Tờ giấy dán tường gói lấy thế giới quan đi trước thời đại của Johan Cruyff

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Ba 25/06/2024 16:49(GMT+7)

Tờ giấy dán tường có họa tiết hoa hồng này đã lỗi thời, được tìm thấy trong một tủ quần áo tại một phòng nghỉ Airbnb ở Tây Ban Nha cách đây 12 năm.

 

Được gấp lại bốn nếp và gần đây bị chôn vùi dưới đáy một thùng đồ chuyển nhà, khi mở ra, nó có thể trải rộng trên toàn bộ bàn ăn. Mặt sau của tờ giấy được ghi dày đặc bằng những nét chữ nguệch ngoạc, một nửa bằng tiếng Hà Lan, một nửa bằng tiếng Anh, đưa người đọc vào thế giới quan của Johan Cruyff và những ý tưởng của ông cho tương lai của Ajax Amsterdam.

Đây là một tài liệu chưa từng được công bố trước đây, giúp giải thích bản chất của bóng đá châu Âu hiện đại như chúng ta biết ngày nay.

Johan Cruyff là một người với nhiều cuộc đời. Đó là Cruyff cầu thủ và là Cruyff HLV - chỉ cần sống một trong hai cuộc đời này, ông vẫn được coi là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất của môn thể thao vua. Còn khi kết hợp cả hai? Một người khổng lồ.

Là một cầu thủ, ông đã giành được 8 chức vô địch Eredivisie và 3 Cúp C1 châu Âu cùng Ajax, trước khi chuyển đến Barcelona với mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới thời bấy giờ và lập tức chinh phục chức vô địch LaLiga ngay trong mùa giải đầu tiên. Năm 1974, ông đưa Hà Lan vào đến chung kết World Cup. Ông cũng giành được 3 Quả bóng Vàng. Nhưng vẫn còn đó những chi tiết khẳng định giá trị của Cruyff và chúng không thể gói gọn trong mỗi cái bảng thành tích ấy - tốc độ, bộ pháp, khả năng phối hợp nhịp nhàng và lối chơi hào hoa mang vẻ đẹp thuần túy, không thể pha trộn.

Với tư cách HLV, Cruyff đã truyền lại di sản bóng đá của mình. Thời còn ở Ajax, ông đào tạo ra một thế hệ cầu thủ Hà Lan mới - Marco van Basten, Dennis Bergkamp, Frank Rijkaard, Ronald Koeman - trước khi trở lại Barcelona, nơi ông giành được 4 chức vô địch LaLiga liên tiếp và 1 Cúp C1. Một trong những học trò của Cruyff tại Barcelona là Pep Guardiola. Là người thầy của chiến lược gia người Tây Ban Nha và là kiến trúc sư của lối chơi được gọi là ‘tiki-taka’, Cruyff trở thành nhân vật ảnh hưởng đơn lẻ vĩ đại nhất đến sự nghiệp huấn luyện của người thuyền trưởng Manchester City hiện tại.

Johan Cruyff

Đầu những năm 2010, Cruyff làm cố vấn cho Barcelona, nơi Guardiola vừa mang về thêm 2 chức vô địch Champions League cho CLB. Tuy nhiên, khi Cruyff trở lại Amsterdam, lò đào tạo của Ajax đang cạn kiệt nhân tài. Mặc dù Ajax vẫn giành được các danh hiệu quốc nội, lối chơi của họ đã lỗi thời, và đội bóng này chỉ mới vượt qua vòng bảng Champions League một lần trong 10 năm trước đó. Cruyff buộc phải giúp đỡ, bất chấp những rắc rối chính trị từng đẩy ông trở lại Catalunya.

“Cruyff có một mối quan hệ yêu-ghét với Ajax,” Ruben Jongkind, cựu trưởng khâu phát triển tài năng trẻ của CLB, người đã hợp tác chặt chẽ với Cruyff trong những năm trước khi ông qua đời vì ung thư phổi vào năm 2016, cho biết. “Còn đối với vợ của Cruyff, Danny, mối quan hệ này thiên về thù hận hơn - bà ấy đã chứng kiến hết những gì Ajax từng gây ra cho chồng mình trong suốt những năm từ khi Cruyff còn là cầu thủ, HLV, cho đến khi làm giám đốc, cố vấn; bà ấy đã nhìn thấy những đau khổ và sự đâm lén sau lưng với chồng mình.”

Nhưng Ajax là một thứ gây nghiện đối với Cruyff. Ông sinh ra cách SVĐ De Meer cũ của CLB chưa đầy 1 cây số - nếu Ajax đã tạo nên Cruyff, ông sẽ tái tạo Ajax, bất chấp những mưu đồ chính trị. Thách thức để tạo nên một sự thay đổi lớn tại một tổ chức đồ sộ như vậy chính là hoạch định chiến lược.

“Johan không bao giờ ghi chép bất cứ thứ gì ra giấy,” Jongkind nói. “Có lần, chúng tôi ngồi lại để lên kế hoạch cho các buổi tập, và tôi hỏi ông ấy, ‘Giáo án tập luyện (sơ đồ các cầu thủ) của ông đâu?’ Ông ấy trả lời, ‘Anh muốn biết gì?’ Và sau đó ông ấy trình bày chi tiết trong suốt hai đến ba tiếng đồng hồ.”

Đó chính là phương pháp làm việc độc đáo của Cruyff.

Johan Cruyff khi còn khoác áo Ajax Amsterdam

“Tôi luôn tin rằng ông ấy là một thiên tài toán học,” Jasper van Leeuwen, Giám đốc Tuyển chọn Tài năng tại Học viện Ajax giai đoạn cải cách dưới thời Cruyff, cho biết. “Bạn có biết ông ấy chưa bao giờ sử dụng điện thoại di động không? Thế nên, Cruyff không lưu danh bạ - nhưng ông ấy thường mượn điện thoại của vợ mình hoặc sử dụng điện thoại bàn, và ông ấy có thể thuộc lòng tất cả các số điện thoại. Chưa kể, ông ấy dành nhiều giờ liền để chơi Sudoku.”

“Cách nói chuyện của Cruyff có phần hỗn loạn, thường xuyên nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác ngay giữa câu. Nhưng ông ấy liên tục suy tư về không gian và thời gian, và ông ấy có khả năng nắm bắt chúng một cách nhanh chóng - giống như Einstein.”

Bộ não của Cruyff cần một người phiên dịch. Khi các kế hoạch cải cách Ajax bắt đầu được triển khai, Jongkind đang trong kỳ nghỉ đông tại Tây Ban Nha. Ông nghe thấy nhạc chuông điện thoại của mình - đó là cuộc gọi từ Cruyff qua điện thoại của người vợ Danny - và vội vàng tìm kiếm một tờ giấy lớn đủ để phác thảo các kế hoạch của người cố vấn.

Tất cả những gì có, ở phía sau tủ, chỉ là cuộn giấy dán tường hoa hòe.

Cùng nhau, hai con người này đã lập bản đồ tư duy về toàn bộ tầm nhìn của Cruyff cho Ajax - sẵn sàng trình bày cho ban quản trị khi họ trở về Amsterdam. Nhưng nó chưa bao giờ được công khai cho đến tận bây giờ.

Một cách cẩn thận, tránh những vết cà phê ướt trên bàn, Jongkind mở cuộn giấy ra.

 

Nửa thế kỷ trước vào tháng này, Cruyff từng dẫn dắt Hà Lan vào đến trận chung kết World Cup 1974, chạm trán chủ nhà Tây Đức. Lối chơi tấn công thanh thoát, biến hóa của Hà Lan - được xây dựng dựa trên nền tảng của Ajax trong 5 năm trước đó - được biết đến với cái tên totaalvoetbal (bóng đá tổng lực).

Tuy nhiên, khó có thể gọi đây là khoảnh khắc đỉnh cao của Cruyff, bởi nó thiếu đi thời khắc đăng quang - trận chung kết kết thúc với thất bại 2-1. Mặc dù vậy, đấy lại là tháng đã định hình nên bản sắc bóng đá của một quốc gia. Kể từ năm 1938, Hà Lan thậm chí không thể vượt qua vòng loại World Cup. Thứ bóng đá tổng lực mà Cruyff xây dựng đã thiết lập những lý tưởng không chỉ định hình nền tảng cho bóng đá Hà Lan, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến môn thể thao này trong kỷ nguyên hiện đại.

Một điểm độc đáo trong chiến thuật của Hà Lan thời kỳ đó là việc áo đấu cầu thủ được đánh số theo thứ tự bảng chữ cái thay vì theo vị trí thi đấu - ngoại trừ Cruyff, người vẫn mặc chiếc áo số 14 huyền thoại. Điều này khiến thủ môn có thể mang áo số 8 và tiền vệ trung tâm mang áo số 3. Tuy nhiên, những sự linh hoạt này chính là phản ánh cho tầm nhìn của Cruyff và HLV trưởng Rinus Michels.

Thông qua sự hoán đổi vị trí linh hoạt - các cầu thủ có khả năng hoạt động ở bất kỳ vai trò nào trên sân thay vì tuân theo một sơ đồ cứng nhắc - Hà Lan đã tạo ra một thương hiệu bóng đá tàn nhẫn nhưng đẹp mắt. Trên hành trình tiến vào chung kết, họ đã đánh bại những tên tuổi lớn như Brazil và Argentina. Thậm chí, một số khía cạnh trong lối chơi của họ đã vượt xa thời đại 40 năm.

“Jan Jongbloed không phải là thủ môn giỏi nhất,” Keje Molenaar, cựu hậu vệ phải của Ajax và Hà Lan, người đã thi đấu cùng Cruyff trong 2 năm, phân tích. “Nhưng anh ấy có thể di chuyển tới 20 thước ra khỏi vùng cấm, lấp vào các khoảng trống - Jongbloed giống như một cầu thủ thứ 11 ở xa khung thành (outfield).”

