Argentina đang bước vào trận cuối vòng bảng World Cup với Ba Lan đêm nay mà không rõ số phận của họ sẽ đi theo kịch bản nào.
Đẹp nhất thì sẽ diễn ra giống Italia 1990, khi họ lấy lại phong độ sau trận thua sốc trong ngày ra quân trước Cameroon và tiến đến trận chung kết. Còn tệ nhất là như kì World Cup tại Hàn Quốc/Nhật Bản năm 2002, khi họ đến với tư cách là ứng cử viên hàng đầu, kiểm soát bóng nhiều nhưng bế tắc trước khung thành đối phương. Để rồi sau một trận thắng (trước Nigeria) và một trận thua (trước Anh), họ để Thụy Điển cầm hòa 1-1 và không thể vượt qua vòng bảng.
Người hâm mộ đội bóng này hẳn sẽ nhận thấy những điểm tương đồng đáng ngại với năm 2002. Cho tới thời điểm này, Argentina đang chơi không giống như kỳ vọng về một trong những ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vô địch. Nhiều người sẽ tự hỏi làm thế nào đội bóng này có thể đến World Cup với chuỗi 36 trận bất bại, vượt qua Brazil và đánh bại Italia tại Wembley. Điều gì đã xảy ra với Lionel Messi và phần còn lại?
Có hai lí giải cho những thắc mắc này. Đầu tiên, các đối thủ đã nghiên cứu kỹ để tìm cách vô hiệu hóa điểm mạnh của Argentina. Đội quân của HLV Lionel Scaloni chơi bóng dựa trên một ý tưởng cơ bản: Một hàng tiền vệ liên tục luân chuyển bóng, kiên nhẫn trong việc tìm ra kẽ hở của đối phương và chờ đợi thời điểm thích hợp để đưa bóng cho hàng công.
Saudi Arabia đã đưa ra một giải pháp táo bạo: Gây sức ép lên hàng tiền vệ Argentina bằng một hàng phòng ngự dâng cao. Đó là một kế hoạch mạo hiểm; chỉ có lỗi việt vị mới ngăn cản Argentina dẫn trước với tỉ số cách biệt ngay trong hiệp 1. Tuy nhiên, sự dũng cảm của Saudi Arabia đã được đền đáp bằng màn lội ngược dòng 2-1 đầy bất ngờ trong hiệp 2. Họ không cho Argentina thời gian và không gian để chơi thứ bóng đá của mình. Phần còn lại trong hiệp 2 cho thấy La Albiceleste không thể tìm ra giải pháp khắc chế.
Vào thứ Bảy, Mexico của HLV Gerardo Martino đã thử một điều gì đó thận trọng hơn: Phòng ngự với ba trung vệ được bao bọc bởi ba tiền vệ trung tâm. Hệ thống này làm triệt tiêu khả năng tấn công của El Tri; những cầu thủ chạy cánh thú vị của Mexico bốn năm trước như Hirving Lozano giờ chỉ còn là ký ức xa vời. Tuy nhiên, cách bố trí này thực sự khiến Argentina gặp khó trong việc xuyên phá. Thậm chí nó đã suýt thành công trước khi Messi tỏa sáng.
Tất cả những điều này là một phần của bóng đá. Tuy nhiên, nó cho thấy khía cạnh khác của câu chuyện (đây cũng là lí giải thứ hai): Argentina cũng không đạt phong độ tốt nhất.
Hồi chuông cảnh báo bắt đầu vang lên ngay trước giải đấu, khi tiền vệ Giovani Lo Celso phải rút lui vì chấn thương. Scaloni từng thú nhận rằng ông không có sự thay thế thích hợp, vì Lo Celso là một phần quan trọng trong bộ ba tiền vệ của Argentina.
Cần biết rằng, trong chuỗi bất bại của Argentina, Leandro Paredes là người đầu tiên triển khai bóng, Rodrigo De Paul kéo bóng còn Lo Celso với những đường chuyền tinh tế của mình thường xuyên đưa được bóng cho Messi trong tư thế thuận lợi. Những đội bóng mạnh được tạo nên từ sự ăn ý giữa các cầu thủ. Mối liên kết giữa Messi và Lo Celso là một phần quan trọng của đội bóng này. Alejandro Gomez (với Saudi Arabia) và Alexis Mac Allister (Mexico) chưa đủ để thay thế Lo Celso, dù họ đã rất cố gắng.
Scaloni đã thực hiện năm sự thay đổi trong trận đấu với Mexico. Một trong số đó là sự thay đổi bắt buộc của Paredes ở vị trí tiền vệ mỏ neo. Cầu thủ 28 tuổi đang gặp vấn đề về thể lực; đó là lí do anh không đạt phong độ tốt nhất trước Saudi Arabia. Tuy nhiên, việc đưa Guido Rodriguez vào sân thế chỗ của anh chẳng có nghĩa lý gì.
Là một tiền vệ phòng ngự cao 1m87, Rodriguez sẽ là một lựa chọn không tồi nếu được tung vào sân để bảo vệ lợi thế dẫn trước. Nhưng Argentina đang cần bàn thắng trước Mexico. Họ cần một người có khả năng luân chuyển bóng cũng như tạo thế tấn công. Rất khó để các cầu thủ ở phía trên tạo ra bất cứ điều gì, nếu tất cả bọn họ đều bị kèm chặt. Người đá vị trí tiền vệ mỏ neo do đó phải tiến lên, áp sát đối thủ ngay khi họ có cơ hội phản công, đồng thời di chuyển hợp lý để tạo khoảng trống cho các đường chuyền lên phía trước. Đây rõ ràng không phải thế trận phù hợp với Rodriguez. Nên khi trận đấu trôi dần về cuối, Messi ngày càng tỏ ra thất vọng.
Đó là thời điểm Argentina giống như một đội bóng bị mắc kẹt giữa hai khái niệm. Rodriguez được đưa vào vì Scaloni quan tâm đến việc bảo vệ hàng thủ. Nhưng khi anh ở đó, thật khó để Argentina được là chính mình. Cuối cùng, Rodriguez nhường chỗ cho Enzo Fernandez sau một giờ đồng hồ.
Chiến thắng của Argentina xuất phát từ hai khoảnh khắc đầy cảm hứng: Pha dứt điểm ngoài vòng cấm của Messi và cú cứa lòng đẹp mắt của Fernandez vào cuối trận. Nhưng có cái gì đó rất khác. Messi ghi bàn sau khi nhận đường chuyền thông minh của Angel Di Maria bên cánh phải. Trước đó, Di Maria nhận bóng từ Fernandez. Với sự góp mặt của Fernandez, Argentina cuối cùng đã có một pha phối hợp mạch lạc ở phần sân đối phương.
Có một nguyên tắc vàng trong bóng đá: Đội bóng tạo nên những ngôi sao. Không phải bỗng dưng Messi và đồng đội trên hàng công chơi tệ trong ngày Argentina chật vật hạ gục Mexico. Cả đội đã không luân chuyển bóng đủ tốt để tạo khoảng trống cho họ thực hiện công việc của mình - cho đến khi Fernandez vào sân. Gần như chắc chắn cầu thủ năm nay mới 21 tuổi sẽ giành được một suất đá chính trước Ba Lan.
Lược dịch từ bài viết “Argentina's Enzo Fernandez is crucial to their midfield and should start vs. Poland” của Tim Vickery (ESPN)
Đọc thêm:
Sau thất bại ngày ra quân, Leo Messi và các đồng đội đã trở lại cuộc chơi với chiến thắng ở lượt thứ 2. Dưới đây là những nhận định Ba Lan vs Argentina bảng C World Cup 2022.
Trước thềm trận đấu với ĐT Argentina, HLV Czeslaw Michniewicz của ĐT Ba Lan thừa nhận rằng gần như không ai hay đội bóng nào có thể ngăn cản Messi.