Sự nghiệp của Tomas Rosicky đáng lẽ đã có thể rất rực rỡ nếu anh không bị những chấn thương giày vò. Song, trong những thời điểm sung sức, tiền vệ người CH Czech đều khẳng định đẳng cấp của một nhạc trưởng hàng đầu.
Giới mộ điệu gọi Tomas Rosicky là “tiểu Mozart” bởi khả năng tổ chức và lĩnh xướng trên sân cỏ chẳng khác nào nhà soạn nhạc điều khiển những phím đàn để cất lên thanh âm hay nhất. Vẻ ngoài của Rosicky cũng gợi lên hình ảnh một chàng lãng tử nhẹ nhàng, êm dịu như chất nhạc cổ điển.
Tuy nhiên, Rosicky lại là một rock fan chính hiệu. Trong một chia sẻ trên trang chủ của Arsenal, ngôi sao người CH Czech tiết lộ những ban nhạc có ảnh hưởng nhất đến anh là các huyền thoại heavy metal như Metallica, Slipknot, Pantera bên cạnh những cây đại thụ khác trong làng rock như Red Hot Chili Peppers, Foo Fighters… Bản thân Rosicky cũng từng xuất hiện trên sân khấu và chơi guitar trong một số buổi biểu diễn của Tri sestry - ban nhạc rock tới từ CH Czech.
Chất cổ điển lãng mạn và chất rock mạnh mẽ, thoạt nghe 2 mệnh đề này không liên quan gì tới nhau. Thế nhưng, chúng lại chính là 2 mảng màu tạo nên Tomas Rosicky, một chàng nghệ sĩ mang trong mình tinh thần thép.
HLV Arsene Wenger từng nói: “Nếu bạn yêu bóng đá, bạn sẽ yêu Rosicky”. Ở một góc nhìn nào đó, bạn có thể xem đó chỉ như một lời khen đầy cảm tính mà người thầy dành cho cậu học trò của mình. Nhưng đứng ở điểm nhìn khác, đó có thể chính là suy nghĩ của những người hâm mộ bóng đá đẹp, mê đắm sự hoa mỹ, tinh tế mà tiền vệ người CH Czech thể hiện trên sân cỏ.
Gia nhập Arsenal vào mùa hè 2006 vào thời điểm thế hệ “The Invincibles” của Arsenal tiếp tục quá trình tan rã với sự ra đi của Dennis Bergkamp, Sol Campbell, Ashley Cole, Robert Pires, Rosicky được xem như sự thay thế trực tiếp cho vị trí mà Pires để lại. Bản thân anh cũng khoác chiếc áo số 7 mà danh thủ người Pháp sử dụng trước đó.
Quả thực, Rosicky đã mang đến nguồn cảm hứng mà người ta chờ đợi. Nhãn quan bóng đá xuất sắc, bộ óc chơi bóng thông minh và phong cách nghệ sĩ của tiền vệ người CH Czech thực sự đã chinh phục giới mộ điệu, đặc biệt người hâm mộ “Pháo thủ”. Robin van Persie sau này chia sẻ: “Tôi thực sự yêu thích chơi bóng cùng anh ấy vì bộ não anh ấy tư duy rất nhanh. Đó là điều không phải ai cũng có được, kể cả ở giai đoạn sau sự nghiệp. Bạn chỉ có thể có hoặc không có nó mà thôi”.
Bản thân lối đá của Rosicky cũng phù hợp với phong cách mà Arsene Wenger xây dựng ở Arsenal. Cả hai như những mảnh ghép phù hợp với nhau và dường như sinh ra để dành cho nhau.
Là tài năng hàng đầu của bóng đá CH Czech sau thế hệ của những Pavel Nedved, Karel Poborsky… không phải vô cớ khi Tomas Rosicky tiếp quản tấm băng đội trưởng sau khi Nedved từ giã đội tuyển quốc gia vào năm 2006. Trở thành thủ quân đội tuyển và gia nhập một đội bóng lớn như Arsenal ở tuổi 25, những tưởng đó sẽ là những bệ phóng cần thiết để tài năng của Rosicky thực sự bứt phá mạnh mẽ.
Nhưng Rosicky giống như một viên pha lê: Rất đẹp mà cũng mong manh, dễ vỡ. Anh là hiện thân cho một thế hệ Arsenal rất tài năng, rất hào hoa, rất đáng ngưỡng mộ nhưng lại không đủ sự mạnh mẽ để bứt phá lên đỉnh cao. Rosicky giống Abou Diaby, Jack Wilshere hay Eduardo da Silva khi những chấn thương đã lấy đi của họ quá nhiều. Quá khứ là thứ không thể thay đổi, nhưng người hâm mộ vẫn có quyền tự hỏi sẽ ra sao nếu những con người tài năng ấy không bị những chấn thương nặng và dai dẳng hành hạ để rồi không thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Thống kê chỉ ra cầu thủ người CH Czech chỉ có thể ra sân 170 trận trong tổng số 380 trận của Premier League suốt 10 mùa giải khoác áo Arsenal. Trong đó, riêng mùa giải 2008/2009 anh không ra sân trận đấu nào cho đội một. Nhưng điều đáng quý là mỗi lần trở lại sau chấn thương, Rosicky lại thi đấu hết mình như thể chẳng sợ rủi ro nào có thể xảy đến với bản thân.
Trận đấu cuối cùng trong màu áo “Pháo thủ”, Rosicky vào sân từ phút 71 sau hơn nửa năm ngồi ngoài vì chấn thương. Nhưng chẳng bao lâu sau, một cơn đau lại đến sau pha tiếp bóng không tốt. Và Rosicky quyết định không nói với ai về điều đó cho đến khi tiếng còi chung cuộc vang lên, kể cả Arsene Wenger bởi đội bóng đã thực hiện hết 3 quyền thay người. Đó chính là tinh thần mạnh mẽ của thứ âm nhạc heavy metal mà anh yêu thích.
Cesc Fabregas từng chia sẻ về nghị lực của người đàn anh của mình như sau: “Tôi đã dành nhiều thời gian bên anh ấy và biết anh ấy cảm thấy thế nào. Tôi biết anh ấy mong muốn điều gì và tôi chưa từng thấy ai quyết tâm, chuyên nghiệp và có tinh thần không bỏ cuộc lớn như anh ấy. Nếu những chấn thương ấy xảy ra với tôi, có thể tôi không còn muốn nói chuyện với ai nữa, tôi sẽ thất vọng và tức giận”.
Bên trong hình hài một nghệ sĩ sân cỏ ấy là tinh thần không lùi bước, dẫu anh không thể nào chống lại sự khắc nghiệt của cuộc sống. Nhưng Rosicky vẫn chiến đấu, vẫn cố gắng vì “cơ thể từ lâu nói với tôi rằng không muốn chơi bóng nữa nhưng tâm trí tôi luôn muốn tiếp tục được ra sân, giành chiến thắng và tiến về phía trước”. Cho đến một ngày buộc phải thừa nhận “cơ thể tôi hoàn toàn không còn có thể đáp ứng những gì bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu” nữa, Rosicky mới chịu dừng lại.
Những chấn thương đã lấy đi của Tomas Rosicky quá nhiều. Nhưng sau tất cả, với người hâm mộ Arsenal, những ký ức đẹp về anh sẽ luôn còn đó, là cú nã đại bác vào lưới Hamburg, là siêu phẩm phối hợp ghi bàn nhuần nhuyễn đến từng nhịp chạy trước Sunderland, là những bàn thắng vào lưới Tottenham Hotspur. Và hơn cả là 10 năm gắn bó bên nhau với nhiều niềm vui xen lẫn những nỗi buồn.