Phù thủy Capello: Cây chổi “thực dụng” và bàn tay “sắt”

Tác giả Sói Bạc - Thứ Tư 12/10/2016 17:16(GMT+7)

“Chủ nghĩa thực dụng” - theo ý kiến của số đông thì cụm từ này mang ý nghĩa không hề tích cực. Và thực dụng trong bóng đá lại càng phản ánh một lối chơi tiêu cực không được nhiều người ủng hộ, đó là khi một đội bóng đặt tỉ số an toàn lên trên hết, và sẵn sàng trình diễn một lối chơi không mang tính giải trí cao như những đặc trưng của môn bóng đá vốn rất hấp dẫn. Một trong những người phù hợp cũng như thành công với triết lí này nhất trong thế giới bóng đá chính là Fabio Capello.
Fabio Capello - Cây chổi thực dụng và bàn tay sắt
Thành danh là một tiền vệ trụ tài hoa của Roma, Juventus và Milan khi còn là một cầu thủ, nhưng Fabio Capello lại được bước đến nhiều hơn qua sự nghiệp cầm quân 24 năm mà ở đó ông nổi tiếng bởi sự linh hoạt về chiến thuật sao cho phù hợp với từng đội bóng cụ thể, từng vị trí cụ thể trên sân. Nhưng hơn cả, giới chuyên môn thấy được ở ông sự tự tin, sự thích nghi nhanh đến phi thường. Thực sự mà nói, triết lí của Capello, ở một khía cạnh nào đó lãng mạn hơn chủ nghĩa giáo điều mà ta gặp ở Johan Cruyff hay Arsene Wenger: đúng lúc, đúng chỗ và sử dụng các kĩ năng huấn luyện của mình cho phù hợp với đa dạng các phương pháp chiến thuật.
 
CÂY CHỔI “THỰC DỤNG” CHINH PHẠT CHÂU ÂU
1. Một Milan rình rập
Capello chính thức bắt đầu sự nghiệp cầm quân vào năm 1991 cùng Milan. Rossoneri khi đó mới chỉ giành được hai chiếc cúp Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Arrigo Sacchi, và cho dù có trong tay đội hình tài năng mà Sacchi để lại, việc tiếp tục những chuỗi ngày vinh quang cùng Milan dường như là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với một HLV non trẻ như Fabio khi đó.
 
Đội hình 4-4-2 của Sacchi vẫn được giữ nguyên dưới thời Capello, và cũng không có một thay đổi nào đáng kể trong hai năm đầu tiên khi ông dẫn dắt Mian. Trên thực tế, không có một cuộc cải cách nào được Capello thực hiện với đội hình của Rossoneri mùa giải 1991-92: đội hình ấy không chỉ có những cá nhân kiệt xuất mà còn rất đồng đều về trình độ khi ông có trong tay một loạt những người Ý tài hoa nơi hàng phòng ngự: Mauro Tassotti, Franco Baresi, Alessandro Costacurta và Paolo Maldini, thêm vào đó là hàng công mạnh vào bậc nhất thời bấy giờ – bộ ba người Hà Lan Bay: Marco van Basten, Frank Rijkaard và Ruud Gullit.
 
Milan đã ghi được 74 bàn thắng và chỉ để lọt lưới 21 bàn trong mùa giải bất bại 1991-92 – mùa giải mà họ được vinh danh ở ngôi vị cao nhất, thậm chí ở mùa giải sau đó, họ còn ghi được thêm 65 bàn thắng và giữ chắc chiếc Scudetto trong tay. Các Milanista khi ấy đê mê trong những trận thắng đầy kinh ngạc của Rossoneri: đánh bại Napoli với tỉ số 5-0, Fiorentina 7-3 và Foggia 8-2. Capello đã biến đội bóng Milan thành một tập thể hiếu chiến và luôn luôn là kẻ thống trị giải quốc nội. 
 
Milan đè bẹp Dream Team của Johan Cruyff trong trận chung kết C1
Nhưng trong lúc Milan đang thăng hoa và tự tin tiến về phía trước nhất thì chấn thương mắt cá của van Basten ngày càng tồi tệ. Như một tất yếu, Milan đã để thua 1-0 trước Marseille trong trận chung kết Champions League lịch sử năm 1993, kết thúc giai đoạn thăng hoa của đội bóng đỏ đen thành Milan.
 
Sự thiếu hụt nhân sự trầm trọng trên hàng công đã buộc Capello nghĩ tới việc thay đổi chiến thuật, mặc dù đội hình 4-4-2 vẫn được ông giữ nguyên cho đến cuối mùa giải 1993-94. Việc ông thay Rijkaard bằng Marcel Desailly ở trung tâm hàng tiền vệ đánh dấu việc thay đổi lớn trong suy nghĩ của Fabio. Thay vì liên tục dâng cao hòng kiếm nhiều bàn thắng giống như đội bóng đã làm dưới thời Sacchi và hai năm đầu tiên của Capello, Milan đã bắt đầu lùi sâu, dựa vào sức mạnh của hàng phòng ngự, thường xuyên ghi bàn từ rất sớm và sau đó là định đoạt luôn trận đấu ngay trong hiệp Một.
 
Sức mạnh hủy diệt của Milan trong mùa giải đó được thể hiện ở trận thắng lịch sử 4-0 trước Barcelona ở trận chung kết Champions League, nhưng tỉ số đó lại không phản ánh được rõ nét lối chơi của Milan mùa giải năm đó. Đội bóng đỏ - đen chỉ ghi được 36 bàn thắng ở Serie A – hơn 1 bàn so với hai đội xuống hạng là Udinese và Atalanta – nhưng lại chỉ để thủng lưới 15 bàn để rồi vẫn tự tin nâng cao chiếc Cup Scudetto lần thứ ba liên tiếp. 8 trận đấu kết thúc với tỉ số 0-0, 9 trận kết thúc với tỉ số 1-0 và 21 trận giữ sạch lưới là một sự đối nghịch khủng khiếp đối với thứ bóng đá mà đội bóng thành Milan trình diễn cách đó hai mùa, và Capello, hơn ai hết, là người đầu tiên thành công hơn cả khi áp dụng triết lí thực dụng ấy.
 
2. Cứu tinh của Hoàng gia
Sau danh hiệu vô địch lần tứ tư liên tiếp trong năm năm, năm 1996, Capello rời Milan và lần đầu tiên trong sự nghiệp cầm quân của mình ông vươn ra khỏi biên giới đất nước hình chiếc ủng; Tây Ban Nha là sự lựa chọn cho điểm đến tiếp theo của ông. Và HLV người Ý đã thành công khi tiếp quản Los Blancos sau khi người tiền nhiệm Arsensio Iglesias ra đi. Trước đó một mùa giải, đội bóng Hoàng Gia chỉ dừng lại ở vị trí thứ 6 tại La Liga – vị trí thấp nhất mà họ từng có trong vòng 2 thập kỉ, Capello đã xuất hiện đúng lúc và mang về danh hiệu vô địch quốc nội cho Los Blancos.
 
Mùa giải cuối cùng của Capello với Milan được biết đến với một đội hình thử nghiệm 4-3-3 giúp ông khai thác được hết tiềm năng của bộ ba tấn công Roberto Baggio, George Weah và Dejan Savićević, và mô hình tương tự cũng được ông triển khai tại Bernabeu. Đội hình ấy bao gồm Raul, Davor Suker và Predrag Mijatović ở trên hàng công cùng với Roberto Carlos bùng nổ ở vị trí hậu vệ cánh trái. Real khi đó trình diễn một lối đá tấn công đẹp mắt và giành được ngôi vô địch, chỉ hai điểm cách biệt với đội về nhì, nhưng “Don Fabio” đã phải rời Bernabeu vào cuối tháng Năm khi không được lòng ngài chủ tịch Lorenzo Sanz và bị các CĐV chỉ trích bởi ông thường xuyên xếp Raul đá cánh – điều đó chẳng khác nào việc “Chúa nhẫn bị đối xử thậm tệ”.
 
3. Kỳ tích ở thành Rome
Năm 1997, ông từ Tây Ban Nha, về lại Milan. Nhưng “vật vã trở về” rồi lại “vật vã ra đi”, Capello không giúp được Milan có được sức mạnh cần thiết để cạnh tranh ngôi vô địch Serie A, thậm chí Rossoneri còn cán đích với vị trí thứ 10 trên BXH. Năm 1999, ông chọn Roma làm điểm dừng chân. Trước mắt ông có rất nhiều sự lựa chọn trong đội hình chiến thuật, nhưng không như đội hình 4-4-2 hay 4-3-3 đã được hai người tiền nhiệm ông ở Roma sử dụng, ông đi theo một lối đi rất khác. Đội hình 3-4-1-2 của Giallorossi được đưa vào hoạt động theo hai lí do chính: trước hết, vai trò tự do ngay phía sau hai tiền đạo được ông nhận ra là khá phù hợp với Francesco Totti. Thêm vào đó, khả năng tấn công và năng lượng dồi dào của Cafu cho thấy trước khi Capello xuất hiện, người ta đã quá phung phí khi không sử dụng anh đúng cách.
 
Capello chính là kiến trúc sư cho Scudetto năm 2001 của Roma
Và rõ ràng là sự thay đổi đó đã có tác dụng, năm 2001, Roma đã giành được Scudetto thứ ba trong lịch sử. Sự phối hợp ăn ý giữa Cristiano Zanetti hoặc Emerson với Damiano Tommasi tạo ra tấm lá chắn vững chắc ngay sau hàng tiền vệ, tạo điều kiện cho Cafu và Vincent Candela dâng cao như những hậu vệ cánh, trong khi đó, các trung vệ Walter Samuel và Jonathan Zebina luôn cơ động trong việc phòng ngự ở những khu vực rộng. Đương nhiên, khi ấy, Totti là ngôi sao sáng nhất của Roma với 13 bàn thắng cho dù nhiệm vụ ghi bàn được chia đều cho Vincenzo Montella, Gabriel Batistuta và Marco Delvecchio.
 
Capello sau này đã tiết lộ rằng chiến thuật của ông ở Roma một phần được dựa trên nền văn hóa của CLB này. Theo như lời cựu tiền vệ của Roma, CLB không có được tinh thần cạnh tranh chức vô địch như Milan hay Juventus, nhưng điểm mạnh của họ là luôn thường trực niềm tin vào bản thân. Việc tiếp cận chiến thuật bằng cách chơi chủ động và kiểm soát bóng là một phần làm nên tinh thần mạnh mẽ và tích cực hơn trong lối chơi của Roma, điều giúp họ tự tin nghĩ tới những danh hiệu lớn. AS Roma lên ngôi vô địch với một đội hình đồng đều, lối chơi quyến rũ, lãng mạn đúng với tính cách của người thành Rome. 
 
4. Những công trình dang dở
Đến Juventus trong hai mùa giải 2004-05 và 2005-06, triết lý bóng đã của ông đã được lặp lại. Juventus có đủ tiền, danh tiếng để thu hút những cầu thủ hàng đầu. Không quá khó cho Fabio Capello khi ông có những cầu thủ xuất xắc nhất trên thế giới ở các vị trí trên sân. Zambrotta luôn được đánh giá là một trong những hậu vệ trái xuất sắc nhất thế giới, Thuram và Cannavaro là cặp trung vệ thép ở Serie A, cặp tiền vệ trung tâm Emerson và Viera là cặp tiền vệ mạnh nhất Serie A thời bấy giờ. Với một đội hình ổn định như vậy, Fabio đã dẫn dắt Juve giành 2 chức vô đich Serie A (đã bị tước do Juventus liên quan đến dàn xếp tỷ số). Có lẽ thời huy hoàng của Fabio cùng với Juventus sẽ còn lâu dài nếu không có vụ Calciopoli liên quan đến Lão Bà.
 
Capello trở lại Real Madrid vào năm 2006 sau khi trải qua hai mùa giải ở Juventus. Và cũng giống như 10 năm trước, HLV người Ý lại thừa kế một Real sa sút, một Real không có nổi một danh hiệu quốc gia sau ba mùa bóng. Một đội hình gồm những cái tên như Ronaldo, Robinho, Ruud van Nistelrooy và David Beckham là minh chứng cho một cuộc cách mạng về nhân sự của Florentino Pérez. Nhưng Capello lại tập trung vào việc đánh thức sức mạnh từ tinh thần tập thể, tinh thần đoàn kết từ lâu đã không được khơi dậy bên trong Los Blancos - những giá trị đã ngủ quên quá lâu. Với đội hình 4-4-2 và tinh thần đồng đội được, Real vô địch giải đấu sau trận thắng kỉ lục trước kình địch Barcelona.
 
Capello chính là kiến trúc sư cho Scudetto năm 2001 của Roma
Cho dù mang về cho Real chiếc cup vô địch La Liga thứ 13, Capello vẫn bị sa thải vào cuối mùa do những bất đồng với Ban lãnh đạo và các cầu thủ. Sau 16 năm dẫn dắt các CLB, chiến lược gia 61 tuổi quyết định chuyển sang dẫn dắt các ĐTQG và sớm được chỉ định làm HLV trưởng ĐT Anh vào đầu năm 2008 nhưng không đạt được thành công như kì vọng.
 
Capello không theo một học thuyết nhất định nào, với ông, vững chắc hàng thủ, càn quét tốt ở giữa tuyến giữa mới là triết lý thành công. Cũng vì lẽ đó, vai trò của những Marcel Desailly, Olivier Dacourt, Mahamadou Diarra, Emerson và sau cùng là Gareth Barry luôn được Capello đánh giá cao ở cách chọn vị trí thông minh và khả năng đọc trận đấu tài tình.
 
BÀN TAY “SẮT” CỦA CAPELLO
Thái độ làm việc của Capello được gói gọn hoàn hảo trong một bài phỏng vấn với tạp chí Fourfourtwo năm 2007: “Mỗi khi tôi có trong tay những tân binh, tôi sẽ rèn giũa họ. Bạn phải thực sự thân thiết với những cầu thủ đó, và biết làm thế nào để đánh thức những mặt mạnh nhất trong mỗi cá nhân. Bạn làm điều đó như thế nào? Bằng cách tìm ra phong cách chơi bóng, đội hình thích hợp nhất để các cầu thủ bộc lộ tài năng.” Và với ông, sẽ chẳng có ngôi sao nào kiệt xuất khi thi đấu một mình, thay vào đó là tinh thần tập thể mà ông luôn cố gắng xây dựng ở bất cứ đội bóng nào ông đặt chân đến.
 
Chính vì thế, những cá tính mạnh sẽ không được phép bùng nổ khi trước mắt họ là Capello. Ở Juventus là một ví dụ, Ibrahimovic ngông nghênh là thế, nhưng rồi cũng trở thành một cậu học trò ngoan. Thuram ngang ngược là thế, chỉ cần một lần gọi vào phòng thay đồ họp kín là mọi chuyện đã khác.
 
Ronaldo béo trở thành nạn nhân dưới Bàn tay sắt của Capello
Không dừng lại ở đó, Capello đã thực hiện chiến dịch “Bàn tay sắt” đối với các ngôi sao của Real Madrid. Ông không ngại mâu thuẫn với Người ngoài hành tinh Ronaldo, ông cũng chẳng nề hà việc đã đẩy Beckham – thần tượng của giới trẻ - lên hàng ghế dự bị vào tháng 1/2007. Khi còn ở Roma, ông đã từng làm điều tương tự: cho Vincenzo Montella ra sân trong trận đấu quyết định mùa giải năm 2001 trước Parma chỉ sau vài ngày mâu thuẫn bùng nổ với chàng tiền đạo. Tuy vậy, về sau này, khi nói về ông, các cầu thủ vẫn nhắc lại quá khứ đó với tất cả sự trân trọng
Đó chính là phong cách và bí quyết thành công của những nhà cầm quân vĩ đại. Nhờ có Capello và kỷ luật sắt của ông ấy, các cầu thủ Real mới nỗ lực để đoạt chức vô địch La Liga mùa trước.
David Beckham
 
Khi Capello đi lướt qua ai, người ấy cảm thấy mình như tử tội. Ông ấy chỉ cần cầm tách cà phê và ném cho bạn một ánh nhìn là đủ rét rồi.
Wayne Rooney
Bạn phải cư xử đàng hoàng trước Capello. Khi Capello giận, đố bạn dám nhìn vào mắt ông ta. Khi bỏ qua một cơ hội mà Capello trao cho, bạn sẽ có cảm giác: Thôi chết toi, kiểu này có nước ra đường bán xúc xích chứ cửa nẻo gì mà đá bóng nữa.
Zlatan Ibrahimovic.

KẾT LẠI
Cho dù vẫn có mảng tối trong sự nghiệp cầm quân cấp độ đội tuyển Quốc gia, nhưng nếu xét về sự nghiệp cấp CLB, Capello là một HLV thành công, không phải chỉ vì những chiếc cup danh giá mà còn bởi sự nhất quán trong chủ nghĩa thực dụng – triết lí đã vươn tới một tầm cao trong suốt khoảng thời gian dài.
 
Từ 4-4-2 ở Milan đến 4-3-3 ở Real và 3-4-1-2 ở Roma, Capello luôn thể hiện một sự linh hoạt đến phi thường, sự can đảm và kĩ năng huấn luyện khi thay đổi các hệ thống chiến thuật cũng như cách tiếp cận đối với mỗi dàn cầu thủ khác nhau. Và hơn hết, ở ông là tinh thần máu lửa vì mục đích cao nhất, đó là giành chiến thắng mà ông truyền lại cho các cầu thủ. Chủ nghĩa thực dụng và bàn tay sắt, đơn giản là hoàn hảo khi đặt cạnh cái tên Phù thủy Capello.

Lược dịch từ: The pragmatic success story of Fabio Capello

VIC(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?