Van der Vaart: Khi cuộc đời bóng đá là những chuyến đi

Tác giả Elflaco - Thứ Hai 12/02/2018 17:01(GMT+7)

Ngày 12/9/2000, vòng loại thứ nhất cúp UEFA. Phút 82 trận đấu giữa Ajax và đội chủ nhà Gent. Tỉ số đang là 4-0 nghiêng về phía Ajax, kết quả quá đủ để đại diện thành Amsterdam – vốn đã thắng 3-0 ở trận lượt đi – giành vé bước tiếp.
Van der Vaart: Khi cuộc đời bóng đá là những chuyến đi
Bên ngoài đường pitch, BHL Ajax ra dấu xin thay người. Cầu thủ chuẩn bị vào sân bên phía Ajax, là tài năng trẻ mới nổi của CLB, mới 17 tuổi. Điều gì diễn ra trong khoảng 10 phút cuối trận đấu ấy? Chàng trai 17 tuổi ghi 1 bàn và kiến tạo 1 bàn thắng giúp Ajax kết trận với thắng lợi 6-0. Chàng trai năm ấy có tên Rafael Van der Vaart.
 
Van der Vaart đến với bóng đá và rồi trở thành 1 trong những ngôi sao xuất sắc bậc nhất thế hệ của anh là điều mà không ai, trong số những người thân của cầu thủ này, dám nghĩ tới nếu nhìn vào xuất phát điểm của anh. Van der Vaart ra đời ở một thị trấn nhỏ tại Hà Lan, có tên Heemskerk, nơi có dân số thậm chí không bằng sức chứa của… sân vận động Stamford Bridge, trong 1 gia đình có cha là người Hà Lan và mẹ là dân nhập cư gốc Cadiz – Tây Ban Nha, những người theo trường phái Gypsy. Từ thuở nhỏ, Van der Vaart đã quá quen với cuộc số nay đây mai đó vì toàn bộ gia đình anh sống và sinh hoạt trên… xe hơi lưu động.
 
“Với đa số, đấy là cuộc sống… không bình thường. Nhưng đấy là cuộc sống mà tôi thích, tôi đã trải qua và tận hưởng nó như cách mà mọi đứa trẻ bình thường khác có với gia đình của chúng”, Van der Vaart chưa bao giờ giấu diếm nguồn gốc xuất thân đặc biệt của mình. Thậm chí với Van der Vaart, chính cuộc sống phóng khoáng của cha mẹ còn tạo điều kiện cho anh được thỏa chí chơi bóng suốt ngày trên đường phố.
 
Van der Vaart gia nhập Học viện Ajax năm 1993, cùng thời điểm với Wesley Sneijder và Johnny Heitinga – những người sau này trở thành đại diện cho một thế hệ cầu thủ Hà Lan xuất sắc nhất thập niên đầu tiên thế kỉ 21. Van der Vaart, chính là người nổi bật nhất khi được ví như truyền nhân của Thánh Johan Cruyff. Ngay từ năm 17 tuổi sau những màn trình diễn chói sáng trong màu áo đội trẻ Ajax, Van der Vaart đã được trao cơ hội xuất hiện ở đội một CLB. Anh ra mắt trong trận hòa Den Bosch giữa tháng 4/2000. Và những gì diễn ra sau đó, như người đời vẫn nói về một cầu thủ xuất chúng là… lịch sử.
Sneijder (trái) và Van der Vaart trong màu áo Hà Lan
Trong 5 mùa giải trọn vẹn chơi cho đội một Ajax (2000/01-2004/05), Van der Vaart ra sân 156 trận tính mọi đấu trường, ghi 56 bàn và kiến tạo hơn 30 thắng cho đồng đội lập công. Thần đồng của Ajax trở thành một hiện tượng lớn, vượt ra ngoài biên giới bóng đá Hà Lan, đặc biệt là đầu mùa giải 2004/05 khi anh chính thức được HLV Ronald Koeman trao băng thủ quân và trở thành đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử CLB thành Amsterdam. Bất chấp chấn thương, những xung đột gay gắt với một siêu sao mới khác của Ajax – Zlatan Ibrhimovic cùng thái độ đả kích của giới truyền thông Hà Lan nhằm vào xuất xứ và phong cách sống kiểu Gypsy, Van der Vaart vẫn thể hiện thứ bóng đá siêu hạng đều đặn mỗi cuối tuần.
 
Thứ ánh sáng mạnh mẽ tỏa ra từ viên ngọc quý của Ajax khiến hàng loạt tay tuyển trách viên của những CLb lớn châu Âu xuất hiện thường trực bên ngoài cánh cổng sân Amsterdam Arena chỉ nhằm một mục tiêu “câu kéo” Van Der Vaart. Milan muốn có Van der Vaart trong khi Manchester cũng coi thủ quân trẻ của Ajax là mục tiêu hàng đầu. Nhưng rốt cuộc, CLB mà Van der Vaart chọn lại là một cái tên khiến tất thảy…. ngã ngửa. Hè 2005, Van der Vaart chính thức gia nhập SV Hamburg, CLB chỉ xếp thứ 8 Bundesliga mùa giải 2004/05 – kém nhà vô địch Bayern tới 26 điểm. 
 
Quyết định của Van der Vaart ở thời điểm đó, thực sự nằm ngoài dự đoán của hầu như tất cả những người có gắn bó với anh. Huyền thoại Johan Cruyff, người rất coi trọng và kì vọng ở Van der Vaart thậm chí còn nổi giận khi biết cầu thủ này chọn Hamburg. “Sốc! Đấy là cảm giác đầu tiên của tôi khi Van der Vaart nói nó sẽ gia nhập Hamburg. Nó sẽ làm cái quái gì ở Hamburg kia chứ. Với tôi, Hamburg không phải và không bao giờ là lựa chọn phùt hợp để Van der Vaart phát triển sự nghiệp lên 1 tầm cao mới” – đấy là lời của Cruyff vài ngày sau khi Van der Vaart chính thức đặt bút kí vào bản hợp đồng với Hamburg.
 
Bất chấp quyết định gây sốc ấy, Van der Vaart đã có mùa giải đầu tiên đẹp như mơ cùng Hamburg. Anh ghi 9 bàn và có 10 pha kiến tạo tại Bundesliga giúp Hamburg xếp hạng 3 chung cuộc mùa 2005/06, qua đó giành vé dự Champions League. Van der Vaart, với thứ bóng đá đặc biệt và đầy đam mê của anh, đã nhanh chóng trở thành thần tượng lớn ở Volkspark. Trong 3 mùa giải khoác áo Hamburg, Van der Vaart ghi 48 bàn thắng và tạo ra số pha kiến tạo thành bàn tương đương, đồng thời được coi là 1 trong những ngôi sao sáng nhất của giải đấu.
 
Nhưng đúng như Cruyff dự đoán, Hamburg dù là nơi mà Van der Vaart đã tỏa sáng và có một cuộc sống vô cùng dễ chịu, không phải là bệ phóng cho sự nghiệp của cầu thủ này. Và mùa hè 2008, Van der Vaart, khi đó 25 tuổi, thêm một lần nữa phải đứng trước quyết định “xê dịch”. Và Real Madrid, CLB đang tiếng hành cuộc đại cách mạng nhân sự với các ngôi sao người Hà Lan, Arjen Robben đến từ Chelsea và Wesley Sneijder gia nhập từ Ajax, đã trở thành bến đỗ tiếp theo của Van der Vaart.
 
Mùa giải đầu tiên của Van der Vaart tại Bernabeu, mùa 2008/09, không có gì đáng để chê trách bởi anh vẫn chơi thứ bóng đá tốt nhất mà mình đã từng thể hiện, trừ duy nhất 1 chi tiết: sự xuất sắc của Barcelona – Pep Guardiola. Phong độ khủng khiếp của Barca trong mùa giải đầu tiên của Pep, với hàng loạt danh hiệu lớn ở mọi đấu trường khiến những gì Van der Vaart và các đồng đội người Hà Lan làm được tại Bernabeu mùa 2008/09 bị xem thường. Hè 2009, Bernabeu đón chào hàng loạt ngôi sao mới, trong đó có cầu thủ đắt giá nhất Thế giới thời điểm ấy Cristiano Ronaldo, rồi Kaka, rồi Benzema. Chủ tịch Real – Ramon Calderon thất bại trước “bố già” Florentino Perez, Real bắt đầu kỉ nguyên mới của Galacticos với việc “nhổ sạch những bông Hoa tulip”.
 
Lần lượt Sneijder, Robben rồi Van der Vaart – những anh tài người Hà Lan – đều bị đẩy khỏi Bernabeu theo cách tàn nhẫn nhất. Sneijder sang Inter ngay mùa hè 2009 và ngay lập tức trở thành ngôi sao hàng đầu trong đội hình giành cú ăn ba mùa giải 2009/10 của Inter – Jose Mourinho. Robben gia nhập Bayern và từng bước đi vào lịch sử CLB xứ Bavaria trong suốt 1 thập kỉ qua. Va Van der Vaart, sau mùa giải 2009/10, ngồi ngắm các ngôi sao mới của Bernabeu trên ghế dự bị, đành phải tìm cho mình một hướng đi mới. Tới Premier League gia nhập Tottenham của HLV Harry Redknapp.
 
Rafael van der Vaart thi đấu rất hay trong màu áo Tottenham
Hệt như Ajax, Hamburg và Real, Van der Vaart tiếp tục có mùa giải đầu tiên đầy thuận lợi với CLB mới Tottenham. 13 bàn thắng ở Premier League cùng rất nhiều lần dọn cỗ cho đồng đội lập công ở mùa 2010/11, Van der Vaart nhanh chóng chiếm những dòng tít chính trong hàng loạt bài báo ca ngợi về Tottenham, nơi tiền vệ người Hà Lan là nhân vật trung tâm trong lối chơi Spurs bên cạnh những ngôi sao trẻ trung Luka Modric – Gareth Bale. Trong toàn bộ sự nghiệp thi đấu của mình, Tottenham có lẽ là nơi mà Van der Vaart phô diễn được hết những phẩm chất xuất sắc nhất của mình, cũng là nơi mà anh nhận được nhiều tình cảm đặc biệt từ các CĐV.
 
Nhưng Van der Vaart, có lẽ là cầu thủ xuất sắc không gặp thời. Và ở bất kì CLB nào mà anh từng khoác áo, Van der Vaart luôn có những bước khởi đầu rất xuối xong kết cục “đuôi lại không bao giờ lọt”. Tottenham cũng không phải ngoại lệ, tỏa sáng ở mùa giải đầu, vẫn thể hiện phong độ cực kì ấn tượng ở mùa giải kế tiếp để trở thành thần tượng lớn của White Hart Lane rồi đột nhiên ra đi chỉ sau 2 năm với rất nhiều đỉnh cao. Sau Tottenham, Van der Vaart trở lại Hamburg chơi 3 mùa giải rồi cập bến Real Betis đá vài trận mùa 2015/16. Sau Betis, Van der Vaart sang tận Đan Mạch chơi bóng cho CLB Midtjyland, một quyết định thêm 1 lần nữa khiến những người biết anh cũng phải bất ngờ.
 
Van der Vaart trôi dạt sang Đan Mạch
Nhưng với Van der Vaart, việc gia nhập Midtjyland, cũng như bao lần xê dịch trước đó, lại ĐÚNG với tính cách, với chất của con người anh nhất. Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ với siêu mẫu Sylvie Meis năm 2012, Van der Vaart đã tìm thấy tình yêu và sự binh yên bên Estavana Polman – ngôi sao bóng ném của tuyển Đan Mạch. Vì yêu nên Van der Vaart quyết định từ bỏ những sân chơi bóng đá đỉnh cao, những CLB hào nhoáng để tới Đan Mạch chơi bóng.
 
18 năm chơi bóng chuyên nghiệp, với 6 lượt đổi CLB khác nhau, Van der Vaart chỉ có vỏn vẹn 2 chức vô địch quốc gia (cùng Ajax). Bản thân anh dù được coi là những “số 10” xuất chúng nhất kỉ nguyên bóng đá hiện đại cũng chưa từng được tôn vinh ở bất kì giải thưởng cá nhân nào kể từ sau danh hiệu “Cậu bé vàng” năm 2003. Nhưng với Van der Vaart, người hôm nay chính thức bước sang tuổi 35, anh chưa bao giờ hối tiếc với bất kì quyết định “xê dịch” nào. Bởi với anh, “Bóng đá cũng như cuộc đời. Là những chuyến đi. Và thứ tuyệt vời nhất chính là tận hưởng hành trình ấy chứ không phải là kết quả sau cuối của đích đến”.
 
(Một bài viết của Elflaco)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.