Trở về Trang chủ

Ước muốn của Dương Thuý Vi

Thứ Ba 11/05/2021 08:10
Aa

Hoa khôi Wushu Dương Thuý Vi đã là cái tên nổi tiếng trong khu vực, châu lục và cả thế giới với đủ bộ huy chương có thể. Nhưng đằng sau thành công và nghị lực phi thường ấy, là một cô gái luôn ám ảnh bởi những chấn thương. Ngày hôm nay, cô chính thức bước sang tuổi mới, sinh nhật lần thứ 28.

*Cơ duyên với Wushu* 



Hồi bé tôi nghịch, thích trèo tường. Giờ nghĩ lại chắc không phải VĐV Wushu, mà tôi phải đi tập nhào lộn mới đúng.
 
Rồi xưa tôi ở với anh họ. Anh ấy béo lắm. Mọi người cho đi tập để giảm cân nên tôi cũng đi theo. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đi tập võ để đánh nhau thôi, chứ ai nghĩ là võ biểu diễn. Nhắc đến chị Thuý Hiền (VĐV Wushu Nguyễn Thuý Hiền – PV) tôi còn chẳng biết.
 
Chẳng hạn nếu cho tôi đi tập Karate hay Taekwondo, chắc tôi cũng đi luôn chứ có nghĩ gì đâu. Nên tôi luôn tự nhủ rằng Wushu là cái nghiệp của mình. Lúc đó bác Lâm (võ sư Nguyễn Tùng Lâm, HLV của Thuý Hiền – PV) chỉ bảo cứ tập thử đi. Thế mà tôi tập đến bây giờ.
 
Mới tập rất đau, nhưng tôi không bỏ cuộc, cứ đòi đi. Bố mẹ cản không được.

Dương Thuý Vi quote 
 
Rồi lần đầu tiên tôi được đi tập huấn ở nước ngoài năm 2006, cũng là lần đầu ăn sinh nhật bên Trung Quốc. Đội hình của tôi có khoảng 12-13 người cùng đi. 3 tháng ở Hà Nam ngày đó vui lắm. Chỉ có HLV bắt tập nhiều nên khó chịu thôi.
 
Nhưng đến lúc phải về, tôi khóc luôn ở sân ga!
 
Đội hình khi đó ‘rụng’ gần hết, đến giờ chỉ còn vài người. Một trong những bạn thi đấu cùng nội dung với tôi đến năm cấp 3 là nghỉ. Có lẽ các bạn cảm thấy không phát triển được, cộng thêm vấn đề gia đình không ủng hộ. Đó cũng là điều dễ hiểu, vì mỗi người đều lựa chọn những hướng đi riêng.
 
À, còn anh họ của tôi đến giờ vẫn béo!
 
Dương Thuý Vi
Dương Thuý Vi (thứ 2 từ bên trái sang, đằng sau) và các VĐV trẻ trong chuyến tập huấn ở Hà Nam, Trung Quốc năm 2006
 
 

*Chuyên gia mở hàng Huy chương Vàng*

 


Tôi tham dự những giải quốc tế từ khi còn nhỏ. Tôi đánh giải trẻ toàn quốc từ năm 10 tuổi (2003), rồi từ đó là giải trẻ châu Á, giải trẻ Thế giới. Năm 2007, tôi lên ĐT quốc gia khi 14 tuổi.
 
Tôi luôn suy nghĩ đánh đến đâu hay đến đấy. Chứ thi đấu mà cứ đặt mục tiêu phải giành vàng, phải đứng nhất thì quên hết bài.
 
Năm 2013, tôi vô địch SEA Games và Thế giới trong cùng một năm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được vây quanh bởi nhiều anh chị phóng viên. Đến khi bị đăng ảnh lên mạng xã hội, tôi chỉ nghĩ đơn giản mình là… trò đùa của mọi người, chứ không phải người nổi tiếng gì. Nhưng tôi cũng vui, vì bao nhiêu năm thi đấu, cuối cùng cũng có thành quả để lại.
 
Đến ASIAD 2014 ở Incheon, Hàn Quốc, tôi vô địch Kiếm/Thương Thuật. Tôi rất mừng và nghĩ mình là VĐV giành vàng đầu tiên của Việt Nam. Nhưng rồi mọi người không ai giành vàng, tự nhiên tôi thành người duy nhất.
 
Đó là điều không bao giờ tôi nghĩ đến. Các anh chị, các bạn đều là những VĐV có khả năng tranh chấp huy chương, nhưng có lẽ gặp áp lực không vượt qua được.
 
Ở SEA Games 2013, tôi giành HCV đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam. Đến 2015, đội Wushu thi sau vài môn, nhưng tôi vẫn giành vàng đầu tiên của đội.
 
SEA Games 2017 tôi ở cùng với đội bắn cung. Trước khi thi đấu, tôi còn hô hào cổ vũ các bạn, nhưng cuối cùng vẫn là tôi giành HCV đầu tiên. Bạn ấy còn trách móc lẽ ra em giành vàng trước, chứ sao lại là chị. Tôi đáp lại: Ai bảo em bắn xịt?
 
ĐT Wushu chúng tôi vô địch Thế giới, vô địch SEA Games rất nhiều. Nhưng đến ASIAD có mỗi mình tôi.
 
Có lẽ tôi được nữ thần may mắn mỉm cười!

Dương Thuý Vi
 
Dương Thuý Vi
Dương Thuý Vi quote
 
 

*Làm chủ được cái thảm là điều quan trọng nhất*

 


Wushu là môn thể thao yêu cầu độ chính xác rất cao. Người ta có thể đánh kém hơn, nhưng không bị trừ điểm là đã thành công. Cho dù bài của mình có độ khó hơn đối thủ, chỉ cần mắc lỗi là không có khả năng tranh chấp huy chương.
 
Trước bất cứ giải đấu nào, tôi luôn đặt mục tiêu không để lỗi. Đó đã là một chiến thắng với bản thân mình. Tôi ưu tiên bảng điểm của mình không bị trừ. Nếu hoàn thành bài, kém điểm người ta thì đành chấp nhận, chứ mắc lỗi là điều khó chịu nhất.
 
Tôi hạn chế đánh theo bản năng, tránh để áp lực bên ngoài ảnh hưởng rồi mắc lỗi lúc nào không hay. Điều quan trọng nhất là phải làm chủ được cái thảm, làm chủ được động tác. Còn hưng phấn không giải quyết được vấn đề gì.
 
Đã 4 năm tôi không tham dự SEA Games rồi!
 
Tôi thi cả 3 nội dung Trường quyền, Kiếm thuật và Thương thuật. Nhưng đầu năm 2019, chủ nhà Philippines thông báo cắt nội dung Kiếm, Thương. Chưa qua tháng 2 họ cắt nốt Trường quyền. Tôi không được tham dự giải vì nước chủ nhà không có VĐV cạnh tranh danh hiệu.
 
Tôi khao khát được tham dự SEA Games, đi đánh những giải đấu lớn để gặp lại các đối thủ của mình. Nhưng nhiều bạn VĐV nữ trong khu vực cũng nghỉ thi đấu, có bạn lấy chồng rồi giải nghệ luôn, mà các bạn còn ít tuổi hơn tôi.

Dương Thuý Vi

Dương Thuý Vi 

Dương Thuý Vi quote


*Nỗi ám ảnh chấn thương*

 


Khi tham dự SEA Games 2017, tôi bị ốm. Cả đêm đó không ngủ được, 3h sáng trước hôm thi đấu vẫn còn sụt sịt. Lúc đó tức lắm, tự trách mình thi đấu bao nhiêu năm còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Năm đó cũng đi Nga lạnh như thế còn chẳng sao, mà sang Malaysia để bị ốm.
 
Sáng hôm sau, lúc khởi động tôi vẫn còn nước mắt, nước mũi 'thòng lòng'. Tôi mệt lắm, nhưng không dám uống thuốc vì sợ ảnh hưởng. Thế mà khi thi đấu tôi tỉnh táo lại ngay, còn giành huy chương vàng Thương thuật.
 
Tôi cảm thấy bị bất lực, bị ức chế kinh khủng mỗi khi dính chấn thương và phải nhìn người khác tập luyện. Đầu gối của tôi thỉnh thoảng vẫn bị mất lực, bị viêm, chảy dịch, rách sụn chêm trong. Bác sĩ bảo không tránh được, muốn khỏi chỉ có giải nghệ. Lúc đó cảm giác như bị điểm huyệt, bị phế võ công như phim chưởng.
 
Tôi không đặt mục tiêu gì trước SEA Games hay những giải đấu lớn, chỉ cần giữ sức khoẻ và tránh chấn thương đến mức tối đa. Tôi đã lớn tuổi rồi, khả năng bình phục cũng chậm hơn so với hồi xưa.
 
Đó là mong muốn đầu tiên, phải bảo đảm không chấn thương thì mới nghĩ được những cái khác.

Dương Thuý Vi
 
Thể thao chuyên nghiệp là những hoạt động vượt qua giới hạn mà người bình thường không làm được, thì sao tránh khỏi chấn thương? Tôi nghĩ điều gì cũng có cái giá của nó.
 
Tôi cũng không quá yêu cầu mức độ khó trong luyện tập, chỉ cần duy trì sự ổn định là tốt rồi. Bây giờ tôi vừa tập luyện vừa điều trị, chứ đợi khỏi hẳn thì không thể. Nếu ngày nào mình rời thảm thi đấu, không còn là VĐV nữa mà chấn thương không quá nặng, đó đã là một thành công.
 
Nếu tôi cởi bỏ bộ quần áo tập để khoác lên mình những bộ váy như những cô gái ngoài kia, gia đình tôi sẽ là những người hạnh phúc nhất.
 
