Totti ơi, bóng đá ngày nay đã khác rồi!

Tác giả Bích Hiệp (Vu Trung Hiep) - Thứ Sáu 30/09/2022 14:48(GMT+7)

“Tôi từng nghĩ thà tự tử còn hơn là rời Roma. Tôi đã tưởng tượng mình sẽ ở Rome trọn đời. Nhưng rồi họ đẩy tôi vào một tình thế khó khăn, buộc tôi phải đưa ra quyết định mà tôi không bao giờ muốn. Giờ thì tôi đành ngồi ngoài, bất lực nhìn đội bóng vô cùng đau đớn”.

 

Đó là những lời Francesco Totti chia sẻ với Bobo TV trong ngày sinh nhật mình, khi huyền thoại thành Rome nhớ lại thời điểm anh nói lời chia tay AS Roma.

Nói về tình hình hiện tại của đội bóng cũ, Totti buồn bã cho hay: “Dù từng là thành viên trong ban lãnh đạo Roma song tôi không bao giờ được quyền quyết định bất cứ điều gì. Giờ thì CLB đã hoàn toàn thuộc về những người ngoại quốc. HLV trưởng và các giám đốc đều không phải người Italia, chưa nói đến việc chẳng ai từng gắn bó lâu dài với đội bóng.

Sẽ tốt hơn nếu có một người nào đó trong ban lãnh đạo hiện tại biết tường tận về Roma. Tôi tự tin có thể làm tốt hơn những lãnh đạo khác, nhưng rốt cục tôi chỉ là người Mohican cuối cùng mà thôi”.

Rất chính đáng cho câu hỏi này của Totti: “Việc các huyền thoại hoàn toàn vắng bóng ở một CLB mà họ yêu mến liệu có phải là chuyện bình thường?”. Đúng là nó không hề bình thường với tư duy làm bóng thập niên 90 và những năm 2000. Nhưng, có lẽ (theo cảm nhận của tôi) Totti đã để cảm xúc và cách tư duy làm bóng đá cũ chi phối quá nhiều khi nhìn nhận, đánh giá về Roma lúc này. 

Đồng ý là bất kỳ đội bóng nào cũng đều cần giữ sự kết nối với mạch nguồn văn hoá của nó. Nhưng, để phát triển sẽ phải có những đổi mới. Mà sự đổi mới nào cũng bao hàm trong nó những quyết định mang tính thanh lọc, làm mới. Người ta buộc phải cắt bỏ những gì không còn phù hợp. Ở góc độ quản trị, chỉ những gì là di sản lõi mới được giữ lại. Các huyền thoại hay cựu cầu thủ gắn bó là một phần biểu tượng của đội bóng nhưng không phải là tất cả. Họ là chủ thể mang trong mình văn hoá đội bóng chứ không hoàn toàn là văn hoá đội bóng. Những giá trị họ đóng góp cho câu lạc bộ sẽ còn mãi nhưng con người xác thịt của họ, những mong muốn cháy bỏng của họ ở đương thời không đồng nghĩa là điều kiện bắt buộc đội bóng phải mang theo vô thời hạn. Có vẻ như Totti và các huyền thoại có tư tưởng như Totti đang không phân biệt được giữa đâu là di sản và đâu là nguồn lực để phát triển.

 

Hãy xem quan điểm xây dựng một đội bóng của cựu đội trưởng Roma: 

“Nếu tôi làm chủ một đội bóng, tôi sẽ mời gọi nhiều nhất có thể những huyền thoại của CLB và trao cho họ những vị trí vì những con người đó mới hiểu nhất về bóng đá cũng như bản sắc, truyền thống của đội họ từng cống hiến."

Huyền thoại hiểu nhất về bản sắc, truyền thống đội bóng. Thường là thế. Nhưng “hiểu nhất về bóng đá” thì chưa chắc. Vì bóng đá của mỗi thời là khác nhau. Vì đá bóng và làm bóng đá là khác nhau. Không phải cứ đá hay thì quản trị đội bóng giỏi. CEO thì không nhất thiết phải có kỹ năng như công nhân bậc 7. Và ngược lại, công nhân bậc 7 không đồng nghĩa ngồi được ghế CEO. Đó là chưa nói, khi quy tụ lại quá nhiều huyền thoại - những cái tôi lớn và những người có năng lực giống nhau - thì tình trạng chồng chéo hoặc xung đột cá tính, tầm ảnh hưởng là một nguy cơ có thể đoán trước. 

Bóng đá ngày nay đã khác nhiều rồi. Nó là một ngành công nghiệp. Nó là một lĩnh vực kinh doanh. Và dù cho đặc thù đến mấy, để tồn tại và phát triển nó vẫn phải đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu chung của ngành công nghiệp nó thuộc về, trong bối cảnh toàn cầu hoá chứ không chỉ gói gọn trong một quốc gia hay khu vực. 

Hãy xem Chủ tịch của Chelsea, Manchester City, Liverpool, PSG là người nước nào? HLV của các đội bóng này đến từ đâu? Các vị trí khác trong ban điều hành cũng vậy. Thậm chí có những đội bóng còn không có sự hiện diện trong đội hình chính của những cầu thủ bản địa. Nhưng các CLB này có thành công không? Có mất đi bản sắc không?