“Điều đặc biệt đối với tôi,” Wim Jonk, cựu tiền vệ của Ajax, Inter Milan và PSV Eindhoven, người đã có 49 lần khoác áo đội tuyển Hà Lan, hồi tưởng, “là cách họ di chuyển khi Johan có bóng. Có rất nhiều cầu thủ tham gia tấn công bên trong và xung quanh vùng cấm, và rất khó để phòng ngự trước họ.”

Hôm thứ Tư tuần rồi, ngày 19 tháng 6, đánh dấu kỷ niệm 50 năm của pha bóng độc đáo mà Cruyff được nhớ đến nhiều nhất - Cruyff Turn (Cú ngoặt bóng của Cruyff). Trong kỹ thuật này, cầu thủ sử dụng mu bàn chân để hất bóng qua giữa hai chân của mình, hoàn thành một cú xoay 180 độ và đánh lạc hướng hậu vệ đối phương. Cruyff đã thực hiện pha bóng này trong trận đấu vòng bảng World Cup gặp Thụy Điển tại Dortmund, mặc dù nó không giúp Hà Lan giành chiến thắng, bởi trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0.

 

“Đó là trí thông minh thuần túy,” Jongkind giải thích khoảnh khắc tiêu biểu của Cruyff. “Trong thời gian và không gian ngắn nhất có thể, ông ấy có khả năng tìm ra giải pháp - nhưng theo một cách hoàn toàn khác biệt. Đó cũng là tư duy của Cruyff trong việc điều hành các CLB bóng đá - hãy độc đáo theo cách của bạn và làm những điều người khác không làm.”

“Điều đó làm tôi nhớ đến một trong những câu nói yêu thích của ông ấy,” Van Leeuwen nói thêm. “‘Mọi bất lợi đều có lợi thế của riêng nó’.”

Tuy nhiên, trận chung kết World Cup năm ấy lại kết thúc với một thất bại cho Hà Lan.

Sau khi vượt lên dẫn trước nhờ quả phạt đền ở phút thứ hai được mang về từ pha di chuyển khéo léo của Cruyff, Hà Lan đã bị Tây Đức, đội bóng có kỹ thuật yếu hơn, lội ngược dòng. Hà Lan bị chỉ trích là đã chơi kiêu ngạo khi dẫn trước - cố gắng ghi bàn thắng đẹp mắt để hạ nhục đối thủ. Thông thường, thất bại trong những hoàn cảnh này có thể khiến lý tưởng của một người bị lung lay. Nhưng đối với Cruyff, nó chỉ càng khiến ông trở nên kiên định.

“Đây là cách tôi hiểu Cruyff,” Jongkind chia sẻ. “Tất nhiên, ông ấy muốn chiến thắng. Nhưng ông ấy coi bóng đá như một phương tiện, chứ không phải mục đích cuối cùng.”

 

Cách thủ đô Amsterdam 25 phút đi xe điện về phía đông là khu phố Betondorp - theo nghĩa đen có nghĩa là Thị trấn Bê tông. Được xây dựng sau Thế chiến thứ nhất, những ngôi nhà xã hội ở đây mang phong cách tiên phong nhưng cứng cáp, không khác gì người con nổi tiếng nhất của nó.

“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Cruyff là khi cậu ấy mới 8, 9 tuổi,” Sjaak Swart, người có biệt danh là Quý ông Ajax, người đã sát cánh cùng Cruyff thi đấu cho CLB và ĐTQG trong 9 năm, với 603 lần ra sân dưới màu áo Ajax, nhớ lại. Nay đã 85 tuổi, ông Swart có biệt danh dành riêng cho Cruyff, kém ông 9 tuổi: ‘Jopi’. “Cứ mỗi thứ Bảy, tôi lại đến SVĐ sớm để xem cậu ấy thi đấu cùng bạn bè. Dù còn nhỏ, nhưng anh ấy đã bộc lộ tài năng thiên bẩm. Sau đó, vào 4 giờ, cậu ấy sẽ làm nhiệm vụ nhặt bóng - Cruyff chỉ sống cách SVĐ có 60 mét.”

Việc xây dựng Betondorp chạm đến cốt lõi của một khái niệm Hà Lan khác: Maakbaarheid. Maakbaarheid là khát vọng biến đổi và kiểm soát toàn bộ môi trường vật chất - để định hình thế giới phức tạp này thành bất cứ thứ gì bạn mong muốn. Đất nước Hà Lan được định nghĩa bởi khái niệm này, được hình thành từ những vùng đất nằm dưới mực nước biển - và tấm giấy dán tường hoa hòe của Cruyff, tầm nhìn của ông dành cho toàn bộ Ajax, chính là biểu hiện cho maakbaarheid của cá nhân ông.

