Tuấn Anh ơi, bình minh sắp dậy rồi!

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Tư 22/11/2023 16:18(GMT+7)

Ở tuổi 28, Nguyễn Tuấn Anh đang có vị thế tốt nhất trong sự nghiệp của mình: Suất đá chính thường trực với môi trường phát huy khả năng của anh ở ĐTQG. Nhưng sau nhiều nỗi đau đã thấm sâu vào suy nghĩ, tiền vệ này có còn đủ “lửa” để nắm bắt cơ hội?

(Ảnh: FBNV)

Như vậy là, lịch trình của ĐT Việt Nam trong năm 2023 đã chính thức khép lại, sau thất bại đáng tiếc 0-1 trước Iraq ở lượt nhì vòng loại thứ hai - World Cup 2026. Không nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng nhìn lại, vẫn có những dấu ấn cần được gọi tên: Từ mục tiêu mới, lối chơi mới, cơ hội dành cho dòng máu trẻ đến những lấn cấn khi những tên tuổi lớn (đa số vẫn hay) đã đang bị gạt ra rìa. Có cả vui lẫn buồn trong bức tranh ĐT Việt Nam đầu thời Phù thủy trắng.

Xen giữa tổng thế ấy, xuất hiện “nét chấm phá” Nguyễn Tuấn Anh. 16/11/2023 là ngày hạnh phúc cho gia đình và các CĐV của cá nhân anh, khi lần đầu tiên tiền vệ này được mang băng đội trưởng ĐT Việt Nam ở một trận đấu chính thức. Ý nghĩa hơn, nó còn là trận đấu gióng trống mở cờ cho giấc mơ chinh phục vé dự World Cup.

Đó thực tế là đỉnh điểm cho một năm thành công ở cấp độ ĐTQG của Tuấn Anh. Trong 3 đợt FIFA Days tháng 6, 9 và 10, trong khi hai cậu bạn thân cùng lứa là Lương Xuân Trường và Nguyễn Công Phượng - người thì không được gọi hẳn, người được trao cơ hội rồi bị tước đi - Tuấn Anh luôn góp mặt và ra sân trong 5/6 trận giao hữu quốc tế. Tính luôn hai trận chính thức vừa khép lại, tuyển thủ sinh năm 1995 thi đấu đến 7/8 trận của The Golden Stars dưới thời HLV Troussier.

Điều này tương đối trái ngược với giai đoạn cuối thời HLV Park Hang-seo. Lối đá phòng ngự, phản công/tấn công nhanh của chiến lược gia Hàn Quốc sử dụng tương đối nhiều đường bóng dài và đòi hỏi sự bền bỉ. Tuấn Anh có nhiều thời điểm được trao cơ hội, nhưng giai đoạn cuối chứng kiến sự sa sút về thể lực của anh dẫn đến thời gian xuất hiện trên sân dần ngắn đi.

(Ảnh: Trọng Hiếu)

Được thầy Park tôn trọng và ngưỡng mộ tài năng, nhưng Tuấn Anh “hợp mệnh” với ông Troussier hơn. Thứ nhất là trộm vía, anh ít gặp chấn thương kể từ tháng Hai - thời điểm chiến lược gia người Pháp tiếp quản ghế nóng ĐTQG. Điều đó giúp anh được ra sân đều đặn cho CLB Hoàng Anh Gia Lai, duy trì thể lực và giữ được cảm giác bóng. Và thứ hai, quan trọng hơn, Tuấn Anh rất phù hợp với lối chơi mới của đội tuyển.

Trong kỷ nguyên mới hướng đến khả năng cạnh tranh ở vòng loại cuối World Cup, VFF và HLV Troussier hướng đến bóng đá tấn công. Chúng ta giờ đây muốn chủ động giành điểm để tiến gần hơn nữa những tấm vé vàng, sau trải nghiệm đầu tiên ở vòng loại 3 - World Cup 2022 (đứng cuối bảng B với 1 trận thắng, 1 hòa và 8 thua; ghi 8 và lọt lưới 19 bàn).

Để đạt được sự chủ động, bộ sậu của ông Troussier tổ chức một đội bóng ưu tiên chơi kiểm soát, thực hiện nhiều pha phối hợp nhóm và yêu cầu các cầu thủ tận dụng kỹ thuật cá nhân một cách nhanh nhạy, chính xác để luân chuyển bóng. 

Đó rõ ràng là miền đất hứa để Tuấn Anh tung hoành: Dù không mạnh trong khâu tranh chấp, khả năng thoát pressing, cầm nhịp, phân phối của anh luôn được đánh giá hàng đầu trong nước. 

Chiếc băng đội trưởng cùng thời lượng thi đấu trọn vẹn 90 phút mà ông Troussier trao, là lời khẳng định vị thế trụ cột ở ĐTQG, ít nhất cho đến lúc này. Tuấn Anh cùng đàn em Nguyễn Thái Sơn xuất phát trong cả hai trận chính thức đầu tiên, trong khi cặp tiền vệ lừng danh Nguyễn Hoàng Đức và Đỗ Hùng Dũng không được sử dụng dù chỉ một phút! Đó là bất ngờ rất lớn và lời giải thích được chính HLV trưởng đưa ra sau trận gặp Iraq:

“Tôi hài lòng về các cầu thủ ở hàng tiền vệ. Chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận đặt năng lực cá nhân trên tập thể. Những màn trình diễn như vậy có thể giúp đội tuyển Việt Nam thắng ở tầm Đông Nam Á. Nhưng ở tầm châu lục, cá nhân xuất thần là chưa đủ. Nếu muốn giành kết quả tốt ở châu lục, đội tuyển Việt Nam cần tổ chức tốt”.

“Tôi đánh giá Hoàng Đức chưa đáp ứng được điều kiện. Tôi muốn cậu ấy nỗ lực hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho tập thể. Ở đợt tập trung vừa qua, tôi muốn thúc đẩy cậu ấy và cậu ấy cần hiểu mong muốn của tôi”.

Tóm tắt, tiêu chí chọn người giờ đã khác và những cầu thủ như Tuấn Anh đang có lợi thế về sự phù hợp. Lên tuyển từ đầu năm 2016, sau 7 năm, chưa bao giờ tiền vệ quê Thái Bình có vị trí vững vàng và môi trường thuận lợi để cống hiến như lúc này.

(Ảnh: FBNV)

Đó là cơ hội xứng đáng dành cho chàng trai gặp nhiều trắc trở và thiệt thòi so với bạn bè cùng lứa. Xuân Trường và Công Phượng đã bật bãi khỏi tuyển, nhưng từng lên ngôi ở AFF Cup 2018, vào đến Tứ kết Asian Cup 2019. Đàn em Văn Toàn (kém bộ ba kia 1 tuổi) thậm chí cũng có mặt trong những cuộc phiêu lưu đó, Tuấn Anh thì không.

Chấn thương liên tục chia cắt tuổi trẻ và khát vọng của Nhô, mãi đến gần đây mới tạm buông tha. Và kết quả, Tuấn Anh chưa từng có danh hiệu tập thể nào trong sự nghiệp. Thành tích đáng chú ý nhất của anh là Cầu thủ trẻ Xuất sắc nhất trong lễ trao giải Quả bóng Vàng 2014 - gần 10 năm về trước.

Hẳn sẽ có ý kiến phản biện rằng, những cầu thủ như Tuấn Anh cần gì danh hiệu, mà thắng… “lòng người” mới là chiến thắng quan trọng nhất. Tranh cãi với chủ nghĩa lãng mạn là điều vô nghĩa và không bao giờ có kết quả cuối cùng. Nên thiết thực nhất là hãy nghe tâm tư của chính Nhô: 

“10 năm qua sự nghiệp của tôi rõ ràng là không tránh khỏi thất vọng”; “Tất nhiên là cầu thủ hay bất cứ ai trong cuộc đời, tôi nghĩ ai cũng mong được thừa nhận thôi”; “Dĩ nhiên, tôi mong muốn có danh hiệu”.

(Ảnh: Trọng Hiếu)

Đó là những chia sẻ của Tuấn Anh trong chương trình phỏng vấn do VFF thực hiện trước trận gặp Iraq. Không cần phải sống cùng nhà, không cần phải làm bạn, những ai từng nuôi giấc mơ bóng đá hay thậm chí chỉ từng chơi bóng đá ngày còn nhỏ điều biết, giá trị của những chiếc cúp là như thế nào. Cơn say bắt đầu từ đường bóng của những người hùng (với Tuấn Anh là Zidane, Guti, Ozil và Isco), khát khao vươn đến chốn thăng hoa mà những người hùng ấy từng đặt chân luôn cháy bỏng. Đó là lý do của tình yêu, mà tình yêu thì không thể lý giải, hay so sánh với những lý do khác.

Nhưng liệu sau nhiều thăng trầm, khi tâm hồn lẫn thể xác đã băng qua nhiều nỗi đau, Tuấn Anh còn giữ đúng ngọn lửa thiêng ấy?

Những trích đoạn phía trên thực ra đã bị cắt khỏi bối cảnh, nguyên văn ý của Nhô là thế này: “10 năm qua sự nghiệp của tôi rõ ràng là không tránh khỏi thất vọng. Nhưng tôi tự dặn mình là cố được lúc nào thì hay lúc đấy. Gặp chấn thương, nghỉ thi đấu là nỗi sợ với bất cứ ai. Nhưng có những lúc tôi hiểu mình phải chấp nhận như một phần của nghề nghiệp. Tôi tự dặn mình cứ kiên trì, chịu đựng rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi”.

“Tôi dặn mình ít nghĩ về quá khứ hay nghĩ quá xa về tương lai. Tôi muốn bản thân tập trung cho những điều trước mắt. Như khi chấn thương, tôi mong mình sớm bình phục. Còn hiện tại, tôi muốn cống hiến cho ĐT Việt Nam hay ở HAGL, tôi sẽ cố gắng giúp đội qua từng trận đấu. Đấy cũng là điều giúp tôi hạnh phúc”.

“Tất nhiên là cầu thủ hay bất cứ ai trong cuộc đời, tôi nghĩ ai cũng mong được thừa nhận thôi. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý mình. Dĩ nhiên, tôi mong muốn có danh hiệu nhưng mình cũng phải nhìn những điều tác động xung quanh. Bản thân tôi vẫn phấn đấu, vẫn quyết tâm nhưng cũng có lúc phải học cách chấp nhận. Đôi khi, cuộc sống là thế, mình không thể nào làm khác được. Giờ thì tôi cứ tập trung cho hiện tại. Tôi mong mình có thể thi đấu tốt và giúp đội tuyển Việt Nam có kết quả khả quan trong chặng đường sắp tới”.

 

Như chú chim sợ cành cong, không còn kỳ vọng quá nhiều vào cuộc đời và chính bản thân như thuở ban đầu, Tuấn Anh muốn chắc chắn từng bước nhỏ. Đó là lựa chọn của Nhô và không ai đủ tư cách để khuyên bảo anh nên hay không nên làm gì - trừ gia đình anh.

Ở đây, chúng ta chỉ nhắc lại chuyện cũ cùng nhau, rằng từng có một cầu thủ trẻ tài hoa với tư duy, kỹ năng khác biệt như thế nào. Rằng, cậu vẫn có những ước mơ đang nằm ngăn nắp trong tim chờ ngày thành hiện thực. Và rằng, cậu đang có cơ hội tốt, ở độ tuổi chín nhất trong sự nghiệp ra sao.

Chúng ta, những cổ động viên bóng đá Việt Nam, có lẽ cũng lấn cấn một chút xíu rằng: Một cầu thủ dường như không còn quá đặt nặng thành tích - “vẫn phấn đấu, vẫn quyết tâm nhưng có lúc học cách chấp nhận; đôi khi cuộc sống là thế, mình không thể làm khác được”, có phù hợp làm trụ cột của một đội tuyển đang mong mỏi vươn mình, mưu cầu tranh đoạt với nhiều đối thủ sừng sỏ hay không?

Bình minh ơi, dậy chưa? - Tuấn Anh có lẽ từng hỏi câu tương tự trong những đêm khó khăn giữa cơn lũ chấn thương. Giờ đây, bình minh trong sự nghiệp của Nhô đã dần ló dạng rồi, nhưng liệu anh có sẵn sàng đón lấy ánh nắng?

Hoài Thuận

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.