Đằng sau thành công của Thomas Tuchel: Huấn luyện tâm trí, bản năng thứ hai và ngôn ngữ ký hiệu

Tác giả CG - Thứ Năm 23/09/2021 20:00(GMT+7)

Zalo

Thomas Tuchel đang là một trong những HLV hàng đầu thế giới thời điểm hiện tại. Để đạt được điều đó, ông có những bí quyết của riêng mình.

Thomas Tuchel
 
Thomas Tuchel bắt đầu sự nghiệp huấn luyện đội một ở Mainz vào năm 2009 sau khi giành chức vô địch U19 quốc gia với đội trẻ. Gần như ngay lập tức, các cầu thủ bị ấn tượng bởi việc ông rất chú ý đến tiểu tiết và những phương pháp sáng tạo ở sân tập.
 
Học hỏi sự khác biệt là kỹ thuật mà Tuchel sử dụng từ những buổi tập đầu tiên của ông ở Mainz: khi đến phần chuyền bóng, ông luôn hô tên người được chuyền bóng tới. Vì họ đứng cách nhau 7-8 m để chuyền bóng cho nhau, giống như lứa U13, ban đầu các cầu thủ nghi ngờ liệu HLV trưởng của họ có nghiêm túc hay không. Nhưng, sự nghi ngờ nhanh chóng tan biến.
 
Tuchel tin rằng bóng đá cũng phải tiếp thu những ám hiệu của các môn thể thao khác, ví dụ bóng rổ. Ý tưởng đằng sau điều này là nếu kỹ thuật không còn hoàn toàn được thực hiện bằng ý thức vì não bận với nhiệm vụ phức tạp khác thì hành động cũng sẽ trở nên độc lập: tư thế ném biên chính xác, đường chuyền chính xác và dứt điểm đúng chỗ phải trở thành bản năng thứ hai.
 
Trong các buổi tập dứt điểm cổ điển, Tuchel bổ sung thêm các chướng ngại vật, ông muốn “gây áp lực” cho các cầu thủ. Một lần nữa, mục đích là để làm các tiền đạo cảm thấy ghi bàn trong trận đấu thì dễ hơn ở buổi tập. Tuchel muốn các cầu thủ dứt điểm theo bản năng đến vị trí thủ môn có ít cơ hội nhất để cản phá.
 
Tuchel rất thích sử dụng Footbonaut trong huấn luyện - một chiếc máy lớn được điều khiển bằng máy tính để bắn bóng vào các cầu thủ nhằm rèn khả năng kiểm soát và chuyền bóng. Công cụ này được sử dụng ở những CLB như Dortmund và Hoffenheim. Nhưng Mainz không thể tiêu tiền cho những công cụ này. 
 
Thay vào đó, Tuchel đứng ở đường biên, cầm những chiếc nón đỏ, vàng, trắng và đưa ra các tín hiệu tương tự như của Footbonaut (thông qua đèn LED). Chiến lược gia người Đức biết ông muốn gì, vì vậy ông rất vui mỗi khi ông và ban huấn luyện đưa ra một bài tập mà các cầu thủ sau đó tập tốt, đạt hiệu quả như mong muốn.
 
Để đạt được mục đích là giúp các cầu thủ thực hiện những kỹ năng cơ bản mà không cần phải suy nghĩ phân tâm, Tuchel đưa ra những quy tắc cho họ làm theo, ngay cả trong những bài tập nhỏ nhất. Ông liên tục gây sức ép để các cầu thủ phải thực hiện được.
 
Cũng giống như trong bài tập chuyền đầu tiên, Tuchel gây áp lực lên tâm trí cầu thủ trong hầu hết thời gian. Các sân bóng trở nên rất nhỏ và hẹp so với kích thước cơ bản. Sẽ luôn có áp lực lên cầu thủ cầm bóng, vì thế những đường chuyền phải được thực hiện và xử lý thật chính xác.

Thomas Tuchel
Thomas Tuchel luôn hò hét, gây sức ép lên cầu thủ. Ảnh: Getty Images
 
Có những lúc sân có “vùng cấm” - ví dụ như vòng tròn trung tâm không được di chuyển hay chuyền bóng qua, hoặc khu vực cánh sẽ bị hạn chế, điều này tùy thuộc vào đối thủ tiếp theo của họ. Chẳng hạn, Tuchel từng phân tích Stuttgart rất mạnh khi kiểm soát bóng ở cánh. Do đó, ông muốn đội bóng triển khai bóng ở trung lộ đồng thời để hở hai cánh càng ít càng tốt.
 
Tuchel thu hẹp sân bóng để nhìn nó giống đồng hồ cát. Càng gần khung thành, sân càng rộng và ở vạch giữa sân, nó hẹp giống như điểm mà cát chảy xuống ở đồng hồ cát. Tuchel yêu cầu các cầu thủ phải chuyền bóng qua giữa sân, nói một cách hình tượng thì giống như luồn kim qua lỗ. Nếu các cầu thủ đưa bóng qua vạch giữa sân, không gian sẽ lại mở rộng. Mainz đã giành chiến thắng trong trận đấu với Stuttgart đó khi các tiền vệ cánh của Stuttgart, những người ôm biên để chờ chuyển đổi trạng thái, không hỗ trợ kiềm tỏa đc cầu thủ Mainz.
 
Những cầu thủ từng làm việc với Tuchel luôn nhấn mạnh rằng họ đã tiếp thu phong cách của ông ra sao. Một cầu thủ chia sẻ: “Ông ấy thực sự đã khai sáng cho tôi. Bạn sẽ nhận ra rằng trong những năm sau, chúng tôi - những người từng tập luyện dưới sự chỉ đạo của Tuchel - không hợp với các HLV khác và phong cách huấn luyện của họ. Khi chúng tôi thực hiện cùng những bài tập chuyền với các HLV khác, đơn giản là chúng thiếu 20% cường độ”.
 
Theo cầu thủ này, các chỉ dẫn của Tuchel luôn cho đội bóng cảm giác không gì có thể xảy ra trên sân mà không nằm trong sự chuẩn bị của họ. “Bạn bước vào trận đấu mà không có chút lo lắng, thay vào đó là niềm tin. Những chỉ dẫn của ông ấy rất chi tiết. Ông ấy không chỉ chỉ ra điểm mạnh, yếu của đối thủ mà còn cho chúng tôi biết chính xác mình phải làm gì”, cầu thủ kia nói thêm.
 
Dù Tuchel thích những tiểu tiết nhưng Tuchel lại có một bài tập mà ông gần như hoàn toàn thờ ơ: đó là các tình huống cố định. Với những HLV khác, các bài tập bóng chết luôn là trọng tâm trong buổi tập cuối cùng trước một trận đấu, nhưng trong quãng thời gian ở Mainz, Tuchel từng mô tả nó là lãng phí thời gian.
 
“Chúng tôi có nhiều thứ cần cải thiện, tôi không muốn phí thời gian vào các tình huống cố định. Dù sao thì việc tập nó trên sân cũng không hiệu quả, trong cả phương diện tấn công lẫn phòng ngự. Vào mùa đông, các cầu thủ sẽ bị cảm lạnh vì đứng đó cả ngày”, chiến lược gia người Đức khẳng định. Các tình huống cố định chỉ được nhắc đến ở các buổi phân tích băng hình. Các nhiệm vụ phòng ngự đã được phân công, các bài tấn công cũng đã được thảo luận. Cách tốt nhất để tránh bàn thua từ các pha bóng chết là phạm lỗi ít nhất 8 lần mỗi trận nếu có thể. Khi đó, tự nhiên độ nguy hiểm từ các pha bóng cố định sẽ giảm đi.
 
Tuchel luôn tìm những ý tưởng mới ở Mainz. Ví dụ, ông tổ chức những buổi tập chung với đội bóng ném hạng nhất HSG Wetzlar. Thậm chí, ông còn cân nhắc việc tập luyện với các đô vật của nhà vô địch Đức ASV Mainz 8 vào năm 2012, có lẽ để tăng sức mạnh thể chất trong các pha xoạc bóng.

Thomas Tuchel
Một ngôn ngữ ký hiệu mà Tuchel sử dụng trên sân. Ông bóp mũi để nhắc các tiền đạo phải nắm bắt cơ hội ghi bàn tốt hơn. Ảnh: Getty Images
 
Ngoài ra, Tuchel cũng phát triển một thói quen đặc biệt là loại ngôn ngữ ký hiệu của ông. Tại Bundesliga các sân vận động rất ồn ào và Tuchel nhận ra chỉ có một cách duy nhất để giao tiếp với các cầu thủ trong trận đấu: đó là ký hiệu.
 
Ví dụ, ông đứng ở đường biên, giả làm thỏ bằng cách lấy tay che tai, khi đó ông muốn nói: “Nghe này!” và hành động ấy để nhắc cầu thủ nhớ những chỉ đạo trước trận đấu. Nếu vẫn động tác đó nhưng duỗi ngón tay ra, nó có nghĩa là “dựng ăng-ten lên” và các cầu thủ cần chú ý, tập trung hơn.
 
Nếu ông bóp mũi tức là đang nhắc các tiền đạo phải nhạy bén với cơ hội ghi bàn. Khi Tuchel đặt ngón trỏ bàn tay phải giữa ngón trỏ và ngón giữa tay trái, ông nhắc các tiền đạo phải chọn vị trí giữa cặp trung vệ đối thủ để khiến đối thủ khó kèm hơn.
 
Nhưng bên cạnh đó ông cũng có những cử chỉ thẳng thắn hơn. Tuchel sẽ chỉ ra cho một cầu thủ thấy anh ta phải tiến về phía đồng đội nếu muốn được chuyền, nhắc anh phải luôn chú ý, hoặc làm hành động giống lưỡi hái để nhắc anh cần tắc bóng mạnh mẽ hơn. Rõ ràng, “ký hiệu Tuchel” có ích với các cầu thủ.
 
Andreas Ivanschitz - cựu tiền vệ Mainz 05 - nhớ lại: “Gần như tôi luôn tự động nhìn về phía ông ấy trong suốt trận đấu. Bạn có thể nhanh chóng nắm được những ký hiệu này và đôi khi có thể thấy chúng trong một pha tăng tốc”.
 
Theo Daniel Meuren và Tobias Schächter | Sách “Thomas Tuchel: Rulebreaker”

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Ông hoàng tuyến giữa" Rodri và một năm bất bại đáng kiêng nể

Từ góc độ cá nhân, tuần vừa qua đã là một tuần đặc biệt trong sự nghiệp của Rodri. Không chỉ bởi vì cầu thủ 27 tuổi đã thực hiện thành công hai quả penalty trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Brazil vào tối thứ Ba, mà trận hòa 3-3 còn đảm bảo rằng Rodri đã trải qua một năm hoàn hảo khi không phải nhận bất kì thất bại nào khi ra sân cho cả câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia.

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

X
top-arrow