Ruud Van Nistelrooy: Ích kỷ như Van Gol, hoàn hảo như Van Gol

Tác giả CG - Thứ Bảy 13/01/2018 13:37(GMT+7)

Zalo
Với 347 pha lập công trong 549 trận đấu, trong đó bao gồm 35 bàn sau 70 lần ra sân cho đội tuyển Hà Lan, Ruud van Nistelrooy chắc chắn là một trong những chân sút vĩ đại nhất thế hệ của mình. Nhưng tài năng của anh thì không phải lúc nào cũng được nhìn ra. Để làm được điều đó, chàng trai ấy đã phải đạp xe từ ngôi làng biệt lập để chứng minh cho cả thế giới thấy, mình là ai.
Ruud Van Nistelrooy: Ich ky nhu Van Gol, hoan hao nhu Van Gol1
Ruud Van Nistelrooy: Ích kỷ như Van Gol, hoàn hảo như Van Gol1
Sau khi giành được 5 chức vô địch ở ba quốc gia, dám “bật” lại một trong những huấn luyện viên nghiêm khắc và uy quyền nhất cũng như chiếm được cảm tình từ những cổ động viên vốn nổi tiếng cực đoan của Real Madrid, thiếu tự tin không phải là điều xuất hiện trong suy nghĩ của Ruud van Nistelrooy. Tất nhiên, nhắc đến tiền đạo này là phải nói tới bản năng săn bàn vô song thế nhưng con đường để có được thành công của anh lại chẳng “nên thơ” như hầu hết những ngôi sao khác đã từng trải qua.
 
Trước khi trở thành chân sút ghi bàn nhiều thứ tư trong lịch sử Champions League sau Cristiano Ronaldo, Lionel Messi và Raúl González cũng như đứng thứ 11 trong danh sách những chân sút vĩ đại nhất của Manchester United chỉ sau 5 mùa giải chơi bóng ở Old Trafford, Van Nistelrooy đã là một con người khác biệt. Sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với Patrick Kluivert (1/7/1976), anh thừa nhận mình không cảm thấy cùng đẳng cấp với người đồng đội cho tới khi được gọi vào đội tuyển Hà Lan cũng như sau đó trở thành cầu thủ Manchester United. Thế nhưng việc anh trở thành một trong những tay săn bàn xuất sắc nhất trong hai thập kỷ vừa qua có lẽ đã được dự báo từ rất sớm.
 
Kluivert sinh ra và lớn lên ở Amsterdam với cha là người Suriname và mẹ là người Curaçao rồi sau đó gia nhập học viện của Ajax năm 7 tuổi. Cùng thời điểm khi Kluivert ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết Champions League 1995 thì ở một nơi khác, Van Nistelrooy chỉ có vỏn vẹn 3 pha lập công cho Den Bosch và cùng đội bóng cán đích ở giải hạng Hai Eerste Divisie. Nơi đây cũng là bước đệm của anh trong 5 năm đầu sự nghiệp.
 
14 tuổi, anh mất nửa giờ đồng hồ di chuyển từ ngôi làng nhỏ bé Geffen gần Oss – “nơi mà các tuyển trạch viên thậm chí còn chẳng biết ở đâu” – đến RKSV Margriet với hy vọng gây được sự chú ý, điều mà những người cùng trang lứa với anh cảm thấy không thích vì cho rằng anh đang tỏ ra hơn người. Van Nistelrooy thừa nhận, ngay từ thời gian đó anh đã phải chịu đựng những lời gièm pha thế nhưng đó cũng là thứ giúp anh trở nên gan lỳ hơn sau đó. Tại đội bóng mới, anh gặp được một nhân vật có ảnh hưởng nhất đến với mình, đã định hình nên con người và cả cầu thủ Van Nistelrooy sau này. 
 
“Tôi được gặp một huấn luyện viên tuyệt vời và ông ấy thực sự đã thay đổi cuộc đời tôi. Ông ấy là một huấn luyện viên luôn rất thẳng thắn và luôn muốn tạo mối quan hệ với các cầu thủ. Ông ấy cùng tôi vượt qua những thời điểm khó khăn, ông ấy nói cho tôi biết tôi đã làm tôi điều gì, tôi có thể cải thiện điều gì – khi còn là một đứa trẻ, bạn luôn khởi đầu với một niềm tin là mình giỏi”, cầu thủ người Hà Lan nhớ lại vào năm ngoái. Cho đến khi một thành viên trong ban huấn luyện của Den Bosch thách thức anh ghi nhiều bàn thắng hơn, anh mới đặt quyết tâm với những mục tiêu cao hơn trong sự nghiệp của mình. Anh khép lại mùa giải Eerste Divisie 1996/1997 với 12 pha lập công và trở thành chân sút số 1 của đội. Đồng thời, cầu thủ người Hà Lan cũng nhận được sự chú ý từ SC Heerenveen, đội bóng mà anh đã giúp cán đích ở vị trí thứ 6 đầy bất ngờ và lọt vòng bán kết KNVB Cup trong năm tiếp theo. Khi tài năng của Van Nistelrooy đã được biết tới, PSV Eindhoven bỏ ra số tiền kỷ lục vào thời điểm đó là 6 triệu bảng để mang anh về sân Philips Stadion.
 
