Trent Alexander-Arnold: Những lời tự phân tích của một hậu vệ cánh dị biệt

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 19/01/2022 17:10(GMT+7)

Trên danh nghĩa, Trent Alexander-Arnold là một cầu thủ phòng ngự. Nhưng anh đã đóng góp đến 55 pha kiến tạo sau 200 lần ra sân cho Liverpool ở tuổi 23, chính vì vậy chàng trai này cũng là một trong những cầu thủ tấn công lợi hại nhất của đội chủ sân Anfield.

 
Alexander-Arnold, ngôi sao gia nhập CLB khi chỉ mới 6 tuổi, đã ngồi lại với The Athletic, để xem lại những pha kiến tạo hay nhất và những pha lập công đáng nhớ nhất của anh, đồng thời giải thích tại sao việc bắt đầu đảm nhận một vai trò bó vào trung lộ hơn đang cho phép anh bùng nổ mạnh mẽ ở mùa bóng này, và nhiều chia sẻ khác.
 
KHUYNH HƯỚNG BÓ VÀO TRONG VÀ HỆ THỐNG LINH HOẠT CỦA JURGEN KLOPP
 
Phần lớn các cơ hội bóng sống do Alexander-Arnold tạo ra ở mùa bóng này đã đến từ những khu vực thuộc trung lộ sân đấu – một điều hoàn toàn không bình thường chút nào đối với một hậu vệ phải. 
 
Anh chia sẻ với The Athletic: “Nếu bạn nhìn vào các cơ hội được tạo ra, rất nhiều trong số chúng đến từ hành lang trong thay vì ở cánh. Tất cả chúng đều đến từ những vị trí nằm trong phạm vi chiều ngang của vòng cấm. Đó là một khu vực tuyệt vời để thể hiện khả năng sáng tạo, khi bạn đang ở gần khung thành hơn rất nhiều. Các cầu thủ phòng ngự có rất ít thời gian để phản ứng với những gì bạn làm và bạn có thể tạo nên các pha bóng mang tính xuyên phá có độ nguy hiểm cao hơn.”
 
“Đối với tôi, đỉnh nhất ở mùa giải này chính là pha kiến tạo trước Burnley (vào tháng 8) – tôi có vị trí gần với Sadio Mané còn Harvey (Elliott) thì dạt cánh. Hoàn toàn có thể nói đây là một tình huống mang tới cảm giác hết sức tự nhiên và quen thuộc.” 
 
“Chẳng có một cuộc bàn bạc trước thực sự nào cả, tam giác tấn công đó chỉ cứ thế xuất hiện và hoạt động ngon lành, tôi nhanh chóng nhận được bóng tại khu vực đó và chuyền cho Sadio.”
 
 
 
Nhà vô địch Premier League, Champions League và Club World Cup tiếp tục giải thích anh đã được Jurgen Klopp hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện những tình huống bó vào trung lộ như trên ra sao.
 
“Tất cả đều là chỉ đạo của HLV trưởng,” anh chia sẻ. “Ông ấy đã thiết lập một hệ thống cho phép các cầu thủ di chuyển linh hoạt để giúp đội tạo ra những khoảnh khắc có thể mang về chiến thắng cho chúng tôi. Ông ấy cho phép tôi được tự do bó vào phía trong khi cảm thấy mình nên làm vậy. Điều này giúp ích cả trong khâu tấn công lẫn phòng ngự.”
 
“Nếu mất bóng, chúng tôi sẽ có thêm một người tiếp viện ở trung lộ của sân đấu để cố săn đuổi và đoạt lại nó. Và khi có được bóng, tôi sẽ hiện diện ở những khu vực nguy hiểm hơn so với việc chỉ đứng ngoài cánh.”
  
Vị trí các cơ hội mà Alexander-Arnold tạo ra ở mùa giải này (tính đến trước chiến thắng 3-0 trong cuộc đối đầu Brenford vào ngày 16/1)
 
“Chúng tôi đã tập trung rất nhiều vào việc tạo nên 2 tam giác tấn công thật ngon nghẻ ở hai cánh – với hai số 8 ở hàng tiền vệ, hai hậu vệ cánh và hai tiền đạo cánh. Những yếu tố quan trọng bao gồm, luôn phải có ai đó đảm bảo khả năng tận dụng tối đa chiều ngang sân, ai đó dâng cao nơi chiến tuyến cuối cùng và ai đó hiện diện ở hành lang trong hoặc ở vị trí của một tiền vệ số 8.”
 
“HLV trưởng bảo rằng không quan trọng đó là những ai, miễn là chúng tôi có người đảm nhận nhiệm vụ chiếm lĩnh 3 không gian này. Với sự linh hoạt như vậy, bạn có thể làm những gì mà mình muốn – chỉ cần đảm bảo rằng có người hiện diện ở các vị trí đó. Đây là lý do tại sao có những lúc bạn sẽ thấy tôi xuất hiện giữa một trung vệ và một hậu vệ cánh đối thủ để thực hiện những bước chạy ở hành lang trong, bởi vì tiền vệ số 8 đã di chuyển vào vị trí hậu vệ phải và Mo (Mohamed Salah) thì dạt cánh. Chúng tôi vừa có sự linh hoạt, vừa hiểu ý nhau trong những động thái di chuyển, biến đổi đội hình và hoán đổi vị trí.” 
 
Nhờ đâu mà anh tin rằng sẽ có người bọc lót cho mình ở phía sau?
 
“Tất cả là nhờ vào khả năng giao tiếp, trao đổi thông tin của chúng tôi trên sân đấu, thật đấy. Sự hiểu ý lẫn nhau với những người mà bạn chơi cùng chính là chìa khóa. Thật ra, dù sao đi nữa thì bạn cũng chỉ có thể hoàn toàn tin tưởng vào vị trí mà mình đã chọn. Sẽ rất hữu ích nếu bạn biết rằng mọi người đang hỗ trợ cho mình. Chúng tôi đã kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau trong một thời gian đủ dài để hiểu rằng chúng tôi cần phải ở đâu khi những tình huống, động thái nhất định đang diễn ra.” 
 
Anh nói tiếp: “Nguyên tắc chính của chúng tôi là, bất kể đối thủ chơi theo hệ thống nào, chúng tôi luôn có 2 trung vệ ở quanh vạch giữa sân và Fabinho phải không ngừng để mắt đến khu vực đó. Nếu họ (các đối thủ của Liverpool) sử dụng 2 tiền đạo, chúng tôi sẽ tạo ra thế 3 chọi 2. Khi bóng ở phía cánh trái, tất cả chúng tôi đều biết Mo đang định xâm nhập vòng cấm. Tiếp theo là nhiệm vụ phối hợp, ‘trao đổi’ của tôi với tiền vệ số 8, ví dụ như Jordan Henderson nhé, về việc ai là người sẽ tiến vào vòng cấm và yểm trợ cho anh ấy. Luôn phải là người này hoặc người kia.”
 
“Mo không có trách nhiệm phải lùi xuống, chơi thấp để hỗ trợ phòng ngự, đó không phải là nơi mà đội cần anh ấy hiện diện. Chúng tôi cần anh ấy ở trong vòng cấm để tận dụng các cơ hội và ghi bàn. Bạn có thể thấy một ví dụ tiêu biểu trong tình huống lao vào vòng cấm và sút tung lưới đối phương của Henderson trước Everton, chúng tôi đã xuất hiện ở những khu vực cần chiếm lĩnh. Quân số hiện diện trong vòng cấm là một yếu tố quan trọng. Nếu bóng đang ở một biên nhất định, thì đương nhiên tiền đạo cánh sẽ chưa thể xâm nhập vòng cấm, vì thế chúng tôi cần các tiền vệ hoặc thậm chí là hậu vệ cánh đối diện tạo ra các pha xâm nhập. Bạn chắc hẳn đã nhìn thấy Robbo và tôi xuất hiện ở cột gần rất nhiều lần. Nhưng để điều này diễn ra, chìa khóa chính là nhờ vào sự giao tiếp, ‘bàn bạc’ giữa các trung vệ và Fabinho.”   
 
“Niềm tin chính nằm ở hệ thống, cũng như khả năng pressing chống phản công (Gegenpressing) của chúng tôi. Đó chính là nền tảng trong lối chơi của chúng tôi. Chúng tôi nổi tiếng với Gegenpressing, và thực sự giỏi trong chuyện này. Càng có nhiều cầu thủ dâng cao, tức là bạn càng có nhiều quân số để thực hiện Gegenpressing. Niềm tin mạnh mẽ vào việc chúng tôi có thể đoạt được bóng trên cao đồng nghĩa rằng chúng tôi sẵn sàng mạo hiểm, chấp nhận những rủi ro.”
 
“Nhưng nếu tỏ ra nửa vời, chúng tôi sẽ bị trừng phạt. HLV trưởng luôn nói về bước cuối cùng. Giữa việc chỉ hời hợt di chuyển đến rồi tạo ra một chút áp lực, và lao vào ai đó rồi chặn bóng hoặc cố đoạt bóng, có một sự khác biệt lớn. Chúng tôi cần phải pressing một cách toàn tâm.” 
 
Sự thay đổi về các khu vực chạm bóng của Alexander-Arnold giữa hai mùa giải 2021/2022 và 2017/2018
 
MỐI QUAN HỆ ĐỐI TÁC VỚI MOHAMED SALAH
 
Alexander-Arnold và Salah đã tạo nên một mối quan hệ đối tác đáng gờm nơi cánh phải của Liverpool. Liệu có phải điều này được hoàn thiện từ quá trình luyện tập? 
 
“Nó chỉ xuất hiện một cách tự nhiên,” Alexander-Arnold chia sẻ. “Điều đó cũng phụ thuộc vào đối thủ của chúng tôi nữa. Chúng tôi có khả năng nhận diện các điểm yếu ở đối thủ của mình, vậy nên trong suốt các trận đấu, chúng tôi sẽ liên tục trao đổi về những miếng đánh sẽ hoạt động hiệu quả. Ví dụ, tôi sẽ bảo anh ấy trong trận kiểu như, ‘bó vào trong và kéo tay hậu vệ cánh của bọn nó theo cùng anh vào trong càng sâu càng tốt, để mở ra khoảng trống ở cánh cho em’. Hoặc anh ấy sẽ là người bám biên và tôi bó vào trong. Chúng tôi sẽ cố xác định những gì mà mình có thể làm để gây ‘sát thương’ lớn cho đối thủ rồi thích nghi và vận hành chúng trôi chảy trong trận đấu.” 
 
“Mối quan hệ của chúng tôi hết sức tự nhiên. Cả hai chúng tôi đều muốn hòa hợp với cách chơi của nhau. Tôi sẽ chuyền bóng cho anh ấy, nếu anh ấy đã ở trong và xung quanh vòng cấm rồi, vậy thì tôi sẽ để anh ấy tự xử chứ không hỗ trợ nhiều. Còn anh ấy sẽ cố tận dụng cơ hội mà tôi tạo ra, thể hiện những điểm mạnh của bản thân và cố làm nên điều gì đó đặc biệt. Nếu ngược lại là tôi thì anh ấy cũng sẽ làm như vậy. Chẳng có tiếng cằn nhằn hay tranh cãi nào cả. Chúng tôi là 2 cầu thủ hiểu rằng cả hai đều muốn tạo nên những điều đặc biệt trên sân đấu, chúng tôi thích mạo hiểm và muốn góp dấu giày vào nhiều bàn thắng nhất có thể, vậy nên chúng tôi sẽ cố hòa hợp và cùng tạo điều kiện cho nhau làm điều đó.”
 
“Anh ấy luôn sẵn sàng tăng tốc. Anh ấy khá thông minh trong những pha di chuyển và ra tín hiệu của mình. Mùa giải này, cả hai chúng tôi đều đã hiểu rõ hơn về những tín hiệu và ngôn ngữ cơ thể của nhau.”
 
“Tôi hiểu rõ anh ấy muốn bóng được đưa đến đâu và như thế nào. Những tín hiệu mà anh ấy đưa ra cho tôi… xin lỗi nhưng tôi không thể bật mí sâu hơn vào vụ này đâu nhé,” anh vừa nói vừa bật cười. “Bởi vì đám hậu vệ trái đối thủ sẽ bắt bài được chúng tôi mất. Nhưng chắc chắn là có những tín hiệu nói cho tôi biết anh ấy muốn quả bóng được đưa đến đâu. Mấu chốt chính là việc liệu tôi có đọc được chúng hay không và cuối cùng là phải có khả năng thực hiện được những đường chuyền đó.”
 
Dưới đây là một ví dụ tuyệt vời về một trong những tình huống kết hợp như thế của hai người họ, trước Bournemouth vào tháng 4 năm 2018. 
 
 
 
 
“Đó là một trong những pha kiến tạo yêu thích của tôi,” anh chia sẻ khi đoạn clip được mở lên.
 
“Lực của đường chuyền và quỹ đạo bay của nó là hoàn hảo. Còn anh ấy cũng đã thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tuyệt vời. Những pha bóng như thế này vui cực luôn, thật đấy. Bạn có thể chuyền nó cho Mané hoặc Salah và họ sẽ xử lý ngon lành phần việc còn lại. Chuyền cho Bobby (Firmino) và Diogo (Jota) cũng rất sướng. Họ có thể xử lý tốt bất kỳ đường chuyền nào mà bạn đưa đến cho họ.”
 
SIÊU PHẨM VÀO LƯỚI NEWCASTLE VÀ PHA KIẾN TẠO ĐÁNG NỂ TRƯỚC TOTTENHAM
 
Ngoài các pha kiến tạo cơ hội cho đồng đội, Alexander-Arnold cũng đã cho thấy anh là một trong những chân sút cự phách nhất ở Liverpool. Hai pha lập công của anh cho đến thời điểm này của mùa giải – trước West Ham và Newcastle – đều hết sức tuyệt vời. 
 
Khi thảo luận về cú dứt điểm kỳ diệu đưa bóng vào lưới Newcastle hồi tháng trước, anh đã chia sẻ như sau với The Athletic: “Chìa khóa chính là sự tập trung. Từ khoảng cách đó, tôi không nghĩ nhiều người có thể khẳng định rằng họ đang chăm chú vào một góc cụ thể hoặc đã nhắm ngay tới việc đưa bóng bay đến góc cao. Mấu chốt chính là đảm bảo bạn có thể sút quả bóng thật gọn gàng, bạn cố né tránh những cơ thể đứng chắn phía trước và đảm bảo rằng mình sẽ có một pha ‘kết nối’ tốt với bóng.”
 
Động tác đẩy bóng ra khỏi cơ thể một nhịp trước khi dứt điểm mà anh thực hiện là một bước xử lý thực sự tài tình.
 
“Đó là một tình huống mà tôi có không chỉ một phương án để lựa chọn,” Alexander-Arnold chia sẻ. “Tôi có thể chuyền cho Naby (Keita), tung ra một quả tạt với má ngoài, hoặc tự mình dứt điểm. Động tác đẩy bóng ban đầu cho phép tôi làm bất cứ điều gì. Ngoài ra, lúc đầu quả bóng đang lăn về phía trung tâm cơ thể tôi, tôi cần đảm bảo rằng nó nằm ở phía bên phải dưới cơ thể mình trước khi thực hiện pha kết nối cuối cùng.”
 
Đặc biệt, đối với pha lập công cụ thể này, Alexander-Arnold – một hậu vệ phải – đã băng qua cánh trái của Liverpool sau một tình huống cố định mà The Reds được hưởng. Theo ngôi sao người Anh chia sẻ, bởi vì đó là một góc độ, tầm “view” hoàn toàn khác so với bản thân thường có, nên những kỹ thuật và phương án xử lý mà anh sử dụng cũng hoàn toàn khác so với mình thường dùng khi ở cánh phải. 
 
 
Cũng giống như pha lập công khiến người người kinh ngạc trước Newcastle, pha kiến tạo của anh trước Tottenham 3 ngày sau đó cũng tạo ra cảm xúc tương tự. 
 
“Nhìn vào đây, bạn sẽ thấy 2 cầu thủ Tottenham đang ở rìa vòng cấm. Nhưng khi chúng ta ở vị trí đó, bản năng sẽ mách bảo bạn hãy xâm nhập tới kia,” anh phân tích. 
 
 
‘Ban đầu, tôi chỉ chạy một cách thong thả và khi quả bóng được đưa đến cột xa, tôi đã nhìn thấy một tình huống hơi lộn xộn đang diễn ra, vậy nên tôi bắt đầu tăng tốc để đảm bảo rằng mình sẽ có mặt kịp lúc khi quả bóng văng tới đó – và tôi đã làm được.” 
 
 
“Khi tôi thấy Lloris đẩy bóng ra, một màn đua tốc độ đã xuất hiện. Mấu chốt sẽ là ai tới ‘đích’ trước. Tôi đã nghĩ, ‘một tình huống 50-50 đây, ráng lên nào’. Và tôi đã đánh bại được Ryan Sessegnon để đoạt lấy bóng. Tiếp theo, nhiệm vụ là đưa nó trở lại với một khu vực nguy hiểm, thế là một quả tạt cắt mặt khung thành được thực hiện.” 
 
Và tất nhiên, người nhận được cơ hội quá ngon ăn này, Robertson, đã không bỏ lỡ nó. 
 
 
KHẢ NĂNG CHUYỀN BÓNG THƯỢNG HẠNG
 
Khả năng chuyền bóng luôn là một trong những điểm mạnh chính của Alexander-Arnold – và đương nhiên anh nhận thức rõ điều đó. 
 
“Tôi lúc nào cũng cảm thấy tự tin khi chuyền bóng. Đó luôn là một trong những khía cạnh yêu thích của tôi trong các trận đấu,” anh chia sẻ.
 
Có một đường chuyền tuyệt hảo, xứng đáng được chọn là ví dụ tiêu biểu trong phần này của cuộc trò chuyện. 
Nó được thực hiện bằng chân trái, đưa bóng vào đường chạy của Andy Robertson, người sau đó đã kiến tạo cho Salah ghi bàn thắng thứ hai của Liverpool trong chiến thắng 3-1 trước Manchester City vào tháng 1 năm 2019.
 
“Khoảng thời gian gần đầu trận đấu, tôi đã luôn chuyền cho Virgil, và khi ấy tôi đã nhận thấy ý định của tay Bernardo. Hắn đang sẵn sàng lao vào Virgil. Vậy nên tôi đã nghĩ, ‘phải cho thằng cha này ‘quê’ chơi’.
“Khi bạn đang bị pressing tầm cao và đối thủ có cự ly đội hình rất hẹp, rất co cụm, điều quan trọng là bạn phải chuyển cánh thật nhanh. Số lượng đường chuyền càng ít càng tốt. Tốt nhất là làm điều đó chỉ với 1 đường chuyền và loại bỏ một loạt cầu thủ đối phương, thay vì 2 hoặc 3 đường chuyền. Đó chính là quá trình suy nghĩ đằng sau những đường chuyền kiểu này.”
 
 
 
 
“CAO THỦ” BÓNG CHẾT

Alexander-Arnold cũng là một “cao thủ” trong các tình huống cố định. 
 
“Tôi sẽ nói rằng mình chủ yếu tập trung vào các khoảng trống,” anh trả lời khi được hỏi liệu mình có khuynh hướng nhắm tới các đồng đội hay những khu vực cụ thể khi thực hiện các pha phạt góc và đá phạt gián tiếp. “Tôi biết rõ những ai sẽ đón lấy các đường chuyền của mình, và 2 trung vệ chính là những tay đón bóng cao to nhất trong đội tôi. Nhưng ngoài ra chúng tôi còn có Diogo và Sadio nữa, họ đều là những ‘hung thần’ trong các tình huống không chiến.”
 
“Quan trọng nhất chính là đưa quả bóng đến đúng nơi và sau đó – thường xuyên là vậy – sẽ có một đồng đội nhận được đường chuyền, giống như trong pha lập công của Virgil trước Southampton.” 
 
 
“Rất hiếm khi bóng được thả vào trong vòng cấm từ một pha phạt góc và ai đó có thể bắt vô lê. Virgil đã bị cản trở trong tình huống trên, vậy nên anh ấy không thể chạy một cách thoải mái, nhưng anh ấy đã có thể xoay sở để điều chỉnh tư thế và tung ra một cú dứt điểm tốt.”
 
“Chúng tôi có 4 cầu thủ ở rìa vòng cấm để sẵn sàng chộp lấy ngay quả bóng nếu nó văng ra đó, đây chính là một đặc điểm trong cách dàn xếp phạt góc của chúng tôi ở mùa giải này. Một ví dụ tiêu biểu chính là cú dứt điểm của Naby trước Crystal Palace.”
 
 
Alexander-Arnold đã thường xuyên tạo nên những pha kiến tạo từ các quả phạt góc. 
 
Chính pha đá phạt góc của anh đã kiến tạo cho bàn thắng đáng nhớ của thủ môn Alisson vào cuối trận đấu với West Bromwich Albion hồi mùa giải trước. 
 
“Tôi đương nhiên biết anh ấy đang ở đó bởi vì, sau khi chạy đi nhặt lấy quả bóng, tôi đã phải đứng chờ anh ấy,” Alexander-Arnold giải thích. “Quyết định thực hiện một đường bóng có quỹ đạo bay cuộn về phía khung thành đã được đưa ra dựa trên động thái dâng lên tham gia tấn công của Alisson, bởi vì một màn ‘tàn sát’ sẽ được tạo ra. Dàn xếp thật nhiều người vây quanh tay thủ môn ở khu vực 5m50 và thực hiện một đường chuyền có quỹ đạo như vậy, có thể bạn sẽ tạo nên một pha phản lưới nhà, hoặc một tình huống bóng văng đến một đồng đội sau khi đối thủ cố phá nó ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chuyện cần làm chỉ đơn giản là đảm bảo đưa bóng tới đúng khu vực.” 
 
 
“Thành thật mà nói, nó chỉ đến với tôi một cách tự nhiên,” Alexander-Arnold chia sẻ về kỹ thuật thực hiện bóng chết của mình. “Bạn chỉ việc tập và thực chiến cùng thứ áp lực mà mình cần, những pha đá phạt cũng tương tự. Bạn rèn luyện, trau dồi khả năng tạt bóng của mình, tự khắc khả năng đá phạt góc cũng sẽ tốt lên.”
 
“Các pha đá phạt gián tiếp và đá phạt góc là những thứ được rèn luyện và thực hành với tư cách một đội. Khâu di chuyển, khâu căn thời điểm của chúng tôi và tận dụng những đường chuyền. Còn các pha đá phạt trực tiếp và penalty thì mang tính cá nhân hơn vì bạn sẽ tự mình thực hiện chúng. Trong pha phạt góc trước Barcelona (mang về chiến thắng cho Liverpool ở vòng bán kết Champions League vào năm 2019), một kỹ thuật hoàn toàn khác so với những kỹ thuật mà tôi thường thực hiện đã được sử dụng. Mấu chốt chính là đưa bóng vào vòng cấm nhanh nhất có thể.”
 
Còn về pha kiến tạo gần đây cho Mané trước Arsenal thì sao?
  
 
“Lại một lần nữa, tôi đang nhắm đến việc đưa bóng vào một khu vực, chứ không phải một cá nhân cụ thể,” anh phân tích. “Chúng tôi dàn trải các pha lao vào vòng cấm của mình trên toàn hàng ngang cầu thủ ban đầu, đảm bảo rằng các chân chạy không bị cản trở và có thể đến được khu vực đó.”
 
 
“Nhiệm vụ tiếp theo là phải thực hiện một đường chuyền thật tốt. Tôi đã cố đưa bóng đến đó với một tốc độ hợp lý. Trong vài năm gần đây, tôi đã giảm một chút tốc độ của những đường chuyền bóng chết mà mình thực hiện, nhờ vậy các đồng đội có thể dễ dàng tiếp cận chúng hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là đưa quả bóng vượt qua vài đối thủ đầu tiên và đến với khu vực trung lộ hoặc cột xa, sau đó hy vọng các anh em sẽ nhận được nó.”
 
Trong số 12 pha lập công mà Alexander-Arnold đã ghi cho Liverpool, 5 trong số đó đến từ những pha đá phạt trực tiếp. Lần gần đây nhất là trước West Ham vào 2 tháng trước.
 
“Mo và tôi đã bàn bạc về những gì chúng tôi sẽ làm và tôi đã đưa ra quyết định rằng chúng tôi sẽ đẩy quả bóng khỏi điểm đá phạt ban đầu rồi dừng nó lại – để tạo ra một góc sút lý tưởng hơn,” hậu vệ cánh người Anh phân tích. “Hãy nhìn vào bức tường của West Ham, họ đều là những gã cao to, tay nhỏ con nhất là Declan Rice (1m85). Tôi cần đưa quả bóng bay vượt qua anh ta. Vì vậy, để làm điều đó, chúng tôi cần đẩy quả bóng đi một chút để thay đổi góc sút, đồng thời khiến những quan sát ban đầu của gã thủ môn bị thay đổi trong khi anh ta chẳng hay biết gì cả và cuối cùng là nhiệm vụ tung cước thật tốt.”
 
 
CÒN PHÒNG NGỰ THÌ SAO?
 
Cuộc trò chuyện của chúng tôi từ đầu đến giờ toàn nói đến khía cạnh tấn công, còn giờ đã đến lúc chuyển chủ đề sang nghệ thuật phòng ngự.
 
“Đó là khía cạnh mà tôi chắc chắn đã phải rèn luyện rất nhiều và đang tiếp tục trau dồi khả năng để thực hiện nó tốt hơn,” Alexander-Arnold thừa nhận. “Những phần chính trong nhiệm vụ này bao gồm đảm bảo rằng tôi có thể lui về kịp thời sau khi dâng cao, rằng tôi đang đưa ra các quyết định chính xác và góp phần dựng lên một bức tường phòng ngự vững chắc.”
 
“Ngoài ra còn phải luôn cố đưa ra những quyết định đúng đắn trong các pha 1 chọi 1 và cuối cùng góp sức giúp đội giữ sạch lưới, đó chính là điều quan trọng nhất.”
 
Ngoài pha lập công tuyệt vời vào lưới Newcastle, cũng trong trận đấu đó, Alexander-Arnold còn có một tình huống truy cản rất đáng khen với Ryan Fraser, xứng đáng được phân tích trong phần này của bài viết.
 
“Một pha tắc bóng quá ngon nghẻ,” ngôi sao 23 tuổi cười toe toét. “Đã có rất nhiều sai lầm diễn ra trong toàn bộ tình huống này, từ khi khởi đầu đến lúc kết thúc. Đường chuyền ban đầu và kế đến là đường chuyền chéo sân của đối thủ, cả hai đều được thực hiện cực kỳ tốt.”
 
 
“Khi ấy tôi đã nhận ra mình đang di chuyển sai phía, vậy nên thay vì tiếp tục chạy sau lưng Ryan Fraser, tôi đã cố lách ra trước mặt anh ta để cắt đường chuyền.” 
 
 
“Pha tắc bóng là nỗ lực cứu vãn tình hình lần chót, được ăn cả ngã về không. Tôi cần chạm được vào quả bóng để hóa giải nguy hiểm và đã có một chút đụng chạm với đối thủ – và một cú tắc bóng thực sự tốt đã được thực hiện,” anh nói.
 
 
TƯ TƯỞNG
 
Xem những đoạn clip trên và nghe Alexander-Arnold tự “mổ xẻ” chúng một cách hết sức chi tiết, cứ như thể anh và đội phân tích ở Liverpool đã cùng nhau thảo luận cực kỳ nhiều về các trận đấu và cách mình đã chơi.
Nhưng hậu vệ cánh 23 tuổi đã khẳng định rằng anh chưa bao giờ cảm thấy bản thân quá cần phải xem lại và mổ xẻ lại mọi thứ, bởi vì anh cho rằng mình có một trí nhớ rất tốt về những trận đấu đã trải qua, luôn có thể nhớ mọi thứ một cách rất rõ ràng, đặc biệt là những gì diễn ra trong đầu mình trong các quyết định đã thực hiện. Nhưng nếu có những pha xử lý và xoay sở thất bại mà bản thân vẫn chưa hiểu được hết hay nhớ cụ thể mình đã sai ở đâu và tại sao lại đưa ra quyết định sai lầm, Alexander-Arnold sẽ sẵn sàng xem lại, phân tích lại chúng. 
 
“Mấu chốt trong bóng đá chính là khả năng đọc tình huống và đưa ra quyết định, vậy nên nhiệm vụ quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng bạn hành động đúng càng nhiều càng tốt.” 
 
Trent Alexander-Arnold
Alexander-Arnold cũng thừa nhận rằng anh không phải là một người thường xuyên ở lại sân tập nhiều giờ sau buổi tập chính cùng cả đội để tập thêm. 
 
“Tôi luôn là một cầu thủ theo trường phái vừa đá vừa học. Chẳng cần phải mày mò mổ xẻ, phân tích chúng quá nhiều, tôi luôn biết mình cần phải rèn luyện, trau dồi những gì và làm thế nào để trở nên giỏi hơn,” anh khẳng định. “Chìa khóa chính là sự nỗ lực hết mình trong quá trình tập luyện và trong các trận đấu – và sự tiến bộ sẽ đến một cách tự nhiên.”
 
“Tìm ra những khía cạnh cần nâng cấp và đặt mục tiêu, sau đó đưa chúng vào mục cần đặc biệt tập trung trong các buổi tập. Đối với tôi, mục đích tối thượng chính là trở nên ổn định và tốt nhất có thể – tôi luôn khát khao trở thành cầu thủ xuất sắc nhất trên sân đấu. Mỗi khi bước ra đó, tôi đều muốn trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của bản thân.” 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn “My game in my words. By Trent Alexander-Arnold” được ký giả Caoimhe O'Neill của The Athletic thực hiện với Alexander-Arnold.  
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

Dẫn dắt Manchester United sẽ là một rủi ro lớn với Ruben Amorim?

Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.

Nicolas Jackson: Tiến bước trong chỉ trích

Bất chấp việc bị chỉ trích rất nhiều kể từ khi đến Anh, Nicolas Jackson đã đạt được 20 bàn thắng tại Premier League cho Chelsea nhanh hơn các danh thủ của CLB như Gianluca Vialli, Eidur Gudjohnsen hay Didier Drogba.