Thương vụ Mbappe đến Real Madrid sẽ có ý nghĩa như thế nào với các bên liên quan?

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 09/06/2024 15:07(GMT+7)

Zalo

Có lẽ chúng ta sẽ phải đợi đến khi chàng trai người Pháp ấy tâng bóng ở Santiago Bernabeu trước giới truyền thông và người hâm mộ thì mới được thấy anh khoác lên mình chiếc áo đấu Real Madrid, nhưng chuyện gì phải đến cuối cùng cũng đã đến. Với một dòng thông báo ngắn gọn vào rạng sáng thứ Ba vừa qua, Los Blancos đã xác nhận Kylian Mbappé đã chính thức ký hợp đồng với họ.

image
 

Vậy là sau gần nửa thập kỷ, cuộc chiến giữa Mbappé, chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid, các đời HLV trưởng của Paris Saint-Germain trong khoảng thời gian ấy, chủ tịch Nasser Al-Khelaifi của PSG, và thậm chí là cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cuối cùng cũng đã kết thúc.

Mặc dù đây là một thương vụ được cho là sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra, nhưng thực sự thì nó vẫn là một trường hợp khá hiếm gặp trong thế giới bóng đá. Xưa nay, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiếm khi thay đổi CLB bởi vì bất kỳ đội bóng nào đang sở hữu anh ta đều A) rất quyết tâm giữ chân anh ta, và B) có đủ sức mạnh tài chính để làm điều đó.

Lần gần đây nhất một cầu thủ xuất sắc nhất thế giới thay đổi đội bóng là trường hợp Lionel Messi chuyển tới Paris Saint-Germain vào mùa hè năm 2021 vì tình trạng khủng hoảng tài chính của Barca. Nhưng khi ấy Messi đã 34 tuổi.  Còn lần gần đây nhất một cầu thủ xuất sắc nhất thế giới đang ở trong thời kỳ đỉnh cao phong độ thay đổi đội bóng là trường hợp Cristiano Ronaldo chuyển từ Manchester United sang Real Madrid vào năm 2009, hay cũng có thể xem là trường hợp Ronaldo Brazil gia nhập Real Madrid từ Inter Milan vào năm 2002. 

Từ những thương vụ trên, chúng ta có thể đưa ra kết luận rằng, trong những vụ chuyển nhượng hiếm hoi này, khi một siêu sao trẻ trung, có uy tín hàng đầu thế giới thay đổi đội bóng, anh ta có khuynh hướng gia nhập Real Madrid. Giờ thì hãy phân tích xem những tác động có thể xảy đến đối với cầu thủ đó và CLB mới của anh ta.

THƯƠNG VỤ NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI KYLIAN MBAPPÉ

Mặc dù đã phải hi sinh một khoản thu nhập đáng kể với quyết định rời bỏ PSG để đến Madrid, nhưng bù lại thì Mbappé đã được gia nhập một đội bóng có thể thực sự mang tới cho anh cơ hội giành Quả Bóng Vàng.

Rất khó để nói rằng PSG từng hiện diện ở trung tâm của bóng đá châu Âu. Họ có lợi thế tài chính quá khủng khiếp so với phần còn lại của giải VĐQG Pháp, tới mức nó khiến cho các danh hiệu cá nhân và tập thể mà đội bóng này đạt được tại đây về cơ bản trở nên gần như vô nghĩa khi đặt giữa bối cảnh chung hoành tráng hơn của thế giới bóng đá. Đúng là PSG đã liên tục vô địch Ligue 1, nhưng hãy nhìn số tiền mà họ đã chi và chất lượng đội hình của họ so với phần còn lại của giải đấu này mà xem!

Nói cách khác, cách duy nhất để bạn có được một mùa giải mang ý nghĩa thực sự lớn lao đối với thế giới bóng đá trong tư cách một cầu thủ của PSG là bạn phải vô địch World Cup hoặc Champions League. Tuy nhiên, nếu bạn chơi cho Real Madrid hoặc một đội bóng Premier League, thì thành tích quốc nội của bạn sẽ có sức nặng rất đáng kể. 

Thực chất thì thành tích tại các giải đấu quốc nội thường đóng vai trò rất quan trọng. Champions League là một giải đấu mang tính ngẫu nhiên bao gồm không quá 13 trận đấu, và trong đó không ai chơi cùng một lịch trình cả. Còn một mùa giải VĐQG thì sẽ có cùng một lịch trình thi đấu cho tất cả mọi người, không hề có chuyện “rút thăm may mắn”. Những đội bóng xuất sắc nhất và những cầu thủ xuất sắc nhất sau 38 trận đấu đích thực là những đội bóng xuất sắc nhất và những cầu thủ xuất sắc nhất. 

Giờ thì quay lại với Mbappé. Trước hết, tôi dám khẳng định rằng: Chẳng có lý do gì để nghi ngờ về chuyện Mbappé sẽ tỏa sáng tại La Liga cả. Một trong những cách tốt nhất để xem xét thực lực của một cầu thủ tấn công là kết hợp hai dữ liệu bàn thắng kỳ vọng (xG) với kiến tạo kỳ vọng (xA). Một chỉ số thể hiện khả năng săn tìm cơ hội ghi bàn của một cầu thủ, còn chỉ số còn lại ghi nhận chất lượng của những đường chuyền kiến tạo cơ hội mà anh ta thực hiện, bất kể đồng đội nhận đường chuyền đó có tận dụng được nó hay không. 

Tính từ năm 2016, dưới đây là những cái tên dẫn đầu ở Champions League về thống kê xG+xA không tính penalty:

Thương vụ Mbappe đến Real Madrid sẽ có ý nghĩa như thế nào với các bên liên quan 1
 

Điều thú vị nhất là phần lớn con số của Mbappé đã được anh tạo nên trong khoảng thời gian trước cái thời kỳ mà về mặt lý thuyết sẽ là những năm tháng đỉnh cao phong độ của anh, tức là độ tuổi từ 24 đến 28. Chàng trai này sẽ chỉ mới bước sang tuổi 25 vào đầu mùa giải tới. 

Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI REAL MADRID? 

Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới gia nhập CLB xuất sắc nhất thế giới, một đội bóng đang sở hữu sẵn một dàn ngôi sao trẻ trung cực tài năng, và điều duy nhất mà họ còn thiếu là một tay săn bàn thượng thặng. 

Không khó để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này… phải chứ?

Đúng là tôi cũng cho rằng chúng ta đang có khuynh hướng phức tạp hóa bóng đá và mọi môn thể thao khác một cách không cần thiết khi mà công thức chiến thắng thực ra rất đơn giản, đó là mang về càng nhiều cầu thủ giỏi càng tốt, nhưng có một vấn đề thực sự đáng lưu tâm ở đây: Dựa trên lập luận kia, thì nếu bạn có thể sở hữu “bản sao” của Lionel Messi, bạn sẽ thắng nhiều trận hơn, nhưng trong một đội bóng nên có bao nhiêu “bản sao Lionel Messi” là hợp lý? 

Liệu một đội bóng sở hữu 11 Messi có mạnh hơn một đội bóng chỉ sở hữu 3 Messi, nhưng được hỗ trợ bởi những cầu thủ khác có khả năng khỏa lấp những khuyết điểm của 3 siêu sao tấn công kia? Mặc dù nếu thực sự có 1 đội bóng sở hữu 11 Messi thì chắc chắn hầu hết mọi người – gồm cả tôi – đều sẵn sàng bỏ tiền để xem họ thi đấu, nhưng theo trực giác của tôi, đội bóng 3 Messi mới là đội sẽ hoạt động hiệu quả hơn. 

Vậy, liệu Real Madrid có thể tìm được sự cân bằng sau sự xuất hiện của Mbappé trong đội hình? Theo thuật toán của FBref, cầu thủ giống với Mbappé nhất chính là Vinícius Júnior, còn người giống anh thứ nhì là Rodrygo – họ chính là 2 đồng đội mà anh sẽ đá cùng trên hàng công của Real Madrid.  

Đây không hẳn là một chuyện xấu. Ian Graham, cựu giám đốc nghiên cứu của Liverpool và là một trong những nhân vật “chủ mưu” đằng sau các thương vụ đưa Mohamed Salah, Roberto Firmino và Sadio Mané về Anfield, từng chia sẻ với chuyên gia phân tích dữ liệu bóng đá Ryan O’Hanlon của ESPN rằng CLB này đã cố tình nhắm đến những cầu thủ tấn công có bộ kỹ năng đa dạng và tương đồng nhau. Điều này đã làm cho các pha tấn công của Liverpool trở nên cực linh hoạt và khó đoán – cả 3 người họ đều có thể thực hiện tốt bất kỳ quyết định cơ bản nào (rê, chuyền hoặc sút) trong mọi tình huống.

Mbappé, Vinicius Junior và Rodrygo đều là những cao thủ rê dắt bóng và có cả khả năng dứt điểm rất đáng gờm. Tuy chẳng có ai trong 3 người họ là một chân chuyền đẳng cấp thế giới cả, nhưng cả 3 đều có thể kiến tạo nên những cơ hội dứt điểm chất lượng cao cho các đồng đội của mình bởi họ rất giỏi trong việc chiếm lĩnh những khu vực nguy hiểm. Trong hệ thống chiến thuật cực linh hoạt mà Carlo Ancelotti triển khai ở Real Madrid – ông rất tin tưởng vào khả năng “làm phép” của các ngôi sao tấn công trong đội – họ hoàn toàn có thể trở thành một tam tấu hủy diệt.

Nhưng từ góc nhìn phong cách tấn công, có một vấn đề đáng lo ngại là khu vực hoạt động mà Mbappe và Vinicius yêu thích là y như nhau. 

Dưới đây là bản đồ nhiệt các pha chạm bóng của Mbappé ở Ligue 1 mùa giải vừa qua:

Thương vụ Mbappe đến Real Madrid sẽ có ý nghĩa như thế nào với các bên liên quan 2
 

Còn đây là của Vinicius Junior:

Thương vụ Mbappe đến Real Madrid sẽ có ý nghĩa như thế nào với các bên liên quan 3
 

Trong quá khứ, Mbappé từng bày tỏ sự thích thú với việc được chơi cùng một “tiền đạo mục tiêu” (target man), nhưng bóng đá hiện nay chẳng còn nhiều tiền đạo mục tiêu tại môi trường đỉnh cao của môn thể thao này – và chắc chắn là chẳng có ai trong số đó hiệu quả hơn Rodrygo và Vinicius. Vì thế, Real Madrid sẽ phải cố gắng tìm cách sắp đặt 3 mảnh ghép thượng hạng này sao cho phát huy được hết tiềm năng của họ.

Nhưng sau đây mới là vấn đề lớn nhất: Liệu Real Madrid sẽ đá ra sao trong giai đoạn không bóng khi chơi với bộ ba tấn công này? Dù chỉ mới 25 tuổi, nhưng Mbappé đã ngừng tham gia phòng ngự từ lâu. Thường thì chuyện này chỉ xảy ra ở những cầu thủ tấn công đã quá lớn tuổi, nhưng ngôi sao người Pháp thì hầu như chẳng bao giờ pressing cả. Trong số những tiền đạo đã chơi ít nhất 900 phút ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu mùa giải qua, Mbappé đứng dưới tận vị trí thứ 318 về tần suất tắc bóng + cắt đường chuyền trên mỗi 1.000 lần chạm bóng của đối thủ. Rodrygo đứng thứ 212, còn Vinicius Jr đứng thứ 185.

Real Madrid đã có thể sống tốt ở mùa giải này dù phải chơi với một hàng tiền đạo lười phòng ngự vì họ thường nhận được sự yểm trợ cực tốt bởi 4 tiền vệ. Jude Bellingham về cơ bản đã chơi như một số 10 cùng với quyền tự do xâm nhập vòng cấm, và đóng góp phòng ngự của anh khi xét trên góc độ một tiền vệ tấn công là khá ấn tượng. Tuy là đội bóng để cho đối thủ chuyền bóng thành công nhiều thứ hai ở La Liga, nhưng Madrid chẳng hề gặp vấn đề gì với chuyện này vì phía sau các ngôi sao tấn công của họ có đến 8 cầu thủ có khả năng phòng ngự.

Giờ đây, Real Madrid sẽ phải hi sinh một tiền vệ để có chỗ đưa vào sân đấu tiền đạo lười phòng ngự nhất thế giới. Chắc chắn người đó sẽ không phải là Jude Bellingham, vì vậy nhiều khả năng đó sẽ là vị trí của lão tướng đã tuyên bố giải nghệ Toni Kroos, người ít phòng ngự nhất trong số các tiền vệ của Real Madrid. Thế nên có lẽ việc thay thế Kroos bằng Mbappé sẽ không tạo ra nhiều khác biệt. Tuy nhiên, hầu hết các hậu vệ của Madrid sẽ bước sâu hơn vào độ tuổi tam tuần trong mùa giải tới, mùa giải mà có lẽ trách nhiệm phòng ngự của họ sẽ càng nặng nề hơn nữa so với mùa giải này.

Tôi tin rằng Madrid sớm muộn gì cũng tìm được cách để mọi chuyện đâu vào đấy – Ancelotti từng tìm ra cách để James Rodríguez chơi cùng Cristiano Ronaldo, Karim Benzema và Gareth Bale – nhưng chắc chắn là họ đang vượt quá giới hạn của việc tụ họp các tài năng về một đội bóng.

CÒN VỚI PSG THÌ SAO?

Đây sẽ là một kỷ nguyên mới đối với PSG – không chỉ theo nghĩa “hậu Mbappé”. 

Kể từ khi Qatar Sports Investments tiếp quản PSG vào năm 2011, họ gần như luôn có ít nhất một siêu sao trong đội hình. Vào năm 2012, họ đã chiêu mộ Zlatan Ibrahimovic và David Beckham. Những người như Thiago Silva, Edinson Cavani, David Luiz và Ángel Di María thì không thuộc diện siêu sao (mặc dù họ đều được công nhận là những cầu thủ kiệt xuất trên toàn cầu), trong khi Marquinhos và Marco Verratti đã phát triển lên đẳng cấp tương tự nhóm này sau khi gia nhập với tư cách những tài năng trẻ. 

Vào mùa giải 2016-17, những tháng năm luôn có siêu sao trong đội ấy đã có một khoảng dừng ngắn sau khi Ibrahimovic chuyển tới Los Angeles Galaxy. Tuy Cavani, Di Maria, Thiago Silva, Marquinhos và Verratti đều là những cầu thủ đẳng cấp thế giới, nhưng PSG thiếu đi một siêu sao thực thụ trong đội. Mùa giải đó, họ đã có lần đầu tiên thất bại trong cuộc đua Ligue 1 kể từ khi được QSI tiếp quản, và tồi tệ nhất là bị Barcelona làm bẽ mặt nặng nề ở Champions League – dẫn trước 4-0 ở lượt trận đầu nhưng lại để thua tới 6-1 trong trận tái đấu ở Tây Ban Nha.

Làm thế nào để đảm bảo tình cảnh đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa? Họ đã tiếp tục vung tiền mạnh tay và mua về ngôi sao sáng nhất trong màn lội ngược dòng 6-1 của Barcelona, Neymar, đồng thời ký hợp đồng với Mbappe, cầu thủ xuất sắc nhất của đoàn quân Monaco đã đánh bại PSG để giành chức vô địch Ligue 1.

Thương vụ Neymar dường như là lời báo hiệu về một kỷ nguyên mới của bóng đá châu Âu. Barcelona chưa bao giờ để mất những siêu sao đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ cả. Nhưng sau khi PSG chấp nhận chi ra số tiền phá vỡ hợp đồng mà Neymar và Barca đã thỏa thuận với nhau – 222 triệu Euro, cao hơn gấp đôi so với mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới trước đó – Blaugrana đã chẳng còn lựa chọn nào khác. Nếu PSG có thể cùng lúc đoạt được cả Neymar và Mbappé, cầu thủ tuổi teen xuất sắc nhất mà môn thể thao này sản sinh ra kể từ sau Neymar, thì còn điều gì ngăn cản được họ làm thế với cầu thủ xuất sắc nhất của các đội bóng khác. 

Vài năm sau, thủ môn huyền thoại người Italy Gianluigi Buffon gia nhập họ và sau đó, khi cuộc khủng hoảng tài chính của Barcelona vượt khỏi tầm kiểm soát trong thời kỳ đại dịch COVID-19, PSG chính là CLB duy nhất có đủ khả năng trả lương cho cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Trong cùng mùa hè mà Messi gia nhập đội bóng này, Sergio Ramos – hậu vệ nổi tiếng nhất thế giới – và thủ môn Gianluigi Donnarumma – người sắp trở thành một nhà vô địch Euro cùng ĐTQG Italy – cũng đã đến với CLB chủ sân Parc des Princes.

Tua nhanh đến hôm nay, trong những cái tên được nhắc đến ở trên thì hiện chỉ còn Marquinhos và Donnarumma vẫn đang ở lại với PSG. Theo định giá của website Transfermarkt, đội hình của họ hiện chẳng còn lại cầu thủ nào nằm trong top 50 cầu thủ có giá trị cao nhất thế giới. Đây là một đội bóng mà chỉ mới mùa giải trước thôi bảng lương của họ đã lên tới 395 triệu USD (theo ước tính từ FBref), một con số cao hơn các CLB khác trên thế giới ít nhất 80 triệu USD.

Còn giờ thì sao? CLB lớn nhất nước Pháp và đồng thời là CLB giàu nhất thế giới vừa để mất đi một siêu sao được đánh giá là hoàn toàn có thể vươn lên tầm vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Pháp vào tay gã khổng lồ Real Madrid. Hóa ra, PSG chưa hề lật ngược được tình thế của bóng đá châu Âu – họ chỉ làm nó mất cân bằng trong vài năm mà thôi. 

Mục tiêu hàng đầu mà QSI đã đặt ra cho CLB này là vô địch Champions League, nhưng tính từ năm 2011 họ mới chỉ lọt vào được duy nhất 1 trận chung kết và 2 trận bán kết. Việc họ tiến vào được vòng bán kết Champions League mùa này phần lớn là nhờ sự may mắn trong quá trình bốc thăm chia nhánh, vì các ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch - Manchester City, Arsenal, Real Madrid và Bayern Munich – đều bị xếp cùng một nhánh.

Còn xét về thành tích ở đấu trường quốc nội thì đây thực sự là một trong những mùa giải tồi tệ nhất của họ. Một trong những thước đo tốt nhất để đánh giá thực lực của một đội bóng là sự kết hợp giữa hai thông số bàn thắng kỳ vọng (70%) và bàn thắng thực tế (30%). Nó có tên là “adjusted goal rating” (hiệu suất săn bàn đã qua điều chỉnh), và dưới đây là bảng xếp hạng những con số mà PSG đã tạo ra dưới triều đại của QSI.  

Thương vụ Mbappe đến Real Madrid sẽ có ý nghĩa như thế nào với các bên liên quan 4
 

Không phải ngẫu nhiên mà mùa giải tốt nhất của PSG trong thông số này (2019/20) cũng chính là mùa giải mà họ kiếm được tấm vé vào chơi trận chung kết Champions League.

Nếu mùa giải vừa qua là một mùa giải sa sút nghiêm trọng và đội bóng này vừa mất đi cầu thủ được cho là xuất sắc nhất thế giới hiện tại, vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra với họ sắp tới? 

Sau khi Messi và Neymar ra đi, ít nhất thì có vẻ như PSG đã có ý thức cố xây dựng một đội bóng xoay quanh Mbappé. Họ đã bắt đầu ký hợp đồng với những cầu thủ trẻ trung, chẳng quá bóng bẩy, thực sự kính nể ngôi sao người Pháp và sẵn lòng toàn tâm toàn ý phục vụ cho anh. Xưa nay, để vô địch Ligue 1 thì việc sắp xếp, lắp ghép các mảnh ghép đắt đỏ trong đội chẳng quá quan trọng, nhưng tại Champions League thì dàn sao khủng của PSG đã thường xuyên bị nghiền nát khi phải đối mặt với áp lực dữ dội từ những CLB vừa có nhiều sao, vừa có một hệ thống chiến thuật đầy gắn kết.  

Các ngôi sao có thể đánh đại các hệ thống, nhưng một đội bóng vừa có các ngôi sao, vừa có một hệ thống tốt chắc chắn sẽ đánh bại những ngôi sao không có hệ thống. PSG gần như đã chủ động hạ thấp đẳng cấp tài năng tổng thể của họ xuống để giúp HLV trưởng Luis Enrique dễ triển khai lối chơi đặt nặng khâu kiểm soát bóng của ông hơn. Nhưng hệ thống này vẫn có sự hiện diện của Mbappé trên hàng công, một cầu thủ đã ghi 35 bàn ở Ligue 1 và Champions League.

Tôi hoàn toàn đồng tình với lập luận rằng việc xây dựng một hệ thống sẽ dễ dàng hơn khi không có Mbappé trong đội hình mà thay vào đó là những cầu thủ tấn công trẻ trung, sung sức và sẵn sàng pressing thật máu lửa. Tuy nhiên, PSG dường như vẫn xây dựng được một hệ thống thực sự phù hợp dành cho Mbappé, người đã được ghi nhận chỉ số bàn thắng kỳ vọng và kiến tạo kỳ vọng vượt trội ít nhất gấp đôi so với các thành viên còn lại của đội ở Champions League mùa giải qua. Và giờ thì anh ta đã ra đi.

Thương vụ Mbappe đến Real Madrid sẽ có ý nghĩa như thế nào với các bên liên quan 5
 

Không dễ để tìm kiểm một sự thay thế tốt nhất cho tiền đạo người Pháp. Giờ đây chẳng có một siêu sao trẻ nào mà PSG có thể dễ dàng mua được cả. Những cầu thủ đã vươn lên tầm siêu sao thì hiện rất khó để chiêu mộ – chẳng hạn như Erling Haaland, hay thậm chí là Bukayo Saka – và cả những cái tên chỉ mới tiệm cận với đẳng cấp đó, như Victor Osimhen của Napoli và Lautaro Martínez của Inter Milan, cũng thế.  

Nếu là PSG, hoặc bất kỳ CLB lớn nào khác, tôi sẽ hướng mắt tới tiền đạo cánh 23 tuổi Khvicha Kvaratskhelia của Napoli, một cầu thủ chưa tiệm cận với tầm siêu sao và đang bị đánh giá thấp hơn năng lực thực tế vì những khó khăn mà Napoli đã phải trải qua sau khi đoạt Scudetto 2022-23. Thực sự thì tài năng người Georgian vẫn đang chơi tốt không thua kém gì mùa giải 2022-23, và anh chỉ mới bắt đầu bước vào thời kỳ đỉnh cao của mình.

Tuy nhiên, dù họ đi theo hướng nào đi nữa, thì cái kỷ nguyên mà PSG chăm chăm ký hợp đồng với những siêu sao đã lớn tuổi và/hoặc mong muốn rời khỏi đội bóng của mình dường như đã kết thúc, một phần vì chính CLB này muốn thế, một phần vì những cầu thủ như vậy đã không còn nữa. Xét về mục tiêu xây dựng một hệ thống mạnh mẽ, một đội ngũ thực sự gắn kết, đây có lẽ là một chuyện tốt. Nói tóm lại, giờ đây PSG cần một kế hoạch lâu dài và sự kiên nhẫn, hai thứ chưa từng hiện hữu ở đội bóng này. 

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Benjamin Pavard

Khác với giải đấu cách đây 6 năm trên đất Nga, Benjamin Pavard giờ đây đã trở thành một cầu thủ giàu kinh nghiệm trong màu áo ĐTQG Pháp, với hành trang mang bên mình là 3 giải đấu lớn tầm cỡ châu lục và thế giới. Thế nhưng từng đó có lẽ cũng không giúp anh tiếp tục lọt vào mắt xanh của HLV Didier Deschamps giống như ký ức ngọt ngào tại World Cup 2018.

Morten Hjulmand: Khẩu đại bác tầm xa

Morten Hjulmand vừa tạo nên một siêu phẩm để đời với cú đá từ xa đánh bại Jordan Pickford, giúp đội tuyển Đan Mạch có được trận hòa 1-1 trước đội tuyển Anh tại lượt trận thứ hai bảng C Euro 2024.

Federico Chiesa: Cánh én sót lại của Italia tại EURO 2024

Sức mạnh của đôi cánh với những Leonardo Spinazzola, Lorenzo Insigne và Federico Chiesa từng giúp Italia vô địch Euro 2020. Tới Euro 2024, Chiesa là người duy nhất còn trụ lại trong dàn sức mạnh đó và ngay trận ra quân của Azzurri, anh nhận giải cầu thủ xuất sắc nhất trận.

X
top-arrow