Ruud van Nistelrooy 3
 
Đột nhiên, từ một tài năng trẻ triển vọng chàng trai ấy đã vụt sáng thành một tay săn bàn cự phách với 38 lần xé lưới đối phương trong mùa giải đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Sir Bobby Robson. Nhưng còn một người nữa có ảnh hưởng lớn đến con đường sự nghiệp của Van Nistelrooy, đó là Sir Alex Ferguson. 
 
Darren Ferguson, con trai của huấn luyện viên người Scotalnd, trong một chuyến hành quân tới sân của Heerenveen để thi đấu đã có dịp chạm trán chân sút người Hà Lan khi đó còn khoác áo đội bóng này. Và ngay lập tức, anh bảo cha mình phải chiêu mộ bằng được tay săn bàn mới nổi ấy. Thực tế là ông Martin Ferguson, em trai của Sir Alex, trước đó đã nói với vị chiến lược gia của Manchester United về Van Nistelrooy. Dù vậy chỉ đến khi cậu con trai của mình tiến cử, Sir Alex mới cử đại diện tới theo dõi cầu thủ sinh năm 1976 thi đấu nhưng khi đó PSV đã nhanh tay hơn. Và khi không còn một đội bóng lớn nào có ý định cạnh tranh với mình, Sir Alex quyết định không thể để mất cầu thủ này một lần nữa và chiêu mộ với số tiền 18,5 triệu bảng vào tháng 4/2001. Khi các điều khoản của câu lạc bộ và cá nhân được thông qua, cậu bé nông thôn ngày nào đã thực sự gia nhập vào đời sống của giới tinh hoa bóng đá châu Âu.
 
Đội ngũ y tế của PSV đã theo dõi quá trình hồi phục chấn thương dây chằng của Van Nistelrooy nhận từ tháng 3, tuy nhiên họ đảm bảo với Manchester United rằng đó không phải một mối bận tâm lớn vì tiền đạo người Hà Lan đang hồi phục nhanh hơn dự kiến. Thế nhưng đội bóng thành Manchester đã không đồng ý khi bác sĩ Rob Stone tỏ ra nghi ngờ và yêu cầu có thêm những bài kiểm tra trước khi chính thức chốt vụ chuyển nhượng. Chủ tịch PSV, ông Harry van Raay, rất quyết tâm với thương vụ này và để chứng minh mình đúng, ông đã cho phép các máy quay được ghi hình lại tiền đạo của mình tập luyện trong một buổi tập.
 
Và mọi chuyện sau đó xảy ra thật khủng khiếp. Van Nistelrooy trong một nỗ lực nhảy lên đánh đầu đã có pha tiếp đất không tốt, một tiếng “rắc” vang lên thật đáng sợ khi anh đổ vật xuống trong đau đớn cộng với chấn thương dây chằng chéo khiến anh bỏ lỡ phần lớn mùa giải 2000/2001. Ferguson đến thăm Van Nistelrooy tại nhà ở Hà Lan và đảm bảo với anh rằng sẽ không từ bỏ vụ chuyển nhượng. Nhận được liều thuốc to lớn về mặt tinh thần như vậy, anh hồi phục nhanh chóng và một năm sau, bản hợp đồng đã được thông qua, Ferguson cuối cùng đã có cầu thủ mà ông muốn.
 
Đây không phải là lần đầu tiên chiến lược gia người Scotland thể hiện sự tin tưởng đến như vậy với một cầu thủ. Và Van Nistelrooy cũng đã đáp trả lại niềm tin đó bằng việc ghi bàn trong các trận ra mắt ở Community Shield, Premier League và FA Cup. Khép lại mùa giải đầu tiên ở nước Anh, chân sút Hà Lan có tổng cộng 36 bàn thắng. Dù Arsenal đã phá hỏng chuỗi 3 chức vô địch quốc gia liên tiếp của United, thế nhưng việc Van Nistelrooy kết thúc mùa bóng tiếp theo với 25 bàn thắng và đoạt danh hiệu vua phá lưới giải đấu đã giúp nửa đỏ thành Manchester giành lại ngôi vương. Điều đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất mà anh đạt được danh hiệu Vua phá lưới trong 5 năm thi đấu ở Anh. 
 
