Bồ Đào Nha vòng Play-off World Cup: Liệu có còn khoảnh khắc Ronaldo?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Năm 24/03/2022 16:53(GMT+7)

Trước kia, có một công thức chiến thắng khá đơn giản: Cho Cristiano Ronaldo vào đội hình xuất phát. Từ năm 2012 đến 2018, các đội bóng của Ronaldo đã giành được 2 La Liga, 4 Champions League và 1 chức vô địch châu Âu.

 
ronaldo
Nghĩa là một danh hiệu lớn mỗi năm - trong thời đại Barcelona của Lionel Messi, Bayern Munich của Pep Guardiola, Tây Ban Nha của Vicente Del Bosque, Đức của Joachim Low và Pháp của Didier Deschamps.
Ronaldo đã giành được 4 trong 5 Quả bóng Vàng trong quãng thời gian 7 năm đó, một sự bùng nổ đáng kinh ngạc, dẫn tới cuộc tranh luận về việc liệu chân sút người Bồ Đào Nha hay Messi mới là cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ của họ (3 trong số 7 Quả bóng Vàng của Messi đến trước giai đoạn 2012 -2018, 2 danh hiệu nữa đến sau).
 
Tuy nhiên, cũng bất ngờ không kém, Ronaldo ngừng chiến thắng, ngừng giành những danh hiệu cho bản thân và các đồng đội. Quả bóng Vàng cuối cùng của anh đến vào năm 2017, còn danh hiệu tập thể cuối cùng là vào năm 2020, khi anh cùng Juventus vô địch Serie A, danh hiệu mà Bà đầm già đã giành được rất nhiều trong quá khứ. CR7 không đá bất cứ trận chung kết lớn kể từ Champions League 2018, cũng như lọt vào tứ kết kể từ năm 2019.
 
Mặc dù Ronaldo từng là nguyên liệu quan trọng để giành chiến thắng, gần đây người ta bắt đầu có cảm giác anh đang là người làm hỏng công thức. Nó không chỉ nằm ở việc các đội bóng của Ronaldo ngừng chiến thắng, khi CR7 bắt đầu có tuổi, mà còn vì anh đang khiến các CLB chơi tốt hơn khi rời đi, cũng như tệ hơn khi anh đến. 
 
Với một sự nghiệp đang đi xuống của Ronaldo và trận play-off World Cup của Bồ Đào Nha đang ở trước mắt, cơ hội cuối cùng để số 7 của Manchester United sở hữu danh hiệu duy nhất anh còn thiếu, hãy cùng nhìn lại hiệu ứng của Ronaldo. Cụ thể hơn, sẽ như thế nào nếu bạn có Ronaldo trong đội hình?
 

Sự tiến hóa của Cristiano Ronaldo
 

Hãy bắt đầu với chính bản thân Ronaldo trước. Hiện tại anh đã làm được những gì, và trước đây thì sao?
Đỉnh cao của Ronaldo - tốt hơn bất kỳ ai khác ngoài Lionel Messi - đến ở thời điểm cầu thủ này chơi cho Real Madrid từ năm 2010 đến năm 2015. Ở giải đấu quốc nội, anh ấy ghi trung bình 31 bàn (tất cả thống kê trong bài viết này đều không tính phạt đền – ND) mỗi mùa và có 11 pha kiến tạo. Mùa giải trước, chỉ một cầu thủ ở châu Âu đã ghi hơn 30 bàn thắng ở giải quốc nội và 14 cầu thủ có 11 pha kiến tạo. Về cơ bản, Ronaldo đã làm cả hai điều đó, hàng năm, trong nửa thập kỷ.
 
Trong mùa giải 14/15, Ronaldo ghi 38 bàn thắng và có 16 pha kiến tạo. Đây là số bàn mà Robert Lewandowski chưa từng đạt được trong một mùa giải cho tới mùa trước, còn số kiến tạo giúp anh đứng top 5 châu Âu. Không dễ để một tiền đạo có thể tái hiện thành tích này.
 
Vậy Ronaldo đã làm thế nào? Anh đã làm tất cả mọi thứ, là một trong những tiền đạo cánh đầu tiên thích bó vào trong, qua đó tạo ra định nghĩa mới cho bóng đá hiện đại. Cứ tưởng tượng thế này: Ronaldo là một Mohamed Salah phiên bản thuận chân phải, nhưng cao hơn và hay hơn khoảng 60%! Cầu thủ sinh năm 1985 có trung bình 60 lần chạm bóng/trận trong khoảng thời gian này và rất tích cực tham gia vào lối chơi chung.

Anh hoàn thành ít hơn 80% số đường chuyền của mình, thực hiện 5 đường chuyền vào vòng cấm mỗi trận và có trung bình khoảng 8 lần chạm bóng trong vòng cấm. Ronaldo cũng cố gắng qua người khoảng 5 lần/trận, cũng như cố gắng kéo bóng khoảng 34 lần.
 
Thông thường, Ronaldo hay đi bóng ở 1/3 cuối sân phía biên trái, nhưng anh cũng có đủ thể lực để liên tục xâm nhập vào những khu vực nguy hiểm nhất trên sân: Hành lang trong bên trái, zone 14 (khu vực trước vòng cấm), cũng như chính giữa vòng cấm.
 
 
Trong 3 năm tiếp theo, khi Real Madrid giành 3 chức vô địch Champions League liên tiếp và Ronaldo bắt đầu bước sang tuổi 30, anh đã “tiến hóa” từ một cầu thủ chạy cánh thực thụ nhưng ghi bàn như một tiền đạo, thành một tiền đạo thực thụ nhưng thích xuất phát ở biên. Số lần chạm bóng mỗi trận của anh giảm xuống còn khoảng 45 lần/trận, số lần qua người cũng giảm xuống còn 2,5 lần/trận, chỉ số kéo bóng (29 lần/trận)  và số đường chuyền vào vòng cấm (4) cũng giảm. 
 
Mặc dù vậy, tỉ lệ chuyền chính xác lại tăng (80%), số lần chạm bóng trong vòng cấm cũng ở mức ổn định. Thậm chí, mùa giải cuối cùng với Real Madrid (17/18) chứng kiến Ronaldo có nhiều pha chạm bóng trong vòng 16m50 nhất (10 lần/trận) kể từ năm 2009. Quan trọng nhất, anh vẫn ghi rất nhiều bàn thắng (trung bình 24 bàn không penalty mỗi mùa).
 
Các pha chạm bóng ở ngoài biên dần biến mất. Số lần chạm bóng cũng vậy. Thay vào đó, mọi thứ được chuyển hết vào vòng cấm.
 
 
Trong một diễn biến kì lạ, khi chuyển đến Italia, Ronaldo bắt đầu chạm bóng nhiều hơn (54 lần/trận) và lại kéo bóng nhiều hơn (35 lần/trận). Chỉ có điều, anh không thể hoạt động rộng như khi còn trẻ, đồng thời khả năng đi bóng cũng không được như xưa. Đó là lí do bạn liên tục thấy Ronaldo, trong trang phục sọc đen trắng, nhận bóng ở đâu đó gần khu vực giữa sân và đối phương tỏ ra hoàn toàn OK với điều đó.
 
Số lần chạm bóng của CR7 trong vòng cấm giảm xuống con số 7 mỗi trận, trong khi tỷ lệ chuyền chính xác lại lên tới 84%, vì anh cầm bóng nhiều ở những khu vực được coi là an toàn trong việc chuyền bóng. Các đường chuyền của Ronaldo vào vòng cấm giảm xuống còn khoảng 3,5 lần/trận, trong khi số kiến tạo cũng giảm xuống còn 5 lần mỗi mùa và số bàn thắng cũng vậy (19 bàn/mùa). Siêu sao Bồ Đào Nha vẫn cầm bóng nhiều về tổng thể, nhưng không còn thường xuyên ở những khu vực nguy hiểm nhất trên sân.
 
 
Bây giờ, trong màu áo Manchester United ở tuổi 37, số lần chạm bóng của Ronaldo giảm xuống còn 43 lần/trận. Số lần qua người cũng ít nhất trong sự nghiệp (1,5) và chỉ kéo bóng 23 lần mỗi trận. Ronaldo giờ giống một tiền đạo thích di chuyển không bóng hơn, nghĩa là chỉ nhận bóng trong vòng cấm và dứt điểm. Anh chỉ chuyền đúng 2 lần vào vòng cấm, số lần chạm bóng trong vòng 16m50 mỗi trận trở nên thấp nhất kể từ khi Ronaldo rời Madrid (7 lần/trận). Tỷ lệ kiến tạo và ghi bàn của anh cũng thấp nhất kể từ khi anh rời United năm 2009.
 
Pressing không phải sở thích của cầu thủ này, và trong suốt một trận đấu, Ronaldo chạy không nhiều bằng một tiền đạo trung bình ở Premier League. Trong khi CR7 tỏ ra khá hiệu quả với những bước chạy của mình - khi anh chạy, đó là một pha chạy chỗ nguy hiểm, tạo điều kiện để đồng đội chuyền bóng cho anh - anh lại không chịu di chuyển để giúp mở ra không gian cho đồng đội.
 
 
Ở giai đoạn này, Ronaldo vẫn thực hiện vài pha chạy chỗ tuyệt vời mỗi trận, biến chúng thành những pha dứt điểm và vẫn ghi bàn, nhưng tất cả chỉ có vậy!
 

Hiệu ứng của Cristiano Ronaldo 
 

Trong 5 mùa giải vừa qua, các đội bóng của Ronaldo không còn thắng nhiều như trước.
 
Trong mùa giải cuối cùng của anh với Real Madrid, đội đã giành được 76 điểm và đứng thứ ba tại La Liga, sau Barcelona và Atletico Madrid. Trong mùa giải đầu tiên khoác áo Juventus, đội bóng này đã giành được 90 điểm, ít hơn 5 điểm so với mùa trước. Mùa giải tiếp theo, Juventus giành được 83 - số điểm ít nhất đội từng giành được kể từ năm 2011. Sau đó, đến năm ngoái, Juventus chỉ mang về 78 điểm, đứng thứ 4 và chấm dứt chuỗi 9 năm đứng đầu Serie A.
 
Mùa này, Manchester United đã giành được 50 điểm sau 29 trận. Mô hình dự báo của FiveThirtyEight cho thấy họ sẽ kết thúc mùa giải với 63 điểm. Mùa trước, họ kết thúc với con số 74. Trên thực tế, 63 điểm sẽ là số điểm thấp nhất mà Manchester United có thể giành được kể từ khi Premier League ra đời.
 
 
Một trong hai điều đang xảy ra ở đây: Hoặc là Ronaldo đang khiến những đội mà anh khoác áo chơi tệ hơn, hoặc anh đang duy trì phong độ như cũ, trong khi tất cả các đồng đội của anh của CLB mới đột nhiên có phong độ kém hơn trước. Trên thực tế, Ronaldo đã bước sang tuổi băm, vì thế giả thiết đầu sẽ chính xác hơn.
Nếu vậy, Bồ Đào Nha có dám gạt Ronaldo ra khỏi lượt đấu play-off này không?
 
Nếu Ronaldo vẫn ghi bàn, thì tại sao anh lại có khả năng làm cho CLB của anh tệ hơn? Không phải vì anh đột nhiên chơi tệ. Dĩ nhiên là không!
 
Thứ nhất, đó là những đội bóng sở hữu Ronaldo gặp khủng hoảng như Juventus và thậm chí là Manchester United, về mặt lý thuyết sẽ chỉ cải thiện được phong độ bởi một số cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Bởi hiện tại, Ronaldo chỉ ghi bàn và anh không còn ghi bàn nhiều như trước. Mặc dù khả năng đưa bóng vào lưới của anh vẫn mang lại giá trị, nhưng anh không mang đến bất kỳ điều gì hữu ích khi đội không có bóng. Ronaldo hiếm khi tạo cơ hội cho đồng đội của mình, cũng như không còn hỗ trợ nhiều cho lối chơi.
 
Đa số những cầu thủ không thể chạy nhiều như trước - hay đơn giản là không thể đóng góp nhiều như trước - sẽ không cần phải chơi số phút nhiều như họ đã từng. Nhưng mùa trước ở Juve, ở độ tuổi 36, Ronaldo đã chơi số phút ở giải nội địa nhiều hơn so với 5 trong 9 mùa giải của anh với Madrid. Bởi vì anh là Ronaldo, nên các HLV thích dùng anh nhiều hơn hạn mức thông thường.
 
Ở cấp độ đội tuyển, câu chuyện không hoàn toàn giống như vậy. Các trận đấu quốc tế không cho phép các HLV áp dụng cấu trúc tấn công phức tạp, pressing cao mà hầu hết các CLB hàng đầu đang sử dụng. Đó là những trận đấu có tiết tấu chậm hơn nhiều: Quả bóng không được luân chuyển nhanh, số lần mất bóng cũng ít hơn và các khoảnh khắc chuyển tiếp cũng vậy. Nhưng bất chấp điều đó, Bồ Đào Nha đang chịu chung số phận giống các đội bóng của Ronaldo những năm qua: Họ ngày càng tệ hơn! Vào thời điểm này năm ngoái, họ đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng Elo; bây giờ, họ đang đứng thứ 8, do bị loại sớm tại EURO và một chiến dịch vòng loại World Cup không đủ thuyết phục, khiến họ phải đá những trận play-off theo kiểu thắng-hoặc-đi-về để đến Qatar vào mùa đông này.
 
Nếu chỉ tính các trận đấu tại vòng loại Nations League 20/21, EURO 2020 và World Cup, Ronaldo đang có trung bình 0,5 bàn, 48 lần chạm bóng, 5 lần chạm bóng trong vòng cấm, 3 đường chuyền vào vòng cấm và 28 lần kéo bóng trong một trận. Điều này không quá khác so với những gì chúng ta đã thấy ở cấp CLB gần đây: Chuyền bóng vào vòng cấm nhiều hơn một chút, nhưng chạm bóng trong vòng cấm ít hơn và ít bàn thắng hơn.
 
 
Nhắc đến các đồng đội của Ronaldo, Diogo Jota đang dần trở thành một chân sút ghi bàn thuần túy cho Liverpool, hơn là kiểu cầu thủ chạy cánh có thể hỗ trợ cho Ronaldo. Thêm vào đó, Bruno Fernandes và Ronaldo chưa bao giờ hòa nhập với nhau, dù là ở Manchester United hay ĐTQG.
 
Vì Bernardo Silva thường có một vị trí chạy cánh cho Bồ Đào Nha, liệu họ có thể chơi tốt hơn với Jota đá cắm và một cầu thủ như Joao Felix của Atletico Madrid hay Rafael Leao của AC Milan đá ở cánh còn lại? Đây có vẻ là một tuyên bố ngông cuồng, nhưng ở thời điểm này, Jota (0,69 bàn/trận) đang chơi xuất sắc hơn Ronaldo.
Nếu để Jota đá chính trong trận play-off, bạn vẫn có thể đưa Ronaldo ra sân từ băng ghế dự bị và chờ sự đột biến.
 
Tất nhiên, viễn cảnh đó là vô lý. Không có chuyện HLV Fernando Santos để cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử đất nước ngồi dự bị, trong một trận đấu quyết định xem đó có phải là World Cup cuối cùng của Ronaldo hay không. Nếu bạn làm điều đó và bạn thua cuộc, có khi bạn không được phép quay trở lại đất nước. Thêm vào đó, tất cả những con số đó chúng ta đã phân tích ra rả phía trên - những con số nói rằng Ronaldo đang tệ hơn bao giờ hết đều chính xác, nhưng chúng không dự đoán được tương lai. Đó là điều Tottenham mới phát hiện ra gần đây, khi Ronaldo vẫn có thể một tay làm nên tất cả. Dù những khoảnh khắc đó ngày càng ít hơn và xa hơn so với 15 năm đã qua, nhưng chúng vẫn chưa hoàn toàn biến mất.
 
 
Khoảnh khắc để quyết định một danh hiệu thực sự rất mỏng manh. Hai trong số các danh hiệu Champions League của Ronaldo đến từ loạt đá luân lưu, trong khi một danh hiệu khác đến từ bàn thắng ở giây cuối cùng để đưa trận đấu sang hiệp phụ. Cũng đừng quên danh hiệu lớn nhất của Ronaldo với Bồ Đào Nha đến, sau khi anh phải rời sân trong trận chung kết EURO 2016 vì chấn thương. Eder, cầu thủ chỉ ghi 5 bàn cho Bồ Đào Nha trong sự nghiệp, đã ghi bàn thắng quyết định bằng một pha lập công ảo diệu nhất sự nghiệp từ ngoài vòng cấm.
 
Trước cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ tới đây và có thể là trước Ý hoặc Bắc Macedonia vào ngày 29/3, ranh giới giữa thắng lợi và thất bại cũng mỏng manh như vậy. Một cú sút xa hoặc một pha đánh đầu có thể là sự khác biệt giữa việc tham dự World Cup, hay bất ngờ có một kỳ nghỉ giữa mùa giải vào tháng 12.
 
Ronaldo nên hiểu rõ điều đó hơn ai hết.
 
Lược dịch từ bài viết “Cristiano Ronaldo effect: Are Man United, Portugal benefitting from today's version of the superstar?” của Ryan O'Hanlon (ESPN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.