Chelsea trước khi tỷ phú Roman Abramovich đến, bản sắc của đội bóng này là rất mờ nhạt. Nhưng với những đồng rúp và đặc biệt là từ khi đưa về HLV Jose Mourinho thì The Blue đã trở nên rất cá tính và đặc biệt. Dù thế, không ai nói Chelsea là đội bóng Nga hay Bồ Đào Nha. Chất Anh vẫn đậm đặc và đó là niềm tự hào lớn của bóng đá xứ sở sương mùa gần hai thập kỷ qua. Ở bình diện khác, dù Terry hay Lampard có đóng góp cho Chelsea lớn lao đến cỡ nào trong quãng thời gian đó thì Chủ tịch Abramovich cũng không có ưu tiên nào cho hai huyền thoại này trong bộ máy quản lý của câu lạc bộ. Lampard phải đi vòng qua Derby County mới được trở về mái nhà xưa và ngồi ghế HLV. Nhưng cũng khá nhanh chóng, sau khi không đạt được các mục tiêu cần thiết “Người không phổi” đã phải trở thành “người thất thiệp”. 

Real Madrid là đội bóng thế kỷ chứ không phải những thế lực mới nổi như Manchester City hay PSG, nhưng họ cũng không xây dựng đội bóng dựa vào các huyền thoại. Dưới thời “Bố già” Florentino Perez thì càng không. Những Raul, Iker, C. Ronaldo, Ramos còn không có cơ hội cống hiến đến khi giải nghệ tại sân Santiago Bernabeu chứ đừng nói đến một suất trong ban điều hành. Và nếu trong tương lai những cái tên này có trở lại Nhà trắng giữ một vai trò gì đó thì hãy hiểu rằng đó là vì cựu cầu thủ đó có đủ năng lực làm quản lý, điều hành chứ không phải vì họ là một huyền thoại. Tại đội bóng hoàng gia, ngôi sao lớn nhất là ngôi sao trên ngực áo chứ không phải ngôi sao trên sân, trong phòng thay đồ hay trên ghế huấn luyện. 

 

Totti yêu Roma. Totti cống hiến trọn vẹn đời cầu thủ cho màu áo bã trầu, mặc kệ biết bao lời mời chào từ những đội bóng lớn nhất thế giới. Người hâm mộ Giallorossi biết ơn chàng Hoàng tử của mình. Thành Rome tự hào về đứa con ưu tú của mình. Khán giả thế giới, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, yêu thích mẫu cầu thủ trung thành như đội trưởng Roma. Tất cả, bằng cảm xúc sẽ rất dễ đồng cảm với những chia sẻ đầy tâm trạng của Totti. Nhưng, một cách lý trí và thực tế thì cần hiểu rằng: bóng đá ngày nay đã khác nhiều rồi. Ông chủ James Pallotta và giới lãnh đạo Roma không chọn Totti hay cựu cầu thủ nào đó chưa chắc là họ không hiểu, không yêu đội bóng này. Càng không có chuyện họ không muốn phát triển đội bóng. Trái lại, có khi chính họ nhận thấy, với di sản của Roma, đội bóng thủ đô xứng đáng có một vị thế tốt hơn. Những kỷ niệm đẹp như mùa giải 2000-2001 cần có nhiều hơn trong phòng truyền thống và trong ký ức người hâm mộ. Chỉ là, cần một cách làm khác để phù hợp với thời đại. 

“Sẽ tốt hơn nếu có một người nào đó trong ban lãnh đạo hiện tại biết tường tận về Roma. Tôi tự tin có thể làm tốt hơn những lãnh đạo khác…”

Đúng vậy Totti ạ. Đội bóng nào cũng cần những cựu cầu thủ, những huyền thoại tâm huyết có mặt trong ban lãnh đạo. Sự hiểu biết, sự kết nối của người này sẽ giúp mối quan hệ giữa ban lãnh đạo với cầu thủ, người hâm mộ, cộng đồng trở nên tốt hơn. Nhưng với điều kiện, giữa ông chủ, ban lãnh đạo và cựu cầu thủ phải có được một sứ mệnh, tầm nhìn, hệ giá trị chung cũng như chia sẻ được với nhau về chiến lược hành động. Hiểu biết lịch sử, truyền thống, giỏi chuyên môn chỉ là điều kiện đủ. Bóng đá ngày nay cần nhiều hơn chuyên môn đơn thuần.

 

Roma sau những tháng ngày bết bát về tài chính, có lúc đã tiến đến bờ vực phá sản thì lúc này đây, dưới những đồng đô la của Pallotta và bàn tay thao lược của Jose Mourinho đang được kỳ vọng sẽ trở thành một thế lực đủ sức cạnh tranh Scudetto với những Juventus, Milan, Inter. Chiếc cup UEFA Euro Conference League thầy trò Người Đặc Biệt mang về sân Olimpico là chiếc cup mà hơn 20 năm rồi người hâm mộ nơi đây mới được thấy lại. Hơn cả thế, đó là một tinh thần thi đấu đầy khát khao và không sợ hãi - thứ cũng lâu rồi người ta không thường xuyên nhìn thấy nơi đây. Đó rõ ràng là một tín hiệu khó có thể đòi hỏi tốt hơn. Vậy thì Totti phải nên vui mừng và ủng hộ mới phải chứ! 

Ba ngày trước, Francesco Totti bước sang tuổi 46. Độ tuổi sung sức của các nhà quản lý. Chắc chắn người hâm mộ Roma cũng như người hâm mộ thế giới muốn thấy hoàng tử tóc vàng sớm trở lại thế giới bóng đá ở một vai trò nào đó. Nhưng bản thân Totti có muốn điều đó không và có thể không có lẽ phụ thuộc vào tư duy và quan điểm của anh về bóng đá lúc này. Thế giới bóng đá đã thay đổi và sẽ còn thay đổi. Nếu không muốn chỉ dừng lại là một cầu thủ huyền thoại, Totti cần thích nghi, làm chủ sự thay đổi, và vĩ đã hơn, hãy tạo ra sự thay đổi. 

Vũ Trung Hiệp (Bích Hiệp)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.