Vì sao các HLV Pháp ít tới các giải VĐQG châu Âu khác làm việc?

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Ba 27/07/2021 18:29(GMT+7)

Zalo

Pháp là một đất nước xuất khẩu cầu thủ hàng đầu châu Âu, song với các HLV thì ngược lại. Những vị chiến lược gia tới từ xứ sở hình lục lăng ít khi tới các giải VĐQG hàng xóm để làm việc. Đây không phải một điều ngẫu nhiên, tất cả đều có lý do của nó.

Vì sao các HLV Pháp ít tới các giải VĐQG hàng xóm làm việc?
 
Trong bảng xếp hạng số lượng những HLV nước ngoài dẫn dắt ở 30 giải đấu hàng đầu của UEFA, các HLV người Đức dẫn đầu về số lượng khi làm việc ở nước ngoài với 20 người, tiếp đến là các HLV người Tây Ban Nha với 13 người. 
 
Nếu như nước Anh vốn dĩ xưa nay không nhiều HLV lẫn các cầu thủ ra nước ngoài làm việc và gặt hái thành công, thì nước Pháp mang đến một diện mạo “thoạt trông” nghịch lý khi xứ lục lăng luôn tự hào là cái nôi xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài, nhưng lại có rất ít các chiến lược gia xuất ngoại. 
 
Trước thềm mùa giải 2021/22, sau khi những Zinedine Zidane đã nói lời chia tay Real Madrid, hay Karim Belhocine không còn dẫn dắt Charleroi ở Bỉ, hiện chỉ có đúng một HLV người Pháp là đang làm việc ở nước ngoài trong nhóm 30 giải đấu hàng đầu của châu Âu. Đó là Patrick Vieira, người vừa qua đã được bổ nhiệm làm HLV trưởng CLB Crystal Palace ở Premier League.  
 
Đây có thể là một hiện thực đáng buồn với người Pháp. Song, như đã nói, đấy chỉ là thoạt trông, bởi thực tế này không mới. 
 
Từng có thời điểm vào cuối tháng 2 năm 2019, sau khi HLV Claude Puel bị Leicester City sa thải, lần đầu tiên kể từ năm 1996, không có bất kỳ nhà cầm quân người Pháp nào dẫn dắt ở 4 giải đấu lớn nhất còn lại của châu Âu (sau khi đã loại trừ đi Ligue 1). 
 
Có nhiều lý giải cho thực trạng này, có thể gom thành những nguyên nhân chính sau: mạng lưới tiếp cận, CV không thu hút, hạn chế về kỹ năng giao tiếp, phong cách và sự bảo thủ của mô hình đào tạo HLV. 

Vì sao các HLV Pháp ít tới các giải VĐQG hàng xóm làm việc?
Chỉ có 1 HLV người Pháp làm việc ở các giải VĐQG nước ngoài trong top 30 giải VĐQG hàng đầu châu Âu
 

MẠNG LƯỚI TIẾP CẬN

 
Năm 2020, trong một cuộc phỏng vấn trên tờ L’Equipe, Arsene Wenger – người đã trải qua hơn hai thập kỷ gắn bó với Arsenal và nước Anh, cũng như đã gặt hái nhiều thành tựu và được chứng nhận đẳng cấp – từng nhắc đến sự thua thiệt về mạng lưới tiếp cận của các HLV người Pháp so với các nền bóng đá lớn khác của châu Âu. Đây cũng là vấn đề từng được Guy Lacombe, người từng giữ chức giám đốc ở Liên đoàn Bóng đá Pháp, nhắc đến. 
 
Wenger nói: “Tôi cho rằng các HLV người Pháp vẫn rất giỏi, tham vọng và được đào tạo tốt. Nhưng cấu trúc nền bóng đá thế giới đã thay đổi và giờ đây chúng ta đang phải trả giá. Ngày nay, có rất nhiều CLB nằm trong tay những ‘nhà tài phiệt’. Những chủ tịch kiểu doanh nhân dần thay thế các chủ tịch thuần đam mê với bóng đá, trong khi những ông chủ mới này không phải lúc nào cũng là những chuyên gia về bóng đá.
 
Họ mua lấy một CLB mà không cần phải biết quá nhiều về bóng đá. Họ được hỗ trợ bởi những tay cò nhiều ảnh hưởng, giúp mang về các cầu thủ. Song song đó, những tay cò nhiều ảnh hưởng này thậm chí còn mang về cả những HLV mà họ cho là phù hợp với dự án của CLB, đôi khi sự lựa chọn của họ dựa trên cảm tính và sự ưa thích cá nhân.
 
