Vì sao Erik ten Hag muốn chiêu mộ Mason Mount tới cùng?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 12/07/2023 14:18(GMT+7)

Lần đầu Erik ten Hag gặp Mason Mount là vào tháng 3/2018, thời điểm ông là HLV của Ajax Amsterdam. Cú đá phạt của cầu thủ 18 tuổi giúp Vitesse Arnhem ấn định tỷ số 3-2 trước Ajax.

Ảnh: GOAL

Khi đó, Mount được Chelsea cho Vitesse mượn, còn Ten Hag mới dẫn dắt Ajax 8 trận. 14 bàn thắng và 10 kiến tạo trong mùa giải đầu tiên chơi bóng đỉnh cao dù chỉ đá tiền vệ là đủ để Mount lọt vào mắt xanh của nhà cầm quân người Hà Lan. Thậm chí, Ten Hag đã cố gắng mượn cầu thủ người Anh ở mùa giải tiếp theo nhưng không thành.

Giờ đây, sau mùa giải thứ tư khó khăn của Mount tại Chelsea, Manchester United đã thành công trong việc thuyết phục cầu thủ 24 tuổi ký bản hợp đồng có thời hạn 5 năm với mức giá 60 triệu bảng (gồm cả phụ phí).

Chelsea biết đây là thời điểm để kiếm tiền từ một cầu thủ chỉ còn một năm hợp đồng tại Stamford Bridge. Còn Ten Hag cuối cùng đã sở hữu mục tiêu ông tìm kiếm từ lâu.

Vì sao Man United muốn có Mount?

Đầu mùa giải 22/23, hàng tiền vệ Man United là nơi được tăng cường nhiều nhất, với sự xuất hiện của Casemiro (60 triệu bảng) và Christian Eriksen (CNTD) vào mùa hè năm ngoái. Về cơ bản, khu trung tuyến trở thành điểm mạnh nhất của đội chủ sân Old Trafford.

Theo đó, M.U chỉ thua 1 trận duy nhất mùa trước khi bộ ba Casemiro, Eriksen và Bruno Fernandes đá chính cùng nhau. Tuy nhiên, chất lượng đội hình giảm rõ rệt khi Fred, Scott McTominay và Donny van de Beek xuất hiện trên sân.

Ngoài ra, khi mùa giải bước vào giai đoạn căng thẳng, Eriksen, lựa chọn duy nhất có khả năng lùi sâu để kiến thiết cũng như kết nối các tuyến tỏ ra kiệt sức. Sau Giáng sinh, cầu thủ Đan Mạch chỉ đá đủ 90 phút 1 lần trong 15 trận anh đá chính.

Sự xuất hiện của Mount chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề chất lượng và chiều sâu nơi hàng tiền vệ Man United. Sự xông xáo cả khi có bóng lẫn không có bóng của Mount khiến anh trở thành mẫu cầu thủ mà mọi chiến lược gia đều tin dùng.

 

“Mason mang đến một thái độ cầu tiến, hào quang và một tâm lý vững vàng trên sân,” cựu HLV Chelsea, Thomas Tuchel chia sẻ năm 2021. “Rất khó để gạt bỏ Mount, vì ngay cả khi cậu ấy có một trận đấu không quá xuất sắc, bạn vẫn luôn nhận được năng lượng, sự tích cực và cách tiếp cận tuyệt vời.”

Lời nói của Tuchel chính là những gì Ten Hag muốn nghe về cậu học trò mới. Bởi Mount mang tất cả những phẩm chất mà ông đang tìm kiếm, trong đó có cả những thứ anh hay bị xem nhẹ như ghi bàn và kiến tạo. 

Mùa trước, dù xếp thứ ba tại Premier League, Man United chỉ ghi 58 bàn, nhiều thứ bảy giải đấu. Thế nên, dù họ đang tìm kiếm một tiền đạo để cải thiện vấn đề làm bàn, việc bổ sung thêm một nguồn ghi bàn khác là điều bắt buộc.

Trong 3 mùa giải đầu tiên của Mount tại Chelsea, anh đã góp dấu giày vào 44 bàn thắng sau 105 lần ra sân ở Premier League. Chỉ có Kevin De Bruyne của Manchester City (74) và Fernandes (61) có thông số tốt hơn.

Mới 24 tuổi, những năm tháng đẹp nhất của Mount vẫn còn ở phía trước. Về cơ bản, Man United đang sở hữu một tuyển thủ Anh đã thành danh, vẫn còn tiềm năng phát triển với mức giá vừa phải từ một đối thủ cạnh tranh, điều hiếm khi xảy ra.

Mount sẽ đá vị trí nào tại Man United?

Dựa trên hệ thống mà Ten Hag triển khai mùa trước, Mount có vẻ phù hợp nhất với một trong hai vị trí số 8 thường do Eriksen và Fernandes đảm nhận, còn Casemiro được bố trí chơi phía sau như một mỏ neo.

Ngoài ra, như đã thể hiện dưới thời Tuchel, Mount cũng có thể tạo ảnh hưởng khi đá dạt cánh trên hàng công. Nghĩa là anh hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò giống với Fernandes, từ đó giảm bớt gánh nặng cho tiền vệ người Bồ Đào Nha.

Ở vai trò số 8, Mount được cho là sẽ đóng góp cả trong tấn công lẫn phòng ngự, dù phần lớn thời gian của anh sẽ dành cho phần sân đối phương. Ten Hag thích những số 8 của mình dâng cao để dồn ép đối phương. Điều này sẽ phù hợp với Mount, vì anh chơi rất hay khi hoạt động ở hành lang trong (half-space) ở phần sân đối diện.

Một trong những bàn thắng đẹp nhất của Man United mùa này do công của Marcus Rashford, giúp họ nhân đôi cách biệt trong chiến thắng 2-1 trên sân nhà trước Crystal Palace hồi tháng Hai. Pha làm bàn này nhấn mạnh cách Ten Hag muốn số 8 của ông thiết lập thế trận tấn công ra sao.

 

Nhìn vào hình ảnh phía trên, ngay khi thủ môn David de Gea cầm bóng, Fernandes và Casemiro (khoanh tròn) được bố trí dâng cao để kéo giãn khoảng cách giữa tiền đạo và hàng tiền vệ của Palace. Điều này được thực hiện nhằm tạo khoảng trống cho thủ môn, hậu vệ và tiền vệ trụ khi họ triển khai bóng.

 

Tiếp đến, hai số 8 kết hợp cùng hàng công để tạo ra hàng công 5 người, nhằm áp đảo quân số so với hàng thủ đối phương. Cách triển khai này có thể linh hoạt, chủ yếu dựa vào năng lượng và sự di chuyển của các tiền vệ trong việc kéo giãn hàng thủ bằng cách di chuyển rộng.

 

Trong hình ảnh cuối cùng, Fernandes dạt biên, còn Casemiro lại bó vào trong. Mount - cầu thủ từng chơi ở vị trí số 10 cũng như dạt biên có khả năng thực hiện những quả tạt hoặc khai thác những khoảng không chật hẹp.

Trong trường hợp này, Aaron Wan-Bissaka chuyền cho Casemiro. Sau đó, tiền vệ người Brazil đưa bóng cho Alejandro Garnacho, người chuyền bóng cho Luke Shaw, trước khi quả tạt của hậu vệ người Anh được Rashford chuyển hóa thành bàn thắng.

Có một điều dễ dàng bị bỏ qua, đó là dù Fernandes không tham gia trực tiếp vào bàn thắng, nhưng pha di chuyển của anh cho phép Antony dạt sang phải, đồng thời tạo ra khoảng trống cho Garnacho, người có tình huống key-pass cho Shaw.

Ten Hag đang phụ thuộc rất nhiều vào những số 8 của mình để tạo ra đột biến, dù là khi có hay không có bóng. Hệ thống của ông dường như rất phù hợp với cầu thủ có bộ kỹ năng như Mount. Ngoài ra, Man United cần chiều sâu đội hình ở vị trí này để cho phép luân chuyển giữa Eriksen, Fernandes và bây giờ là Mount.

Lược dịch bài viết “Man Utd transfers: Why Mason Mount was wanted by Erik ten Hag at Old Trafford” của Zinny Boswell (Sky Sports)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.