Bốn giờ chiều ngày 6/10/2001, sân vận động Old Trafford thành phố Manchester nước Anh. 66 nghìn cổ động viên hò hét nhưng bao trùm là nỗi lo sợ. Đội tuyển Anh đang bị dẫn với tỉ số 1-0 sau hiệp một và không thể chọc thủng lưới Hy Lạp trong một ngày thủ thành Antonios Nikopolidis thi đấu xuất thần.
Nỗi lòng Beckham trong màu áo Tam Sư
Nếu tỉ số này giữ nguyên, Anh sẽ đứng nhì bảng 9 vòng loại châu Âu giành vé dự World Cup 2002 và bước vào loạt play-off đầy may rủi với Ukraine. Trước khi trận đấu diễn ra cả Tam Sư và đối thủ cạnh tranh trực tiếp với họ là Đức đều có 16 điểm, nhưng thầy trò Sven Goran Eriksson xếp trên nhờ hơn chỉ số đối đầu. Lượt đi họ để thua trên sân nhà Wembley bằng bàn thắng của cầu thủ đang đầu quân ở Premier League là Dieter Hamann, đó cũng là pha làm bàn cuối cùng trên sân Wembley trước khi nó được đưa vào sửa chữa và nâng cấp. Kịch tính ở lượt về khi người Anh đòi lại món nợ đã vay bằng tỉ số kinh hoàng 5-1 ngay trên sân Olympiastadion đầy kiêu hãnh ở Munich.
Người hùng trên đất Đức, Michael Owen không thể có mặt trong trận đấu cuối cùng, hy vọng của hàng công giao lại cho Fowler và Andy Cole. Nhưng một Hy Lạp hết hy vọng, đầy ngổ ngáo trong tay HLV Otto Rehagghel đang đe doạ cơ hội của tuyển Tam Sư.
Phút 68, Teddy Sheringham vào sân thay cho Robbie Fowler và chỉ cần 20 giây để để cân bằng tỉ số. Từ đường treo hiểm hóc của David Beckham, tiền đạo số 17 đánh đầu ngược hiểm hóc không cho thủ môn Hy Lạp một cơ hội nào để cản phá. Hy vọng có điểm vừa loé bỗng vụt tắt khi Demis Nikolaidis tái lập thế dẫn bàn cho đội khách sau sai lầm của Rio Ferdinand trong cấm địa.
Phút 90+3, khi mọi thứ tưởng như đã an bài thì tuyển Anh được hưởng pha sút phạt trực tiếp. Cự li vào khoảng 27 mét, đó rõ ràng là cơ hội cho Beckham, nhưng đội trưởng người Anh đã thất bại hai lần trước đó. Sheringham cũng là người có thể sút phạt tốt đã ôm trái bóng trên tay nhưng Beckham quyết định vẫn sẽ là anh thực hiện.
“Tôi còn cả tấn năng lượng dù cho khi đó đã là phút bù giờ. Tôi đã thuyết phục ‘Teddy, cự li này hơi xa cho anh’. Tin tưởng tôi, tôi sẽ đá nó”
“Tôi thở thật sâu hai lần, nhìn vào góc lưới, trong đầu trống rỗng ngoại trừ suy nghĩ duy nhất: tôi sẽ ghi bàn!”
Khoảnh khắc Beckham trở thành người hùng của tuyển Anh
Beckham chạy đà và nghiêng người thực hiện cú đá phạt quen thuộc, bóng lượn hình vòng cung bay thẳng vào lưới, về phía tay phải của thủ môn Nikopolidis. Anh vung tay không khí, chạy đến góc sân bên phải, dang rộng hai tay, chân hơi khuỵu xuống, miệng hét lớn ăn mừng bàn thắng đưa tuyển Anh lọt vào World Cup 2002. Cả sân Old Trafford như nổ tung!
“Bàn thắng là phần kem trên cái bánh. Mọi nghi ngờ kéo dài về tôi ở tư cách một cầu thủ và một con người biến mất ngay tức khắc. Bao nhiêu nỗi đau, bao nhiêu sự cay đắng, bao nhiều hận thù và trách móc. Tôi biết rằng một chương khó khăn nhất trong cuộc đời mình vừa khép lại”
***
Bàn thắng tại Nhà hát của những giấc mơ quả thật mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa Beckham và người hâm mộ đội tuyển Anh. Sáu năm sau ngày lên tuyển, hai năm sau khi tiếp nhận băng thủ quân, bình yên mới thực sự đến với Beckham.