Cuối cùng, việc triển khai kế hoạch chỉ đến sau một cuộc chiến chính trị dai dẳng - nhiều người tại Ajax cho rằng các cải cách diễn ra quá đột ngột, quá lý tưởng hóa và quá cực đoan. Nhưng trong 5 năm tiếp theo, học viện của CLB bắt đầu sản sinh ra những nhân tài mới: Frenkie de Jong, Matthijs de Ligt, Donny van de Beek và hàng loạt cầu thủ khác hiện đang thi đấu ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Năm 2017, Ajax xếp đội hình trẻ nhất từ trước đến nay trong một trận chung kết cúp châu Âu. Hai năm sau, họ chỉ cách trận chung kết Champions League bởi màn lội ngược dòng điên rồ của Tottenham ở lượt về bán kết trên sân khách. Trong những năm gần đây, các nguyên tắc của Ajax đã được các CLB hàng đầu khác của Hà Lan, như Feyenoord và PSV, áp dụng.

Đây là nỗ lực đầu tiên của Cruyff và các trợ lý nhằm biến triết lý bóng đá của họ thành một tổng thể mạch lạc và có thể sao chép được - Kế hoạch Cruyff.

 

Tấm giấy dán tường có kích thước khoảng 1 mét vuông khi được trải ra, nội dung của nó được xây dựng xung quanh hai vòng tròn trung tâm: Ajax 1.0 và Ajax 2.0. Mặc dù Jongkind và Van Leeuwen không muốn công bố chi tiết đầy đủ - “Nó có thể dùng để xây dựng cả một CLB!” - nhưng phần lớn nội dung vẫn có thể được chia sẻ.

Ở phía bên trái, Ajax 1.0 là phân tích của Cruyff về tình trạng hoạt động của CLB thời điểm đó. Các mũi tên phân nhánh từ vòng tròn trung tâm thể hiện các lĩnh vực trọng yếu được chú thích bằng tiếng Hà Lan, bao gồm hợp tác, tài chính, bóng đá đội một, mô hình kinh doanh, đào tạo trẻ và quan trọng nhất là sứ mệnh của CLB.

Vòng tròn cuối cùng phác thảo mục tiêu cạnh tranh ở các giai đoạn sau của Champions League với một đội bóng dưới 23 tuổi. Mục tiêu này đã thành hiện thực, được xây dựng dựa trên ba chiến lược cốt lõi: sở hữu đội trẻ xuất sắc nhất, đội ngũ phát triển tài năng ưu tú và cân bằng ngân sách CLB.

Cha của Cruyff là ông Hermanus, từng qua đời vì đau tim khi cậu con trai ngôi sao tương lai mới 12 tuổi - buộc mẹ của ông là bà Petronella, phải thay đổi công việc. Sự kiện này đã gieo rắc vào Cruyff nỗi ám ảnh về an toàn tài chính, ảnh hưởng đến suốt sự nghiệp của ông về sau. Kế hoạch của Cruyff cũng đề cập đến một số cầu thủ được coi là những bản hợp đồng chuyển nhượng đắt giá nhưng không thành công, từ đó đề xuất thay đổi trọng tâm chiến lược, tập trung hơn vào việc đào tạo trẻ.

Các tính toán ở đầu trang giấy cho thấy mức đầu tư vào cầu thủ trẻ được đề xuất tăng từ 6% lên 7,5% tổng ngân sách CLB. Mặc dù có vẻ không đáng bao nhiêu, nhưng đây là con số đáng kể đối với một CLB chỉ chi khoảng 100 triệu euro mỗi mùa giải.

Theo lời kể của Jongkind, “đây chính là nguồn cơn gây ra tranh cãi nội bộ. “Ban lãnh đạo lúc đó không muốn vậy, vì họ không tin tưởng vào giá trị hiệu quả của việc đầu tư cho học viện. Tuy nhiên, vài năm sau, chiến lược này đã được áp dụng và mang lại thành công rực rỡ, giúp CLB gia tăng nguồn thu qua việc bán cầu thủ trẻ, lên đến vài trăm triệu euro.”

Ngày nay, khái niệm bơm vốn cho hoạt động kinh doanh của một CLB thông qua việc bán cầu thủ trẻ được áp dụng rộng rãi, tiêu biểu là Manchester City và City Football Group (CFG) do Txiki Begiristain điều hành. Chính Begiristain được Cruyff đưa về Barcelona làm việc trước đây. Kế hoạch Cruyff được vạch ra vào năm 2012, một năm trước khi CFG được thành lập.

Tuy nhiên, thành công của chiến lược này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát triển tài năng trẻ.

Ở phía bên trái là Ajax 2.0, tập trung vào ba nguyên tắc nền tảng – “Tài năng ở khắp mọi nơi. Tài năng có thể được phát triển. Môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển”.

Phần lớn và cũng là phần nhạy cảm nhất của Kế hoạch Cruyff là các đề xuất nhằm thay đổi môi trường đào tạo trẻ tại Ajax - nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển, đồng thời thách thức tư duy bảo thủ vốn có trong ban lãnh đạo. Phần này có ghi: “Chúng ta biết nhiều về những cầu thủ giàu kinh nghiệm hơn là những cầu thủ giàu tiềm năng.”

Một trong những trọng tâm của Cruyff là giáo dục, cụ thể là phương pháp giáo dục thích hợp trong bối cảnh bóng đá - các yếu tố được ông cân nhắc tới bao gồm tự điều chỉnh, phương pháp huấn luyện cá nhân và lịch trình linh hoạt, bên cạnh các mối quan tâm tổng thể như niềm vui, khả năng tiếp cận nhà ở và giảm nghèo. Một lần nữa, bóng đá được Cruyff coi như một công cụ để đạt được các mục tiêu xã hội, thay vì chỉ là một môn thể thao đơn thuần.

 

Cruyff còn quan tâm đến mô hình sở hữu đa-CLB (multi-club ownership) – ông nhận thấy tiềm năng trong việc xây dựng nhiều mini-Ajax trên khắp thế giới. Kế hoạch của Cruyff chỉ ra nhiều địa điểm như Jamaica, Brazil và Nam Phi (được ông ví dụ như Ajax Cape Town). Mục tiêu then chốt là cải thiện điều kiện xã hội xung quanh các học viện, đồng thời đào tạo ra những tài năng ưu tú theo triết lý bóng đá của Cruyff. Tiền thu được từ việc chuyển nhượng cầu thủ sẽ được tái đầu tư trở lại vào các học viện, tạo ra một hệ sinh thái bóng đá bền vững.

Nhưng một phần của kế hoạch này, có tựa đề “Giai đoạn Hai”, cho thấy toàn bộ phạm vi lập kế hoạch dài hạn của Cruyff. Bên dưới tiểu mục “Ajax Anh quốc” là tên của một CLB - Brentford.

Vào thời điểm đó, đội bóng phía tây London đang ở giải hạng ba của Anh, với chủ sở hữu Matthew Benham đã nắm toàn quyền điều hành chưa đến 6 tháng trước đó. Tuy nhiên, Cruyff không chỉ để mắt đến CLB mà bấy giờ vẫn còn chơi ở League One, ông còn nhận ra sự đồng điệu trong những gì họ đang làm vào thời đó.

“Ngay từ thời điểm đó, Brentford đã thể hiện tư duy khác biệt và sáng tạo,” Jongkind, cộng sự của Cruyff, chia sẻ. Chín năm sau khi được Cruyff liệt kê vào kế hoạch, Brentford đã thăng hạng để lần đầu tiên lên chơi ở Premier League, minh chứng cho tính hiệu quả của chiến lược này.

Có thể nói, Kế hoạch Cruyff dường như là sự cộng hưởng của mô hình CFG (cách một CLB có thể thống trị ở môi trường của riêng nó) và mô hình của Brentford và Brighton & Hove Albion (ở cấp độ châu Âu, Ajax có thể giành chiến thắng trước các đối thủ có ngân sách lớn hơn nhiều so với họ).

Một cách riêng rẽ, Jongkind và Jonk - hiện là Giám đốc Học viện Ajax - đã phối hợp chặt chẽ với Cruyff để tinh lọc triết lý bóng đá của ông thành 8 nguyên tắc cốt lõi. Những nguyên tắc này có tính ứng dụng rộng rãi, có thể được triển khai để huấn luyện ở mọi cấp độ tại một CLB. Tại Barcelona, trong thời gian Cruyff dẫn dắt đội bóng, các nguyên tắc này đã được áp dụng thành công và sau đó được kế thừa bởi Pep Guardiola và Txiki Begiristain. Tuy nhiên, trước đây, nền tảng chiến thuật của Cruyff thường được truyền đạt một cách lỏng lẻo, không theo cấu trúc, và chủ yếu được tiếp thu thông qua quá trình thực hành, quan sát.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ tạp chí bóng đá Hà Lan Voetbal International (VI) vào năm 2016, Ronald Koeman, HLV trưởng tuyển Hà Lan hiện tại và là cựu cầu thủ, HLV tại Barcelona, từng chia sẻ: “Johan là người hoàn toàn dựa vào trực giác. Khi đến sân tập vào buổi sáng, ông ấy thường không có sẵn một giáo án chi tiết hay kế hoạch cụ thể gì. Mọi thứ đến với ông ấy một cách ngẫu hứng và dựa trên cảm nhận.”

“Tôi và Johan lúc nào cũng trao đổi qua điện thoại,” Jonk nhớ lại. “Chúng tôi tự hỏi lẫn nhau: thế nào là bóng đá đẹp mắt, thế nào là bóng đá tấn công và làm thế nào để triển khai lối chơi tấn công một cách đơn giản nhất có thể? Đó chính là lý do chúng tôi bắt đầu xây dựng bộ khung gồm 8 nguyên tắc cốt lõi. Chúng tôi không muốn quá nhiều lý thuyết phức tạp, mà chỉ 8 thôi. Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo ra những cầu thủ có cường độ thi đấu cao, nhưng đồng thời cũng phải sở hữu khả năng sáng tạo.”

Tám nguyên tắc họ đưa ra là:

  • Thu hẹp sân bóng (khi phòng thủ)
  • Gegenpressing (giành lại bóng ngay lập tức)
  • Tấn công chiều sâu trước khi ra biên (đường chuyền đầu tiên luôn phải hướng về phía trước)
  • Tạo ra một người thừa ở khu trung tuyến
  • Người thứ ba di chuyển (tạo ra cơ hội cho các cầu thủ mà vốn dĩ không thể kết nối được bằng một đường chuyền trực tiếp)
  • Tạo ra các tình huống một-đối-một
  • Hoán đổi vị trí linh hoạt (các cầu thủ cần có khả năng chơi được nhiều vai trò)
  • Phòng thủ dâng cao về phía trước

Xét tổng thể, đấy chính là phiên bản đơn giản nhất của một phong cách bóng đá đang thịnh hành trên toàn cầu, đặc biệt được thể hiện rõ nét qua lối chơi của Manchester City dưới thời Pep Guardiola tại Premier League.

Theo Van Leeuwen, “Trước đây, chiến thuật thường tập trung vào việc xây dựng sơ đồ đội hình. Tuy nhiên, Johan Cruyff lại mong muốn lối chơi linh hoạt hơn, nhưng vẫn dựa trên những nguyên tắc cốt lõi không thể thỏa hiệp.”

Tư duy bóng đá này được tóm gọn trong Kế hoạch Cruyff, với tiêu đề - ‘Op weg naar georganiseerde chaos’. Có nghĩa là ‘Hướng tới Bóng đá Hỗn loạn có Tổ chức’.

Ronald Koeman từng kể về chuyện ông chuyển đến Barcelona từ PSV vào năm 1989.

Đầu những năm 80, khi còn thi đấu cho Groningen, Koeman đã từng đối đầu với Cruyff và Ajax. Lúc bấy giờ, sự nghiệp của hai người đang ở hai giai đoạn trái ngược nhau. Sau này, Koeman lại được chính Cruyff dẫn dắt tại CLB của Amsterdam. Thú vị thay, trận ra mắt Ajax của Cruyff vào năm 1964 lại là gặp chính Groningen, đội bóng khi đó có sự góp mặt của Martin Koeman, cha của Ronald.

Khi sang Catalunya khoác áo Barcelona, Koeman đã chọn thuê nhà ngay cạnh nhà của vị HLV đáng kính. Vợ của Cruyff, bà Danny, đã trở thành nguồn hỗ trợ, động viên cho bạn đời của Koeman, bà Bartina.

Một chi tiết thú vị cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa hai thầy trò là quy tắc “cấm xả nước” của Koeman. Nếu Bartina về nhà muộn vào đêm khuya, Koeman sẽ yêu cầu bà không xả nước vì sợ tiếng ồn sẽ lọt qua bức tường chung và khiến Cruyff nghi ngờ tính chuyên nghiệp của ông.

Điều này cũng lý giải một phần ảnh hưởng của Cruyff lên lối chơi của các đội bóng do Koeman dẫn dắt.

Trong khuôn khổ 8 nguyên tắc bóng đá mà Cruyff đặt ra, các HLV của Ajax cùng nhà báo người Hà Lan Pieter Zwart, tổng biên tập của tờ VI, tin rằng tuyển Hà Lan đã thể hiện được 5 nguyên tắc trong trận đấu với Ba Lan ở trận ra quân Euro 2024.

“Xavi Simons là nhân tố chủ chốt, do Denzel Dumfries dâng cao bên cánh phải,” Zwart lý giải. “Điều đó có nghĩa là Simons có thể chuyển thành tiền vệ thứ tư, và đôi khi với Memphis Depay lùi xuống từ vị trí tiền đạo, cậu ấy có thể trở thành tiền vệ thứ năm. Khi họ triển khai tấn công ở phần sân đối phương, Nathan Ake cũng dâng cao từ vị trí hậu vệ trái, tạo ra thêm phương án tấn công bằng cách trở thành một người thừa ở trung tuyến.”

“Các bạn có thể tham khảo lại video clip nổi tiếng của Cruyff giải thích về sơ đồ kim cương - về cơ bản ông ấy đang minh họa những gì Ake đã làm trong trận đấu đó.”

 

 

Tuy nhiên, Koeman không hoàn toàn cứng nhắc theo lý tưởng của người thầy cũ.

Theo truyền thống, Koeman cho rằng một đội bóng chỉ có thể chơi theo phong cách này nếu họ sở hữu những cầu thủ xuất sắc nhất - vì vậy, trong khi Guardiola có thể thành công tại City, thì tuyển Hà Lan hiện tại không cho phép Koeman tự do áp dụng.

Jonk giải thích: “Koeman có chút cảm hứng từ Cruyff, nhưng đối với tôi, ông ấy không phải là HLV ưa thích mạo hiểm. Trong trận gặp Ba Lan, sau khi kiểm soát bóng tốt, họ bắt đầu chơi thụ động - và nếu Hà Lan bắt đầu thụ động, thì chúng ta sẽ gặp khó khăn.”

Molenaar, cựu cầu thủ từng thi đấu với cả Cruyff và Koeman tại Ajax, đồng tình: “Họ là những nhà cầm quân có cá tính rất khác nhau. Johan phiêu lưu mạo hiểm hơn nhiều. Điều duy nhất còn lại dấu ấn của Cruyff là sơ đồ 4-3-3 cơ bản. Tôi cho rằng Koeman hơi thận trọng. Hãy nhớ rằng ông ấy có xuất thân hậu vệ. Johan sẽ không bao giờ có tư duy như vậy.”

Một phần lý do khiến triết lý bóng đá của Cruyff không còn được áp dụng rộng rãi ở tuyển Hà Lan là những gì đã xảy ra vào cuối năm 2015. Giữa những cuộc tranh cãi nội bộ tại Ajax về việc triển khai Kế hoạch Cruyff, 14 thành viên của đội ngũ đào tạo tại học viện đã rời đi, bao gồm cả Jongkind và Jonk. Tháng 3 sau đó, Cruyff qua đời vì ung thư phổi ở tuổi 68.

 

Đã có sự suy giảm đáng kể về hiệu quả đào tạo trẻ của học viện Ajax. Trong trận ra quân Euro 2024 của Hà Lan, không một cầu thủ hiện tại hay thậm chí là cựu cầu thủ Ajax nào góp mặt ở đội hình xuất phát của Koeman. Hiện tại, PSV Eindhoven và Feyenoord đang đào tạo nhiều cầu thủ hơn cho đội tuyển quốc gia - trong khi vẫn sử dụng một số ý tưởng của Cruyff. Ở PSV, họ đã chuyển sang áp dụng các nguyên tắc thay vì tuân thủ vào các sơ đồ chiến thuật cứng nhắc, với sự chú trọng hơn vào khâu giáo dục và tâm lý.

Theo nhiều cách, mặc dù hình ảnh của Cruyff được đặt làm biểu tượng cho SVĐ Amsterdam Arena của Ajax, được đổi tên thành SVĐ Johan Cruyff vào năm 2018 sau khi ông qua đời, di sản của ông lại được duy trì và phát huy ở nước ngoài, hoặc tại các đối thủ của Ajax, hơn là bởi chính CLB quê hương ông.

“Barcelona tiếp nhận những ý tưởng mới dễ dàng hơn Ajax,” Jongkind chia sẻ. “Ở Hà Lan, chúng tôi có một câu nói: ‘Nếu đầu bạn nhô cao khỏi đám cỏ, chúng tôi sẽ cắt nó đi’.”

Tại Euro 2024, tầm ảnh hưởng rộng khắp của Johan Cruyff tiếp tục thể hiện rõ ràng. Những thành công của Pep Guardiola tại Barcelona, Bayern Munich và Manchester City đã thúc đẩy việc áp dụng triết lý bóng đá của ông trên khắp lục địa. Tuy nhiên, chính Cruyff mới là người đặt nền móng cho một số điều chỉnh chiến thuật nổi tiếng nhất của nhà cầm quân người Tây Ban Nha.

“Nếu chúng ta quan sát những gì Guardiola đang làm hiện tại, với khối vuông nơi hàng tiền vệ, các hậu vệ biên ở trung tuyến, thì Cruyff đã triển khai chiến thuật này với Barcelona từ năm 1996,” Zwart giải thích. “Nhìn lại đội tuyển Hà Lan cách đây 50 năm, có thể thấy ảnh hưởng của họ lên lối chơi của Tây Ban Nha. Đáng chú ý, đội tuyển Đức cũng đang thể hiện nhiều nguyên tắc của Cruyff.”

Julian Nagelsmann, người hâm mộ cuồng nhiệt của Cruyff và Guardiola, đang xây dựng đội tuyển Đức dựa trên nền tảng các tuyến dâng cao và counter-pressing cực độ. Bộ tứ tấn công gồm Florian Wirtz, Kai Havertz, Ilkay Gundogan và Jamal Musiala là ví dụ điển hình nhất về các phối hợp hoán đổi vị trí linh hoạt tại giải đấu này.

Julian Nagelsmann

Ông Kees van Leeuwen, cựu tuyển thủ Hà Lan, thì nhận định: “Chỉ có hai cầu thủ Hà Lan thực hiện hoán đổi vị trí trong trận gặp Ba Lan là Tijjani Reijnders và Xavi Simons. Trong khi đó, hàng công của Đức đã thực hiện điều đó suốt cả trận. Tôi cũng quan sát thấy các pha người thứ ba di chuyển. Họ sẽ chuyền bóng cho một tiền đạo trước khi nhả lại cho Musiala hoặc Wirtz – và Havertz rất xuất sắc trong những tình huống này. Nếu phân tích các nguyên tắc chiến thuật của Cruyff, có thể thấy Nagelsmann đang áp dụng gần như tất cả.”

“Cách chơi của Đức hiện tại chính xác là cách Johan mong muốn,” Molenaar bổ sung. “Ông ấy luôn tâm niệm rằng bóng đá phải là sự giải trí, đó là lý do khán giả đến SVĐ. Các cầu thủ phải nỗ lực hết mình để cống hiến cho người hâm mộ. Manuel Neuer là một ví dụ điển hình. Cậu ấy là mẫu thủ môn mà Johan sẽ yêu thích. Neuer thể hiện bản lĩnh và sự chủ động trên sân.”

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Cruyff không chỉ gói gọn ở đội tuyển Đức. “Nếu chúng ta phân tích lối chơi định hướng vị trí của tuyển Anh hiện tại, đặc biệt là những gì họ đang làm với Bukayo Saka, thì tất cả đều hướng đến việc tạo ra các tình huống một-đối-một. Đây hoàn toàn là phong cách của Guardiola, được học hỏi từ Cruyff,” Jongkind giải thích.

Khi được hỏi về sáng kiến nào trong 8 năm qua mà Cruyff sẽ thích thú nhất, Jongkind và Van Leeuwen đều đồng quan điểm: “Premier League”.

“Thật điên rồ,” Van Leeuwen nói. “Bởi tất cả các đội bóng đều đang chơi theo phong cách bóng đá của Cruyff, thậm chí cả Burnley.”

Họ đặc biệt hào hứng về việc Cruyff sẽ thích thú với một số khía cạnh của Liverpool dưới thời Jurgen Klopp. Gengenpressing của đội bóng này có thể coi là anh em họ trong ‘quy tắc 3 giây’ của chính Cruyff khi đề cập đến việc giành lại quyền kiểm soát bóng.

Ông Jongkind kể lại với một nụ cười: “(HLV PSV hiện tại) Peter Bosz từng nói với Cruyff rằng ông ấy có quy tắc 5 giây. Và Cruyff bảo ông ấy nhắm mắt lại rồi đếm đến 5. Sau đó Cruyff nói ‘Lâu quá, nhỉ!’”

Đến lúc nay, cuộc trò chuyện diễn ra cởi mở, các chủ đề được trao đổi một cách thoải mái. Hình ảnh ẩn dụ về giấy dán tường tạm gác lại, bởi lẽ, dù mang nhiều giá trị tham khảo nhưng để vạch ra toàn bộ di sản bóng đá của Cruyff thì cần đến khối lượng tài liệu đồ sộ hơn cả lượng nước trong các kênh đào của Amsterdam. Giống như một số chân lý toán học vẫn chưa thể được định nghĩa một cách trọn vẹn, một tờ giấy đơn thuần không thể nào lột tả được toàn bộ tầm nhìn của ông.

“Một trong những điều ông ấy luôn nhấn mạnh là vẻ đẹp của môn thể thao vua,” Jongkind chia sẻ về Cruyff. “Ngay cả khi đang dẫn trước 4-0, ông ấy vẫn yêu cầu các cầu thủ hướng đến khung thành đối phương vì mục đích cống hiến cho tính nghệ thuật của bóng đá - đặc biệt là khi trời mưa, để tận hưởng hình ảnh nước hắt lên từ xà ngang. Cruyff đề cao tính giải trí song hành với tính hiệu quả.”

“Tôi nhớ Cruyff,” Jonk tâm sự. “Nhớ những cuộc điện thoại của ông ấy. Bởi vì chúng tôi không chỉ trao đổi về chuyên môn bóng đá mà còn bàn luận về cuộc sống. Ông ấy luôn hướng tới những điều mới mẻ. Vì vậy, đúng thế, tôi thường xuyên nghĩ về ông ấy. Đối với tôi, Cruyff không khác gì người cha thứ hai. Cruyff là như vậy trong mắt tôi.”

(Dịch từ tác phẩm tuyệt đỉnh của Jacob Whitehead trên The Athletic)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lá Quốc kỳ trong tay Đỗ Duy Mạnh

Sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tối 2/1 tại chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, Đỗ Duy Mạnh ăn mừng đầy tự hào với lá cờ Việt Nam tại sân Việt Trì; hình ảnh này, mang nhiều ý nghĩa hơn thế.

Antonee Robinson: Hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất Premier league hiện tại

Khi một hậu vệ trái có thể kiềm hãm được Bukayo Saka và Mohamed Salah trong 2 trận đấu liên tiếp ở Premier League, dĩ nhiên anh ta sẽ thu hút nhiều sự chú ý. Khi anh ta không chỉ có một màn trình diễn khả năng phòng ngự xuất sắc mà còn có thêm 2 pha kiến tạo trước Liverpool trong một trận hòa 2-2 ở Anfield, hàng loạt câu hỏi sẽ được đặt ra.

Cody Gakpo: Ổn định để tỏa sáng!

Vào đêm Boxing Day năm 2022, PSV Eindhoven đưa ra thông báo chính thức rằng CLB Hà Lan và Liverpool đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng tiền đạo Cody Gakpo.

Charles De Ketelaere: Gọi giấc mơ về xứ Bergamo

Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.