“Sir Alex có lẽ ông đã hết thời!”, đó là những gì báo chí Anh quốc đặt lên trang nhất sau khi nghe tin Manchester United mang về một thủ môn 35 tuổi. Sau quá nhiều những thử nghiệm thất bại trong khung gỗ, cuối cùng Sir Alex Ferguson lại đặt niềm tin vào một thủ thành mà đỉnh vinh quang đã ở lại sau lưng cả chục năm trước. Nhưng không ai ngờ rằng bản hợp đồng đầy tranh cãi đó lại là dấu mốc cho một câu chuyện tình muộn màng ở Old Trafford, câu chuyện tình mang tên Edwin Van Der Sar.
Van Der Sar - bản tình ca muộn màng của Quỷ đỏ |
ĐƯỜNG DẪN ĐẾN KHUNG THÀNH
Nhắc tới Edwin Van Der Sar là nhắc tới một sự nghiệp lừng lẫy trong khung gỗ, một thủ môn sở hữu bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ thứ hai thế giới với 25 danh hiệu lớn nhỏ (chỉ sau Vitor Baia). Nhưng nhắc tới Van Der Sar cũng là nhắc tới câu chuyện đầy trắc trở của một thủ môn.
Ít ai biết rằng Van Der Sar bắt đầu chơi bóng ở vị trí tiền đạo và sớm bộc lộ khả năng của một sát thủ vòng cấm. Những đồng đội thời niên thiếu kể lại rằng Van Der Sar luôn là người chơi đá ma giỏi nhất trong các buổi tập. Nhưng trong một buổi tập, khi những thủ môn chính lần lượt bị chấn thương, Van Der Sar được chuyển về bắt gôn và bất ngờ bộc lộ tài năng thiên phú. Kể từ đó, khung gỗ gắn với anh như một sự sắp đặt của số phận.
Bước ngoặt đó có lẽ là điềm báo cho những gì xảy ra trong suốt chặng đường quần đùi áo số của Van Der Sar. Anh lọt vào mắt xanh của HLV Louis Van Gaal và trở thành một phần của thế hệ vàng Ajax Amsterdam đầu thập niên 90. Các đồng đội hay gọi anh với cái tên ngộ nghĩnh “Ice Rabbit” (Thỏ băng), nhưng một khi đã vào trận với sự tập trung cao độ, Van Der Sar gần như không thể bị đánh bại. Vô địch UEFA Cup năm 23 tuổi, đứng trên đỉnh châu Âu với chức vô địch Champions League, và 4 mùa giải liên tiếp là thủ môn xuất sắc nhất Eredivisie, Van Der Sar cứ thế thăng tiến trong thời kỳ hoàng kim của Ajax. Nhưng cũng giống như những đồng đội, mảnh đất Hà Lan là không đủ để giữ chân một tài năng lớn như Edwin. Ở cái tuổi 29, tuổi bước vào đỉnh cao sự nghiệp của một cầu thủ, anh ra đi để chinh phục những vinh quang mới. Nhưng đó cũng là lúc anh đưa ra lựa chọn sai lầm ở ngã ba đường.
Van Der Sar sớm thành công trong màu áo Ajax |
Mùa hè 1999, sân Old Trafford nhuốm nửa vui buồn khi phải nói lời chia tay với huyền thoại Peter Schmeichel sau cú ăn ba lịch sử. Khoảnh trống mà “Big Dane” để lại là quá lớn, nhưng Sir Alex Ferguson đã có một sự lựa chọn cho riêng mình, một chàng trai cao tới hơn 2m và cũng tới từ vùng biển Bắc. Nhưng khi đó chủ tịch Martin Edward đã mang về một thủ môn khác là Mark Bosnich, và Sir Alex đành nhìn Juventus có được Van Der Sar. Hai năm về nhì sau Lazio và AS Roma không phải là thành tích quá tệ với thủ môn ngoại đầu tiên trong khung gỗ của Bianconeri, nhưng điều đó không bao giờ là đủ với những con người tham vọng ở thành Turin. Họ muốn về nhất, và họ muốn một người gác đền mang dòng máu Italia.
32,6 triệu bảng, con số kỷ lục mà Juve chi ra để mua đứt Gianluigi Buffon từ Parma chẳng khác nào một tuyên bố rõ ràng với Van Der Sar. Trước một chàng tân binh có cái giá gấp 5 lần mình, hoặc là anh chấp nhận dự bị, hoặc là anh phải ra đi. Người ta nuối tiếc cho cái kết lửng lơ của thủ thành người Hà Lan ở Stadio delle Alpi sau 2 năm ngắn ngủi, nhưng họ còn nuối tiếc hơn gấp bội khi anh chọn một đội bóng tầm trung như Fulham làm bến đỗ mới. Cú sốc bị Juve bỏ rơi dường như đã tác động quá lớn đến anh, để rồi anh một lần đưa sự nghiệp của mình theo đường gấp khúc. Từ một tiền đạo triển vọng tới một thủ môn tài ba, từ vinh quang châu lục tới mục tiêu trụ hạng, người ta cứ ngỡ như cái tên Edwin Van Der Sar sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng, cho tới khi Man United hoàn tất mối lương duyên còn dang dở.
BẢN TÌNH CA MUỘN MÀNG
Sau 6 năm đầy những thử nghiệm thất bại trong khung gỗ, từ cú lọt háng của Massimo Taibi cho tới những sai lầm khó hiểu của Fabien Barthez; 6 năm sau lần lỗi hẹn với mục tiêu trong khung gỗ, cuối cùng Sir Alex Ferguson cũng có thể hội ngộ với Van Der Sar. Fulham hoan hỉ khi đổi được một thủ môn 35 tuổi lấy khoản tiền 2 triệu bảng, nhưng rồi khi mùa giải năm đó dần trôi qua, có lẽ những CĐV của Man United còn sung sướng hơn nhiều.
Bộ ba siêu phòng ngự của Man United |
Với sải tay dài, phản xạ nhanh nhạy gần như không suy giảm và đặc biệt là khả năng chơi bóng bằng chân cực tốt, Van Der Sar trở thành một nhân tố không thể thiếu của United. Một chốt chặn an toàn ở khâu phòng ngự và một chân chuyền cự phách trong những pha phản công. Van Der Sar không phải là mẫu thủ môn có thể quát thẳng vào mặt đồng đội như Peter Schmeichel, nhưng bù lại anh có sự điềm tĩnh đem lại sự tin tưởng cho những người xung quanh. Niềm tin của các CĐV Quỷ đỏ với thủ thành người Hà Lan lớn dần, cũng giống như niềm tin vào một ngày trở lại với vinh quang.
Có một điều mà Edwin hơn tất thảy những thủ môn mà tôi từng chơi cùng, đó là sự bình tĩnh và điềm đạm. Anh ấy không bao giờ hoảnh loạn cũng như bối rối. Dường như anh ấy tỏa ra một vầng hào quang kiểu như: Bình tĩnh đi các cậu, tôi đã từng trải qua điều này rồi. Rio Ferdinand |
Ngày 5/5/2007, Van Der Sar bay người cản phá cú dứt điểm của Darius Vassel trên chấm 11m, đem về 3 điểm cho United trong trận derby Manchester. Các CĐV Chelsea có lẽ sẽ rất nhớ pha bắt phạt đền đó, bởi lẽ chỉ một ngày sau đó, The Blues đã bị Arsenal cầm hòa và bất lực nhìn Man United đăng quang tại Premier League. Sau 3 năm, cuối cùng niềm vui cũng trở lại Old Trafford.
Nhưng có lẽ các True Blue sẽ còn bị ám ảnh nhiều hơn bởi trận Siêu cúp nước Anh sau đó 3 tháng, khi Van Der Sar cản phá cả 3 pha dứt điểm của Pizzaro, Lampard và Wright Phillips. Đó là bước ngoặt với Edwin, một người luôn bị ám ảnh bởi những loạt luân lưu. Thất bại trước Juventus ở chung kết Champions League 1996, rồi sau đó lại gục ngã đau đớn trước Italia ở bán kết Euro 2000, những ký ức đó đeo đẳng Van Der Sar mãi cho tới cái ngày tháng Tám trên sân Wembley. Để rồi khi đã lấy lại được sự tự tin, anh một lần nữa đánh bại Chelsea để đem vinh quang về cho United trong đêm Moscow lịch sử.