Lúc này, chàng trai dũng cảm đã biến thành kẻ cứng đầu. Trên sân, anh chỉ chăm chăm biết đến việc ghi bàn đến nỗi đội trưởng Roy Keane và HLV Ferguson phải miêu tả khả năng dứt điểm của anh là hoàn mỹ. “Thực sự cậu ấy là một trong những chân sút ích kỷ nhất từ trước tới nay,” Sir Alex chia sẻ trong cuốn tự truyện của mình. “Cá tính của cậu ấy hoàn toàn bị dẫn dắt bởi nỗi ám ảnh. Việc chỉ chuyên tâm làm một việc khiến cậu ấy gần như trở thành một sát thủ. Điều duy nhất mà cậu ấy quan tâm là: Ruud van Nistelrooy đã ghi được bao nhiêu bàn.”
 
Sự tập trung mà anh dành cho trận đấu lớn đến nỗi đôi khi khiến anh quên đi tất thảy mọi thứ xung quanh. Khi Arsenal hành quân đến sân Old Trafford vào tháng 9/2003, thời điểm Van Nistelrooy quay lưng đi đầy chán chường sau khi cú sút phạt đền của mình trong phút bù giờ chạm xà ngang, những lời đay nghiến cùng gương mặt đầy thách thức và chế giễu của Martin Keown không làm anh bận tâm dù thực tế là pha sút hỏng đó khiến anh bỏ lỡ cơ hội làm dày thêm thành tích của mình. Vì sao anh sút hỏng? Có lẽ bộ não anh đã phân tích điều đó đồng thời suy nghĩ tới việc cải thiện về tập luyện cũng như kỹ thuật cho lần tới rồi.
Van Nistelrooy
 
Khát khao cháy bỏng đến vĩnh cửu này khiến tiền đạo người Hà Lan được các cổ động viên và đồng đội yêu quý – hoặc ít nhất là một vài trong số đó.
 
Dù số lượng bàn thắng cứ thế gia tăng, thế nhưng có lẽ anh đã không gặp thời khi đến đúng vào thời điểm đội bóng đang bước vào thời kỳ chuyển giao. Sau khi Van Nistelrooy tới, nhiều gương mặt trong đội đã bước qua sườn dốc bên kia sự nghiệp hoặc đã ra đi. Ferguson để Jaap Stam chuyển tới Lazio, điều mà sau này ông thừa nhận là vụ chuyển nhượng sai lầm nhất trong sự nghiệp kéo dài hơn một phần tư thế kỷ ở Old Trafford. Trong khi đó, Andrew Cole và Teddy Sheringham lần lượt được bán cho Blackburn và Tottenham Hotspur, thủ thành huyền thoại Peter Schmeichel tới Sporting Lisbon còn Dwight Yorke chỉ còn là cái bóng của chính mình.
 
Để bù đắp cho những mất mát đó, Cristiano Ronaldo, Rio Ferdinand và Wayne Rooney đến theo chiều ngược lại, báo hiệu cho một chiến lược rõ ràng trong việc tái xây dựng lại đội bóng cho 5 -10 năm tới. Nhưng Van Nistelrooy dường như không thể chờ đợi lâu như vậy, anh khao khát danh hiệu hơn bao giờ hết. 
 
Roman Abramovich khi đó cũng đang chuẩn bị tạo ra một cuộc cách mạng làm thay đổi mãi mãi đời sống bóng đá Anh và rõ ràng là không có thời gian để chờ đợi một lứa cầu thủ kế cận cho “Thế hệ 92” được. Có lẽ Van Nistelrooy đã suy nghĩ về tất cả những điều trên; cộng với trục trặc trong mối quan hệ với một vài đồng đội khiến anh bắt đầu chuẩn bị cho sự ra đi.
 
Mùa hè năm 2003, anh bắt đầu đàm phán lại các điều khoản trong hợp đồng trong đó có một điều khoản khiến Ferguson phải giật mình. Tiền đạo người Hà Lan muốn được cho phép ra đi nếu Real Madrid bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Đây là một yêu cầu mà United cuối cùng đã phải chấp thuận bằng cách đưa ra mức giá 35 triệu bảng.
 