Bố mẹ khuyên nên nghỉ vì sợ tôi tập luyện vất vả. Mẹ tôi nói những câu đau lòng lắm, mẹ bảo: Đừng để tao đẻ con lành nuôi con què. Tôi phân tâm lắm chứ, nhưng tức quá không nghĩ nữa.
 
Đôi khi tôi chỉ muốn được như người bình thường, như bạn bè mình, được học, được chơi. Có những đợt tôi không thể lên cân, không phải do tập luyện mà do áp lực thi đấu, áp lực gia đình, áp lực học tập. Đôi khi còn cảm giác như mình bị bỏ rơi. 
 
Có những ngày là như thế đấy!

Dương Thuý Vi
 
Dương Thuý Vi quote
 
 

*Sự trưởng thành của cô gái vàng* 



Hôm nay, tôi đón sinh nhật lần thứ 28!
 
Phòng tập Trịnh Hoài Đức có cái gương lớn lắm. Ngày nào tôi cũng đứng đây, xem đến khi không còn là VĐV thì mình chụp được bao nhiêu bức ảnh.
 
Toàn bộ tuổi thanh xuân của tôi gắn liền với phòng tập, với mồ hôi và nước mắt. Chúng tôi đã đánh đổi tuổi trẻ, thanh xuân, thời gian cho gia đình để dành hết cho ngày hôm nay. Đằng sau những tấm huy chương là một câu chuyện rất dài.
 
Tôi đã trải qua những giai đoạn vất vả, chán nản tưởng chừng không thể vượt qua được. Tôi đã có thể nghỉ từ năm 2014, khi giành tất cả huy chương trong tay, để ra làm những thứ khác. Nhưng bản thân tôi cảm thấy mình chưa học đủ trong Wushu.
 
Ai hỏi, tôi chỉ nói là thi đấu một vài năm nữa. Tôi không hứa hẹn với bất kỳ ai, tôi muốn kéo dài sự nghiệp đến chừng nào có thể.

Dương Thuý Vi
 
Tôi vẫn còn tập, một phần vì ý thích, một phần biết rằng mình vẫn đủ khả năng tranh chấp huy chương. Bình thường đội tôi nghỉ sớm lắm, 20, 21, cùng lắm 23 là nghỉ rồi. Còn tôi đã 28 tuổi.
 
Khi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn, tôi luôn tự hỏi mình tập để làm gì. Rồi lại nghe những ý kiến con gái lấy chồng là xong. Nhưng mình có chân, có tay, sao không tự đứng lên kiếm tiền?
 
Từ những điều như vậy, tôi cảm thấy trưởng thành hơn. Ngày xưa nếu tập một động tác 3 lần không được, tôi sẵn sàng bỏ. Nhưng giờ tôi điềm tĩnh lại một chút. Trầm lại và nhận thấy: Hoá ra mình cũng làm được mà! 
 
Tôi luôn cảm thấy may mắn với cuộc đời VĐV, vì nếu không đi tập, tôi chỉ là một bạn học sinh bình thường. Tôi muốn đạt được một thành quả nào đó, dù được người khác ghi nhận hay không cũng không quan trọng. Tôi hiểu rằng mình được như ngày hôm nay bởi có nhiều người giúp đỡ.
 
Ngày xưa không bao giờ tôi nghĩ sẽ trở thành HLV đâu. Tôi muốn làm những thứ khác.
 
Nhưng giờ tôi muốn làm công tác huấn luyện để dạy cho các bạn trẻ. Tôi cũng đang chuẩn bị học lên cao học, để sẵn sàng cho tương lai sau này. Tôi đã tập luyện từ năm 7 tuổi, đến giờ đã hơn 20 năm và thật khó để thấy bản thân mình trong một hình ảnh khác.
 
Vì Wushu là cái nghiệp của tôi rồi!

Dương Thuý Vi


Dương Thuý Vi quote


Dương Thuý Vi sinh ngày 11/5/1993, là nữ VĐV gốc Hà Nội. Cô được xem như thần tài của đoàn TTVN, khi thường xuyên mở hàng HCV trong những kỳ đại hội lớn.
 
Thuý Vi đã giành 4 HCV SEA Games trong 3 kỳ đại hội từ 2013 – 2017, trong đó vô địch nội dung Kiếm thuật cả 3 kỳ. Năm 2019, Vi không dự SEA Games 30 vì nước chủ nhà Philippines cắt bỏ nội dung.
 
Tại Á vận hội lần thứ 17 tổ chức ở Incheon, Hàn Quốc, Thuý Vi là VĐV duy nhất của đoàn TTVN giành HCV ở nội dung Thương thuật, Kiếm thuật kết hợp.
 
Thuý Vi 2 lần vô địch Giải Wushu Thế giới vào năm 2013 và 2017, đều ở nội dung Thương thuật. Trong đó năm 2017, cô giành HCV với điểm số 9,64, hơn VĐV về nhì người Hàn Quốc 0,01 điểm.

Có thể bạn quan tâm

Mới nhất

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

top-arrow
X