Trước khoảnh khắc quyết định thiên đường và địa ngục, Van Der Sar có lẽ đã nhớ tới lời dặn của thủ môn huyền thoại Hans van Breukelen. Đừng trở thành con mồi mà hãy trở thành kẻ đi săn, hãy chủ động làm đối phương rối trí. Và thế là người ta thấy Van Der Sar di chuyển quanh cầu môn và nhảy qua lại trước khi bay người cản phá cú dứt điểm của Nicolas Anelka. John Terry mang lại hy vọng cho United, nhưng chính Van Der Sar mới là người mang cúp về Old Trafford. Trong giây phút Ronaldo nằm khóc nức nở trên mặt cỏ Luzhniki, Van Der Sar dang rộng vòng tay để đón lấy những bóng áo đỏ đang ùa tới. 13 năm sau ánh hào quang với Ajax, 13 năm đủ để khiến bất cứ giấc mơ nào tắt lịm, Van Der Sar cuối cùng cũng tìm lại được giấc mơ của riêng mình. Chẳng những thế, anh còn thắp lên những giấc mơ có thật ở Manchester.
Link xem lại MU vs Chelsea trận đấu chung kết Cúp C1/Champions League mùa giải 2007/2008, Manchester United giành chức vô địch sau lượt penalty kịch tính .
Người hùng trong đêm Moscow huyền thoại |
Kỷ lục giữ sạch lưới ở Premier League của Petr Cech, rồi kỷ lục giữ sạch lưới toàn Anh, cho tới kỷ lục thế giới, tất cả đều bị bộ ba Van Der Sar – Vidic – Ferdinand đạp đổ một cách ngoạn mục. 1311 phút khung thành của United bất khả xâm phạm, đó sẽ mãi là một đỉnh cao trong nghệ thuật phòng ngự, và sẽ là một trong những giai thoại mà người ta nhắc về bộ ba phòng ngự của United một thời. Nhưng cuối cùng hàng phòng ngự ấy cũng sụp đổ trước một Barcelona thăng hoa cùng tiqui-taca. Trong cái ngày mà một gã khổng lồ 2m bị đánh bại bởi cú đánh đầu của một chàng lùn cao 1m7, người ta có thể cảm nhận được sự cay đắng của Van Der Sar. Nhưng vị đắng đó có lẽ chẳng thể so được với thất bại sau đó 2 năm.
THĂNG VÀ GIÁNG
Vẫn là chung kết Champions League, vẫn là Barca, nhưng Van Der Sar đã không có cơ hội để làm lại nữa. Mối tình đẹp như mơ với Man United hóa ra lại kết thúc bằng một nốt giáng đầy lặng lẽ. Nó cũng giống như sự nghiệp đầy những khúc cua bất ngờ của Van Der Sar vậy, có lên thì ắt phải có xuống. Khoảnh khắc khi trọng tài Viktor Kassai cất tiếng còi mãn cuộc, nỗi buồn của các Mancunians như tăng lên gấp đôi, họ vừa trở thành kẻ chiến bại, vừa phải chia tay Edwin yêu dấu bằng những giọt nước mắt. Và cuối cùng tất cả chỉ còn lại sự tiếc nuối.
Người hâm mộ tiếc khi Sir Alex Ferguson không thể đem Van Der Sar về năm 1999, tiếc khi anh cứ liên tiếp cự tuyệt United trong 6 năm trời, tiếc vì anh không đến với Old Trafford sớm hơn. Nhưng có lẽ những người trót yêu sự giản dị của Van Der Sar sẽ không tiếc nuối quá nhiều, bởi nhanh chậm không quan trọng, quan trọng là ta đã cháy hết mình trong những năm tháng sát cánh bên nhau.
Người ta gọi Van Der Sar là một người Hà Lan bay, bay theo đúng nghĩa đen khi anh tung người đẩy quả bóng ra ngoài khung gỗ một cách ngoạn mục. Old Trafford đã từng chứng kiến những người Hà Lan khác bay cao trong màu áo đỏ, từ Ruud Van Nistelrooy cho tới Robin Van Persie, nhưng nếu như họ đem lại niềm vui bằng những bàn thắng, thì Edwin mang lại sự yên tâm khi từ chối niềm vui đó của đối thủ.
Còn đối với riêng người viết những dòng này, Edwin Van Der Sar là một bản tình ca muộn màng ở Old Trafford, dẫu cho anh đã chối từ nhiệm vụ huấn luyện ở Carrington để trở về Amsterdam. Và suy cho cùng, bản tình ca đó không kết thúc ở một nốt giáng mà là một nốt thăng cao vút. Bởi lẽ Van Der Sar cuối cùng cũng đã có được những thành công với United, và cuối cùng thì hình ảnh một người Hà Lan bay người trong đêm mưa Luzhniki vẫn là một ký ức không thể nào phai với người hâm mộ Quỷ đỏ.
Người Hà Lan bay ở Nhà hát |
FRANK