Vì sao Monchi thất bại ở AS Roma?

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Năm 16/09/2021 17:00(GMT+7)

Zalo

Đến AS Roma đảm nhiệm vai trò giám đốc thể thao sau những năm tháng thành công ở Sevilla, Monchi được kỳ vọng sẽ mang về những bản hợp đồng thành công. Nhưng cuối cùng vị giám đốc người Tây Ban Nha đã rời đi với nỗi thất vọng để lại ở thủ đô Italy.

Được chơi ở hạng cao nhất, giành cả tá danh hiệu và đạt hơn 200 triệu euro lợi nhuận từ công tác chuyển nhượng, khi Sevilla bổ nhiệm Ramón Rodríguez Verdejo (người hay được biết đến với cái tên Monchi) làm Giám đốc thể thao năm 2000, không ai có thể dự đoán rằng họ lại trở nên thành công đến thế.
 
Nhưng cũng chẳng ai nghĩ rằng cuộc hôn phối tương tự giữa ông và AS Roma lại là một thất bại thảm hại. Trước thời điểm Giallorossi bỏ ra 5 triệu euro để mua đứt hợp đồng của Monchi, đội bóng kết thúc mùa giải ở vị trí á quân Serie A với 87 điểm, thành tích tốt nhất của họ kể từ lần vô địch giải đấu năm 2001. Để rồi khi Monchi ra đi, CLB đứng thứ 6 ở Serie A, cách đội đầu bảng Juventus đến 24 điểm, thành tích tệ nhất trong 6 năm qua.
 
Khi Monchi cập bến sân Olimpico năm 2017, ông phải đối mặt với một số vấn đề nan giải. Thứ nhất, họ vẫn còn một năm nữa mới hoàn thành thỏa thuận với Luật công bằng tài chính. Thứ hai, họ cần tiền để xây sân vận động mới. Để cân đối sổ sách cũng như thu về nguồn vốn để xây sân, trong hai mùa 2017/2018 và 2018/2019, AS Roma đã bán rất nhiều trụ cột, trong đó có Mohamed Salah, Alisson Becker, Antonio Rüdiger, Leandro Paredes, Radja Nainggolan và Kevin Strootman. Những bản hợp đồng này đã mang về cho họ hơn 211,5 triệu euro. Về cơ bản, Monchi có rất nhiều tiền để tái đầu tư cho đội bóng.

 
Monchi
Monchi đến Roma với nhiều kỳ vọng sau những năm tháng thành công ở Sevilla trên cương vị giám đốc thể thao. Ảnh: AS Roma
Mùa 2017/2018, mùa giải đầu tiên của Monchi chứng kiến thành công ngoài dự kiến của AS Roma, khi họ về đích thứ 3 ở Serie A và bất ngờ hơn, lọt vào tới bán kết Champions League, lần đầu tiên kể từ năm 1984. Nhưng theo chủ tịch đội bóng, James Pallotta, Monchi đã chi tiêu không tốt. “Tôi không thể hiểu lý do vì sao một số cầu thủ mới đến đây […] Tôi không rõ tiềm năng của họ như Monchi, nhưng ông ấy thì biết và rõ ràng ông ấy phải hiểu họ có thể làm được gì. Lẽ ra tôi nên can thiệp sớm, nhưng tôi muốn tạo điều kiện hết cỡ cho ông ấy”.
 
Về lý thuyết, Pallotta không sai. Trong số 10 cầu thủ có số phút thi đấu nhiều nhất cho Roma mùa 2017/2018, chỉ hai trong số đó là sự bổ sung của Monchi (Aleksandar Kolarov và Federico Fazio). Cần nhớ rằng với đội hình cũ, vị chiến lược gia Luciano Spalletti đã giúp Roma giành ngôi vị á quân Serie A mùa trước đó.
 
Dù vậy, phần tiếp theo của bài viết sẽ tập trung mổ xẻ các bản hợp đồng của Monchi ở mùa hè 2018, bởi dẫu sao AS Roma đã có một mùa giải 2017/2018 thành công; sẽ thiếu công bằng nếu đặt công tác chuyển nhượng của Monchi ở mùa đó dưới kính hiển vi. 
 
1. Mùa hè 2018, Monchi mang về 13 cầu thủ, với số tiền chi ra lên tới 147.5 triệu bảng, trong đó có:
 
Iván Marcano (miễn phí - Porto): Cầu thủ 31 tuổi chỉ đá hơn 800 phút, trước khi quay trở lại Porto một năm sau đó với giá 2,5 triệu bảng. Dù có màn trình diễn thất vọng trên sân, Marcano lại đem đến lợi nhuận cho Roma. Đã có những may mắn nhất định, bởi dù Porto có nhiều sự lựa chọn trẻ trung hơn ở hàng thủ, họ vẫn đưa lão tướng này về lại sân Estádio do Dragão. Nếu không, khả năng cao Marcano sẽ là sự hoang phí lớn về mặt tiền lương.
 
Antonio Mirante (4 triệu euro - Bologna): Một kì chuyển nhượng kì lạ của Roma, khi họ chia tay với cả ba thủ môn mùa trước và đón về ba thủ môn mới. Monchi bán Łukasz Skorupski (27 tuổi) cho Bologna với giá 9 triệu euro, rồi lấy từ chính đội bóng này Antonio Mirante, người khi đó đã 34 tuổi với giá rẻ một nửa làm thủ môn số hai của đội.
 
Trong ba năm ở Roma, anh bắt chính 29 trận và kết thúc quãng thời gian thi đấu cho Roma bằng màn trình diễn tệ hại trước Manchester United ở Europa League mùa trước. 4 triệu euro cũng là số tiền hơi “chát” với một thủ môn đã già và chỉ là phương án dự phòng.
 
Daniel Fuzato (450.000 euro - Palmeiras): Xét trên việc Roma tin rằng thủ môn sẽ chưa đạt tới đỉnh cao phong độ nếu chưa bước sang tuổi 30 (bằng chứng là họ vừa bỏ ra 11,5 triệu euro để mua thủ thành 33 tuổi Rui Patricio), không có vẻ gì cho thấy Daniel Fuzato, người cập bến sân Olimpico chỉ ba ngày sau sinh nhật lần thứ 20, sẽ tạo ra đột biến tại đây.
 
Kể từ đó đến nay, thủ thành người Brazil chỉ được bắt vỏn vẹn 7 trận. Với sự có mặt của Patricio, đây có lẽ sẽ là mùa tiếp theo anh ngồi trên ghế dự bị. Dù vậy, với mức giá 450.000 euro và vẫn còn khá trẻ (sinh năm 1997), Fuzato chưa phải vấn đề lớn nhất mùa hè đó.
 
Nicolò Zaniolo (4,5 triệu euro, một phần trong vụ đổi Radja Nainggolan cho Inter Milan): Dù có một mùa giải thành công, Radja Nainggolan đã bước sang độ tuổi xế chiều. Thế nên khi Spalletti rời Roma để chuyển sang dẫn dắt Inter Milan và ngỏ ý muốn tái ngộ tiền vệ người Bỉ, Inter liền trả 24 triệu euro đồng thời các Nicolo Zaniolo và Davide Santon. Một thương vụ mà nhiều người tin rằng Roma đã có lợi, bởi Zaniolo là một viên ngọc quý. Nhờ sự tin tưởng của HLV Di Francesco, Zaniolo liên tục tỏa sáng khi đóng góp vào 7 bàn thắng chỉ sau 27 trận. 
 
Nhưng không may cho cầu thủ mới 19 tuổi, khi anh bị đứt dây chằng chéo trước (ACL) và phải nghỉ phần còn lại của mùa giải. Đến mùa giải sau, Zaniolo chịu thêm một ca chấn thương tương tự và nghỉ luôn cả mùa 2020/2021.
 
Tuy nhiên, ở tuổi 22, cầu thủ này vẫn còn rất nhiều thời gian để chứng tỏ, khi liên tục đá chính dưới thời Jose Mourinho. Zaniolo là một di sản hiếm hoi mà Monchi để lại ở Roma.
 