Nhưng ít nhất là trong phòng thay đồ, anh đã giành được sự tôn trọng của một trong những cá tính mạnh mẽ và “khó nhằn” nhất sân Old Trafford, đội trưởng Roy Keane. Tiền vệ người CH Ireland khởi đầu sự nghiệp ở Anh dưới sự dẫn dắt của Brian Clough. Keane nổi tiếng vì coi thường chấn thương như thể đó là một điểm yếu và cũng từ chối nghỉ ngơi dù cho thể lực không đảm bảo thi đấu.
Rooney luon phai lam nen cho Van Nistelrooy thoi moi khoac ao M.U
 
Trước cuộc đối đầu với Arsenal ở bán kết FA Cup 2005, đội bóng đang trải qua chuỗi 49 trận bất bại – Van Nistelrooy đã cảm thấy rất đau ở đầu gối và muốn ngồi ngoài. “Tôi chỉ có một cơ thể thôi, tôi cần bảo vệ nó,” anh nói với đội trưởng của mình.
 
Ban đầu, Keane cho rằng gã tiền đạo này có lẽ không muốn bị đau nhưng sau đó ông chấp nhận rằng cần phải có những suy nghĩ cho tương lai. “Tôi đã nghĩ cậu ta thật ngu ngốc, nhưng bây giờ thì tôi cho rằng có lẽ phong cách của tôi khác cậu ta – ‘Đừng thể hiện là bạn đang đau mà hãy giải quyết’. Tôi cảm thông với Ruud.”
 
Những lục đục với Ronaldo và Carlos Quieroz khiến ban lãnh đạo không hài lòng với anh. Sau khi hục hoặc với người trợ lý của Ferguson, Van Nistelrooy lại nói với đồng đội trẻ - người vừa mất cha không lâu trước đó: “Cậu sẽ làm gì đây? Định rên rỉ về bố mình à?” Mặc dù có ý kiến cho rằng câu nói ấy được nhắm tới Quieroz thế nhưng ngôn từ của nó thì rõ ràng là không thể chấp nhận được. 
 
Trong vài tuần cuối cùng khoác áo Manchester United, một cuộc cãi vã đã chính thức đóng sập tương lai của Van Nistelrooy tại nước Anh. Là một chàng trai đã trưởng thành, giống như nhiều người khác tới Anh thi đấu, tiền đạo Hà Lan đã từng theo dõi trận chung kết FA Cup với nỗi sợ hãi. Tua nhanh cuốn băng thời gian tới năm 2006, dù Manchester United chỉ phải đối đầu với đội bóng mới lên hạng, Wigan Athletic, ở League Cup thế nhưng đó vẫn là một trận chung kết. Và Van Nistelrooy thì phải ngồi dự bị. Anh vô cùng khao khát được thi đấu.
 
HLV Ferguson đã nói rằng anh sẽ được tung vào giữa trận - do Louis Saha đá chính như anh vẫn làm suốt giải đấu. Bởi vậy khi Nemanja Vidić và Patrice Evra, những cầu thủ chỉ mới gia nhập 2 tháng trước đó, được vào sân thay người, đã có những lời lẽ không hay từ tiền đạo người Hà Lan nhắm vào chiến lược gia người Scotland. Và chỉ một vài tháng sau đó, Van Nistelrooy chuyển tới Madrid.
 
ruud van nistelrooy
 
Thế nhưng dù mọi chuyện có thế nào thì ít nhất, có một thứ anh vẫn luôn kiên định từ khi còn trai trẻ. “Thời điểm đó, bạn không được rời khỏi làng,” Van Nistelrooy chia sẻ. “Bạn sinh ra và cũng sẽ chết ở đó. Đó là những gì đã xảy ra… Tôi vô cùng cứng đầu và nghĩ ‘không, mình thực sự không thích như thế’. Tôi nghĩ rằng nếu bạn tỉnh táo, bạn sẽ rất tập trung để thực sự nhìn ra đâu là ưu tiên trong cuộc đời của mình.”
 
Và dù có ai đó đồng cảm cùng những thứ ưu tiên với anh hay không thì cũng sẽ chẳng người nào có thể phủ nhận được một điều, rằng rất ít ai có thể làm khuynh đảo thế giới như cách mà chàng trai năm xưa đạp xe từ Geffen đã làm.
 
Lược dịch từ bài viết “The making of Ruud van Nistelrooy” của tác giả Andrew Flint trong ấn phẩm Netherlands của These Football Times.

CG (TTVN)
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow