Tỏa sáng tại World Cup, tương lai De Paul ở CLB liệu có thay đổi?

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 22/12/2022 15:24(GMT+7)

Argentina đã chính thức trở thành nhà vô địch World Cup 2022. Sau tất cả, chiếc cúp vàng và nụ cười hạnh phúc đã ở lại với Lionel Messi. Đây rõ ràng là một giải đấu tuyệt vời với riêng cá nhân chàng thủ quân của La Albiceleste. Thế nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng, đằng sau màn trình diễn chói sáng ấy có sự đóng góp không nhỏ của “gã cận vệ” Rodrigo De Paul

 

Trong cuộc hành trình đến với chức vô địch World Cup sau 36 năm chờ đợi, dĩ nhiên Lionel Messi chính là ngôi sao sáng giá nhất của Argentina. Thế nhưng nỗ lực của một mình anh sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ những đồng đội. 

Lionel Messi sẽ không thể vô địch nếu thiếu những người đồng đội chất lượng như De Paul

Trong trận chung kết trước ĐT Pháp, Angel Di Maria đã tỏa sáng khi đem về 1 tình huống đá phạt đền và 1 bàn thắng. Hay những tình huống cứu thua xuất thần trong khung gỗ của thủ thành Emiliano Martinez. Đó là hai trong số những cái tên nổi bật nhất trong đội hình của đại diện đến từ Nam Mỹ. Pha đảo bóng đánh lừa Ousmane Dembele của Di Maria, hay pha đổ người “uy tín” của Martinez để ngăn chặn tình huống dứt điểm từ Randal Kolo Muani thời điểm cuối hiệp phụ, sẽ luôn đi vào tiềm thức những người yêu mến Argentina suốt một quãng thời gian dài. 

Tuy vậy, trong tập thể ấy cũng có những cá nhân thầm lặng. Họ không bùng nổ trong một vài khoảnh khắc nhất định, ngược lại dùng nỗ lực xuyên suốt cả giải đấu để đem về vinh quanh cho đất nước. Rodrigo De Paul chính là một hình mẫu như vậy.

Nói De Paul là người hùng thầm lặng của Argentina cũng chẳng sai. Trong 3 trận vòng bảng, tiền vệ 28 tuổi đã di chuyển nhiều hơn bất cứ đồng đội nào khác. Anh di chuyển tổng cộng 52km, nhiều gấp đôi con số 26,8km của Messi. Đặc biệt trong trận đấu then chốt với Mexico, De Paul đã di chuyển tới 17,6 km. Đó là một kỷ lục của giải đấu!

Truyền thông quốc tế nói rằng De Paul giống như “người không phổi”, rồi lại nói tới chuyện anh chạy thay cho cả Messi nữa. Thật nực cười nhưng đó lại là sự thật 100%. Về cơ bản, vị trí thi đấu của De Paul là gần Messi nhất. “El Pulga” thường xuyên có xu hướng lùi sâu làm bóng ở khu vực hành lang trong biên phải trong sơ đồ tấn công của Argentina.

Bản thân De Paul cũng từng xác nhận điều này: “Rất nhiều tình huống, những nỗ lực của tôi thực hiện trên sân là để cố giúp cho anh ấy đỡ phải chạy. Như vậy, thể lực của Messi sẽ ít bị bào mòn hơn, đồng nghĩa cũng có nhiều không gian hơn để chơi bóng. Đó là điều tôi luôn nghĩ trong đầu suốt cả trận đấu”.

Bàn thắng thứ 2 của Argentina ở trận đấu với Australia là điển hình cho phong cách máu chiến của De Paul. Khi Australia triển khai bóng từ sân nhà, De Paul “săn bóng” từ hậu vệ trái đến trung vệ rồi tới thủ môn. Pha gây áp lực nước rút của tiền vệ này khiến thủ thành Mat Ryan phạm sai lầm, để Julian Alvarez đoạt bóng và ghi bàn. 

Sở dĩ Argentina có thể thuận lợi lên ngôi tại World Cup 2022, phụ thuộc rất nhiều vào lối chơi pressing quyết liệt từ hàng tiền vệ. Họ đã biến đối thủ mạnh nhất giải đấu là Pháp trải qua 45 phút hiệp 1 thảm họa trên sân vận động Lusail, khi không có nổi một pha dứt điểm về phía khung thành của Martinez. Và về khoản gây áp lực để thu hồi bóng, ở giải đấu năm nay De Paul vô đối. Xuyên suốt giải đấu, De Paul thực hiện trung bình 9,3 lần thu hồi bóng mỗi 90 phút, trong đó 4,8 lần mỗi 90 phút ở phần sân đối phương.

Argentina: Tập thể vẫn là sức mạnh
Đóng góp của Messi ở kỳ Copa America năm nay chính xác ở hai chữ "gánh team", anh là người gồng gánh, kéo cả đội vào trận chung kết. Nhưng trên chặng đường ấy vẫn phải có sự tỏa sáng của Martinez, của Di Maria, của Lautaro, của De Paul và những người khác
Rodrigo De Paul: Gã cận vệ tận tâm của đại ca Leo Messi
“Tôi rất quan tâm đến Leo, và tôi biết anh ấy cũng rất quan tâm đến tôi,” Rodrigo De Paul chia sẻ trước thềm World Cup. “Ngoài sân cỏ, chúng tôi rất thân thiết vì chúng tôi là những con người vui vẻ, chúng tôi là bạn. Và tôi đang có một khoảng thời gian thật tuyệt vời với những người bạn của mình.”
De Paul không những là máy chạy mà còn là cỗ máy thu hồi bóng tại World Cup 2022

Thế nhưng ít ai biết rằng một nhân tố chơi nổi bật như vậy trong màu áo ĐTQG lại đang thiếu đất diễn trong màu áo CLB ở mùa giải này. Thậm chí từng có thông tin cho rằng BLĐ Atletico Madrid sẵn sàng lắng nghe đề nghị chuyển nhượng dành cho bản hợp đồng từng khiến họ chi ra 35 triệu euro ở mùa hè 2021. Vậy đâu là sự khác biệt của De Paul phiên bản Argentina và De Paul tại Atletico? 

Hồi tháng 9/2022, khi được các phóng viên Tây Ban Nha hỏi về sự chậm hòa nhập của De Paul tại Atletico, HLV Diego Simeone đã nhanh chóng đáp rằng vấn đề nằm ở tinh thần. Cụ thể hơn, chiến lược gia 52 tuổi chia sẻ: “De Paul là một cầu thủ giỏi như thế nào tại Udinese, chúng ta đều đã được chứng kiến. Tôi bị thu hút bởi tài năng của cậu ấy và đó là lý do cậu ấy có mặt ở đây ngày hôm nay. Nhưng các bạn nên nhớ rằng De Paul đã thi đấu ở Udinese 5 mùa giải, trong khi mới chuyển đến Atletico năm ngoái. Cậu ấy phải bắt đầu với một môi trường chơi bóng mới và những người đồng đội mới. Nó cũng khác với tại ĐTQG, khi các cầu thủ đã thấu hiểu nhau, có thể tự tin giao tiếp, tự tin nói rằng ‘tôi muốn đá kiểu này, kiểu kia’. Đó là sự khác biệt lớn đấy!”

Không giống như trong màu áo Argentina, sự nghiệp của De Paul tại Atletico bị đặt nghi ngờ.

Tại La Liga mùa trước, De Paul chỉ góp dấu giày trong 4 bàn thắng của Atletico. Ngoài ra, điểm mạnh về thu hồi bóng cũng không được phát huy triệt để như trên ĐTQG. Anh chỉ thực hiện trung bình 5,2 lần mỗi 90 phút, với 2,8 lần ở phần sân đối phương. Sang đến mùa giải 2022/2023, mọi thứ dường như chưa có dấu hiệu thay đổi.

Kể từ đầu mùa, De Paul đã thi đấu 18 trận, đá chính 10 trận. Tuy nhiên chỉ 2 trận đấu anh được HLV Diego Simeone bố trí đá trọn vẹn 90 phút. Anh cũng mới chỉ đóng góp 2 bàn thắng và 1 pha kiến tạo thành bàn. Đó là một thông số quá khiêm tốn với những gì mà De Paul làm được trước khi cập bến Wanda Metropolitano.

Nguyên nhân chính cũng xuất phát từ vị trí thi đấu. Trong màu áo ĐTQG, De Paul được HLV Lionel Scaloni bố trí đá lệch phải trong sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm. Khi đội nhà tấn công và dồn ép đối thủ, sơ đồ 4-3-3 sẽ được chuyển sang 3-4-3. Khi đó Nahuel Molina sẽ chơi như một trung vệ thứ 3, đẩy De Paul lên đá như một tiền vệ cánh phải, đồng thời Messi có xu hướng bó vào trong đá như một tiền đạo lùi.

Sự biến hóa này cho phép anh chơi tự do hơn, di chuyển nhiều hơn, thay vì “đóng đinh” ở trung tâm hàng tiền vệ như ở Atletico. Tuy vậy, để thích nghi với vai trò mới mẻ này, bản thân De Paul cũng cần thời gian. Ở trận đấu đầu tiên tại World Cup 2022 trước Saudi Arabia và cũng là trận thua duy nhất của Argentina suốt cả giải đấu, De Paul mất bóng tới 15 lần, đồng thời tỉ lệ chuyền bóng chính xác chỉ đạt 76%, thấp nhất trong một trận đấu mà anh đá chính kể từ đầu năm 2022. Rất may, điều này đã được cải thiện đáng kể ở những trận đấu tiếp theo, đặc biệt là khi Argentina bước vào vòng Knock-out.

Vị trí thi đấu khác nhau, cách xây dựng đội hình khác nhau, ngay cả định hướng chiến thuật giữa ĐT Argentina và Atletico cũng có sự đối lập. Một bên là lối đá ưa chuộng tấn công, dồn ép đối thủ. Một bên là chiến thuật thực dụng, đề cao sự chắc chắn trong phòng ngự, trước khi nghĩ về việc sút tung lưới đối thủ. Điều này giống như hai gam màu đối lập. 

Chỉ hi vọng rằng sau khi đăng quang tại World Cup, De Paul sẽ mang thứ tinh thần của một nhà vô địch về Atletico – nơi mà HLV Diego Simeone và các đồng đội chắc chắn sẽ nhìn anh bằng một ánh mắt khác. 

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Quyền trượng "thời gian" của Hansi Flick ở Barca

Theo thời gian, Hansi Flick dần đã có được một đội hình dày hơn ở Barça, sau khi những cầu thủ chấn thương dần bình phục và trở lại. Điều này cho phép chiến lược gia người Đức có thêm biên độ để xoay tua lực lượng, bảo vệ thể trạng các học trò trước nguy cơ bị quá tải. Song, đó không phải là lý do duy nhất khiến một số cầu thủ ở Barça phải ngồi dự bị.

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.