ của Brozovic sẽ nặng nề hơn. 

Giả thiết thứ hai về lý do Pep chọn 3-4-3 kim cương trước Inter

Dù xuất phát từ giải thiết hay ý tưởng nào đi chăng nữa, mục tiêu của Pep sẽ luôn là tìm kiếm người tự do khi triển khai bóng tấn công, từ đó để tấn công khoảng trống và ghi bàn. 

Pep muốn làm chủ trung lộ

Sau trận chung kết, một trong những phát biểu đáng chú ý nhất về khía cạnh chiến thuật của Pep với cánh phóng viên trong phòng họp báo, đó là: “Kế hoạch ban đầu của chúng tôi là Rodri sẽ ở một mình (tức được tự do), sau đó Gundo cũng có thể sẽ được tự do.”

Ngoài ra, đầu tháng 11 năm 2021, trong một cuộc trả lời nhanh với phóng viên Sky Sports sau trận đấu với Man Utd, khi được hỏi về hệ thống phòng ngự 5-3-2 của đối thủ, Pep đã nói như sau: “Khi họ chơi 5-3-2, bằng cách xếp hai tiền đạo cánh đứng cao và bám biên để neo lấy hai biên thủ của họ, lúc chúng tôi ở giai đoạn hai trong khâu triển khai bóng, hàng tiền vệ 3 người của họ sẽ không thể kiểm soát hết được chiều ngang sân.”

Xuất phát từ hai phát biểu trong hai mốc thời gian khác nhau của Pep, có thể dự đoán rằng kế hoạch ban đầu của Pep là dựa trên giả thiết thứ hai đã đề cập, tức Rodri được tự do nhờ việc hai số 8 của Inter theo kèm lấy hai số 8 của City. Và nếu Rodri được tự do với bóng, Brozovic sẽ rơi vào thế phải lựa chọn: Dâng lên bắt lấy Rodri hoặc duy trì nhiệm vụ bảo vệ trước mặt hàng thủ. 

Nếu tiền vệ người Croatia quyết định bỏ kèm Gundogan, nhấc vị trí dâng lên dập Rodri, đến lượt Gundogan sẽ được tự do. Nói cách khác, chiếu theo kế hoạch của Pep, nếu Rodri được tự do nghĩa là Inter lựa sắp xếp hàng tiền vệ 3 người của họ theo kèm một-một đối với một số 10 và hai số 8 của City. Nhưng trong trường hợp lý tưởng đó, một khi Rodri có bóng và quá trình triển khai tấn công bước vào giai đoạn hai (khu vực giữa sân trở lên), City tạo ra thế 4 đấu 3 với Inter (gồm Rodri, số 10 và hai số 8).

City có thể tạo ra thế quân số áp đảo ở giai đoạn hai của quá trình triển khai bóng tấn công

Bằng ý tưởng hàng tiền vệ 3 người trong hệ thống 5-3-2 của đối thủ sẽ không thể cán đán hết theo chiều ngang sân, Pep muốn dùng hai số 8 của ông trong cấu trúc 3-4-3 kim cương để dẫn dụ các tiền vệ số 8 của đối thủ dãn ra theo kèm. Từ đây, mục tiêu trọng tâm là biến khu vực trung lộ có nhiều không gian hơn dành cho số 10 thao túng. Khi Rodri có bóng và kết hợp cùng Gundogan ở vị trí số 10, một mình Brozovic sẽ không thể quán xuyến nổi. Rodri có thể kết nối được với chính Gundogan từ giai đoạn hai trong quá trình triển khai bóng tấn công này.

Thực tế không như kế hoạch và phản ứng của Simone Inzaghi

Đấy chính là kịch bản mà Pep mong đợi. Nhưng thực tế trên sân lại không như thế. Một lần nữa, chúng ta phải đến với một phát biểu khác của Pep sau trận chung kết: “Chúng tôi đã chơi không tốt trong hiệp một, khi thất bại trong việc kết nối với cầu thủ tự do của mình. Phần vì chúng tôi không thể ngờ tới các pha di chuyển theo kèm của Inter. Inter luôn có một tiền vệ bước lên gây áp lực với Rodri. Chúng tôi không ngờ rằng Calhanoglu sẽ tìm cách phong tỏa Rodri. Và nếu Rodri không ở một mình, thì John Stones chính là người được như vậy, có những khoảng trống dành cho Stones. Nhưng chúng tôi đã không đọc trận đấu tốt. Chúng tôi mới chật vật là vì vậy.”

Dựa trên chia sẻ đó của Pep thì Rodri đã không thể tự do trong giai đoạn thứ hai của khâu triển khai bóng. Nghĩa là một trong hai số 8 của Inter giữ chức năng di chuyển kèm lấy tiền vệ người Tây Ban Nha, mà như Pep nói là Calhanoglu. Nôm na thì hàng tiền vệ 3 người của Inter từ chối bị kéo dãn theo trù tính của Pep, họ sẽ không di chuyển theo hai số 8 của City. Nhưng khi ấy, về lý thuyết, các số 8 của City là Stones hoặc KDB lại trở thành người tự do. Và thay vì tìm kiếm khoảng trống ở trung lộ để kết nối với Gundogan, City có thể kết nối qua hai hành lang trong, khu vực gần với mỗi biên, qua các số 8 của họ. 

Chỉ có điều, những pha xử lý bóng vụng về, những tình huống cầm và chuyền bóng quá an toàn, thậm chí những sai lầm mang đến cơ hội cho đối thủ, là hình ảnh của City trong nhiều thời điểm của trận chung kết. Pep cũng đã thừa nhận như vậy và ông cũng nhấn mạnh rằng chuyện này hoàn toàn dễ hiểu, bởi các học trò đứng trước thời khắc lịch sử. Pep không ngần ngại so sánh với tập thể Barça của ông vào năm 1992, khi CLB này có lần đầu vô địch Champions League: Thi đấu cũng chật vật trước Sampdoria và chỉ thắng tối thiểu 1-0 nhờ khoảnh khắc sút phạt của Ronald Koeman.

Thực tế trên sân, Inter Milan đã tổ chức phòng ngự và kèm người gần giống với… giả thiết đầu tiên được nêu ra, tức phân vai cho các trung vệ lệch của họ bắt lấy hai số 8 của City. Ở đây, không thể không nhắc đến sự dũng cảm cùng hệ thống phòng ngự chặt chẽ và uyển chuyển của Nerazzurri.

Inter của Simone Inzaghi đã thật sự dám mạo hiểm khi không hề lùi thấp đội hình. Thay vào đó, họ sẵn sàng tổ chức gây áp lực từ tầm trung đến cao, với việc sẵn sàng đẩy tiền vệ số 8 Nicolo Barella lên cao hơn so với hai đồng đội khác ở cùng tuyến, kết hợp cùng Lautaro Martinez và Edin Dzeko gây áp lực lên ba trung vệ trong khâu làm bóng của City. 

Nếu City có bóng ở cánh trái, Barella nhấc lên gây áp lực với Nathan Ake, Calhanoglu theo kèm Rodri, Brozovic theo kèm Gundogan. Và đặc biệt, trung vệ lệch phải của Inter là Darmian sẵn sàng dâng lên cao để dập KDB. 

Inter gây áp lực khi bóng ở cánh trái của City

Còn nếu City có bóng ở cánh phải, chính Lautaro Martinez sẽ tìm cách gây áp lực lên trước mặt Akanji, Calhanglu vẫn duy trì vị trí theo kèm Rodri, Brozovic vẫn theo kèm Gundogan. Và cũng giống như Darmian, trung vệ lệch trái Bastoni sẵn sàng dâng lên dập John Stones. 

Inter gây áp lực khi bóng ở cánh phải của City

Vai trò dâng lên đánh dập của Bastoni và Darmian là chức năng luân phiên, dựa trên cánh triển khai bóng của City. Thế nên, trung vệ lệch xa bóng của Inter một khi không làm nhiệm vụ dâng lên theo kèm số 8 của City sẽ lùi về hỗ trợ trung vệ giữa Acerbi, không để Haaland có được thế một-đấu-một và hỗ trợ bọc lót không gian sau lưng trung vệ lệch gần bóng vừa dâng lên.

Cũng vì vậy mà như chính Pep nói, luôn có một người tự do trong khối đội hình City từ cách kèm người gây áp lực của Inter. Đó hoặc là Stones hoặc là KDB tùy vào cánh triển khai bóng của City, ứng với khối dịch chuyển đội hình gây áp lực của Inter. 

Stones trong trận tự do thường xuyên hơn vì xu hướng triển khai bóng chủ đạo của City là kiểm soát qua cánh trái, đội hình Inter vì vậy cũng dịch chuyển tương ứng theo chiều ngang sân như một quả lắc đồng hồ. Dẫu vậy, City trong hiệp một đã không thể kết nối được với người tự do đó, phần vì họ không dám mạo hiểm và tự tin trong cách chuyền bóng, phần vì Inter luôn di chuyển đồng bộ vây lấy người cầm bóng của City, không cho đối thủ có góc rộng trước mặt để đảo cánh nhanh.

Ảnh 9
Những ví dụ trên sân về cách tổ chức phòng ngự kèm người và gây áp lực của Inter
Đã có những thời điểm Ederson tìm cách chuyền bóng dài và bổng cho Stones, nhưng trung vệ lệch trái Bastoni của Inter luôn có mặt để dâng lên dập

Chuỗi tình huống đầu phút 13 dưới đây là tổng hòa cho cả hai yếu tố: Inter chấp nhận để “trống” Stones và City từ chối kết nối với người tự do ấy. Khối tiền vệ 3 người của Inter dồn quân ép cánh trái của City. Stones di chuyển từ cánh phải bó hẳn vào trung lộ để mở ra góc chuyền bóng cho đồng đội. Darmian có hành động nhấc lên gây áp lực đối với KDB, nghĩa là về lý thuyết sẽ bỏ lại khoảng trống sau lưng anh ở vị trí trung vệ lệch phải. KDB quyết định chuyền trực diện cho Haaland, với ý đồ tấn công vào chính khoảng trống mà Darmian bỏ lại. Song, hàng thủ Inter dịch chuyển đồng bộ theo chiều ngang, Acerbi lấp chỗ hở mà Darmian bỏ lại, Bastoni dịch chuyển theo để đặt Haaland vào thế một-đấu-hai. Tình huống dễ dàng bị hóa giải.

Sau đó, City thu hồi bóng hai, bóng tìm đến KDB trước khi qua chân Nathan Ake. Stones một lần nữa làm người tự do. Lần này, Ake đã thực sự chuyền cho Stones. Nhưng Calhanoglu và Lautaro đủ cảnh giác để ập vào và phạm lỗi.

Stones đã chủ động di chuyển tìm kiếm khoảng trống cũng như sẵn sàng tư thế nhận chuyền, nhưng hoặc đồng đội quyết định chuyền bóng trực diện ra sau lưng hàng thủ Inter, hoặc đến khi Stones có bóng thì liền bị các cầu thủ Inter lao tới vây ráp

Cách bố trí theo kèm người của Inter trong riêng hiệp một không phải lúc nào cũng nhất quán dựa trên công thức Calhanoglu đeo bám Rodri. Vai trò của cầu thủ người Thổ Nhĩ Kỳ ở cánh trái có những sự đan xen, anh thường xuyên nhất vẫn kèm Rodri, nhưng cũng sẵn sàng chia lửa với trung vệ lệch trái Bastoni trong việc kèm Stones, cũng như thay thế Brozovic kèm Gundogan. Nếu Calhanoglu – một người trong nhiều thời điểm mùa này được chính Simone Inzaghi bố trí đá tiền vệ trụ thay cho Brozovic – theo kèm Gundogan ở vị trí số 10, đến lượt Brozovic được phép di chuyển quãng đường dài hơn lên phía trước để gây áp lực lên chính Rodri, dù hình ảnh này diễn ra không thường xuyên trong hiệp một.

Một góc ‘tactical cam’ và một tình huống khác trong trận chung kết, cho thấy hình ảnh Brozovic đã có thời điểm dâng lên kèm Rodri

Kịch bản lý tưởng nhất mà Pep hình dung là Rodri có bóng và kết nối với người tự do, hoặc Rodri bị theo kèm và một trong hai số 8 của ông được tự do để nhận chuyền. Đã có những thời điểm vế đầu tiên trong hai điều đó xảy ra, nhưng vế thứ hai không được đáp ứng. Hai tình huống dưới đây phản ánh rõ các học trò của Pep trong hiệp một đã chơi quá thận trọng và không dám mạo hiểm. 

Phút 20, trước mặt Rodri là rất nhiều giải pháp chuyền bóng xuyên tuyến để tìm thấy người tự do, gồm Rodri, KDB và số 10 Gundogan sau khi Brozovic quyết định nhấc lên gây áp lực. Nhưng Rodri không mạo hiểm, anh chuyền sang ngang cho Bernardo Silva ở cánh phải. Cuối cùng, chính biên thủ trái Dimarco của Inter cắt được đường bóng đó và Inter phản công để tạo ra một cú sút.

Phút 42, một lần nữa Brozovic theo kèm Rodri, Stones tiếp tục tự do nhưng người có bóng là Ruben Dias chuyền bóng an toàn cho Akanji.

Sự do dự trong quyết định chuyền bóng của các cầu thủ City khi trước mặt có đồng đội tự do

Sự điều chỉnh của Pep trong hiệp một

Khi kế hoạch vạch ra không như kỳ vọng, cộng với phản ứng tài tình của Simone Inzaghi, Pep đương nhiên phải có điều chỉnh. Thực tế, ngay giữa hiệp một, thay đổi đã được đưa ra, khi Pep hoán đổi vị trí giữa KDB và Gundogan. Gundogan đá số 8 ở cánh trái, KDB leo lên đá số 10 sau lưng Haaland.

Pep thay đổi vị trí của KDB và Gundogan trong khối hình thoi, Inter vẫn tổ chức theo kèm và gây áp lực như cũ: Calhanoglu vẫn thường xuyên kèm Rodri, các trung vệ lệch vẫn dâng lên dập hai số 8 của City và Brozovic vẫn kèm số 10 mà giờ là KDB

Ý đồ ở đây có thể là bởi Pep nhận thấy xu hướng dâng lên đánh dập thường xuyên của cặp trung vệ lệch bên phía Inter đối với hai số 8 của ông. Thế nên, có những khoảng trống sau lưng để khai thác. KDB lại là người có những pha di chuyển khỏe khoắn và sức bộc phát tốt để tấn công vào những không gian đó. 

Hai pha bóng cho thấy rõ ý đồ từ sự điều chỉnh của Pep với việc bố trí KDB đá số 10 thay Gundogan: Tấn công khoảng trống sau lưng các trung vệ lệch. Trong cả hai tình huống, hai trung vệ lệch của Inter đều dâng lên rất cao theo kèm hai số 8 của City là Stones và Gundogan, bỏ lại khoảng trống phía sau có thể bị khai thác

Cũng nói về miếng di chuyển đâm vào khoảng trống sau lưng hàng thủ Inter xuất phát từ các hành động dâng lên theo kèm người của các trung vệ lệch và biên thủ, người thường xuyên nhất của City có những pha di chuyển kiểu này lại chính là John Stones, như đã diễn giải về tầm hoạt động của Stones ở đầu bài. Từ sau khi KDB hoán đổi vị trí với Gundogan, hành động đó của Stones càng xuất hiện thường xuyên hơn, phản ánh dụng ý của Pep. 

Những ví dụ cho thấy hành động lặp lại của Stones trong việc di chuyển tấn công ra khoảng trống sau lưng trung vệ lệch trái Bastoni và biên thủ trái Dimarco

Ngay sau sự điều chỉnh của Pep, cơ hội nguy hiểm nhất trong hiệp một đến với City. Một khoảnh khắc thật sự đáp ứng đủ mọi yếu tố mà City đã thiếu và không thể tận dụng trước đó: Rodri tự do có bóng, Brozovic lưỡng lự trong hành động theo kèm giữa Rodri và “số 10 mới” KDB, trung vệ lệch phải Darmian dâng lên dập “số 8 mới” Gundogan để lộ ra khoảng trống sau lưng, và nhất là đường chuyền chọc khe từ Rodri – thứ mà các cầu thủ City hầu như không có được trong suốt quãng thời gian trước. Một pha phối hợp đánh thẳng vào trung lộ như những gì Pep muốn, và nó kết thúc bằng một cú dứt điểm nguy hiểm của Haaland.

Cơ hội nguy hiểm nhất trong hiệp một của City, cũng là tình huống có giá trị bàn thắng kỳ vọng cao nhất của City trong cả trận

Khi KDB gặp chấn thương rời sân, người vào thay thế cho anh là Phil Foden cũng là một mẫu cầu thủ phù hợp cho những miếng bài mà City hướng tới, cộng với khả năng quan sát và xoay sở linh hoạt trong vùng không gian giữa hai tuyến đối thủ, tức ở vị trí số 10. Kể từ sau sự thay đổi về mặt vị trí lẫn nhân sự ấy của Pep, Foden bắt đầu trở thành người nhận những pha chọc khe/chuyền xuyên tuyến thường xuyên nhất bên phía City. 

Foden sau khi vào sân thay KDB, luôn sẵn sàng trong tư thế nhận bóng chuyền xuyên tuyến, ở giữa hai tuyến của Inter

Hiệp hai có gì mới?

Ngay đầu hiệp hai, có một khoảnh khắc cô đọng vấn đề mà Pep than phiền về hiệp một. Stones vẫn là người tự do, nhưng các đồng đội không thể kết nối với anh. Pha bóng ở phút 47, Ake chuyền cho Rodri, Rodri sau đó lại chuyền ngược về cho Ake. Phản ứng của Stones và Pep trong khung hình cho thấy: Lẽ ra nên có một đường chuyền tìm tới Stones, người lúc này đang tự do. 

Stones ngay đầu hiệp hai tiếp tục tự do nhưng không được nhận chuyền

Nhưng đây chỉ là một tình huống hiếm hoi trong hiệp hai mà City không tìm cách kết nối với người tự do của họ. Phần còn lại ở hiệp đấu, các học trò của Pep mạnh dạn và tự tin hơn trong việc cầm và xử lý bóng. Một tình huống khác vào phút 54, Rodri lần này chuyền chéo xuyên tuyến dành cho Stones, người sau đó dốc bóng về phía trước, đâm thẳng trung lộ của Inter. Tuy nhiên, ở bước xử lý cuối cùng, Stones lại chuyền quá “nặng” cho Gundogan.

  

Một pha bóng nguy hiểm của City sau khi Rodri kết nối với Stones

Cũng liên quan đến khu vực hoạt động của Stones, bên cạnh việc duy trì miếng di chuyển tấn công vào khoảng trống sau lưng hàng thủ Inter ở cánh phải như trong hiệp một, giữa Stones và Bernardo Silva bắt đầu có những pha hoán đổi vị trí một cách linh hoạt, khi Stones chạy chỗ chồng cánh ngoài, còn Silva từ biên cắt chéo bó vào trong. Hai kiểu chạy chỗ này bản chất là cùng một dạng và dễ dàng thao tác. Trong tình huống City ghi bàn, hình ảnh Stones một mình ở cánh phải còn Silva ở trung lộ đã diễn ra. 

Sự đa dạng hơn trong nhóm phối hợp cánh phải của City, giữa John Stones và Bernardo Silva

Như đã nói, từ sau sự điều chỉnh về vị trí và nhân sự của Pep ở hiệp một, khi KDB đá đỉnh kim cương thay cho Gundogan, và sau khi Phil Foden vào thay tiền vệ người Bỉ, City bắt đầu tìm cách chuyền bóng xuyên tuyến, kết nối đến vị trí số 10 của họ nhiều hơn. Điều này được nhìn thấy rõ nét trong hiệp hai. Bản thân Foden với sự cơ động trong di chuyển, cùng ý thức chủ động quan sát xung quanh trước khi nhận bóng, rất tự tin và “muốn” nhận bóng giữa hai tuyến đối thủ.

City chọc khe, chuyền bóng xuyên tuyến nhiều hơn trong hiệp hai

Cũng chính từ một pha nhận bóng như thế, với cú xoay trụ nhanh nhẹn, Foden đẩy quả bóng qua khỏi hậu vệ của Inter trước khi có được cơ hội ngon ăn. Đó cũng là khoảnh khắc mà Pep tin rằng nếu như dứt điểm lạnh lùng hơn, Foden đã có thể chốt hạ trận đấu cho City.

Tình huống dẫn đến cơ hội ăn bàn của Foden. Lúc này, Inter đã có sự thay đổi người và Dimarco từ vị trí biên thủ trái được kéo vào trong chơi như một trung vệ lệch trái, thay cho Bastoni

Song song đó, với xu hướng gia tăng từ sau điều chỉnh ở hiệp một của Pep, City ngày càng tìm cách tấn công vào những khoảng trống bị bỏ lại sau lưng các trung vệ lệch của Inter, tận dụng hệ quả từ hành động dâng lên kèm các số 8 của đối thủ. Một lần nữa, người giữ vai trò di chuyển tấn công những khoảng trống này một cách thường xuyên nhất chính là Phil Foden.

