Unai Simón: Sự kiên định và tờ giấy ghi chép về những quả penalty

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 23/11/2022 14:11(GMT+7)

Từng có một sai lầm ngớ ngẩn đầy tai hại đã suýt nữa khiến ĐTQG Tây Ban Nha và thủ môn của họ phải trả giá đắt, nhưng giờ đây họ đã để cho khoảnh khắc ác mộng đó hoàn toàn chìm vào dĩ vãng khi hướng về chiến dịch tại Qatar. 

 

Unai Simón mở khoá kéo của chiếc túi washbag mà anh mang theo khắp nơi và cẩn thận lấy ra một tờ giấy. Nó nhỏ xíu, nhưng lại mang một ý nghĩa rất lớn đối với anh. Nhẹ nhàng mở nó ra, viết trên đó là những nghiên cứu của anh dành cho loạt sút luân lưu tại tứ kết Euro 2020. Trong vòng đấu trước đó, sai lầm ngớ ngẩn của anh, để cho một đường chuyền về từ khoảng cách 44 mét lọt qua chân mình và đi vào lưới, đã khiến Tây Ban Nha đứng trước nguy cơ bị loại; 4 ngày sau, những pha cản phá penalty của anh trước Thuỵ Sĩ đã đưa họ vào vòng bán kết. “Nhờ đó, tôi được giải thoát hoàn toàn khỏi cảm giác tội lỗi,” anh tâm sự. 

Những đêm ấy tại Copenhagen và St Petersburg đã thay đổi mọi thứ, và không chỉ đối với Simón: Tây Ban Nha lại được coi trọng trên cuộc đua vô địch và thủ môn thuộc biên chế Athletic Bilbao đã có thể thực sự tin rằng bản thân chính là người gác đền số một của họ. Khi Simón giải thích cách tiếp cận trận đấu của anh, sự chuẩn bị và những suy nghĩ phía sau nó, chàng trai này cũng đang đại diện cho sự toàn tâm toàn ý của tập thể Tây Ban Nha dành cho một bản sắc; một dấu hiệu cho thấy cách toàn đội bước vào và chiến đấu trong các trận chiến.  

Và anh đã nói rằng các quả penalty không phải là một cuộc chơi xổ số. Nó có đen / trắng rõ ràng. “Tôi sẽ chỉ cho anh thấy,” anh nói, ám chỉ đến mảnh giấy quý giá của mình. Có một lý do khiến nó luôn đi cùng anh như một lá bùa may mắn. Trước Euro 2020, Tây Ban Nha đã từ vị thế một đoàn quân hùng mạnh vô địch 3 giải đấu lớn liên tiếp sa sút thành một đội bóng không thắng nổi trận nào ở giai đoạn knock-out trong 3 giải đấu lớn tiếp theo. Việc lọt được vào vòng bán kết và chỉ chịu thất bại trước các nhà vô địch Italy sau loạt đá luân lưu ở Wembley đồng nghĩa rằng vị thế ứng cử viên vô địch của họ đã được khôi phục. Tại London, họ đã chỉ cách trận chung kết trong gang tất. Giờ đây, họ đang khao khát được tiến xa hơn thế tại Qatar. 

Simón nhận thức rất rõ về việc sai lầm của mình trước Croatia tại Euro 2020 có thể trở nên tai hại đến mức nào, tạo nên hậu quả lớn đến đâu. Tuy nhiên, anh đã kiên định với phong cách thi đấu quen thuộc của mình trong phần còn lại của trận đấu và chấp nhận rằng sai sót đã xảy ra – một bàn phản lưới nhà được tính cho Pedri – là một “phụ phẩm” không thể tránh khỏi, sớm muộn cũng sẽ đến trong lối chơi của Tây Ban Nha. Dường như mỗi trận đấu đều có ít nhất một khoảnh khắc mà các cổ động viên của La Roja trải qua một cơn đau tim khi quả bóng ở dưới chân Simón, và chính anh cũng nói đùa rằng ông bà của mình, Juanito và Carmina, sẽ có ít nhất một cơn hoảng loạn khi xem anh thi đấu. Nhưng anh đã khẳng định rằng mình không chơi như vậy vì khoái cảm giác mạnh và anh cũng không thể để cho nỗi sợ hãi chi phối cách chơi của mình. 

 

“Đôi khi tôi xem lại cách thi đấu của mình và nghĩ: ‘Ch.ết tiệt, mình điên rồ thật đấy.’ Hay: ‘Đường chuyền đó khó đến thế nào nhỉ?’ Nhưng đó là cách HLV muốn chúng tôi chơi. Tôi hiểu rất rõ mình phải làm gì. Tôi đã quen với việc các đội khác pressing chúng tôi một cách quyết liệt. Thỉnh thoảng chúng tôi mắc một sai lầm, nhưng những khoảnh khắc chúng tôi hành động chính xác thì có số lượng lớn hơn nhiều. Mẹ tôi đã phải trải qua những khoảng thời gian khủng khiếp khi xem tôi thi đấu. Bà ấy không đến các trận đấu. Bố tôi thì có, và khi bàn thắng đó của Croatia được ghi do sai lầm của tôi, cảm giác chắc hẳn thật khủng khiếp, nhưng ông ấy có thể vượt qua được nó.”

Simón cũng vậy. Thủ môn người Tây Ban Nha đã rất nghiêm túc khi chia sẻ những điều trên, qua đó phản ánh cách anh thi đấu, phân tích trận đấu và sự kiên định. Những sai lầm là điều không thể tránh khỏi – “Tôi đã mắc nhiều sai lầm khủng khiếp từ khi còn là một cậu bé, những bàn thua điên rồ” – nhưng phong cách bóng đá của Tây Ban Nha khuyến khích tinh thần ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, chấp nhận sự mạo hiểm, miễn đó là những động thái mạo hiểm hợp lý. “Điều tuyệt nhất có thể diễn ra là bạn lại nhận bóng với tình huống y hệt như khi mắc sai lầm trước đó, kiểm soát tốt nó và chuyền bóng đi. Nếu sai lầm diễn ra là do lỗi kỹ thuật, lỗi thực hành, không phải lỗi tư duy, vậy thì bạn chỉ việc nghĩ: OK, đường chuyền tiếp theo nào. Nhưng nếu là do lỗi tư duy thì khác: Điều đó có nghĩa là chúng ta chưa hiểu HLV trưởng muốn gì. Ví dụ, nếu một đường chuyền hướng tới hậu vệ cánh được thực hiện quá nhẹ và nó bị đối thủ cắt được, điều đó không có nghĩa là vào lần tiếp theo bối cảnh tương tự diễn ra thì tôi sẽ chuyền cho trung vệ, mà vẫn sẽ là một đường chuyền y hệt, được điều chỉnh lại kỹ thuật thực hiện. Bạn không được vì quá ‘rén’ mà ngưng thực hiện đường chuyền đó.”  

Lắng nghe cách Simón quan sát và nhìn nhận những phương án xử lý bóng dành cho mình khi có bóng trong chân, mô tả anh chờ đợi những “con đường” được mở ra, thu hút các đối thủ lao vào mình pressing để giải phóng “đồng đội di chuyển không bóng thứ ba” ra sao, có thể thấy rõ anh sở hữu khả năng đọc trận đấu, sự am hiểu về cuộc chơi tốt đến thế nào. Thật khó để theo kịp anh. “Bóng đá cấp ĐTQG có nhịp độ rất nhanh, bạn phải đưa ra các quyết định thật nhanh. Nhiệm vụ của bạn là khai mở sân đấu, tạo ra khoảng trống, các ‘tuyến đường’ chuyền bóng; trách nhiệm của thủ môn là đưa quả bóng đến cho cầu thủ được tự do. Những điều này chẳng tự đến với bạn; bạn phải đọc và diễn giải trận đấu. Có những khái niệm mà cách đây 2 năm tôi không hề biết. Còn bây giờ, tôi đã có thể thi đấu với sự tự tin cao độ. Nếu bạn không thể thích nghi, bóng đá sẽ tiến bước, còn bạn thì không.”

Đối với Luis Enrique, yêu cầu thủ môn phải có khả năng và tư duy xử lý bóng tốt là không thể thương lượng – đây chính là lý do David De Gea không được ông triệu tập lên ĐTQG, trong khi Simón, Robert Sánchez và David Raya thì được – nhưng Simón cũng khẳng định rằng điều đó không làm lu mờ đi các nhiệm vụ truyền thống của một người gác đền. “Nhiệm vụ chính của một thủ môn vẫn là ngăn không cho quả bóng vượt qua mình. Một thủ môn hiện đại, như (Marc-André) ter Stegen, có thể làm được cả 2 việc.” 

De Gea và Luis Enrique

Simón đã chứng minh rằng anh có thể làm được cả hai nhiệm vụ đó trong phần còn lại của chiến thắng đầy kịch tính mà Tây Ban Nha giành được trong hiệp phụ trước Croatia ở vòng 16 đội. Nhưng anh cũng nhận thức được rằng sự chuộc lỗi đòi hỏi phải đi cùng một kết quả tốt thì mới thực sự trọn vẹn và anh mang ơn các đồng đội vì cách họ xốc lại tinh thần sau sai lầm của anh để giành một chiến thắng đáng nhớ với tỷ số 5-3. “Tôi đã khao khát chứng minh rằng mình có thể trở thành thủ môn số một của ĐTQG. Nếu chúng tôi thua 1-0 thì ngay cả khi tôi đã chơi tốt cả trận và chỉ mắc duy nhất một sai lầm, điều đó sẽ không được công nhận. May mắn thay sai lầm của tôi diễn ra ở phút thứ 20 chứ không phải phút 95. Mọi người sẽ nhớ về cách tôi đứng dậy sau vấp ngã, nhưng tôi cần cả đội chơi xuất sắc và kết thúc trận đấu với một chiến thắng.”

Và rồi anh trở lại với những loạt sút luân lưu và mảnh giấy mà mình vô cùng trân quý. “Trước khi đấu với Thuỵ Sĩ và Italy, chúng tôi đã tìm hiểu về khuynh hướng đá penalty của mọi cầu thủ đối thủ: Thậm chí cả (thủ môn Yann) Sommer. Ví dụ, kể cả khi (Giorgio) Chiellini không phải là một cầu thủ thường đá penalty, thì có thể anh ta đã thực hiện một quả trong một loạt sút luân lưu vào trận giao hữu nào đó diễn ra vài năm trước. Tôi đã ghi chép lại mọi thông tin cần thiết lên giấy: Kiểu sút, hướng sút, số của cầu thủ. 

“Điều đó rất quan trọng vì tôi không giỏi nhớ mặt người khác. Tôi dựa vào cột dọc và cho đến khi nhìn thấy con số được in trên quần đùi đối thủ, tôi chẳng nhận ra nổi ai đang bước lên cả. Tôi nhìn vào tờ giấy của mình. Hành động đó đôi khi có thể khiến cho đối thủ lo lắng, ngay cả khi bạn chỉ đem theo một tờ giấy trống không! Tôi đã nói chuyện với các tiền đạo và nghe họ bảo rằng: ‘Mẹ nó, khi tớ thấy gã thủ môn nhìn ‘tờ phao’ của hắn, suy nghĩ nảy ra trong đầu tớ là: Ch.ết tiệt, hắn biết mình sẽ sút kiểu gì rồi.”

Điều cần lưu tâm không chỉ có nơi quả bóng được sút tới. “Có 2 điều tạo nên sự khác biệt. Đầu tiên, then chốt là: Đối thủ tiếp cận quả bóng như thế nào? Một số người nhìn vào thủ môn, một số chỉ nhìn chăm chăm vào quả bóng, bởi vì họ đã xác định sẵn mình sẽ sút kiểu gì từ trước rồi. Tiếp theo là hướng sút. Cái hồi chưa nghiên cứu cách đá penalty của đối thủ kỹ lưỡng như thế này, tôi thường phân vân khi nào nên đứng yên, khi nào nên đổ người, do đó mà tôi sẽ ra quyết định quá muộn. Khi bạn thấy một đối thủ không nhìn vào mình, vậy thì bạn có thể tin rằng anh ta sẽ sút y như thông tin mà mình nghiên cứu được, do đó bạn có thể hành động sớm hơn. Bạn có thể sẽ lựa chọn sai, trò này chẳng có ai luôn chính xác tuyệt đối cả, nhưng nếu bạn phán đoán đúng, bạn sẽ có nhiều cơ hội cản phá hơn.” 

Đó là lý do tại sao thất bại trước Andrea Belotti khiến Simón cảm thấy vô cùng đau đớn. Điều khiến Simón bực tức không phải là vì anh đã đổ người sai hướng; anh đã chọn đúng hướng, nhưng không kịp chạm tay vào bóng. Vào cuối trận bán kết, Simón đã cản phá được quả luân lưu đầu tiên của Italy, được thực hiện bởi Manuel Locatelli, nhưng nhiêu đó là không đủ. “Với Belotti, tôi đã phán đoán: ‘Tầm thấp, bên phải, bóng đi căng’ và hoàn toàn chính xác, nhưng lại không cản phá được cú sút. Tôi biết anh ta sẽ sút hướng đó. Tôi đã bay người sớm nhưng vẫn không chạm được vào bóng. Tôi đã nghĩ: ‘Ch.ết tiệt, mình biết mà, mình thấy hắn ta chỉ nhìn vào bóng, đáng lẽ ra mình nên bay người sớm hơn nữa.’ Quả luân lưu đó đã khiến tôi rất cay cú.” 

 

Nhưng trong một loạt sút luân lưu, một thủ môn không được để cho bản thân thực sự suy sụp tinh thần, họ phải đứng dậy sau thất bại thật nhanh. “Điều đó là đúng. Nhưng nếu tôi không cản phá được một quả luân lưu, hoặc chỉ một quả penalty thôi, tôi sẽ thấy rất khó chịu. Tôi sẽ nghĩ rằng mình đã không nghiên cứu chúng kỹ như đáng lẽ ra mình phải làm, hoặc tôi đã không đổ người với sự tự tin cần thiết. Tôi sẽ về nhà với tâm trạng rất buồn bực về bản thân mình. Cực kỳ khó chịu.”

Quả luân lưu của Belotti vẫn để lại dư vị cay đắng, nhưng màn trình diễn của Tây Ban Nha ở Euro 2020 cho thấy rằng họ đã hồi sinh, với Simón và mọi thứ mà anh đại diện chính là trung tâm của sự hồi sinh đó, bao gồm cả những sai lầm. Mọi thứ đã thay đổi, nhưng Simón vẫn giữ vững được đối chân của mình trên mặt đất. “Những người bạn của tôi chẳng hề buồn phiền về điều đó, họ không bận tâm về chúng, và nhờ vậy mà tôi có thể bỏ lại sau lưng những khoảnh khắc ấy. Tôi nhớ khi trở về sau Euro và Olympic, trở lại ngôi làng của mình, với tâm trạng thoải mái, và họ đã nói với tôi rằng…” Simón dừng lại và bắt đầu cười. “Vậy, mùa hè của cậu thế nào?”

Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn “Unai Simón: ‘We’re getting a bit crazy in how we look at goalkeepers’” được thực hiện bởi ký giả Sid Lowe, đăng tải trên The Guardian. 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.