Từ Enrico đến Federico: Hổ phụ sinh hổ tử

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 20/07/2021 18:21(GMT+7)

Zalo

Chứng kiến Federico Chiesa tỏa sáng ở Euro 2020, người ta không thể quên đóng góp của cha anh: Enrico Chiesa.

Federico Chiesa Enrico Chiesa
 

Trong cuộc hành trình sự nghiệp “quần đùi áo số” trải qua đến 9 CLB và 12 lần thay đổi bến đỗ của Enrico Chiesa, mối duyên với Fiorentina chắc hẳn đã tạo nên một trong những ký ức dù cho có muốn cũng không thể xua tan đối với chính bản thân ông, cũng như những người yêu mến La Viola – một ký ức với tông màu chủ đạo là sự cay đắng và tiếc nuối, mặc dù cũng có không ít những kỷ niệm đẹp.
 
Sau khi “thần tài”, đội trưởng và cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử CLB, Gabriel Batistuta, chuyển đến AS Roma vào mùa giải 2000/2001, Enrico đã thay thế chân sút lừng danh người Argentina một cách hoàn hảo. Cùng sự hỗ trợ của tiền vệ sáng tạo kiệt xuất Rui Costa, ông đã ghi đến 22 bàn sau 30 lần ra sân và đứng trong top 5 tay săn bàn xuất sắc nhất Serie A 2000/2001, còn tính trên mọi đấu trường là 27 bàn sau 38 trận.
 
Vào đầu mùa giải 2001/2002, phong độ tuyệt vời đã giúp Enrico đứng thứ ba trong cuộc đua Capocannoniere (vua phá lưới Serie A) đã tiếp tục được thể hiện, ông đã nổ súng trong cả 5 trận mở màn. Nhưng các tín đồ của La Viola đã không thể ngờ rằng, pha lập công của Enrico vào lưới Venezia sẽ là bàn thắng cuối cùng mà ông ghi cho CLB này. 
 
Vì một chấn thương dây chằng đầu gối nghiêm trọng, Enrico đã phải nghỉ thi đấu trong toàn bộ phần còn lại của mùa giải, và sự vắng mặt của ông đã trở thành một thảm họa thực sự đối với Fiorentina. Họ đã phải chịu cảnh xuống hạng lần đầu tiên trong một thập kỷ và ngay sau đó, một cuộc “di cư” hàng loạt của các ngôi sao đã diễn ra với nguyên nhân là những vấn đề tài chính – bao gồm cả Enrico. Cuộc tình vốn tuyệt đẹp này đã kết thúc trong sự dang dở và đầy tiếc nuối như vậy đấy.  
 
Thế nhưng, với những sự sắp đặt đầy tinh tế của số phận, cậu con trai của Enrico, Federico, đã nổi lên và bù đắp cho cuộc tình tuy đẹp nhưng dang dở của La Viola và người cha.

Federico Chiesa Enrico Chiesa
Enrico Chiesa là tiền đạo hàng đầu Italy trong thời của mình. Ảnh: Getty Images
 
Có lẽ mối duyên đầy thú vị của Fiorentina và nhà Chiesa đã được báo hiệu trước bằng một cuộc phỏng vấn được thực hiện trong khi Enrico đang ôm Fede bé bỏng trong vòng tay của mình. Lúc được một phóng viên hỏi ai là người sẽ ghi bàn cho Fiorentina khi mà Batistuta đã chuyển đến Roma, cậu bé 2 tuổi đáng yêu đã đáp lời: “Cháu!” 
 
Thậm chí, tại Settignanese, CLB đầu tiên mà Federico gia nhập trước khi trở thành một thành viên của học viện Fiorentina vào năm 10 tuổi, nằm ngay sát trung tâm Coverciano lừng danh ở vùng ngoại ô của Florence, anh đã nhận được sự “chỉ giáo” của Kurt Hamrin – một huyền thoại của La Viola. 
 
Hamrin thi đấu vào những năm 1950 và 1960, và mang biệt danh Uccellino (Chú chim nhỏ) vì phong cách nhanh nhẹn và “bay bổng” mà ông thể hiện trên sân cỏ. Hamrin chính là chân sút xuất sắc nhất lịch sử La Viola trước khi Batistuta xuất hiện. Đồng thời, huyền thoại người Thụy Điển cũng từng đứng thứ 5 trong danh sách những tay săn bàn xuất sắc nhất lịch sử Serie A, trước khi thứ bậc của ông dần dần bị hạ thấp xuống bởi Francesco Totti, Roberto Baggio và Antonio Di Natale. 
 
Tuy nhiên, gene di truyền của Federico và sự chỉ dạy của những cựu danh thủ không khiến cho việc được khoác áo ĐTQG Italy, hay thậm chí là trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, trở thành một chuyện hiển nhiên. Cậu con trai của Roberto Mancini, Andrea, chính là một ví dụ. Andrea đã theo chân cha mình đến Manchester City trước khi giải nghệ ở tuổi 25 sau những khoảng thời gian ngắn ngủi chơi bóng ở Hungary và Mỹ. 
 
Bên cạnh niềm khát khao trở thành một danh thủ như cha mình, Federico và cả Enrico đều đủ thông minh và tỉnh táo để nhận thức được những rủi ro và sự khắc nghiệt của nghiệp “quần đùi áo số”, vậy nên họ đã chuẩn bị sẵn một “kế hoạch dự phòng”.
 
Nếu bạn từng nghe thấy Federico có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo sau các trận đấu ở Euro 2020, thì đó là bởi vì từ nhỏ anh đã theo học tại trường Quốc tế Florence, nơi có thể giúp anh tiếp tục học lên đại học trong trường hợp không được Fiorentina ký hợp đồng chuyên nghiệp. 

Federico Chiesa Enrico Chiesa
Federico Chiesa tỏa sáng rực rỡ ở Euro 2020. Ảnh: UEFA EURO 2020
 
“Nếu tôi không thể lên chuyên, ít nhất thì những cánh cửa khác cũng đang mở rộng dành cho tôi,” Federico giải thích. “Tôi từng muốn trở thành một nhà vật lý nếu không thể trở thành một cầu thủ bóng đá.”
 
Trên thực tế, tuổi thiếu niên của Federico tại học viện của Fiorentina đã thực sự không hề diễn ra một cách suôn sẻ. “Vào thời điểm khoảng 14 hoặc 15 tuổi, tôi đã cảm thấy con đường này thực sự quá khó khăn,” anh chia sẻ. “Tôi quá nhỏ con và ‘mỏng cơm’. Các đồng đội khác đã phát triển một cách toàn diện và có vị thế cao hơn hẳn tôi trong đội. Còn tôi thì hoàn toàn không được điền tên vào đội hình đá chính. Các HLV vẫn đang cố tìm ra một vị trí phù hợp nhất dành cho tôi. Tôi thậm chí đã từng đảm nhận vai trò ‘regista’ (tiền vệ kiến thiết lùi sâu)  trước hàng thủ.”
 
Tuy nhiên, khi họ quyết định đặt Federico ra cánh, anh đã trở nên “bất khả ngăn cản”.
 
Cậu con trai của Enrico đã hiện thực hóa được lời khẳng định của bản thân vào năm 2 tuổi – ghi những bàn thắng cho La Viola. Tổng cộng 34 pha lập công sau 153 lần ra sân trên mọi đấu trường, kèm theo đó là 24 pha kiến tạo, đây chắc chắn là một thành tích thực sự đáng nể đối với một cầu thủ chạy cánh mới 22 tuổi.  
 
Những đóng góp của Federico dành cho Fiorentina không chỉ dừng lại ở khâu tấn công. Tốc độ, sự lắt léo, lối chơi khôn ngoan và khả năng di chuyển thông minh của Federico trong tư cách một cầu thủ chạy cánh không phải là những phẩm chất hiếm thấy. Nhưng điều đã tạo nên sự khác biệt của chàng trai này so với nhiều cầu thủ chạy cánh khác chính là tinh thần hỗ trợ phòng ngự hết mình: Nhiệt tình chạy lui về, đeo bám, quấy rầy các hậu vệ cánh đối thủ, sẵn lòng hy sinh bản năng tấn công của mình vì lợi ích lớn hơn của đội bóng. 
 
“Quan trọng hơn cả kỹ năng, các đồng đội đã mô tả tôi là một cầu thủ mang trái tim đầy nhiệt huyết và không chút ích kỷ,” chính Federico từng thừa nhận. 
 
Càng ngày, cậu con trai của Enrico càng tiến bộ, đến mức dù là chơi ở cánh phải, cánh trái hay trung lộ, anh cũng đều có thể thu hút sự chú ý bằng năng lực và thái độ thi đấu tuyệt vời của mình.  
 
Trong cả hai chiến dịch 2018/2019 và 2019/2020, Federico đều là tay săn bàn hàng đầu của Fiorentina, và rõ ràng là anh đã trở thành một con cá lớn trong một cái ao nhỏ. Trong bối cảnh đó – đặc biệt là vào thời đại này – một cuộc chia tay để “bơi ra biển lớn” sẽ là điều không thể tránh khỏi.
 
Rời khỏi Artemio Franchi, Juventus Stadium đã trở thành sân nhà tiếp theo của Federico, sau khi Juventus cam kết trả cho Fiorentina tổng cộng 60 triệu Euro để có được sự phục vụ của anh. 
 
Ban đầu, cuộc chia tay này đã không diễn ra một cách êm đẹp ở Florence và mặc dù vào lần này, các ultra đã không “manh động” như khi La Viola bán Roberto Baggio vào năm 1990, nhưng Federico cũng đã phải hứng chịu một làn sóng công kích, chế nhạo dữ dội. Cậu em trai Lorenzo của anh cũng đã bị vạ lây. Nhưng đây vẫn là một cái kết sáng sủa hơn rất nhiều so với bi kịch của mùa giải 2001/2002 dành cho cuộc tình của “Chiesa cha” và La Viola.  
 
Tuy nhiên, dần dần, những căng thẳng đã dịu đi và Federico đã trở thành một trong số ít những điểm sáng của một mùa giải đầy khó khăn đối với Juventus. 

Federico Chiesa Enrico Chiesa
Hai cha con nhà Chiesa trong một sự kiện. Ảnh: Massimo Sestini
 
“Chúng tôi luôn chắc chắn về Chiesa. Cậu ấy lúc nào cũng nỗ lực hết mình trong các buổi tập và luôn tập trung cao độ. Đó là một trong những phầm chất tuyệt vời nhất mà một cầu thủ có thể sở hữu,” Fabio Paratici, cựu giám đốc bóng đá của Juventus, nhận định. 
 
Federico đã khá khiêm tốn khi chia sẻ rằng mình là một cầu thủ đã vượt qua những hạn chế của bản thân thông qua sự chăm chỉ tuyệt đối. Các đồng đội và HLV của chàng trai này đã thực sự bị ấn tượng bởi sự can đảm và quyết tâm của anh, cũng như khát khao chiến thắng và sự cần mẩn của Federico – cả trên sân tập và sân đấu.  
 
Bằng năng lực tuyệt vời của mình, Federico đã nhận được sự trọng dụng ngay sau khi vừa gia nhập Juventus, và cầu thủ người Italy đắt giá nhất mọi thời đại đã tạo dựng được cho bản thân cái danh tiếng “ngôi sao của những dịp trọng đại”. Anh suýt đã có thể tự mình “gánh” Juventus vượt qua vòng tứ kết Champions League 2020/2021 với 3 pha lập công, nhưng rốt cuộc cú đá phạt mà Sergio Oliveira của Porto thực hiện đã khiến cho mọi nỗ lực của Federico trở thành vô ích.
 