Đấy chính là mạng lưới tiếp cận và nó ngày càng thiết yếu trong thế giới bóng đá. Nếu người đại diện ấy là người Pháp, có lẽ ông ta sẽ thổi’ tiếng tăm cho HLV Pháp, nhưng thực tế này lại rất hiếm. Chúng ta chứng kiến những làn sóng HLV từ Bồ Đào Nha. Tôi không có ý đánh giá thấp năng lực của họ, nhưng rõ ràng họ có một mạng lưới tiếp cận tầm quốc tế hỗ trợ. Hãy nhìn vào tầm ảnh hưởng của Jorge Mendes ở một vài CLB châu Âu là thấy rõ.
 
Các HLV người Pháp dường như không được ‘nằm trên kệ’, và còn bởi họ không được bao quanh bởi những người đại diện giỏi. Thời thế đã khác, mạng lưới giờ rất quan trọng. Năm 1996, tôi không đến Arsenal nhờ vào người đại diện nào cả, dù khi đó, họ rất hoài nghi về năng lực của tôi.”

Arsene Wenger
Arsene Wenger tới Arsenal vào năm 1996 và xây dựng một triều đại tuyệt vời. Ảnh: AP
 

CV KHÔNG THU HÚT

 
Song, khi nói đến chuyện quảng bá tên tuổi, PR bản thân ra ngoài đất nước, điều này còn liên quan đến thành tích của HLV đó tích lũy được, hay nói đơn giản là bản CV của ông ta có đủ hấp dẫn hay không. Thước đo cho điều này là sự thành công ở những CLB nước Pháp mà ông ta dẫn dắt. 
 
Laurent Blanc là HLV người Pháp từng trải qua 3 năm liên tiếp vô địch Ligue 1 cùng Paris Saint-Germain từ 2014 đến 2016. Cũng trong 3 năm đó, Les Parisiens của Blanc đều dừng bước ở tứ kết Champions League. Vào đến tứ kết giải đấu danh giá nhất châu Âu cũng có thể xem là một thành tích tốt, nhưng PSG được chống lưng bởi nguồn tài chính dồi dào của các ông chủ Qatar với đội hình nhiều ngôi sao. Và đến nay, tham vọng xưng vương Champions League vẫn còn dang dở với đội chủ sân Công viên các Hoàng tử. 
 
Còn lại, liệu có bao nhiêu CLB nước Pháp thật sự để lại ấn tượng ở đấu trường quốc tế? 
 
Lịch sử bóng đá Pháp mới chỉ chứng kiến Marseille vô địch Champions League (năm 1993), và từ năm 2000 tới nay, chỉ có thêm 2 đội bóng Pháp vào đến chung kết Champions League (Monaco 2004 và PSG 2020). 
 
Nhưng đáng nói hơn, có bao nhiêu HLV người Pháp từng vào đến chung kết Champions League từ năm 2000 tới nay? Câu trả lời là 3: Didier Deschamps cùng Monaco năm 2004, Arsene Wenger cùng Arsenal năm 2006 và Zinedine Zidane từ 2016 đến 2018. Nói trắng ra là chỉ có 1 HLV người Pháp tại 1 đội bóng Pháp làm được điều đó. 
 
Đương nhiên, sẽ quá khắt khe nếu chỉ lấy tiêu chuẩn vào đến chung kết Champions League làm thước đo, nhưng nếu mở rộng ra hơn, rõ ràng đếm trên đầu ngón tay những HLV người Pháp cùng các đội bóng Pháp tạo được ấn tượng ở Champions League. 

Vì sao các HLV Pháp ít tới các giải VĐQG hàng xóm làm việc?
Laurent Blanc từng dẫn dắt đội tuyển Pháp và PSG. Sau khi chia tay PSG vào năm 2016, hơn 4 năm sau ông mới trở lại với ghế huấn luyện. Tuy nhiên, điểm đến của Blanc là Al-Rayyan ở Qatar. Ảnh: Getty Images
 
Khi mà các HLV người Pháp đã không có được bản CV thu hút, dù có là Jorge Mendes cũng khó lòng giúp họ. Đây không hẳn là câu chuyện các HLV người Pháp kém tài, mà nó còn liên quan đến cả chất lượng của giải vô địch quốc gia Pháp, của các CLB Pháp nói chung. Một HLV có thể có tài năng, nhưng cơ hội để tỏa sáng sẽ thấp đi nếu nguồn nhân lực trong tay ở mức thấp. Đến ngay cả khi được chu cấp (như PSG), không phải lúc nào mục tiêu cũng đạt được.  
 

HẠN CHẾ VỀ KỸ NĂNG GIAO TIẾP

 
Arsene Wenger cũng từng nhắc đến hạn chế ở khả năng giao tiếp bằng những ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ của những HLV người Pháp, dẫn tới việc họ khó tiếp cận những môi trường làm việc bên ngoài lãnh thổ xứ lục lăng. Bản thân Wenger là một người nói tiếng Anh trôi chảy, hay như một HLV người Pháp nổi tiếng khác cũng từng được biết đến ở Anh, là Gerrard Houllier, cũng nói tiếng Anh rất sắc sảo khi ông từng là một giáo viên dạy tiếng Anh. 
 
Cựu HLV của Arsenal tin rằng các HLV đồng hương của ông đã không có sự chuẩn bị tốt về mặt kỹ năng mềm. “Năm 29 tuổi, tôi từng đến Anh sống trong một tháng để học tiếng Anh,” Wenger từng nói trên L’Equipe. “Nếu tôi không có được trải nghiệm đó, không tập nói tiếng Anh, có lẽ tôi sẽ không có được sự nghiệp HLV nhữ đã từng.”
 
Đơn cử như trường hợp của Claude Puel. Theo lời của cựu tiền vệ Southampton là Jordy Classie, anh từng gặp khó khăn trong việc giao tiếp với ông thầy cũ khi cả hai còn làm việc tại sân Saint Mary’s, bởi Puel không nói tiếng Anh mà chỉ toàn nói tiếng Pháp. 
 

PHONG CÁCH

 
Khi nói đến các HLV người Pháp, liệu chúng ta có dễ để tìm ra câu trả lời chung nhất cho phong cách của họ? Không hề. Đồng ý rằng khó có thể nhóm tất cả các HLV của một quốc gia vào một khuôn đúc hay một phong cách đồng nhất, bởi xu thế cũng dần thay đổi, song những HLV trưởng thành từ một nền bóng đá luôn có những điểm tương đồng trong một giai đoạn dài của lịch sử, ít nhất là tạo ra một quan niệm chung trong suy nghĩ của đại đa số. 

Zinedine Zidane
Dù giành 3 chức vô địch Champions League liên tiếp, song Zinedine Zidane không phải một HLV nổi tiếng về mặt triết lý chiến thuật. Điểm nổi trội của ông là khả năng quản trị nhân sự. Ảnh: UEFA Champions League
 
Khi nói về các HLV người Italy, chúng ta từng quan niệm họ là những chiến lược gia với tư duy chiến thuật phòng ngự bậc thầy, các HLV người Tây Ban Nha và Hà Lan thường sẽ muốn chơi thứ bóng đá kiểm soát bóng và định hướng vị trí, các HLV người Đức giỏi giao tiếp với thứ bóng đá chuyển trạng thái, hay các HLV người Bồ Đào Nha rất đắc nhân tâm và mạnh ở phương pháp huấn luyện “tactical periodization” (chu kỳ chiến thuật). 
 
Không phải mọi quan niệm đều chính xác và đúng cho tất cả, cũng như quá trình làm phẳng thế giới khiến mọi thứ giờ đây không còn chỉ chảy về chỗ trũng, nhưng chúng ta luôn có thể tìm ra một cụm tính từ nào đó để mô tả về từng nhóm HLV ở một nền bóng đá. Còn với các HLV người Pháp, e là không dễ. 
 

SỰ BẢO THỦ CỦA MÔ HÌNH ĐÀO TẠO HLV

 
Nhưng còn có một nguyên nhân cốt lõi, chính là ở sự cũ kỹ và bảo thủ trong ngôi trường đào tạo HLV của người Pháp, một thứ thường bị chính người Pháp lãng tránh. Vấn đề của sự nhìn nhận công việc huấn luyện ở bóng đá Pháp xưa nay không nằm ở câu chuyện màu da, sắc tộc, vốn đã luôn gây nhức nhối. Nó còn xa hơn thế. 
 
Khi Liên đoàn Bóng đá Pháp thành lập Học viện Bóng đá Quốc gia tại Clairefontaine vào năm 1988, Gerard Houllier là người đứng ra soạn thảo các phương pháp đào tạo HLV, biến chúng thành trọng tâm và nâng lên thành chiến lược. Phương pháp này đặt nặng vào việc đào tạo qua trường lớp và tất cả các HLV đều phải trải qua mới nhận được bằng cấp. Trong suốt 20 năm qua, vị trí tại ghế nóng các CLB Ligue 1 luôn được chiếm giữ bởi những HLV đúc theo cùng một khuôn mẫu truyền thống và gần như không thể phá vỡ.
 
Ở đó, đầy rẫy những Harry Redknapp hay Sam Allardyce của người Pháp, họ được đánh giá dựa trên kinh nghiệm và nếu mất việc chỗ này sẽ có chỗ khác đón lấy. Những Rene Girard, Elie Baup, Rolland Courbis, Alain Casanova, Christian Gourcuff, Guy Lacombe, Antoine Kombouare, Frederic Antonetti, Claude Puel, Christophe Galtier hay Michel Der Zakarian thống trị băng ghế chỉ đạo của các CLB Ligue 1 trong thế kỷ 21. 
 
Trong 15 năm, Joel Muller, một cựu chiến lược gia của Ligue 1 từng làm việc với Metz và Lens, giữ một vai trò quan trọng đó là chủ tịch Hiệp hội các HLV người Pháp (UNECATEF). Khi Joel Muller rời nhiệm sở vào năm 2016, ông được thay thế bởi… Raymond Domenech. Phải, đó là Raymond Domenech, biểu tượng của thất bại lớn nhất bóng đá Pháp, người không nhận được sự tôn trọng từ chính các cầu thủ, con người đặc trưng cho tư duy tiêu cực đã hủy hoại nền bóng đá quốc nội Pháp suốt một thời gian dài, lại đang giữ trọng trách lèo lái khâu đào tạo HLV ở Pháp.

Vì sao các HLV Pháp ít tới các giải VĐQG hàng xóm làm việc?
Ông Raymond Domenech, cựu HLV trưởng đội tuyển Pháp, đang là Chủ tịch Hiệp hội các HLV người Pháp. Ảnh: L'Equipe
 
Domenech bảo vệ triết lý đào tạo HLV tại Pháp quyết liệt như chính người thầy của ông là Aime Jacquet đã từng. Chỉ cần một CLB trong nước manh nha thay tướng, Domenech liền bày tỏ sự bất bình. Năm 2019, khi Lyon thay Bruno Genesio bằng Sylvinho, Domenech kịch liệt lên tiếng chỉ trích. Cứ mỗi lần “sư tử sông Rhone” bại trận, ông liền lên mạng xã hội đưa ra lời dè bỉu. 
 
Ở Pháp, các HLV được đào tạo theo cùng một mô hình, và cũng chỉ có mô hình đó mới mang lại bằng cấp để hành nghề cho các nhà cầm quân trẻ nhiều tham vọng. Phải có bằng cấp, một HLV trẻ mới được huấn luyện ở Ligue 1 và Ligue 2, và chỉ khi huấn luyện ở hai giải đấu cao nhất theo trình tự kim tự tháp này, anh ta mới được tốt nghiệp để lấy bằng HLV của UEFA và được làm việc bên ngoài lãnh thổ xứ lục lăng. 
 
Nếu như việc phải kinh qua trường đào tạo để lấy bằng có thể xem là quy định bất di bất dịch và buộc phải chấp nhận ở hầu hết mọi nền bóng đá, thì để có chỗ trong ngôi trường ấy không phải dễ. Trừ khi một cá nhân từng thi đấu tại Ligue 1, bằng không sẽ hiếm có sự ưu đãi cho tấm vé qua khỏi vòng gửi xe vào Clairefontaine, không cần biết cá nhân ấy từng có kinh nghiệm huấn luyện ở nước ngoài ra sao. Ngoại lệ là khi một HLV dẫn dắt một đội từ giải hạng 3 giành quyền thăng hạng lên Ligue 2, Liên đoàn Bóng đá Pháp sẽ chấp nhận xem xét. 
 
Matt Spiro, một BLV kiêm ký giả người Pháp, một người mà tôi rất thần tượng thời còn bình luận Ligue 1 và là chủ trì của show bóng đá Pháp “Ligue 1 Show” trên truyền hình beIN SPORTS, có viết trong quyển “Sacré Bleu: From Zidane to Mbappe – A Football Journey” như sau: Thế giới HLV của bóng đá Pháp gần như khép kín, như một nhà máy mà mỗi công nhân phải là một thành viên công đoàn”. Đã đến lúc, mô hình cũ ký ấy cần phải phá bỏ. 
 
Hoàng Thông Le Foot
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow