Trở lại vai trò sở trường, "quái vật tuyến giữa" Kante tái xuất

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 30/11/2020 16:35(GMT+7)

“Vô hiệu hóa” đối phương từ vai trò tiền vệ trụ là công việc mà cầu thủ người Pháp làm tốt nhất, đây cũng chính là điều mà anh đã thể hiện trước Tottenham.

 
Thành tích chỉ để thủng lưới 2 bàn thua sau 9 trận là một lời đáp trả hoàn hảo dành cho những ai nghi ngờ về khả năng phòng ngự của Chelsea dưới thời Frank Lampard. Sự nghi ngờ vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ hết, nhưng hãy nhớ lại một Chelsea đầy yếu kém về khả năng chống phản công ở mùa giải trước, khi họ sở hữu thành tích phòng ngự tệ nhất so với bất kỳ đội ngũ nào của The Blues trong 23 năm, và nhìn vào cách mà họ “bóp nghẹt” Tottenham – ông vua của những pha phản công – vào đêm qua, đây là một chiến tích tuyệt đối không thể bị đánh giá thấp.  
 
Nó mang đến cảm giác như thể họ đã vượt qua một bài test đầy quan trọng. Trong 8 trận đấu trước đó, khâu phòng ngự của họ không phải đương đầu với quá nhiều thử thách khó nhằn: Khi Chelsea chạm trán Sevilla, đối thủ của họ đang trải qua một giai đoạn chỉ ghi được vỏn vẹn 4 bàn sau 7 trận; trong khi đó, cuộc đụng độ Manchester United chủ yếu đáng chú ý vì cách tiếp cận cực kỳ thận trọng của cả hai đội bóng, về cơ bản, họ đều kéo đội hình xuống thật thấp bên phần sân nhà của mình, lo lắng nhìn vào những động thái của đối phương, trong khi hầu như chẳng hề nghĩ đến chuyện chủ động làm một điều gì đó để tìm kiếm bàn thắng.
 
Mặc dù trận đấu giữa Chelsea và Tottenham không hề diễn ra với sự thận trọng, thực dụng đến mức nhàm chán tương tự, nhưng nó vẫn có một số điểm tương đồng với thế trận bế tắt tại Old Trafford. Trong một mùa giải Premier League mà những đội bóng mang tham vọng vô địch có thể giành được nó với 85 điểm hoặc hơn một chút chứ không cần phải đạt đến 95 điểm trở lên, một trận hòa sẽ không còn lúc nào cũng mang đến cái cảm nhận nuối tiếc và thất vọng kiểu “chúng ta đã đánh rơi 2 điểm”. Những tình huống chủ động tìm cách xuyên phá đối phương vẫn diễn ra, nhưng về cơ bản, trận đấu này đã được định hình bằng quyết tâm không để thủng lưới. 
 
Và một câu hỏi quan trọng đã được đặt ra cho Lampard: Khâu tấn công của Chelsea dưới sự dẫn dắt của ông được tổ chức rất tốt (họ đã có 2 lần chọc thủng lưới đối phương 4 bàn ở Premier League mùa giải này, và 4 lần ghi 3 bàn vào lưới đối phương), và trong 6 tuần qua, họ cũng đã chứng minh rằng mình có thể phòng ngự một cách chắc chắn, nhưng liệu họ có thể làm cả hai điều đó cùng lúc trong một trận đấu hay không? Mặc dù hiện tại Chelsea đã giữ sạch lưới 2 trong 3 cuộc đối đầu với các thành viên khác thuộc nhóm “Big Six” ở mùa giải này, nhưng đồng thời, họ cũng chẳng ghi được bàn thắng nào trong cả 2 trận đấu đó; tương tự, cuộc chạm trán với đối thủ khó nhằn nhất tại đấu trường Champions League cho đến hiện tại, Sevilla, đã kết thúc với tỷ số 0-0. 
 
Đạt được sự cân bằng đó chắc chắn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đối với bất kỳ đội bóng lớn nào. Nhưng có thể khẳng định rằng Chelsea đã tiến bộ hơn rất nhiều so với hình ảnh mà họ đã thể hiện vào những tuần đầu mùa giải. Những sự nâng cấp về nhân sự rõ ràng đã tạo ra sự khác biệt. Édouard Mendy mang đến một sự yên tâm hơn nhiều so với Kepa Arrizabalaga, người đã hoàn toàn đánh mất sự tự tin trong nhiệm vụ trấn giữ khung thành. Thiago Silva đang mang đến một sự chắc chắn và uy quyền đầy mạnh mẽ mà Chelsea đã thiếu ở mùa giải trước. Còn Ben Chilwell vừa tấn công rất hay từ vai trò hậu vệ trái, vừa phòng ngự chắc chắn hơn nhiều so với Marcos Alonso. 
 
Tuy nhiên, điều thực sự đáng chú ý ở đây là việc những nguồn cung cấp bóng cho Harry Kane đã bị “bóp nghẹt” như thế nào. Tiền đạo người Anh chỉ có được vỏn vẹn 17 lần chạm bóng trong hiệp 2, và chỉ duy nhất 1 lần trong số đó là bên trong vòng cấm. Người có công lớn nhất trong chuyện này chính là N’Golo Kante – và, ở mức độ thấp hơn một chút, là Mateo Kovacic. Kante đã được quay trở lại với vai trò sở trường của anh là chơi thấp nhất trong bộ ba tiền vệ và một lần nữa thể hiện hình ảnh của một “con quái vật” nơi trung tuyến trong các trận đấu, để rồi làm dấy lên một câu hỏi rằng tại sao, khi bạn sở hữu một cầu thủ hoạt động một cách xuất sắc ở vị trí sở trường của mình như Kante, bạn lại nghĩ đến chuyện sử dụng anh ta trong một vai trò khác. 
 
Đúng là không thể loại trừ khả năng Kante đã bị phân tâm bởi một cuộc tranh chấp pháp lý gay gắt ở Pháp về bản quyền hình ảnh, và đây chính là nguyên nhân đã dẫn đến sự sa sút phong độ của anh, nhưng vẫn còn đó một bí ẩn về việc chẳng hiểu vì lý do gì mà một cầu thủ có lẽ là tiền vệ phòng ngự “phong cách Pac-Man” xuất sắc nhất Premier League ngay trong 3 mùa giải đầu tiên anh thi đấu tại sân chơi này lại bị đẩy lên cao hơn để đảm nhận một vai trò mà anh chẳng hề cảm thấy hoàn toàn thoải mái. 
 
Việc Kante chẳng hề tỏ ra bất mãn, hay có một cuộc tranh cãi lớn nào nổ ra đã nói lên rất nhiều điều cả về sự thiếu cái tôi của anh và cách mà vai trò này thường bị đánh giá thấp so với giá trị thực sự của nó. Tuy nhiên, sau khi được trở về với vị trí sở trường của mình trong 4 trận đấu gần nhất, tiền vệ người Pháp đã thể hiện một hình ảnh như thể ai đó vừa tìm lại được đôi giày yêu thích mà mình đã đánh mất. Đột nhiên, tất cả mọi thứ đều trở nên thoải mái hơn, dễ dàng hơn. Nó có thể không mang đến cho chúng ta những đoạn GIF hay clip YouTube bắt mắt nhất, nhưng việc “quấy phá”, gây áp lực lên đối phương, bịt kín những lỗ hổng, và đoạt lại bóng cũng quan trọng không kém những bàn thắng, các pha kiến tạo hay những màn trình diễn kỹ thuật ngoạn mục trong việc giành chiến thắng các trận đấu bóng đá. Nhờ đó, Chelsea trông chắc chắn hơn rất nhiều, và hàng tiền vệ của họ trở nên cân bằng hơn hẳn. 

 
Tại đây, anh đã che chắn cho hai trung vệ đồng đội, “bóp nghẹt” các khoảng trống mà Kane muốn lùi xuống, và phong tỏa những hành lang mà Son Heung-min định khai thác. Kante của ngày trước đã “tái xuất”, và nhờ đó, cung cấp một nền móng đáng tin cậy để Kovacic và Mason Mount có thể yên tâm làm việc ở phía trên. Đôi khi trong hiệp một, Tottenham vẫn có thể tạo ra những cơ hội từ khả năng phản công của họ; nhưng đến hiệp hai, chúng đã gần như hoàn toàn biến mất. Ngay cả theo những tiêu chuẩn tối giản của José Mourinho, thì 5 cú sút được thực hiện trong 90 phút, chỉ duy nhất 1 trong số đó đi trúng đích, chắc chắn là không đủ để giành chiến thắng trong 1 trận đấu.
 
Có thể thấy rằng, Lampard đã tránh được sai lầm mà Pep Guardiola đã mắc phải ở tuần trước. Trong tương lai phía trước, nhà cầm quân người Anh có lẽ sẽ hy vọng tìm ra được cách để “giải phóng” ít nhất một số tiềm năng tấn công vẫn còn chưa được khai thác hết của đội bóng mà mình dẫn dắt, trong khi vẫn duy trì được cấu trúc phòng ngự đầy chất lượng hiện tại. Nhưng vào lúc này, 1 điểm giành được từ một cách tiếp cận đầy cơ bản đối với một trận đấu lớn cũng sẽ mang rất nhiều ý nghĩa – đặc biệt là khi ông dường như đã có được “sự tái xuất” của Kante “cũ”.  

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “N'Golo Kanté is back where he belongs as Chelsea's Pac-Man in midfield” của tác giả Jonathan Wilson, đăng tải trên The Guardian.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.