Từ những ngày đầu, màu áo trắng của Tam Sư đã tỏ ra quá khắc nghiệt với Becks. HLV Glen Hoddle đưa anh đến World Cup nhưng không dùng vì cho rằng Beckham bị phân tâm vì mối quan hệ với Victoria Adams. Phải đến lượt đấu cuối với Colombia anh mới có cơ hội ra sân từ đầu và tận dụng nó, ghi bàn thắng từ cú sút phạt trực tiếp sở trường vào lưới đội bóng Nam Mỹ.
Sóng gió bắt đầu khi Beckham trở thành nhân vật chính trong trận cầu tranh cãi với Argentina. Khi hiệp hai bắt đầu chưa lâu, Diego Simeone phạm lỗi từ phía sau với anh. Chàng trai trẻ thiếu kiềm chế giơ chân lên khẽ trả đũa và đội trưởng Argentina chỉ chờ có vậy, ngã xuống đau đớn. Thẻ đỏ được trọng tài Kim Nielsen rút ra cho Beckham và tuyển Anh chỉ còn 10 người trong phần còn lại của trận đấu. Dù vậy phải đến loạt đấu luân lưu, Argentina mới đánh bại được Anh.
Chiếc thẻ đỏ oan nghiệt khiến Becks trở thành tội đồ của nước Anh
Người hâm mộ Anh không cần quan tâm xem họ đã bị loại như thế nào. Họ cần một kẻ để giơ đầu chịu báng, đó chính là Beckham. Họ chỉ trích anh ngu xuẩn và ngây thơ, bất chấp Simeone là một tay lão luyện được trui rèn hai nền bóng đá tiểu xảo hàng đầu là Argentina và Ý. Tiền vệ khi đó khoác áo Inter Milan cũng thừa nhận rằng mình đã cố tình giăng bẫy Beckham trong suốt trận đấu, nhưng làn sóng chỉ trích anh không vì thế mà được xoa dịu. Họ thậm chí còn giả treo cổ hình nộm Beckham, treo lên ở nơi công cộng. Nhà riêng và người thân của anh thường xuyên bị những kẻ gây rối quấy nhiễu, cô bạn gái nổi tiếng Victoria Adams cũng không thoát khỏi chỉ trích.
Tình hình chỉ được xoa dịu chút ít sau thành công rực rỡ của Man Utd năm 1999. Nhưng đến năm 2000, Beckham lại đón nhận bão tố sau hành động “ngón tay thối” sau trận Anh thua ngược Bồ Đào Nha 2-3 ở Euro 2000. Nhưng lần này trong số những chỉ trích vẫn có những tờ báo và cá nhân đứng về phía Beckham. Họ chỉ trích người hâm mộ đã đưa sự việc đi quá xa, cản trở Beckham lập công chuộc tội, đồng thời nhắm vào gia đình anh là điều hết sức bỉ ổi.
Thất bại tại Euro 2000 khiến cho HLV Kevin Keegan phải rời ghế đội tuyển. Người giữ cương vị tạm quyền là Peter Taylor bất ngờ trao cho Beckham chiếc băng thủ quân ở trận gặp Ý tháng 9 cùng năm. Đến khi Eriksson nhậm chức, ông quyết định sẽ để anh tiếp tục là đội trưởng của tuyển Anh
Tôi không thấy có lí do gì để thay đổi cả. Beckham trước tiên là một cầu thủ giỏi và cậu ta cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo Sven-Goran Eriksson
Tranh cãi và chia rẽ là điều không thể tránh khỏi nhưng thành tích khá tốt của thầy trò Eriksson khiến người Anh tạm quên chỉ trích Beckham. Và như anh nói, đến bàn thắng vào lưới Hy Lạp thì chương đen tối đó mới thật sự kết thúc.
***
Một chương mới mở ra trong sự háo hức của Beckham, nhưng nhìn lại chắc chắn đó là câu chuyện mà nỗi buồn nhiều hơn niềm vui.
Ngay trước thềm World Cup 2002, anh gặp một chấn thương cực nặng ở trận gặp Deportivo ở UEFA Champions League, chỉ có sự ưu ái của Eriksson mới giúp anh đến giải đấu diễn ra ở châu Á khi chưa hoàn toàn bình phục. Trong một ngày đầu tháng 6 trên đất Nhật Bản, Beckham trả lại món nợ với Argentina khi ghi bàn thắng duy nhất trong trận đấu vòng bảng. Nhưng cuối cùng người Anh vẫn phải dừng bước sau đó ở tứ kết trước Brazil của Ronaldinho.
Euro 2004 tiếp tục là một kỷ niệm buồn với Beckham khi anh đá hỏng 2 quả 11 mét. Nếu như không có những pha sút hỏng ăn đó, có thể tuyển Anh đã không bị Pháp lội ngược dòng ở phút cuối, và có lẽ cũng không dừng bước sớm ở tứ kết trước Bồ Đào Nha. Tới World Cup 2006, lại là người Bồ cản bước Tam Sư ở tứ kết, một trận đấu mà người ta thấy Beckham bật khóc trên băng ghế dự bị sau khi bị thay ra. Anh không đá hỏng một quả phạt đền nào, thậm chí còn ghi bàn duy nhất giúp tuyển Anh đánh bại Ecuador ở vòng 16 đội, nhưng cuối cùng kết cục vẫn không thay đổi so với hai năm trước. Không lâu sau thất bại trên đất Đức, anh quyết định rút lui khỏi cương vị đội trưởng tuyển Anh nhưng vẫn bày tỏ mong muốn cống hiến.
Lúc này Beckham đang thi đấu năm cuối cùng cho Real Madrid và sau chức vô địch La Liga 06-07, anh công bố quyết định chuyển sang MLS khoác áo Los Angeles Galaxy. Để duy trì cơ hội lên tuyển, mỗi mùa Beckham đều quay về châu Âu theo dạng cho mượn đến AC Milan. Nhưng Steve McLaren thực sự muốn gạt bỏ anh. Ông thử nghiệm những nhân tố mới như Shaun Wright-Phillips, Kieran Richardson, Aaron Lennon thậm chí là Steven Gerrard. Phải đến khi chiến dịch vòng loại Euro 2008 của Anh gặp trục trặc, McLaren mới gọi lại Beckham. Trận đấu thứ 99 của anh trong đêm London mưa gió tháng mười một, Croatia vượt qua tuyển Anh 3-2 ngay tại sân Wembley mới và loại luôn đội chủ nhà khỏi giải đấu lớn nhất châu Âu.
Fabio Capello lên thay và chiến lược gia người Ý cũng từng có kinh nghiệm thất bại khi cố loại anh ở Real Madrid. Ông không còn mắc sai lầm cũ và Beckham góp mặt 16 trong tổng 20 trận trước World Cup 2010. Nhưng chấn thương bất ngờ loại anh khỏi giải đấu diễn ra ở Nam Phi. Sau World Cup 2010, Capello nói rằng muốn thu xếp cho anh một trận đấu giã từ sự nghiệp đội tuyển nhưng Beckham quyết từ chối vì tin tưởng mình vẫn còn khả năng cống hiến. Nhưng cuối cùng anh không bao giờ còn được gọi lên tuyển nữa. Số trận đấu của anh dừng ở 115 trận, nhiều thứ ba mọi thời đại trong số những người từng khoác áo Tam Sư.
***
15 năm sau bàn thắng đáng nhớ vào lưới Hy Lạp, David Beckham giờ đã kết thúc một sự nghiệp sân cỏ thành công và đang dấn thân vào những lĩnh vực mới nhiều thử thách. Những ai đã từng chứng kiến ngày mà anh còn cất bước trên thảm cỏ đều phải thừa nhận rằng, ở chàng tiền vệ điển trai với vẻ yếu ớt này là ngọn lửa trong từng bước chạy, từng đường chuyền bóng và sút phạt.
Cũng giống như ngày này 15 năm về trước, anh đang tả xung hữu đột ở khắp mặt sân để tìm bàn thắng gỡ hoà cho tuyển Anh. Khi tiếng còi dứt trận vang lên, người đang giữ bóng chính là anh, đứng bên cạnh hai trung vệ để bảo vệ khung thành tuyển Anh.
Quá nhiều nỗi buồn cho anh...
Old Trafford đã chứng kiến rất nhiều những khoảnh khắc kỳ diệu của Beckham, nhưng đường cong vào lưới Nikopolidis có lẽ mang một ý nghĩa và cảm xúc hoàn toàn khác. Bàn thắng vào lưới Hy Lạp là một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhưng hiếm hoi của Becks trong sự nghiệp khoác áo Tam Sư. Anh vụt sáng trong một khoảnh khắc, để rồi sau đó là những nỗi buồn bất tận.
Đó cũng là lúc mà người ta nhận ra một sự thật nghiệt ngã trong cuộc sống, không phải lúc nào nỗ lực cũng đổi lại thành quả xứng đáng. Nhưng cũng chính điều đó lại khiến David Beckham trở thành hình mẫu xứng đáng cho những cầu thủ Anh về sau.
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.
12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.
Với một vị trí đã vừa vặn, ở độ tuổi lẽ ra là chín nhất và thật nhiều kinh nghiệm - chính xác là thấm đòn trước cuộc đời, tin rằng, Hải sẵn sàng đón nhận các thử thách tiếp theo…
Đây là một kỹ năng mà Lamine Yamal đang nâng tầm thành một nghệ thuật – và là một lý do khác khiến tài năng trẻ 17 tuổi này trở thành một trong những cầu thủ thú vị nhất làng bóng đá thế giới.
Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.