Từ Cavani đến Solskjaer: Đôi khi vài bước chạy cũng đủ để thấy yêu thương

Tác giả Hàn Phi - Thứ Ba 07/03/2017 16:31(GMT+7)

Cuối tuần vừa qua, khi giới mộ điệu sục sôi với tình huống solo kinh điển mà thường nhật của Messi, phát sốt với pha cản phá mang đẳng cấp thế giới mà Neuer mang lại, có lẽ tình huống bứt tốc 100 mét ngược sân như một vận động viên điền kinh của Edinson Cavani không nhận được sự ngưỡng mộ cần có.
Từ Cavani đến Solskjaer: Đôi khi vài bước chạy cũng đủ để thấy yêu thương
Cách đây gần 19 năm, một tình yêu lớn đã chớm nở tại Old Trafford trong một tình huống không thể ngờ đến. Man United đón tiếp Newcastle trong tình cảnh đang hơn Arsenal 1 điểm, nhưng lại đá nhiều hơn 2 trận. Điều đó có nghĩa là một chiến thắng là điều bắt buộc nếu họ muốn nuôi tham vọng vô địch, nhưng thất bại chẳng khác nào cái chết trên đoạn đường đến ngai vàng Premiership, khi mà tháng 5 đã cận kề. Trận đấu đang dần đi về những phút cuối cùng khi mà tỷ số vẫn đang chỉ là 1-1. Đội chủ nhà được hưởng một tình huống đá phạt cố định và lẽ dĩ nhiên cặp trung vệ Pallister và David May đều xuất hiện trong vòng cấm đối thủ, không còn ai đứng ở sân nhà ngoại trừ thủ thành Van Der Gouw. Không may cho đội bóng áo đỏ, bóng đã được phá ra từ cú đá phạt của Beckham, rồi được đưa lên rất nhanh cho tiền vệ Rob Lee, một mình một bóng đối diện với thủ môn người Hà Lan.
Solskjaer - Người hùng trong trận chung kết C1 1999
Là người gần Rob Lee nhất, cho dù cũng phải cách chừng 20 mét, nhưng Ole Gunnar Solskjaer vẫn quyết tâm đuổi theo đối thủ, trong đầu anh có lẽ đã hiện ra viễn cảnh tệ nhất, vì thế, Solsa quyết định làm mọi cách để đội nhà tránh khỏi bàn thua. Biết là không thể đuổi kịp đối thủ, Solsa buộc phải đưa ra quyết định phạm lỗi từ phía sau, tất nhiên là một tình huống ngoài vòng cấm. Ai cũng đoán được câu chuyện tiếp theo diễn ra như thế nào. “Siêu dự bị” của Man Utd lần này có thể không ghi bàn thắng muộn màng, nhưng anh đã ghi điểm quý giá hơn nhiều trong mắt người hâm mộ Quỷ Đỏ nước Anh, đó là tinh thần chiến đấu bằng cả trái tim. Solsa đứng sững lại và chỉ chờ chiếc thẻ đỏ được rút ra để anh rời sân, còn người hâm mộ tại Old Trafford đứng cả dậy để cổ vũ cho cầu thủ người Na Uy. Việc nhận thẻ đỏ chưa bao giờ được ủng hộ, ngay cả với những người hâm mộ đội nhà, nhưng đôi khi có những điều quan trọng hơn cả quy tắc và luật lệ, đó là khao khát chiến thắng và lòng hy sinh vì tập thể. Với mọi người, đó là một chiếc thẻ đỏ trực tiếp, nhưng với người hâm mộ Quỷ Đỏ, đó là chiếc thẻ đỏ đẹp diệu kỳ. Solsa có thể mất 3 trận đấu không được ra sân, nhưng anh đã đạt được thứ còn quý giá hơn cả những danh hiệu, đó là sự thừa nhận. Không quá khi cho rằng ngày hôm đó, một huyền thoại đã chào đời tại Old Trafford, chỉ gần 2 mùa giải sau khi anh cập bến “Nhà hát của những giấc mơ”.
Người hâm mộ yêu bóng đá vì muôn vàn lý do, trong số đó chắc chắn không thể thiếu những tình huống nỗ lực vì đội bóng mà không màng đến vai trò của mình. Nhờ có khả năng ghi bàn chẳng khác nào một tiền đạo mà Sergio Ramos hay John Terry đã nâng tầm bản thân họ thêm một bậc, hay những đường chuyền dài sắc như dao cạo của Bonucci và Jerome Boateng cũng giúp họ trở thành những trung vệ hàng đầu. Bằng những khả năng đặc biệt ấy, họ đã chiếm được thêm tình cảm của người hâm mộ.
Cũng vì lẽ đó, những tiền đạo cũng sẽ được yêu mến hơn nếu như họ tích cực tham gia phòng ngự cùng toàn đội, bên cạnh nhiệm vụ chính là tìm mảnh lưới của đối phương. Trong bóng đá hiện đại, vai trò của các trung phong cắm trong việc tham gia phòng ngự ngày càng rõ rệt. Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao, Wayne Rooney cũng chưa từng lọt vào top những sát thủ hàng đầu thế giới, nhưng anh vẫn nằm trong top những cầu thủ được yêu mến nhất, cũng bởi sự nhiệt tình trong tranh chấp, miệt mài trong việc lùi về tuyến giữa hỗ trợ phòng ngự của anh. Càng ngày Rooney càng trở nên mờ nhạt hơn về mặt này, một phần là bởi hầu như các tiền đạo thời kỳ này, ai cũng có vai trò giống như Rooney.
Thế nhưng để tiến thêm một bước nữa lại là một vấn đề hoàn toàn khác, ở đây chính là việc các tiền đạo lùi về tận hàng thủ để hỗ trợ phòng ngự, một điều cực kỳ hiếm có cho dù những năm qua bóng đá đã phát triển đến nhường nào. Trung bình mỗi trận đấu, các tiền đạo là những người ít di chuyển nhất. Để giữ thể lực cho những tình huống dứt điểm quan trọng, việc chạy tới cả trăm mét để hỗ trợ phòng ngự thực sự là không cần thiết. Cực chẳng đã, các tiền đạo có thể sẽ rơi vào tình trạng “nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại” như anh chàng Itto trong bộ truyện tranh cùng tên nổi tiếng của Nhật Bản.
Tất nhiên vẫn có những trường hợp cần thiết, đặc biệt là những tình huống mà các hậu vệ đã lên tham gia tấn công. Lúc này quân số ở nhà sẽ mỏng như bánh tráng và sự hiện diện của thêm một đồng đội bên phần sân nhà không bao giờ là thừa. Nhưng nếu người xuất hiện là một tiền đạo thực sự là điều xưa nay hiếm. Nếu như Solsa được coi như một 20LEGEND của Manchester United, thì cuối tuần qua Edinson Cavani cũng cho thấy anh sẽ trở thành một biểu tượng mới của tinh thần tập thể đối với đội bóng non trẻ như Paris Saint-Germain. Được thành lập chưa đầy nửa thế kỷ, lại mang tiếng là đội bóng con nhà giàu, PSG không nhận được sự thừa nhận của người hâm mộ bóng đá Pháp như những biểu tượng như Bordeaux, Marseille hay Saint-Etienne. Truyền thống của một đội bóng có thể chỉ được công nhận bởi năm thành lập hay số cúp giành được, nhưng sự thừa nhận với một CLB có thể đơn giản chỉ là những tình huống nỗ lực phòng ngự như thế của Edinson Cavani.
PSG cần chiến thắng để nuôi tham vọng vô địch nhưng một thất bại cũng chẳng khác nào giương cờ trắng đối với Monaco, đối thủ đang đạt phong độ cực cao. Hiệp hai đã dần trôi về những phút cuối mà chưa bên nào tìm được bàn thắng khai thông bế tắc. Chẳng những thế PSG lại đứng trước tình cảnh phải nhận bàn thua khi bị đối thủ đưa vào thế 2 chống 3. Không mất một tích tắc đưa ra quyết định, Cavani bắt tốc độ và chạy một mạch từ vòng cấm đối phương về vòng cấm đội nhà. Đó không chỉ là một nỗ lực ngàn năm có một mà còn là thành quả phi thường. 9,81 giây để chạy gần 100 mét trong khi đã không ngừng di chuyển trong hơn 1 giờ đồng hồ trước đó, Cavani khiến các đồng đội và cổ động viên phải sững sờ. Từ thế 2 chọi 3 đầy bất lợi, Cavani đã giúp hàng thủ đội chủ nhà vững chắc hơn với thế cân bằng 3 đánh 3. Xuất phát sau đối thủ có lẽ phải tới 50 mét, nhưng Cavani vẫn kịp thời gây sức ép lên đối phương để không cho cầu thủ này thoải mái dứt điểm. Dường như luật nhân quả thực sự đã được áp dụng ở tình huống này, trái bóng đã đập trúng hai cột dọc và đi ra ngoài sau pha dứt điểm của cầu thủ Nancy. Đó có lẽ là món quà dành cho nỗ lực phi thường của Cavani. Chưa hết, ít phút sau đó, anh chính là người ghi bàn thắng duy nhất mang về 3 điểm cho PSG, tiếp tục cuộc đua vô địch với đội bóng xứ Công quốc Monaco.
Hình ảnh biểu tượng cho những nỗ lực trường kỳ
“Anh ấy đã hy sinh rất nhiều vì đội bóng và hôm nay chúng ta đã thấy rõ Edinson đích thực.” Đó là lời khen ngợi không quá lời của Verratti cho người đồng đội sau trận đấu với Nancy. Không chỉ chứng minh khả năng ghi bàn sát thủ, Cavani còn có đóng góp cực lớn lên lối chơi của PSG bằng khả năng di chuyển không ngừng nghỉ. Tình huống trước Nancy đơn giản chỉ là hình ảnh biểu tượng cho những nỗ lực trường kỳ của tiền đạo người Uruguay.
Cũng như cái cách làng túc cầu không quá bất ngờ trước màn độc diễn của Messi, hay tình huống phản xạ xuất thần của Neuer, các CĐV Paris Saint-Germain và cả Napoli cũng chẳng hề ngỡ ngàng khi chứng kiến Cavani nỗ lực như vậy chỉ để ngăn chặn một bàn thua. Người Paris chưa bao giờ thấy hành động như thế từ Ibrahimovic, người Naples càng ước rằng Higuain hay Milik cũng có thể làm điều tương tự, và bất cứ người hâm mộ nào cũng chờ đợi tiền đạo của mình một lần thực hiện màn marathon 100 mét đầy cảm xúc ấy. Đó không phải bàn thắng nhưng còn có giá trị chẳng khác nào những danh hiệu. Edinson Cavani hay Ole Gunnar Solskjaer ngày nào đã làm chiếc logo của PSG hay Man Utd của họ trên ngực áo trở nên có giá trị và cao quý hơn, chỉ qua những bước chạy.

HÀN PHI (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.