Fabio Cannavaro: Trong khúc ca bi tráng màu Thiên thanh

Tác giả Frank - Thứ Tư 14/09/2016 11:57(GMT+7)

Napoli một buổi tập vào năm 1992, như thường lệ mọi ánh mắt đều đổ dồn về ngôi sao Diego Maradona. Đối với người dân thành Naples, “Cậu bé vàng” chẳng khác gì một vị thánh sống ở nơi đây khi đưa Napoli tới những trang sử hào hùng nhất mà đỉnh cao là Scudetto mùa giải 1989/1990.

Fabio Cannavaro Người đội trưởng mẫu mực của màu áo Thiên thanh
Đột nhiên, một chàng trung vệ trẻ bên phía đối diện thực hiện cú tắc bóng cực kỳ quyết liệt với Maradona. Các đồng đội hoàn toàn bất ngờ, và thậm chí một thành viên trong Ban huấn luyện còn tỏ vẻ phàn nàn về pha vào bóng trên mức cần thiết. Nhưng chính Maradona lại lên tiếng bảo vệ cậu nhóc vừa khiến mình ngã sõng soài: “Cứ tiếp tục phát huy nhé!”
Đó là lúc mà chàng trai trẻ Fabio Cannavaro ghi dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp của mình, và cũng là lời tiên tri cho một trong những trung vệ xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới. Một cầu thủ vừa mới bước qua tuổi 20 lấy đâu ra dũng khí để tự tin thực hiện một cú chuồi bóng với Diego vĩ đại? Có lẽ nó đến từ những tháng ngày mà Cannavaro quần thảo cùng chúng bạn trên đường phố Napoli. Những cột gôn được đánh dấu bằng bịch rác, và sân bóng là nền xi măng vỡ loang lổ được bao quanh bởi những dãy nhà xập xệ. Cannavaro được sinh ra và lớn lên trong không khí đặc quánh của Napoli như thế, một mảnh đất khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của nước Ý, mảnh đất của camorra và tình yêu bóng đá cuồng nhiệt, mảnh đất sinh ra scugnizzo - những đứa trẻ đường phố đầy rắn rỏi.
Chẳng thế mà Maradona đã nói với cánh báo chí về Cannavaro: “Đám trẻ thường hay run sợ khi luyện tập với đội một, và thậm chí còn tệ hơn khi chúng thấy tôi. Nhưng có một cậu nhóc rất khác, ở cậu ta có tư chất của một cầu thủ lớn. Mỗi khi tôi thấy cậu ấy, tôi đều có cảm giác rằng mình đang chứng kiến một tiềm năng thực sự.”
Cannavaro, scugnizzo đích thực của thành phố Napoli
Tiềm năng ấy của Canna đã chớm nở khi anh cùng với Filippo Inzaghi và sau này là Alessandro Nesta giúp U21 Italia vô địch châu Âu trong 2 năm liên tiếp (1994 và 1996), đồng thời được đôn lên đội một của Napoli. Dưới sự chỉ bảo của đàn anh Ciro Ferrara, Cannavaro ngày một cứng cáp và trở thành nhân tố quan trọng của đội bóng. Đó có lẽ là những ngày tháng êm đềm nhất trong sự nghiệp của Canna, nhưng rồi những sóng gió buộc sự nghiệp của anh rẽ sang một hướng khác. Khi Maradona nói lời chia tay với sân San Paolo cũng là lúc vầng hào quang của Napoli vụt tắt, đội bóng rơi vào khó khăn tài chính và buộc phải bán đi những trụ cột trong đội hình. Đó cũng là lúc Cannavaro rời mảnh đất quê hương để tới với một Parma đầy tham vọng.

Cùng với những Gianluigi Buffon, Juan Sebastian Veron hay Hernan Crespo, Canna giúp đội chủ sân Tardini trở thành một thế lực thật sự ở Serie A, và cũng là lúc giới truyền thông chú ý tới anh. Một trung vệ chỉ cao 1m76 đối đầu với những chân sút thượng thặng như Ronaldo, Batistuta hay Roberto Baggio, đó giống như một cuộc chiến giữa David và Goliath vậy. Nhưng bằng sức mạnh thể chất đáng nể cùng những cú bật nhảy và dừng trên không thuộc loại “dị”, Cannavaro hiếm khi tỏ ra yếu thế trước đối thủ. Và cho tới khi được sát cánh cùng với Paolo Maldini ở World Cup 1998, đó là lúc mà Cannavaro thực sự hoàn thiện lối chơi với khả năng đọc trận đấu tuyệt vời.
Euro 2000 chứng kiến việc Italia trình làng bộ ba phòng ngự trong mơ: Maldini-Nesta-Cannavaro. Nếu như Maldini đại diện cho lối phòng ngự khoa học, Nesta quyết liệt với những pha tắc bóng thì Cannavaro là tổng hòa của cả hai trường phái. Những cú xoạc bóng đúng thời điểm, những pha đè người đánh đầu dũng mãnh và cả những tình huống băng cắt kịp thời, Canna khiến cho khán giả quên đi rằng tuyển Ý vừa mới chia tay những trung vệ kỳ cựu như Bergomi hay Costacurta.
Canna đã chơi tuyệt hay trong trận bán kết Euro 2000 với Hà Lan
Nhưng chỉ tới trận bán kết với Hà Lan, Canna mới thể hiện hết những gì là tinh túy nhất của mình. Trong bối cảnh Gianluca Zambrotta bị truất quyền thi đấu sớm, một mình Cannavaro đảm nhiệm nửa sân bên phải khung thành của Toldo với sự lỳ lợm đáng nể. Đã từ lâu lắm rồi, kể từ cái ngày Franco Baresi làm lu mờ những vũ công Samba ở World Cup 1994, người ta mới lại thấy một màn trình diễn xuất sắc tới nhường ấy. Thế nhưng khoảnh khắc trên đỉnh vinh quang đó cũng chính là lúc Canna đối mặt với bi kịch đầu tiên trong sự nghiệp. Khi trận chung kết với tuyển Pháp chỉ còn được tính bằng giây, chính pha đánh đầu hụt của chàng trung vệ số 5 đã tạo điều kiện để Silvain Wiltord sút tung lưới Toldo. Đó là đòn chí mạng giáng vào những đôi chân đã quá kiệt quệ của Azzurri, để rồi sau đó David Trezeguet hiện thực hóa ác mộng của màu áo Thiên thanh bằng bàn thắng vàng ở phút 103.
Sự nghiệp của Cannnavaro vẫn luôn thăng trầm như thế, giống như cái cách mà anh giành Coppa Italia cùng Parma năm 2002, rồi sau đó lại thất bại đau đớn trước Hàn Quốc ở World Cup 2002 và gần như biến mất trong 2 mùa bóng khoác áo Inter Milan. Chỉ tới khi chuyển đến Juventus vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng hè 2004, Cannavaro mới trở lại với hình ảnh của một trung vệ hàng đầu nước Ý. Cùng với những đồng đội cũ tại Parma như Buffon, Thuram và những Nedved, Camoranesi, Del Piero, Trezeguet trên hàng công, Canna biến Juve trở thành một thế lực bất khả chiến bại ở Serie A với hai Scudetto liên tiếp. Nhưng cũng chính vào lúc ấy, số phận nghiệt ngã lại cướp đi của anh tất cả. Vụ bê bối lịch sử Calciopoli khiến cho hai chức vô địch quốc nội của Juve trở thành vô nghĩa, và có nguy cơ kéo sập pháo đài Serie A vốn đã mục ruỗng.
Chính trong tình cảnh gian nan đó, Cannavaro đã trở thành người hùng cứu rỗi đội tuyển Italia trong một câu chuyện sử thi trên đất Đức. Trong khi những phiên chất vấn vẫn từng ngày làm rung chuyển nước Ý, Canna với chiếc băng đội trưởng trên tay và phong độ tiệm cận hoàn hảo đã cùng với các đồng đội chiến đấu vô cùng quả cảm. Trong suốt hành trình tại World Cup 2006, người ta thấy một trung vệ ở tuổi 33 đạt tới đỉnh cao chưa từng có trong sự nghiệp. Anh tắc bóng sau khi đã bị tiền đạo Ghana bỏ xa tới cả một sải chân, anh ngăn chặn Thierry Henry với cú “liên hoàn xoạc” ngay trong vòng cấm, anh bật cao hơn cả Podolski để Del Piero giáng đòn quyết định trong trận gặp Đức. Và anh đứng đó sừng sững như một vị thần trong những giờ khắc gian nguy nhất của Italia.
Khoảnh khắc sử thi tại Olympiastadion
Khoảnh khắc khi Pirlo mắt nhuốm lệ quàng vai Cannavaro có lẽ là hình ảnh sử thi bậc nhất trong câu chuyện thần kỳ tại Olympiastadion. Người đội trưởng đứng đó, đối mặt với thất bại lớn nhất đời mình với gương mặt lạnh lùng tới đáng nể. Anh đứng đó không chỉ để Pirlo dựa vào, anh đứng đó để vực dậy cả một nền bóng đá Ý đang chao đảo vì những bóng ma, để làm trụ cột cho đồng đội mà chỉ ngày mai thôi có thể sẽ rơi từ thiên đàng xuống địa ngục. World Cup 2006 là giải đấu mà người Ý bay cao nhờ những ngọn gió phương Nam. Fabio Grosso sẽ là nàng thơ của Azzurri, là sự cuồng nhiệt của đảo Sicilia với những lần tỏa sáng quyết định. Còn Fabio Cannavaro sẽ là sự tĩnh lặng của đôi mắt trũng sâu, sự tĩnh lặng của biển Sorrento với tinh thần quả cảm của một kẻ mang danh thủ lĩnh. Người Ý vốn hắt hủi Napoli tới mức cay nghiệt, nhưng định mệnh đã chọn một đứa con ở nơi đây trở thành người hùng của cả dân tộc. Để rồi mãi sau này, người ta vẫn sẽ nhắc về hình ảnh một chàng trai nhỏ bé bỗng trở nên vĩ đại khi bước lên bục vinh quang và giơ cao chiếc cúp vàng danh giá.
Tại kỳ World Cup năm đó, Italia chỉ thủng lưới 2 bàn duy nhất, một từ pha đá phản lưới nhà của Zaccardo và một từ cú xúc thìa của Zidane ở chung kết, những tình huống mà các hậu vệ chẳng thể làm gì hơn. Đó là lý do vì sao người ta gọi Cannavaro là "Bức tường Berlin", và cũng là lý do vì sao anh trở thành một trong số bốn cầu thủ phòng ngự giành được Quả bóng vàng trong lịch sử, sau Lev Yashin, Franz Beckenbauer và Matthias Sammer. Đó là lúc anh giành được tất cả, nhưng cũng là lúc những trắc trở đến với anh như một điều tất yếu.

Chỉ ít ngày sau khi sắm vai người hùng trên đất Đức, Cannavaro lại trở thành một kẻ phản bội trong mắt các Juventini khi rời bỏ con tàu đắm. Real Madrid cho anh thêm 2 chức vô địch La Liga, nhưng với thành Turin, anh đã chết. Để rồi cái ngày anh trở lại sau đó 3 năm, người ta chào đón anh bằng những lời chửi rủa dành cho một gã Judas. Và cho tới khi Canna bị truất quyền thi đấu trong trận thua ngược Fulham 1-4, đó chính thức là giọt nước làm tràn ly và khiến anh phải rời Juventus một lần nữa.
Những năm tháng đỉnh cao của Cannavaro đánh đổi bằng chấn thương liên tiếp, để rồi lần lượt Real, Juve và thậm chí là cả Napoli cũng chối bỏ anh. Canna khao khát được trở lại quê nhà, để được một lần nữa đắm chìm trong cái không khí cuồng nhiệt tới ngộp thở vì bóng đá ở Napoli, nhưng đó mãi chỉ là một giấc mơ xa vời. Sự nghiệp của Cannavaro ở cấp CLB đầy rẫy những mảng màu buồn, dẫu cho anh đã giành được không ít danh hiệu. Người ta thậm chí còn gọi anh là Judas, là kẻ vong ân bội nghĩa khi nói xấu Inter và rời bỏ Juve trong lúc cùng quẫn nhất.
Hình ảnh đại diện cho cả một thế hệ Italia
Nhưng đó mới là cái chất “đời” của một scugnizzo đích thực. Nó cũng giống như cái cách anh chia sẻ về bí quyết đạt tới đỉnh cao của mình: “Ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và làm tình thật nhiều”. Và đó cũng mới chính là thứ đã tạo nên một Canna đầy bản lĩnh của đội tuyển Italia. Anh không sinh ra để trở thành một biểu tượng của một CLB, nhưng hơn thế, anh sinh ra là để trở thành một phần vĩ đại của màu áo Thiên thanh. Từ nỗi đau ở Euro 2000, những thất bại tủi hổ ở World Cup 2002 hay Euro 2004 cho tới đỉnh cao năm 2006, tất cả đều in hình bóng của Cannavaro.
Và khi nhắc tới cái tên Fabio Cannavaro, người ta sẽ mãi nhớ về một người đội trưởng với gương mặt lạnh lùng, đứng khoanh tay với đôi mắt trũng sâu đầy khí phách. Đó là biểu tượng của cả một thế hệ kiêu hùng, và là biểu tượng của cả một khúc ca bi tráng trong màu áo Thiên thanh.


FRANK(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?