Chúng ta từng nói đến “những sự sắp đặt thú vị của số phận” trong mối duyên của nhà Chiesa với Fiorentina, và ngay tại Juventus, sự nghiệp của Enrico và Federico đã một lần nữa “kết nối” với nhau thông qua Gianluigi Buffon. Thủ môn huyền thoại người Italy từng là đồng đội của Enrico ở Parma, cùng ông giành được UEFA Cup và Coppa Italia. Buffon từng rời khỏi Juventus một mùa giải, và sau khi quay trở lại, anh đã cùng một Chiesa khác nâng thêm một chiếc cúp nữa, Coppa Italia 2020/2021 – cũng chính Federico là người đã ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết với Atalanta. 
 
Thành tích 15 pha lập công và 11 đường kiến tạo sau 46 lần ra sân trên mọi đấu trường của mùa giải 2020/2021, cùng khả năng tỏa sáng vào những thời điểm quan trọng, đây chắc chắn là một phong độ không ai có thể phớt lờ. Chính vì vậy, việc Federico trở thành một phần trong đoàn quân chinh chiến ở Euro 2020 của Roberto Mancini là điều quá hiển nhiên. 
 
Trên cuộc hành trình chinh phục ngai vàng châu Âu của Azzurri, số phận lại tiếp tục sắp đặt nên những điểm kết nối đầy thú vị dành cho nghiệp cầu thủ của Enrico và Federico. 
 
25 năm trước, trên sân Anfield, Azzurri đã ghi 1 bàn vào lưới CH Czech. Enrico nhận bóng ở phần sân Italy, chạy nước rút một đoạn đường dài về phía trước và chuyền cho Diego Fuser, người đang thực hiện một pha di chuyển chồng cánh ở cánh phải. Ông tiếp tục lao vào vòng cấm và sẵn sàng nhận đường chuyền trả bóng của đồng đội. Hai hậu vệ CH Czech đã cố lao vào Enrico, nhưng rốt cuộc vẫn không thể ngăn cản ông sút tung lưới họ. 

Federico Chiesa Enrico Chiesa
Euro 1996, Enrico Chiesa ghi bàn vào lưới CH Czech. Ảnh: Getty Images
 
Năm nay, cũng tại Anh và trong một kỳ Euro, lần này là trên sân Wembley và trước đối thủ Áo, Federico đã có một tình huống nhận bóng ở cột xa, sử dụng hai nhịp chạm bóng để khống chế nó, sau đó tung ra một cú dứt điểm hoàn hảo bằng chân trái. 
 
Đó là một màn trình diễn kỹ thuật tuyệt vời, nhưng, cũng giống như pha lập công của người cha vào năm 1996, phần ấn tượng nhất chính là sự điềm tĩnh trong từng bước xử lý của Federico. “Tôi đã làm tốt khâu duy trì sự bình tĩnh và sáng suốt trong bàn thắng đó,” anh chia sẻ. “Trong những khoảnh khắc như vậy, hầu hết mọi người sẽ muốn tung ra ngay một cú vô lê thật mạnh.” 
 
Trên thực tế, khả năng nhận thức nên dứt điểm như thế nào là hợp lý nhất trong một thời điểm hết sức áp lực – như Federico đã làm – là một nghệ thuật có thể sẽ mất cả sự nghiệp để thành thạo.
 
Trong một bài viết do chính mình thực hiện trên The Athletic, Vivianne Miedema, một trong những tiền đạo nữ hàng đầu thế giới, cũng đã có những chia sẻ về khả năng này: “Nhiều người nói những khoảnh khắc như vậy đến từ việc rèn luyện trên sân tập, nhưng không phải vậy đâu. Đó không phải là một khả năng mà bạn có thể học được trên sân tập mà là điều bạn tạo nên trong suốt quá trình sự nghiệp thi đấu của mình. Đây là khả năng được hình thành thông qua kinh nghiệm. Đó chính là ‘giác quan thứ sáu’ giúp bạn biết được mình cần phải làm gì trước khung thành.”
 
Cả hai bàn thắng đều rất đẹp, và họ đã trở thành cặp cha con đầu tiên ghi bàn tại các kỳ Euro. 
 
HLV trưởng của Azzurri, Roberto Mancini, từng là đồng đội của Enrico ở Sampdoria và cả lúc ông tham dự vòng chung kết Euro 1996 diễn ra ở Anh – sau một mùa giải ghi đến 22 bàn khi chơi cùng Mancini. Trong mùa giải 2001/2002 bi kịch, chính Il Mancio là HLV trưởng của Enrico. 
 
Khi Enrico bình phục chấn thương, Mancini – lúc này đã chuyển đến Lazio – đã gọi điện thoại cho ông để đề nghị một cuộc hợp tác khác, và chắc hẳn ông đã có một chút cảm giác “déjà vu” khi Italy đụng độ đội tuyển Áo ở vòng 16 đội trên sân Wembley, đặc biệt là lúc Federico ghi bàn mở tỷ số trong hiệp phụ. Ngoài Mancini, HLV trưởng của đội tuyển Áo, Franco Foda, chắc chắn cũng đã có cảm giác đó. 
 
Khi còn làm việc cho CLB Sturm Graz, Foda từng chạm trán với Lazio của Mancini ở UEFA Cup 2002/2003, đội bóng của nhà cầm quân người Đức cũng đã thua trong trận đấu đó và có một cái tên quen thuộc đã xuất hiện trên bảng tỷ số. Ai là người đã ghi bàn thắng đầu tiên của đêm hôm ấy? Tất nhiên là một cú vô lê của Enrico Chiesa.
 
Dù cho đã hết lần này đến lần khác khiến mọi người nhớ đến hình ảnh của người bố bằng năng lực của bản thân, nhưng Federico và Enrico không phải là bản sao của nhau. Ít nhất thì theo Mancini là vậy – đương nhiên là nhà cầm quân này hiểu đủ nhiều về hai cha con họ để chúng ta có thể tin vào nhận định của ông. 
 
“Họ là những cầu thủ khác nhau,” Mancio giải thích. “Enrico là một tiền đạo cực kỳ cơ động. Federico là một cầu thủ chạy cánh và chạy nhiều hơn hẳn bố mình. Điểm chung duy nhất của họ là cách mà họ dứt điểm.”  
 
Gần đây, có một đoạn video được Sky Sports Italia chia sẻ ghi lại cảnh Enrico đang đặt cậu con trai mới chập chững biết đi của mình trước một quả bóng trong phòng khách và hết lần này đến lần khác bảo với cậu bé “Sút! Sút quả bóng đi con!”. Chính bởi một xuất phát điểm như vậy, câu nhận xét “Họ dứt điểm giống nhau” của Mancini là chuyện đương nhiên. 

Federico Chiesa Enrico Chiesa
Gót chân bật máu của Chiesa trong trận chung kết Euro 2020
 
Federico vẫn chưa “mắn bàn” như cha anh thời đỉnh cao. Có lẽ anh sẽ không bao giờ được như vậy – Enrico là một tiền đạo trung tâm, trong khi cậu con trai của ông chủ yếu chơi ở hai cánh. Tuy nhiên, Federico đã phát triển nên một khả năng rất hữu ích là tỏa sáng trong những tình huống áp lực cao. Sau pha lập công vào lưới ĐTQG Áo, anh đã có thêm một bàn thắng quan trọng khác, trong trận bán kết với ĐTQG Tây Ban Nha – một lần nữa, một đường cong tuyệt vời đã được anh vẽ nên. 
 
Nhưng công lao của Federico cho cuộc hành trình chinh phục Euro của Azzurri không chỉ dừng lại ở những bàn thắng được đề cập. Trên thực tế, anh cũng đã có những đóng góp tuyệt vời cho lối chơi chung của đội.
 
Trong một bài viết của mình cho tờ The Athletic, “cánh tay phải” của Jurgen Klopp, Pep Lijnders đã có những chia sẻ như sau lúc nhận định về đoàn quân của Mancini: “Bộ ba tiền đạo của Italy gồm Federico Chiesa, Lorenzo Insigne và Ciro Immobile khiến tôi rất thích thú. Họ có thể lùi sâu để hỗ trợ phòng ngự và phản công. Họ có thể chơi dâng cao và sáng tạo. Họ có thể phối hợp và mang đến những cơ hội tuyệt vời cho đội bóng. Tôi rất thích sự kết nối của họ.”
 
Khả năng đi bóng và tạo nên những khoảnh khắc quan trọng mà Federico sở hữu đã hết lần này đến lần khác được thể hiện trong chiếc áo Azzurri. 
 
Trong toàn bộ Euro 2020, Federico không chỉ đứng thứ hai sau Leonardo Spinazzola về số lần đi bóng tịnh tiến mỗi 90 phút – tức là các pha đi bóng hướng lên khung thành đối phương tối thiểu 25%  so với khoảng cách ban đầu –, mà anh còn đứng đầu bảng xếp hạng về số pha đi bóng kết thúc bằng một cú dứt điểm hoặc một đường chuyền quyết định, với thống kê 2,4 mỗi 90 phút. Đây chính là minh chứng cho thấy khả năng đi bóng và tạo đột biến của Federico đáng sợ đến thế nào.
 
Người Italy có từ “predestinato” dành cho các cầu thủ trẻ có tiềm năng đạt được những điều lớn lao. Cái mác đó có thể trở thành một gánh nặng, và mang đến rất nhiều áp lực, hoàn toàn có khả năng nghiền nát những kẻ tâm lý yếu. 
 
Sau khi trở lại Juventus từ Azzurri, Federico đương nhiên sẽ được chào đón rất nồng nhiệt, nhưng kèm theo đó chắc chắn sẽ là áp lực của sự kỳ vọng thậm chí còn lớn hơn trước. Tuy nhiên, với một chàng trai vốn đã phải gánh chịu thứ áp lực kinh khủng từ cái họ Chiesa của mình ngay từ khi còn chưa bước chân vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp, và tạo nên những sự đột phá đáng nể cho sự nghiệp của bản thân, với minh chứng mới nhất chính là một suất trong đội hình tiêu biểu của Euro 2020, sức mạnh tinh thần của anh đã được kiểm chứng quá toàn diện rồi. 
 
Nhưng dù cho có xuất hiện những thời điểm thực sự khó khăn, tưởng chừng có thể khiến Federico hoàn toàn gục ngã, thì bên cạnh chàng trai này vẫn sẽ có một người thầy đặc biệt, đủ khả năng để vực anh dậy – chính là người cha Enrico. 
 
Ông cũng chính là người đã giúp Federico không từ bỏ ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp vào những giai đoạn hết sức khó khăn mà anh đã trải qua khi còn là một cậu bé ở học viện Fiorentina: Khi cơ thể tuổi thiếu niên của anh bị coi là quá yếu đuối bởi các huấn luyện viên, những người không mấy tin tưởng về chuyện Federico có thể trở nên tuyệt vời như cha mình. “Vào những thời điểm hết sức khó khăn, bố đã đưa ra cho tôi những lời khuyên đúng đắn,” Federico chia sẻ.
 
Có thể, trong cuộc hành trình sắp tới của chàng trai 23 tuổi, chúng ta sẽ còn tiếp tục được chứng kiến thêm nhiều khoảnh khắc kết nối đầy thú vị với sự nghiệp của Enrico mà số phận đã sắp đặt. 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

X
top-arrow