Thierry Henry: Ngọn gió nâng tầm những viên đạn pháo

Tác giả Phương GP - Thứ Tư 03/08/2016 17:04(GMT+7)

Zalo
comment left Tiến lên nào. Chúng ta là Pháo Thủ. Yeah!
Thierry Henry
comment right
Ngày 3 tháng Tám năm 1999, Arsene Wenger đã tung ra một bom tấn thật sự trên thị trường chuyển nhượng. 11 triệu bảng cho một tiền đạo trẻ bị thất sủng tại Juventus là cái giá không khỏi khiến giới mộ điệu phải nghi ngờ, và ít ai ngờ rằng đó sẽ là khởi đầu cho một huyền thoại của Pháo thủ.

Thierry Henry Ngon gio nang tam nhung vien dan phao hinh anh
Thierry Henry Ngọn gió tươi mát của Arsenal
Thật ra cái tên Thierry Henry không phải là quá xa lạ với báo chí. Anh cùng với Trezeguet và Wiltord khi ấy đang là những mầm non rất đáng chờ đợi tại đội tuyển Pháp. 5 năm khoác áo Monaco, Henry đã chứng tỏ được mình khi thường xuyên trở thành cây săn bàn số một của đội bóng. Thế nhưng, nửa năm tại Ý đã phá vỡ đi tất cả, anh bị huấn luyện viên Lippi đưa vào vị trí không phải sở trường và thường xuyên gây thất vọng. Từ một cái tên tiềm năng, Henry trở thành một sự nghi ngờ to lớn khi được ông thầy cũ Arsene Wenger đưa về đội bóng phía bắc thành London. Tuy nhiên, 8 năm sau, khi “Đứa con thần gió” giã từ màu áo Arsenal, cái tên anh đã trở thành bất tử trong lòng người hâm mộ.
 
2 chiếc giày vàng châu Âu, 4 danh hiệu vua phá lưới Ngoại Hạng Anh, là người nắm giữ kỷ lục ghi bàn của câu lạc bộ và là thành viên trong đội hình “Bất khả chiến bại” mùa giải 2003-2004. Titi chính là một biểu tượng của Pháo thủ thành London. Tuy nhiên, như một nhà báo đã nói, Henry trở thành huyền thoại của Arsenal không chỉ nhờ vào những thành tích mà anh đã đạt được, mà nhờ vào chính cái cách mà anh đạt được những thành quả đó.
 
Trong ký ức của những người hâm mộ Pháo thủ, Henry có lẽ là cầu thủ tạo được nhiều cảm hứng nhất trong thế hệ của anh. Tốc độ, kỹ thuật, ngẫu hứng và đầy đam mê. Titi cùng với Bergkamp tạo thành cặp tiền đạo quyến rũ nhất thế giới. Hai người không chỉ chinh phục khán giả bằng tố chất thiên bẩm, mà còn là sự kết hợp hoàn hảo rất độc đáo trong làng bóng đá thế giới. Khi Henry là chân sút chủ lực nhưng khác với những “số 9” cùng thời, anh không phải là mẫu cầu thủ “cắm sào” trong vòng cấm địa, Titi di chuyển rất rộng trên sân. Anh tiến ra cánh và thậm chí lui về phía giữa sân để nhận bóng. Trong khi đó Bergkamp đóng vai trò như người “làm tường”, nhưng không phải kiểu Heskey của Liverpool, dùng thể hình để làm bóng, mà anh lại dựa vào sự nhạy cảm của đôi chân và sự nhanh nhạy từ đầu óc. Nhờ đó, họ trở thành ác mộng đối với mọi hàng phòng ngự.
 
Thierry Henry Ngon gio nang tam nhung vien dan phao hinh anh 2
Khoảnh khắc làm thay đổi lịch sử của Arsenal
Nhắc đến bóng đá, chúng ta thường nhớ đến Futsal và bóng đá sân năm người như là “những người anh em” của môn bóng đá 11 người. Ở đó, chúng có sự tương đồng với nhau về nhiều mặt kỹ thuật. Nhưng, nếu được theo dõi Henry thi đấu, ta có thể nhìn ra được những tinh hoa chỉ có thể phát huy trên sân cỏ của bộ môn bóng đá thực thụ. Trên khuôn sân 110m x 70m, những tinh hoa của Henry dường như được bộc lộ một cách rõ nét nhất. Anh tạo thành những “cơn lốc” trên sân nhờ đôi chân dài và phong thái chạy như vận động viên điền kinh. Anh qua người bằng những cú “gặt bóng” nhờ cái cổ chân “chắc nịch”. Và có lẽ cũng nhờ cái cổ chân ấy, anh ghi bàn bằng kỹ thuật rất ít thấy thời bấy giờ. Đó là thời kỳ các cầu thủ hay sử dụng lực sút mạnh từ mu chính diện, trong khi Henry lại sử dụng “má” để dứt điểm, cả má trong lẫn má ngoài. Không cầu kỳ khoa trương, những pha “đặt lòng” hay “sút ăn má ngoài” của Titi giúp trái bóng vẽ trên không trung với một quỹ đạo mà thủ môn chỉ biết đứng nhìn, còn khán giả tan chảy với những đường cong kiệt tác.
 
Chương trình Goals Glorious Goals từng tổng hợp những bàn thắng của Henry và ngay từ ba bàn thắng đẹp đầu tiên được nhắc đến đã cho thấy hết kỹ năng của chàng tiền đạo này.
 
Ngày 1-10-2000, trong trận đấu với Man United, sau khi nhận bóng từ một pha đá phạt từ giữa sân. Henry sử dụng chân phải “chích” bóng lên ngang hông và xoay người tung một cú sút. Má ngoài chạm phần dưới bóng và vẽ lên một cầu vồng trên đầu hàng thủ của Quỷ đỏ, rồi bóng nằm gọn trong lưới trong sự ngỡ ngàng đến bất lực của thủ thành đồng hương Barthez. Bàn thắng tưởng như chỉ có trong truyện tranh nhưng lại xuất hiện trên sân chơi chuyên nghiệp nước Anh. Phi thường!
 
Người ta đã từng phát cuồng vì Messi sau khi anh làm Jerome Boateng đổ rạp trong trận bán kết Champions League 2015, thế nhưng 11 năm trước bàn thắng để đời ấy, Henry còn có một màn độc diễn “quái” hơn cả người đồng đội cũ tại Barcelona. Đó là khi anh solo từ giữa sân và chọc thẳng vào hàng phòng ngự của Liverpool. Hai gã “ngáo ộp” Hamann và Carragher đã phải ngã sõng soài như những gã học việc tội nghiệp trước tốc độ cùng cái cổ chân khéo léo của anh, trước khi Dudek bị khuất phục sau một pha đệm lòng quen thuộc.
 
Thierry Henry Ngon gio nang tam nhung vien dan phao hinh anh 3
Henry sau cú ra chân xuất thần làm tung lưới Man United
Và cuối cùng là bàn thắng vào lưới của gã hàng xóm đáng ghét Tottenham. Adebayor đi bóng từ biên trái vào thẳng trung lộ sau đó tung ra một pha chọc khe tuyệt đẹp. Titi di chuyển từ biên phải vào trong, đón nhận đường chuyền, kề bên anh là một hậu vệ của Spurs, nhưng anh chỉ cần chạm bóng một nhịp, sau đó tung ra một cú chích bóng về góc xa khung thành bằng sự nhạy cảm của một sát thủ thực sự. Đó là bàn thắng mà đến Fabregas cũng phải thốt lên “Tôi không hiểu anh ấy sút bằng cách nào?”
 
Ba bàn thắng tuyệt đẹp phần nào đó cho thấy hết khả năng của Henry, và đặc điểm chung là chúng đều diễn ra trên sân Highbury. Với Highbury, Henry như tìm được miền đất hứa của mình. Và với Henry, Highbury như tìm được vị thần bảo hộ cho những chiến thắng. Những khoảng sân nuôi sống bước chạy của “Đứa con thần gió”, để anh thổi hồn vào những đường bóng tinh tế và gây cảm hứng cho cả một thế hệ Arsenal vĩ đại. Ở đó, anh cùng những người đồng đội đã “hoàn thiện, nâng tầm” Arsenal, biến Pháo thủ thành một đội bóng không thể bị đánh bại, lật đổ ách thống trị của Man United và suýt làm Sir Alex Ferguson phải mất việc.

David Seaman và Jens Lehmann xuất sắc trong khung gỗ, cặp Kolo Toure-Sol Campbell đá tảng án ngữ phía trên, Viera thủ lĩnh tuyến giữa, Pires và Ljungberg đôi cánh thiên thần, Bergkamp nhạc trưởng, và cuối cùng là ngọn cuồng phong mang tên Henry. Đó là ký ức của cả một thế hệ vàng son, của cả một mùa giải bất bại đầy kiêu hãnh. Nhưng tiếc thay, khi Highbury không còn là ngôi nhà của Pháo thủ, Henry dường như cũng đã mất đi niềm cảm hứng của mình.
 
Mùa hè 2006 có lẽ là thời điểm mà Henry muốn quên đi nhất trong sự nghiệp của mình. Hai cú sốc sau những thất bại tại chung kết Champions League và chung kết World Cup dường như cướp đi toàn bộ sinh lực của anh. Nhưng điều tồi tệ nhất là việc anh không còn hít thở không khí trên sân Highbury nữa. Từ khi kế hoạch xây dựng Emirates ra đời, anh nhận ra đồng đội của mình lần lượt ra đi. Cái ngày chào sân vận động mới, anh nhìn các khán đài trông thấy những người hâm mộ đến theo dõi đông hơn, nhưng trên sân đã mất dần đi những ngôi sao và thay vào đó những gương mặt trẻ. Và rồi một mùa giải đầy ắp chấn thương, cùng phong độ tồi tệ như đang gióng lên một hồi chuông báo hiệu những điềm chẳng lành với đứa con cưng của Pháo thủ.

Thierry Henry Ngon gio nang tam nhung vien dan phao hinh anh 4
Cặp đôi huyền thoại của một Arsenal thời hoàng kim
Mùa giải 2006/2007, Arsenal gục ngã khi thiếu vắng hình bóng của Henry, họ dừng chân ở tứ kết Champions League trước PSV, bất lực nhìn Chelsea vô địch Ngoại hạng, bị loại ở vòng 5 FA Cup và cuối cùng gục ngã ở chung kết League Cup. Người hâm mộ vẫn mong chờ ngày thần tượng trở lại để dìu dắt các đàn em, và ngay cả HLV Wenger cũng luôn khẳng định cậu học trò sẽ ở lại, nhưng có lẽ niềm tin của Henry với Arsenal đã cạn kiệt. Để rồi vào một ngày tháng Sáu, anh dứt áo ra đi, để lại bao hờn giận và cả nhớ nhung cho người hâm mộ.
 
Henry là con người hình như được lựa chọn cho những điều phi thường. Anh là một phần của đội tuyển Pháp giành cú đúp danh hiệu danh giá. Anh là thành viên chủ chốt giúp Arsenal thiết lập kỷ lục 49 trận bất bại ở Ngoại Hạng. Và khi đến Barcelona, anh cùng Messi và Eto’o tạo nên tam tấu đem về cú ăn 6 vô tiền khoáng hậu. Thế nhưng, hình như trên đôi chân của Titi đã in dần dấu vết mệt mỏi. Không còn những pha vừa tâng bóng vừa chạy ngẫu hứng, cũng chẳng còn những pha trượt cỏ ăn mừng quen thuộc sau khi ghi bàn, những gì thuộc về cảm hứng có lẽ đã nằm lại ở thành London hết rồi chăng?
 
9 năm đã trôi qua kể từ ngày anh chia tay Pháo thủ. Và trong khoảng thời gian ấy, nỗi trống vắng về một tiền đạo đẳng cấp cứ bủa vây lấy Giáo sư Wenger. Arsenal rõ ràng không thiếu những tiền đạo giỏi. Thế nhưng những Reyes, Eduardo lại lụi tàn quá sớm khi còn trẻ, Persie bị chấn thương liên miên hành hạ, Adebayor thì trồi sụt. Giroud ổn định nhưng có lẽ không bao giờ đạt tới độ tinh tế như Henry.

Thierry Henry Ngon gio nang tam nhung vien dan phao hinh anh 5
Niềm vui của Titi khi ghi bàn trong ngày trở lại Arsenal
Để rồi cái ngày anh trở về vào mùa giải 2011-2012, những người hâm mộ đã sung sướng biết bao khi mơ về một cuộc hồi sinh, thế nhưng họ phải sớm vỡ mộng khi nhận ra hiện thực tàn nhẫn của thời gian. Titi đã trở về, nhưng ở cái tuổi 35, thật khó để người ta thấy được những pha nước rút thần sầu của “Đứa con thần gió” ngày nào. Dẫu sao, những đứa con của London cũng đã phần nào mãn nguyện khi lại thấy anh ghi bàn. Phút 78 trận gặp Leeds, cầu trường tại Emirates như vỡ tung sau bàn thắng của Henry, lại là một cú đặt lòng quen thuộc, và lại là cái ôm thật chặt với ông thầy Wenger. Chỉ thế thôi, thế là đủ để người hâm mộ sống lại những ngày tháng huy hoàng.
 
Nhà báo Philippe Auclair từng nói “Henry đã hoàn thiện một Arsenal lãng mạn”. Lời nhận định hoa mỹ ấy giờ bỗng như một vết dao cứa vào tim của những Gooners. Câu hỏi về “hiệu quả của lối chơi đẹp” vẫn luôn làm nhói đau những con tim yêu mến Pháo thủ trong suốt bao năm qua. Để vào ngày hôm nay, ngày mà Đứa con thần gió đặt chân lên thủ phủ London, thì người ta lại cứ mong ngóng về một ngọn gió xứng tầm để nâng tầm những viên đạn pháo và lái chúng đến với cái đích vinh quang.

► Xem thêm thông tin bảng xếp hạng bóng đá Anh mới nhất.

PHƯƠNG GP (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow