Trent Alexander-Arnold: Hành trình 14 năm của cậu nhóc 6 tuổi giàu khát vọng (p1)

Tác giả CG - Thứ Bảy 24/08/2019 09:39(GMT+7)

Zalo

Rome. London. Paris. Lại là Rome. Istanbul. Và giờ là Madrid. Đó là những địa điểm chúng tôi sẽ suốt đời. Khi gia đình tôi bước xuống sân để ăn mừng… với tôi chẳng có gì tuyệt vời hơn thế, chẳng từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc.

1. Bạn biết câu mọi người hay nói rằng chờ một chiếc xe buýt và rồi có 2 chiếc đến cùng một lúc chứ? Điều đó có thể đúng với nhiều người nhưng không phải tôi. Tôi đã chờ suốt 14 năm liền cho chiếc xe buýt thứ hai. Và khi nó tới, tôi đươc đứng ở trên đó. Điều điên rồ là khi ở trên chiếc xe ấy, tôi đeo tấm huy chương vàng Champions League trên cổ, diễu hành khắp đường phố Liverpool - nơi tôi đã lớn lên - cùng chiếc cúp danh giá nhất cấp CLB.

Từ siêu thực có lẽ không đúng trong trường hợp này, cả từ kỳ diệu nữa. Tôi thích đọc nhưng không dám chắc rằng mình biết một từ nào gần giống với một từ có thể mô tả cảm xúc của tôi trên xe buýt khi ấy.

Đó không phải lần đầu tiên tôi được chứng kiến buổi lễ diễu hành chiếc cúp vô địch Champions League qua quê hương mình. Năm 2005, tôi đã đứng trước cửa nhà để chờ chiếc xe buýt chạy đến. Cuối cùng, cảm giác như tóc gáy tôi dựng hết lên khi nghe thấy ai đó hét “Tới rồi!”. Một tiếng hô không tưởng nổi khi Steven Gerrard và các cầu thủ trong đội đi qua cùng chiếc cúp ấy - một thứ định nghĩa nên CLB của chúng tôi.
 
Năm đó, tôi 6 tuổi nhưng đã đủ lớn để biết muốn làm gì khi lớn lên. Tôi muốn là một cầu thủ Liverpool và muốn là một trong số những người đứng trên chiếc xe buýt đó. Tất nhiên, điều đó chẳng có gì đặc biệt cả vì đứa trẻ nào trong trường tôi cũng mong muốn như vậy.

2.
Tôi thì cảm giác nó như thể một căn bệnh - nhưng là theo khía cạnh tích cực. Tôi không biết gọi nó là gì nữa nhưng trong từng mạch máu, thớ thịt tôi đã tồn tại một điều gì đó. Tôi… bị ám ảnh.
 
Tôi vẫn luôn nghiêm túc về khát khao và động lực của mình. Tôi lớn lên cùng cha mẹ và 2 người anh em trai, Tyler và Marcel, trong căn nhà có 3 phòng ngủ nằm ngay cạnh Melwood, khu phức hợp của CLB. Khi ấy, anh em tôi có thể bất đồng về điều này điều kia nhưng luôn có một điểm chung: Liverpool FC.
 
Và anh em tôi đã ở đó, hàng ngày ở rất gần với các thần tượng. Chúng tôi đứng trên thùng hoặc nhìn qua hàng rào để thấy họ tập luyện trước khi giả vờ làm họ trong các trận bóng. Thành thực mà nói chúng tôi có sở thích giống nhau. Chúng tôi bị ám ảnh suốt 24/7. Mẹ ra luật rằng chúng tôi có thể đá ở bất cứ đâu nếu muốn miễn là bà có thể nhìn thấy - đúng nghĩa đen, tức mẹ phải tận mắt trông thấy các con. Bởi vậy, những sự lựa chọn là ở sân vườn trước hay công viên ở bên kia đường. Tuy nhiên đôi khi, mẹ không thể thấy đứa nào vì anh em chúng tôi chạy ra sau nhà cùng một quả bóng bằng giấy thiếc hoặc bằng cách cuộn những đôi tất lại.
 
Chúng tôi thường xuyên khiến mẹ nổi cáu. Có một bức ảnh mẹ đang nấu bữa tối còn ba ông con trong bộ quần áo Liverpool chạy khắp nơi và trượt vào bếp một cách hên xui. Khi ấy, lúc nào cũng là bóng đá, bóng đá và bóng đá. Liverpool, Liverpool và Liverpool.
 
Tôi nhớ khi còn bé đã từng đi xe khắp thành phố và nhìn thấy Anfield thật rõ nét. Tôi nhìn chăm chú vào tòa nhà đầy tính biểu tượng đó rất nhiều lần và nghĩ “Có gì bên trong nhỉ?” Đó là một điều bí ẩn.

Tháng 4/2005, mẹ đưa tôi và anh Tyler tấm vé xem trận tứ kết lượt đi Champions League. Juventus, Buffon, Cannavaro, Nedvěd, Ibra - rất nhiều người, một đội bóng rất xuất sắc. Còn đêm có cúp châu Âu ở Anfield thì đơn giản là khác biệt. Thực sự có mặt ở khán đài chính là điều không tưởng. Bạn sẽ hy vọng buổi sáng hôm đó mình nhớ tất cả mọi thứ. Những chiếc đèn pha chiếu xuống sân. Nguồn năng lượng từ khán đài The Kop.
 
Tuy nhiên vào thời khắc ấy, điều mà tôi ghi nhớ hơn cả chính là tất cả những cậu bé nhặt bóng bước ra vòng tròn trung tâm. Họ có 20 người và lúc đó đứng vẫy lá lớn cờ màu đỏ. Thường thì tôi và Tyler không bao giờ ngừng nói chuyện khi hình ảnh ấy xuất hiện trên TV. Thế nhưng, lần này chúng tôi đã chết lặng. Và khán đài The Kop bắt đầu cất tiếng hát “You’ll Never Walk Alone”. Nguồn sức mạnh ấy, tôi đã yêu chúng mất rồi. Tôi đã biết mình muốn làm gì trong cuộc đời này.
 
Đêm đó, tôi trằn trọc đến mất ngủ.
 
Vài tháng sau, Lữ đoàn Đỏ lại trở thành nhà vô địch châu Âu. Tôi đã theo dõi trận chung kết với gia đình. Dù mới 6 tuổi nhưng tôi đã biết đêm Istanbul hôm ấy có ý nghĩa như thế nào. Đi quanh thành phố trong vài ngày sau, bạn có thể nhìn vào khuôn mặt mọi người và thấy chiến tích đó đã kích thích cộng đồng lên thế nào. Chúng tôi biết sẽ có cuộc diễu hành và tất nhiên anh em bọn tôi muốn hòa mình vào trong đó. Điều vui là chúng tôi không buộc phải phá luật của mẹ để được xem. Chiếc xe buýt Liverpool đi qua ngay con phố của chúng tôi.
 
Chúng tôi đứng ở cổng với bộ quần áo Liverpool trên người, dõi theo những người hùng đi qua cùng chiếc cúp Champions League đu đưa ở bên hông chiếc xe. Tôi gần như có thể chạm được vào nó.
 
Nếu đã trải qua một ngày như thế, bạn không thể nào không muốn thành một cầu thủ bóng đá. Các anh em tôi cũng nghĩ thế. Và đó là điều thực sự quan trọng trong câu chuyện của tôi mà mọi người thường không nhắc tới. Chúng tôi có cùng một giấc mơ. Thời điểm ấy, tôi đã là thành viên của đội trẻ Liverpool rồi. Mọi đứa trẻ 6 hay 7 tuổi khi bước ra sân đều cố gắng theo đuổi một ước mơ nhưng có thể chúng hoàn toàn không biết có rất nhiều người đứng sau hỗ trợ. Còn tôi thì khác.
 
Thật hài hước là các anh em tôi luôn cạnh tranh với nhau đến nỗi dù là trời mưa đi chăng nữa, chúng tôi vẫn cố làm những điều vô nghĩa, cố gắng chơi bóng. Một ngày, mẹ thấy như thế đã quá đủ và bảo bố dạy chúng tôi chơi cờ vua. Và thực sự rất tuyệt vì môn cờ yêu cầu tính chiến lược và cạnh tranh y như bóng đá. Tuy nhiên, cảm giác khi bạn biết sắp sửa chiếu tướng hết cờ anh em mình và hắn ta hoàn toàn không có cách nào để giải ấy? A, nó thật tuyệt. Hãy nhìn vào mặt hắn.
 
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng tôi có thêm một thứ nữa có thể làm cùng nhau. Anh em tôi không chỉ là anh em mà còn là những người bạn tốt nhất.
 
Khi tôi lớn hơn một chút và chuyển vào học viện Liverpool, Tyler và Marcel đã sẵn sàng hy sinh giấc mơ của bản thân vì tôi. Tôi nghĩ có lẽ tất cả chúng tôi đều nhận ra từ nhỏ rằng trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp là điều thực tế với tôi hơn cả. Và bố mẹ tôi cũng nghĩ vậy. Thật khó để một cậu bé hiểu điều đó. Có những cuối tuần, mẹ không thể đưa hai anh và em của tôi đến các trận đấu vì tôi phải ở cố định tại học viện - và họ là những người luôn chịu hy sinh. Cho đến hôm nay, tôi rất biết ơn hai người anh em của tôi.
 
Mỗi bước tôi đi, chúng tôi đều đi cùng nhau. Mỗi trận đấu tôi trải qua, chúng tôi trải qua cùng nhau.. Mỗi trải nghiệm tôi có được là của tất cả chúng tôi. Đó chính là gia đình mà tôi lớn lên. (còn nữa)
 
Lược dịch từ bài viết “Liverpool, Liverpool, Liverpool” trên The Players’ Tribune

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow