Toni Kroos: Kỳ quan của Real Madrid

Tác giả CG - Thứ Bảy 10/04/2021 12:02(GMT+7)

Ở Madrid, các khán giả gọi Kroos là Antonio. Nhưng dù là Toni hay Antonio đi chăng nữa thì Kroos vẫn vậy, bước ra sân với vẻ lịch lãm khi khoác trên người chiếc áo thi đấu của Los Blancos và chơi bóng theo cách anh vẫn làm suốt cả sự nghiệp: không bao giờ phải vội vã.

Ảnh: Getty Images

Ký giả Raphael Honigstein từng kể về lần anh hẹn phỏng vấn Toni Kroos. Khi đó, Kroos nhắn tin cho Honigstein để xin lỗi sẽ phải đến muộn… 11 phút. Không phải 10 hay 15 phút, những mốc thời gian tạo cho chúng ta cảm giác tròn trịa, mà là 11 phút. Nhà báo đang làm việc cho The Athletic đợi đúng 11 phút thật. Sự chính xác, lịch thiệp và không nóng vội của Kroos khiến Honigstein ấn tượng.
 
Honigstein đúc rút: “Cả sự nghiệp của Kroos - sự nghiệp thành công nhất trong số tất cả các cầu thủ bóng đá Đức thời hiện đại - được xây dựng dựa trên tiền đề của việc không bao giờ phải vội vã”.
 
Đó là một nhận xét quá hay về Kroos. Càng nhiều tuổi, Kroos càng “chín” hơn, hay nói cách khác là như một thứ rượu càng ủ lâu năm càng tuyệt hạng. Ở trên sân, các tiền vệ trung tâm thường được gắn với hình ảnh một bộ não điều khiển hoạt động của toàn cơ thể. Với một tiền vệ trung tâm, yếu tố quan trọng là anh ta phải có sự bình tĩnh để đưa ra những quyết định, bởi đó là người đứng giữa hàng tấn công và hàng phòng ngự, điều phối cả hai hoạt động công và thủ.
 
Hẳn chúng ta vẫn chưa quên một hình ảnh trong trận El Clasico một năm trước, Kroos cầm bóng và giơ tay phát tín hiệu để Vinicius Jr. di chuyển. Pha bóng đó kết thúc bằng bàn thắng của cầu thủ trẻ người Brazil, nhưng không thể nào quên công lao của tiền vệ người Đức. Trong khoảnh khắc ấy, Kroos đúng là một người chỉ huy, phát hiệu lệnh để chiến sĩ của mình hành động. Đó là một hình ảnh mang tính biểu tượng và cực kỳ mẫu mực về phẩm chất tinh túy của Kroos: sự chính xác. Ở đây là chính xác về thời điểm, nó đòi hỏi sự nhạy cảm cao của một người có nhãn quan và tầm bao quát rộng lớn.

Toni Kroos ra hiệu để Vinicius di chuyển
 
Stefan Reinartz, đồng đội cũ của Kroos tại U17 Đức và Bayer Leverkusen, chia sẻ: “Cậu ấy có tầm nhìn bao quát toàn sân quá tốt. Bạn có thể dùng tay che mắt cậu ấy lại và cậu ấy vẫn có thể nói chính xác Thomas Muller đứng cách 50m về bên phải và Mesut Ozil đứng cách 25m ở bên trái. Nếu có thể phá vỡ hàng tuyến đối thủ bằng một đường chuyền thì cậu ấy sẽ thực hiện, còn nếu nhận thấy không thể, cậu ấy sẽ không làm”.
 
Hiếm có một cầu thủ nào có thể chơi ở mọi vị trí ở tuyến tiền vệ và ở đâu cũng đều hay như Kroos. Anh bước ra ánh sáng ở Bayern Munich trong vai trò số 10, ký giả Jonathan Wilson từng nhận xét Kroos là “nguyên mẫu của một tiền vệ tấn công hiện đại”. Sau khi Pep Guardiola trở thành HLV trưởng Bayern, ông kéo Kroos xuống thấp hơn và đặt vào vai trò tiền vệ kiến thiết lùi sâu. Tại vòng chung kết World Cup 2014, Kroos là một trong những cầu thủ ổn định nhất ở đội tuyển Đức bằng những đường chuyền chắc chắn và chính xác từ tuyến dưới. Cố huyền thoại Johan Cruyff phải dành lời khen ngợi: “Cậu ấy làm mọi thứ đều chính xác: tốc độ trong những đường chuyền của cậu ấy thật xuất sắc, cậu ấy gần như nhìn thấy rõ mọi thứ”.

Sau kỳ World Cup thành công, Kroos gia nhập Real Madrid với giá 30 triệu euro. Pep Guardiola đã rất muốn giữ chân cậu học trò mình ở lại Bayern nhưng không thể. Stefan Reinartz cho biết Kroos rời đi vì sự cứng rắn của CEO Karl-Heinz Rummenigge. Theo lời của anh, Rummenigge đã nói với Kroos rằng: “Chúng tôi sẽ không trả cho cậu hơn 10 triệu euro mỗi năm vì cậu không phải cầu thủ đẳng cấp”. Cũng theo Reinartz, vấn đề ở đây không phải tiền bạc mà là niềm tin, Kroos cảm thấy anh không được tin tưởng ở Bayern, dù quả thực đó không phải là suy nghĩ của Pep Guardiola.
 
Nhưng nuối tiếc của người này lại là niềm vui của người khác. Kroos đến Real Madrid và trở thành một huyền thoại. Dù sự xuất hiện của Kroos ở Real Madrid năm đó phần nào bị James Rodriguez làm lu mờ (Có khoảng 45.000 người tham dự buổi lễ ra mắt của ngôi sao người Colombia trong khi chỉ có 8.000 người tới tham dự buổi ra mắt của tiền vệ người Đức), song chỉ đường dài mới biết ngựa hay. Kroos đã ở Madrid gần 7 năm và anh còn muốn ở lâu hơn nữa rồi giải nghệ ở đây. 

Toni Kroos là chiếc máy nhịp ở giữa sân của Real Madrid. Ảnh: Getty Images
 
Nhưng chẳng cần đợi tới lúc tiền vệ người Đức treo giày, bây giờ anh đã có một vị trí trang trọng trong lịch sử Los Blancos. Tính từ khi Kroos gia nhập Real Madrid, suốt quãng thời gian đó anh là một trong những cầu thủ ổn định nhất đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Có một điều thuộc về cảm giác chủ quan là Kroos toát lên vẻ lịch lãm khi anh khoác chiếc áo trắng của Madrid lên người. Nhưng sau cùng, những màn trình diễn trên sân mới quyết định tất cả. Anh cùng Casemiro và Luka Modric tạo thành một bộ ba nguyên tử, xứng đáng sánh vai trong những bộ ba tiền vệ hay nhất lịch sử bóng đá thế giới.  
 
Kroos có hai kỹ năng quan trọng với một tiền vệ trung tâm là chuyền bóng và điều khiển nhịp độ. Kroos là một chiếc máy nhịp ở giữa sân, anh quyết định toàn bộ tốc độ trận đấu theo ý của mình. Có thể nói nhịp chơi bóng là một trong những thứ tạo nên sự khác biệt giữa các cầu thủ bởi nó quyết định tính thời điểm cho một quyết định hành động. Có lẽ những vị trí lùi sâu hơn mà anh đảm nhiệm ở quãng thời gian sau sự nghiệp càng giúp Kroos phát huy điều đó.

Nếu nhận thấy cần giảm tốc độ để đội bóng của mình ổn định lại đội ngũ, Kroos sẽ giữ bóng, chuyền ngắn với các đồng đội xung quanh. Nếu cần tăng tốc độ trận đấu, Kroos sẽ là người phát tín hiệu. Và khi cảm thấy nên phát động một đường tấn công nhanh bằng một đường chuyền dài, Kroos sẽ làm bằng kỹ năng điêu luyện của mình. Trang Bundesliga Fanatic có một thống kê như sau: Ở mùa giải 2015/2016, Kroos loại bỏ trung bình 85 hậu vệ bằng những đường chuyền của mình trong khi số đường chuyền trung bình như thế với một cầu thủ thi đấu ở vị trí tương tự như tiền vệ người Đức ở các giải VĐQG châu Âu chỉ là 28. Từ một tiền vệ tấn công ở vị trí số 10 trong quãng thời gian đầu sự nghiệp, Kroos trở thành một tiền vệ kiến thiết lùi sâu, đạo diễn toàn bộ thế trận.

Toni Kroos có một màn trình diễn thượng hạng trước Liverpool giữa tuần qua. Ảnh: Getty Images
 
Chiến thắng trước Liverpool vừa qua là trận đấu hay của Vinicius Jr. nhưng đó cũng là màn tôn vinh sự tinh túy của Toni Kroos. Tất nhiên những khán giả theo dõi Real Madrid sẽ thấy nó chẳng khác là bao những gì anh vẫn thường thể hiện từ tuần này qua tuần khác. Tuy nhiên, ý nghĩa của một trận đấu loại trực tiếp ở UEFA Champions League đã nâng màn trình diễn ấy lên một tầm cao khác.
 
Thực hiện tất cả chính xác các đường chuyền dài, tung 12 đường chuyền vào 1/3 sân cuối cùng (nhiều nhất trận), tạo ra 4 cơ hội ghi bàn (cũng nhiều nhất trận), có 1 kiến tạo, thực hiện 8 pha thu hồi bóng,… đó là một vài thống kê của Kroos trong trận đấu với Liverpool trên sân Alfredo Di Stefano. 
 
Sau trận, tiền đạo Marco Asensio chia sẻ: “Chúng tôi biết mình phải tấn công vào các không gian phía sau cặp hậu vệ cánh của họ và kế hoạch đó đã thành công”. Tất nhiên, nó thành công vì có một chân chuyền thượng hạng như Kroos. Đường rót bóng cho Vinicius xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa bóng đá. Kroos nhắc tất cả nhớ rằng anh vẫn là một kỳ quan ở Real Madrid và không dễ bị dịch chuyển. 
 
Ở Madrid, các khán giả gọi Kroos là Antonio. Nhưng dù là Toni hay Antonio đi chăng nữa thì Kroos vẫn vậy, bước ra sân với vẻ lịch lãm khi khoác trên người chiếc áo thi đấu của Los Blancos và chơi bóng theo cách anh vẫn làm suốt cả sự nghiệp: không bao giờ phải vội vã.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.