Bryan Cristante (mượn với mức phí 5 triệu euro, với điều khoản bắt buộc mua đứt 25 triệu euro – Atalanta): Vai trò của Cristante bị đảo lộn hoàn toàn khi chơi cho đội bóng màu áo bã trầu: từ một người ghi 9 bàn ở vị trí tiền vệ công trong màu áo Atalanta, cầu thủ người Italy liên tục bị kéo xuống đá ở những vị trí thấp hơn; thậm chí giành cả mùa 2020/2021 để đá trung vệ lệch phải.
 
Dưới thời Mourinho, Cristante lại được kéo trở lại chơi ở hàng tiền vệ cùng với Veretout. Và đó là nơi giúp anh thi triển hết kỹ năng khi chuyền và sút xa nhiều hơn bất cứ cầu thủ Roma khác ở giai đoạn đầu mùa giải này.
 
Tuy nhiên, với 25 triệu euro đã bỏ ra, ban lãnh đạo Roma vẫn mong chờ nhiều hơn ở mặt trận tấn công từ cầu thủ này, điều có thể sẽ được cải thiện dưới sự dẫn dắt của Mourinho.
 
Ante Ćorić (6 triệu euro – Dinamo Zagreb): Được mệnh danh là “Modric mới”, nhưng đến Roma ở độ tuổi quá trẻ (21 tuổi) khiến anh không thể chen chân vào đội hình chính. 
 
Những lần cho mượn sang Almeria, VVV-Venlo, NK Olimpija và bây giờ là FC Zurich khiến cầu thủ người Croatia bị mắc kẹt trong hành trình bóng đá của mình – không được trọng dụng bởi đội bóng chủ quản, nhưng thi đấu lại không đủ tốt để có thể chuyển hẳn sang một đội khác, và vẫn còn hợp đồng với Roma tới 2023. 
 
Robin Olsen (8,5 triệu euro - FC Copenhagen): Robin Olsen là người được chọn để thay thế Alisson, nhưng những gì anh để lại chỉ là nỗi thất vọng lớn. Dù đã có 27 lần ra sân tại Serie A ở mùa đầu tiên, anh mắc nhiều lỗi quan trọng và kết thúc chiến dịch với tỷ lệ cứu thua chỉ đứng thứ 14 so với những người đồng nghiệp khác ở Serie A.
 
Sau đó, anh được thay thế bởi Pau López, dành hai mùa giải 2019/2020 và 2020/2021 dưới dạng cho mượn tại Cagliari và Everton, trước khi được cho mượn một lần nữa tại Sheffield United ở Championship mùa này. Hợp đồng của anh ấy sẽ hết hạn vào mùa hè năm sau, và nếu không có gì thay đổi, đây sẽ là một sự bổ sung thất bại khác của Monchi.
 
Davide Santon (9,5 triệu euro, một phần trong vụ đổi Radja Nainggolan cho Inter Milan): Đây là định nghĩa của một bản hợp đồng thất bại: Ít ấn tượng hơn, đắt hơn gấp đôi và đá ít hơn một người bị dính hai chấn thương ACL như Zaniolo, nửa còn lại trong thương vụ đổi lấy Nainggolan.
 
Giống như Olsen và Coric, Santon vẫn là cầu thủ của Roma, nhưng khác với hai cầu thủ nói trên, Santon đã từ chối chuyển sang Fulham dưới dạng cho mượn hè này. Gần như chắc chắn Santon sẽ bị thanh lý hợp đồng, qua đó chấm dứt chuỗi ngày trả hơn 200.000 euro cho mỗi lần cầu thủ này ra sân ở Serie A.
 
Grégoire Defrel (13,5 triệu bảng – Sassuolo): Trước khi đến Roma, huấn luyện viên Di Francesco đã có 5 năm thành công tại Sassuolo - dẫn dắt họ từ Serie B đến tận vòng bảng Europa League, với Grégoire Defrel là một trong những cầu thủ ngôi sao.
 
Cầu thủ người Pháp ban đầu ký hợp đồng dưới dạng cho mượn với giá 5 triệu euro mùa 2017/2018, với điều khoản bắt buộc mua đứt trị giá 15 triệu euro, nếu đạt được một số mục tiêu nhất định. Trong mùa giải duy nhất đá cho Roma, Defrel đã ra sân 15 lần, đá chính chỉ 5 trận và ghi được một bàn ở Serie A, trước khi mùa giải vốn đã mờ nhạt của anh ấy bị gián đoạn do chấn thương đầu gối. Nhưng bằng cách nào đó, Roma vẫn phải mua đứt anh…
 
… để rồi anh bị gửi sang Sampdoria dưới dạng cho mượn, sau đó lại quay về Sassuolo cũng dưới dạng cho mượn và cuối cùng là trở lại hẳn với giá 9 triệu bảng hè năm ngoái.

Monchi
Monchi mang về nhiều bản hợp đồng thất bại cho Roma, điển hình là Javier Pastore. Ảnh: AS Roma
 
Justin Kluivert (17,25 triệu euro – Ajax): Sẽ không ai quên thế hệ cầu thủ giúp Ajax Amsterdam lọt tới bán kết Champions League 2018/2019. Nhưng có một người sẽ bị lãng quên, đó là Justin Kluivert, con trai của huyền thoại Patrick Kluivert, bởi cầu thủ trẻ này đã ra đi ngay trước khi mùa giải thần thánh của Ajax diễn ra.
 
Sau đó, Kluivert gần như không có bước tiến khả quan hơn trong sự nghiệp, dù khiến Roma phải bỏ ra tới 17,25 triệu euro. Mùa giải đầu tiên ở Roma của anh đã chứng minh điều này khi chỉ ghi 1 bàn duy nhất sau 1.300 phút thi đấu.
 
Đến mùa 2020/2021, Kluivert được cho RB Leipzig mượn, nhưng cũng không khá hơn. Cầu thủ người Hà Lan đang bắt đầu lại sự nghiệp tại Nice dưới dạng cho mượn và có điều khoản mua đứt.
 
Nếu tính các khoản phí cho mượn và khả năng bán đứt trị giá 12 triệu euro cuối mùa này, Roma có thể ít nhiều hòa vốn với cầu thủ 22 tuổi, điều họ cảm thấy hài lòng nhất kể từ khi Kluivert đến Roma năm 2018.
 
Javier Pastore (24,7 triệu euro – Paris Saint-Germain): Không có nghi ngờ gì về việc đây là bản hợp đồng tệ nhất mà Monchi đem tới AS Roma – một cầu thủ đã 29 tuổi, nổi tiếng với những chấn thương dai dẳng, trong một bản hợp đồng kéo dài tận 5 năm và chơi trong một hệ thống không phù hợp với anh ta. Còn có thể sai như thế nào nữa đây?
 
Thực ra là có rất nhiều thứ đằng sau đó. Pastore bỏ lỡ 16 trận ở mùa đầu tiên, 17 trận ở mùa tiếp theo và 26 trận ở mùa thứ ba, chỉ đá 30 trận và xuất phát vỏn vẹn 7 lần! Thậm chí Pastore phải tự thanh lý hợp đồng của mình để tìm kiếm sự khởi đầu mới.
 
Dĩ nhiên, chấn thương là thứ không ai lường trước được. Nhưng đã có những dấu hiệu cảnh báo: Pastore đã nghỉ thi đấu gần 80 trận dưới màu áo PSG và ở độ tuổi xế chiều, mọi thứ chỉ có thể tệ đi mà thôi.
 
Steven Nzonzi (26,65 triệu euro – Sevilla): Câu chuyện về việc đầu tư đắt đỏ cho những cầu thủ đã bước qua sườn dốc bên kia của sự nghiệp vẫn chưa dừng lại, khi Monchi chi 26,65  triệu euro để đưa Steven Nzonzi – người ông đưa về Sevilla cách đây ba năm trước đó.
 
Cầu thủ người Pháp đến với một kì vọng lớn; là một phần trong tập thể vô địch World Cup, có ba năm thành công tại Sevilla và mức phí chuyển nhượng đưa anh lọt vào top 5 cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Roma. Màn trình diễn của Nzonzi không tệ lắm, nhưng chưa đủ tốt. Ở tuổi 29, không hòa nhập được ngay với đội bóng sẽ là một vấn đề lớn.
 
Sau khi không được HLV Paulo Fonseca trọng dụng, Nzonzi đã dành mùa giải 2019/2020 và 2020/2021 để khoác áo Galatasaray và Rennais theo dạng cho mượn, nhưng đã từ chối chuyển đến những điểm đến ở Qatar, Anh hay Pháp hè vừa rồi và có vẻ như sẽ ngồi yên để nhận nốt 5 triệu bảng tiền lương trong năm cuối hợp đồng.
 
Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng khi đã ký với những cầu thủ với số tiền lớn, họ cần phải ra sân. Song, Pastore và Nzonzi chỉ chơi 37% số phút có thể đá trong giai đoạn 2018-2021. Hai thương vụ tốn kém này thực sự khiến Roma phải trả giá đắt.
 
Patrik Schick (42 triệu euro – Sampdoria): Chúng ta đang được đến với bản hợp đồng kỷ lục của đội bóng. Và để phủ bóng trọn vẹn lên một kì chuyển nhượng ảm đạm toàn diện, đây cũng không phải bản hợp đồng thành công.
 
Chỉ sau một mùa giải chơi bóng ở Serie A với Sampdoria, ghi 11 bàn và kiến tạo 4 bàn, Schick đã được Roma ký hợp đồng dưới dạng cho mượn, kèm theo nghĩa vụ phải mua đứt. Vốn dĩ ký hợp đồng với cầu thủ chỉ mới nổi sau một mùa giải đã là rủi ro, nhưng trên thực tế Schick đã không vượt các bài kiểm tra y tế, không chỉ một mà hai lần bởi các vấn đề về tim (dẫn đến việc Schick không thể đá cho Juventus). Đó lẽ ra là những lo ngại tiềm tàng mà Monchi cần tránh.
 
Cầu thủ người CH Czech chỉ nổ súng hai lần ở mùa đầu tiên, chủ yếu dành thời gian trên ghế dự bị, hoặc phải đá tiền đạo cánh. Với chỉ 5 bàn sau hai mùa giải, Schick được đem cho RB Leipzig mượn, nơi anh tỏa sáng với 10 bàn chỉ sau 22 lần ra sân. Đó là lí do thuyết phục Bayer Leverkusen chi 26,5 triệu euro để mua đứt anh. 
 
Roma về mặt nào đó đã kiếm lời từ cầu thủ này, tuy nhiên giống như Kluivert, Schick cũng đóng góp rất ít cho Roma trên sân bóng, và chỉ chứng minh giá trị về mặt tiền bạc sau đó.
 
Trong 13 cầu thủ Monchi mang về trong mùa hè tồi tệ năm 2018, chỉ có Zaniolo và phần nào là Cristante được coi là thành công. Và nói như vậy còn hơi quá, vì Zaniolo nghỉ đến gần hai năm vì chấn thương, còn Cristante chưa chứng tỏ được hết khả năng.
 
Chỉ có 5 cầu thủ trong số này vẫn còn trong đội hình hiện tại, với 3 cầu thủ bị cho mượn và 5 cầu thủ đã chuyển đi. Một mùa hè Roma chi tới 164,1 triệu euro để mua người, nhưng đa số đều thất bại, và chỉ thu về 150,46 triệu euro từ việc bán người.
 
2. Có không ít lý do để giải thích cho vết xước dài trên bản CV cáu cạnh của Monchi. Những gì người đàn ông 51 tuổi đã làm ở AS Roma rất khác so với quãng thời gian ở Sevilla.
 
Monchi là người rất năng động trên thị trường chuyển nhượng. Trung bình mỗi mùa ở Roma, ông mua 10,5 cầu thủ, trong khi đó ở Sevilla, con số này là 7,8 người sau 5 mùa giải. Điểm khác biệt ở chỗ ở đội bóng xứ Andalusia cho mượn nhiều hơn (3,4 người/mùa, ở Roma là 2 người/mùa) và lấy cầu thủ tự do nhiều hơn (1,2 so với 0,5). Điều này cho thấy khi còn làm GĐTT ở Sevilla, Monchi chuộng những hoạt động ít rủi ro hơn, bởi ông sẽ có ít nhất một mùa giải để theo dõi cầu thủ trước khi đưa vào biên chế; nếu là cầu thủ tự do thì chỉ cần trả lương mà không mất phí chuyển nhượng.
 
Tiếp đến, hãy xem Monchi đã chi bao nhiều và nhận về bao nhiêu. Có một thực tế là người đàn ông sinh ra ở San Fernando chưa bao giờ chi quá 81,7 triệu euro trong một mùa giải với Sevilla, nhưng trong hai mùa bóng ở Italy, ông đã chi lần lượt 91,2 và 164,1 triệu euro.

Monchi
Chia tay Roma trong thất bại, Monchi lại quay về Sevilla. Nhưng những bản hợp đồng mà ông đưa về Roma khiến đội bóng vẫn bị ảnh hưởng Ảnh: Getty Images
 
Cũng ở Roma, Monchi chỉ có lợi nhuận từ chuyển nhượng mùa 2017/2018 và lỗ 14,1 triệu ở mùa giải còn lại. Nếu so sánh điều này với 5 mùa giải trước, Monchi chỉ lỗ một mùa duy nhất (2012/2013) và cũng chỉ lỗ vỏn vẹn 1,8 triệu euro. Trong hai mùa giải hiếm hoi được mua sắm thỏa thích, Monchi lại không thể tìm ra nguồn tiền tương xứng để bù vào. Như đã đề cập ở đầu bài viết, khoản chi khổng lồ này không tương xứng với kết quả trên sân.
 
Một lý do khác nằm ở nơi Monchi chọn để tìm kiếm các cầu thủ. Ở cả hai đội, Monchi thích tập trung vào thị trường nội địa. Nhưng ông ký với cầu thủ nội địa ở Italy nhiều hơn, với 42,3% cầu thủ từ Serie A, trong khi đó ở Sevilla, ông chỉ ký với 18,33% cầu thủ từ LaLiga.
 
Nếu xem xét các cầu thủ được ký từ giải hạng hai của các quốc gia địa phương, Monchi chỉ ký với 3,85% cầu thủ từ Serie B (Italy), nhưng lại ký với 11,67% cầu thủ từ giải hạng Hai Tây Ban Nha. Điều này cho thấy Monchi chủ yếu tìm kiếm những cầu thủ đã có tiếng cho Roma, trong khi đó lại có xu hướng tìm những người ít được biết đến cho Sevilla.
 
Có một điều kỳ lạ là trong 5 mùa giải ở Sevilla, Monchi không mua bất kì ai ở giải Eredivisie (Hà Lan), nhưng 11,54% số cầu thủ ông mua trong hai mùa ở Roma đến từ đất nước này (và phần lớn trong số đó là những thương vụ thất bại như Karsdorp hay Kluivert. Ngoài ra ông cũng không tập trung nhiều cho giải LaLiga khi làm việc ở Roma (chỉ mang theo mỗi Steven Nzonzi).
 
Sự khác biệt lớn nữa giữa chiến lược của Monchi ở hai CLB nằm ở độ tuổi của các bản hợp đồng. Ở Sevilla, Monchi gần như chỉ tập trung vào những cầu thủ đang đạt phong độ đỉnh cao (24-28 tuổi). Trong khi đó, ở Roma độ tuổi của các bản hợp đồng được trải rộng ra rất nhiều. Trong mùa đầu tiên, 24-28 là nhóm tuổi có số cầu thủ đại diện nhiều nhất, tiếp đến là nhóm 20-23 tuổi, nhưng ở mùa giải sau, nhóm 20-23 tuổi dẫn đầu; Monchi cũng ký với nhiều cầu thủ dưới 19 tuổi và trên 32 tuổi.
 
Nghĩa là thay vì tập trung vào những cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ, Monchi tập trung vào những cầu thủ trẻ hơn khi ở Roma. Đây là cách tiếp cận mạo hiểm vì nó khác với những gì ông đã làm trước đây. Sự thay đổi này có thể là một trong những lý do tại sao thành tích của Roma ở mùa thứ hai kém hơn những mùa trước.
 
Cuối cùng, để đánh giá các bản hợp đồng Monchi mang tới thi đấu thế nào, chúng ta sẽ sử dụng một số liệu rất cơ bản nhưng hiệu quả: Phần trăm số phút ra sân ở CLB. Lý tưởng nhất là khi một bản hợp đồng đắt tiền nên được đá nhiều, trong khi các bản hợp đồng rẻ hơn có thể coi như phương án dự phòng. 
 
Trong những người lọt vào danh sách đen, nghĩa là có giá trên trung bình (hơn 7,63 triệu euro) và chơi số phút dưới trung bình (39,24%), chỉ có Ciro Immobile, Joaquín Correa và Paulo Henrique Ganso có thể coi là những bản hợp đồng rất tệ của Sevilla trong 5 mùa giải. Trong khi ở Roma, chỉ với hai mùa giải đã có Patrik Schick, Javier Pastore, Grégoire Defrel, Rick Karsdorp, Cengiz Ünder, Davide Santon và Juan Jesus trong một danh sách. Điều đó tiếp tục củng cố thêm luận điểm: Monchi tỏ ra giỏi hơn nhiều trong việc ký hợp đồng với những cầu thủ ít tên tuổi, với mức phí rẻ hơn so với việc kí những bản hợp đồng đắt đỏ.
 
Để tổng kết, khi làm GĐTT ở đội bóng thủ đô Italy, Monchi đã thay đổi phương thức chuyển nhượng. Ông giảm bớt việc mua những cầu thủ ở thời kỳ đỉnh cao và chọn những cầu thủ trẻ hơn, cũng như những cầu thủ đã luống tuổi. Ông cũng bắt đầu mua đứt nhiều hơn những cách làm ít rủi ro như mượn, hoặc lấy cầu thủ theo dạng chuyển nhượng tự do. Những lí do này, cũng với việc thất bại khi khám phá thị trường mới (chủ yếu từ Hà Lan) đã giải thích tại sao Monchi không thể lặp lại thành công của mình ở Sevilla.
 
Khi James Pallotta đưa Monchi từ Tây Ban Nha về, ông đã hy vọng Roma sẽ trở thành một gã khổng lồ của châu Âu chỉ trong thời gian ngắn. Hai năm sau, Monchi xách vali quay về Sevilla, để lại một Roma đầy rẫy những cầu thủ già cỗi cần phải thanh lý, cũng như buộc phải cho cầu thủ trẻ thể hiện, dù áp lực thành tích là có.
 
Có thể Monchi chỉ mới chân ướt chân ráo đến Roma, tới một trải nghiệm bóng đá hoàn toàn khác biệt; có thể những Ünder, Zaniolo hay Kluivert vẫn còn tiềm năng để trở thành những ngôi sao, nhưng những cầu thủ còn lại Monchi mang về đều đã kết thúc sự nghiệp từ trước khi đến Roma. Nghĩa là về cơ bản ông đã kéo Roma lùi lại một vài bước, thay vì tiến lên phía trước như đã hoạch định.
 
Tú Nguyễn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: Hơn cả một tiền vệ phòng ngự

Rodri gia nhập Manchester City với tư cách một tiền vệ số 6 giống như Sergio Busquets, nhưng giờ đây anh đã tiến hoá thành một box-to-box, một “kẻ huỷ diệt” đẳng cấp thế giới ở cả hai đầu sân đấu. Trong bài phân tích này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự phát triển đáng sợ của ngôi sao người Tây Ban Nha trong khâu tấn công.

Premier League và sự trở lại của các... trung vệ cánh

Chiến thuật đã luôn phát triển kể từ khi bóng đá tồn tại, thế nhưng đôi lúc nó cũng tự “tiến hóa ngược” một cách đầy thú vị. Và hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự trở lại của các trung vệ cánh

X
top-arrow