City ngày càng tổ chức tấn công ra sau lưng các trung vệ lệch của Inter trong hiệp hai

Trong những pha chuyền bóng xuyên tuyến và tổ chức tấn công ra sau lưng hàng thủ Inter của City ở hiệp hai, dễ dàng nhận ra nét thay đổi trong cách kèm người của Nerazzurri. Nếu trong hiệp một, Brozovic rất ít khi theo kèm Rodri, thay vào đó vai trò này thuộc về Calhanoglu; thì sang hiệp hai, tiền vệ người Croatia lại thường xuyên làm việc này. Bấy giờ, Calhanoglu có nhiệm vụ kèm Foden. Bản chất hành động hoán đổi kèm người này của Inter không làm thay đổi kết cấu phòng ngự của họ, cũng như bản chất của việc các trung vệ lệch Inter dâng lên đánh dập các số 8 của City. Nghĩa là nếu những khoảng trống sau lưng các trung vệ lệch của Inter đã xuất hiện từ hiệp một, thì hiệp hai cũng không đổi.

Một sự thay đổi nữa trong hiệp hai nằm ở tâm lý tự tin với các quyết định cầm và dẫn bóng của các trung vệ lệch bên phía City. Nathan Ake và Akanji hiện diện trên phần sân Inter đậm đặc hơn nếu so với hiệp một, đến từ các hành động đi bóng của họ. Chi tiết này cũng được Thierry Henry trong vai trò chuyên gia trên show bình luận của CBS Sports đề cập đến trong phần trao đổi với chính Pep Guardiola sau trận đấu. Và trong tình huống dẫn tới bàn thắng duy nhất của trận chung kết, Akanji đóng vai trò chủ đạo khi xuất hiện ngay bên ngoài vùng 16m50 sau một pha dâng lên và dẫn bóng, trước khi tung ra đường chọc khe dành cho Bernardo Silva. 

 
Các đường chuyền và bản đồ nhiệt trong hiệp một và hiệp hai của Nathan Ake cùng Akanji

Bàn thắng duy nhất: Sự tổng hòa

Bàn thắng duy nhất của trận đấu, pha lập công của Rodri, chắc chắn có may mắn dự phần khi đường chuyền của Bernardo Silva đã đập trúng người một cầu thủ Inter trước khi tới chân tiền vệ người Tây Ban Nha. Song, trong tổng thể tình huống dẫn tới bàn thắng ấy, tồn tại những sự thay đổi của City theo thời gian trận đấu.

Ở đó, là hình ảnh Silva cùng Stones hoán đổi vị trí cho nhau, Silva cắt vào trong, Stones di chuyển chồng biên. Ở đó, là một đường chuyền ra sau lưng trung vệ lệch phải Darmian của Inter dành cho Foden, người chạy chỗ tấn công. Sự tự tin trong không gian hẹp của Foden đã thu hút thêm cả Lautaro Martinez, người mà trong phần lớn trận đấu được giao chức năng gây áp lực lên trước mặt trung vệ lệch phải Akanji của City trong khâu phòng ngự. Từ đó, Akanji có khoảng trống trước mặt để dẫn quả bóng đến gần vùng cấm của Inter. Trung vệ lệch phải Bastoni đã chủ động rời khỏi vị trí trong hàng thủ 5 người để áp sát Akanji. Chính ngay thời điểm Bastoni nhấc bước, Akanji tung ra đường chọc khe dành cho Silva đâm ra sau lưng Bastoni.

Tình huống dẫn tới bàn thắng duy nhất: Sự tổng hòa của những nét thay đổi trong hiệp hai từ City

Về mặt gián tiếp, sự thay đổi về cấu trúc hệ thống của Pep Guardiola ở trận chung kết, từ 3-2-4-1 thành 3-4-3 kim cương với John Stones đá tiền vệ số 8 đã mở ra những bài toán thay vì là lời giải như kế hoạch ban đầu của ông, mà từ đấy City thích ứng, điều chỉnh trong hiệp một rồi hiệp hai, góp phần làm nên chiến thắng. Tìm kiếm người tự do, khai thác những khoảng trống phía sau các trung vệ lệch của Inter là bài toán mà Pep đã tìm cách giải ở Istanbul. 

Hoàng Thông Le Foot

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?