Thierry Henry: Nếu bóng đá là môn nghệ thuật, “Titi” chính là người nghệ sĩ

Tác giả CG - Thứ Hai 17/08/2020 18:00(GMT+7)

Zalo

Điều khiến Thierry Henry thực sự trở nên khác biệt là cách anh biến mọi thứ trông trở nên thật đơn giản. Anh không chỉ rê bóng mà nhảy múa với nó. Và anh biến bóng đá trở nên thật nhiều niềm vui.

Thống trị Premier League hơn một thập kỷ, sau đó giành Champions League trong một tập thể có thể xem là nằm trong nhóm xuất sắc nhất mọi thời đại. Đó là anh, Thierry Henry.
 
Thierry Henry Nghệ sĩ sân cỏ đích thực hình ảnh
 
Cả sân vận động nín thở. Tâm điểm chú ý trên sân Bernabeu tập trung vào Thierry Henry khi anh nhận bóng từ vòng tròn giữa sân. Các khán giả không biết điều gì sắp diễn ra. Tuy nhiên không nhiều cầu thủ trong lịch sử quá nguy hiểm ở vị trí này.
 
Đội trưởng Arsenal vặn người, tăng tốc thoát khỏi Ronaldo. Anh tiếp tục vượt qua 2 sự truy cản nữa trước khi tung một cú dứt điểm chéo góc bằng chân trái hạ gục Iker Casillas. Henry chạy tới ăn mừng ở cột cờ góc, 2 tay dang rộng, đầu ngẩng lên nhìn khán đài. Arsenal đã đánh bại Real Madrid với tỷ số 1-0 ở vòng 16 đội Champions League dù khủng hoảng chấn thương khiến hàng thủ của họ tan hoang. Khi có Thierry Henry trong đội, bạn luôn có cơ hội chiến thắng.
 

CHÀNG TIỀN ĐẠO KHÔNG ÍCH KỶ

 
Nhiều cầu thủ may mắn là họ có thể rê bóng dính chân. Tuy nhiên không phải ai cũng được trời phú tài năng như Henry, một người có thể kéo đội bóng của bạn tiến về phía trước bất kể đối thủ là ai.
 
Lần đầu tiên người hâm mộ Arsenal được chứng kiến điều đó là vào năm 1999, một ngày tháng 9 trời u ám ở Southampton. Cho đến thời điểm đó, Henry vẫn chỉ là một cầu thủ chạy cánh gầy gò và không biết ghi bàn, bản hợp đồng 11 triệu bảng bị cái bóng của Nicolas Anelka che lấp. “Tôi được dạy lại mọi thứ về nghệ thuật dứt điểm”, anh chia sẻ với FourFourTwo.
 
Thierry Henry Nghệ sĩ sân cỏ đích thực hình ảnh
 
Nhưng buổi chiều hôm ấy ở The Dell (sân nhà cũ của Southampton), có lẽ một thứ gì đó đã được kích hoạt khi anh khiến hậu vệ Marco Almeida của The Saints khổ sở trước khi cứa lòng hạ gục thủ thành Paul Jones để ghi bàn thắng đầu tiên cho “Pháo thủ”. Kể từ đó, một thói quen đã được hình thành. Anh kết thúc mùa giải đầu tiên chơi bóng ở Anh với 17 bàn thắng trong khuôn khổ Premier League trước khi tái lập thành tích tương tự ở mùa bóng thứ hai.
 
Tuy nhiên trong những ngày đầu tiên khoác áo đội bóng chủ sân Highbury, Henry không hoàn toàn là một ngôi sao phát triển toàn diện. Bản hợp đồng của đội bóng chủ sân bắc London cần nhận được sự kiên nhẫn từ mọi người. Và Arsene Wenger là người biết rõ hơn ai hết.
 
Henry cần không gian và thời gian để tìm thấy phong độ đích thực của mình bởi anh không giống như những tiền đạo khác. Henry có cái tôi lớn nhưng không tham ghi bàn. Anh khẳng định mình “không sở hữu bản năng ghi bàn” và thậm chí từng từ chối thực hiện quả 11m mà mình là người bị phạm lỗi. Trong một thời kỳ mà những tiền đạo số 9 là tâm điểm chú ý và người hùng trong mọi tình huống thì cầu thủ người Pháp là kiểu tiền đạo riêng biệt. “Tôi chỉ muốn là chính mình mà thôi”, anh khẳng định.
 
Henry ghi 24 bàn ở Premier League mùa giải 2002/2003 nhưng cũng có tới 20 pha kiến tạo. Đến nay đó vẫn là kỷ lục Premier League. Thậm chí cầu thủ khoác áo số 14 của Arsenal có thể tự kiến tạo chi chính mình - như bàn thắng vào lưới Manchester United tháng 10 năm 2000 là ví dụ hoàn hảo.
 
“Có lẽ tôi không có sự ích kỷ, điều biến các tiền đạo trở nên đặc biệt. Tôi sẽ thất vọng khi mọi người không chuyền bóng cho nhau”, tiền đạo người Pháp từng nói như vậy. Anh cũng khẳng định “khi một cầu thủ không theo nhịp điệu của đội thì đội bóng sẽ không thể tồn tại”.
 

HENRY “ĐỘC CÔ CẦU BẠI”

 
Henry kiến tạo nhiều bàn thắng đơn giản vì anh từ chối thỏa hiệp, thay đổi lối chơi của mình. Anh không chấp nhận nhượng bộ những cơ chế của sơ đồ 4-4-2 mà thay vào đó thay đổi nó theo ý mình. Tuy nhiên, có thể Henry không ích kỷ nhưng anh có niềm tin mãnh liệt rằng mình có bản năng trở thành nhà vua. Đến khi anh khám phá ra điều đó trong quãng thời gian ở Highbury thì các đội bóng đối phương đã bắt đầu gặp rắc rối.
 
Thierry Henry Nghệ sĩ sân cỏ đích thực hình ảnh
 
Mùa giải 2002/2003, Henry bắt đầu gánh đội bóng mình trên vai. Có lẽ những cổ động viên bóng đá thế hệ đó đều không quên pha solo từ phần sân nhà trong trận derby thành London với Tottenham trước khi ghi bàn mở tỷ số trận đấu. Khi đó anh đang dần trở thành một tiền đạo toàn diện.
 
Tháng 11 năm 2002, Henry tiếp tục xé toang hàng phòng ngự Roma và phá sập đấu trường ở thành phố vĩnh cửu bằng một hattrick. Bàn thắng đầu tiên là một cú dứt điểm lòng trong mang đúng thương hiệu; bàn thứ hai là pha chớp thời cơ từ bóng hai. Henry khép lại buổi tối đáng nhớ của mình bằng cú sút phạt trực tiếp không thể cản phá vào góc cao. “Khi cậu ấy ghi bàn, không ai có thể ngăn cản”, HLV Fabio Capello của Roma nói vào thời điểm đó.
 
Tuy vậy, một Henry rực lửa là không đủ với Arsenal. “Pháo thủ” kết thúc mùa giải đó mà chỉ giành được FA Cup. Mùa giải 2003/2004, Henry ghi 10 bàn trong 11 trận đấu đầu tiên ở Premier League và đóng góp vào màn hủy diệt Inter Milan với tỷ số 5-2 bằng cú đúp. Tuy vậy, “Titi” không hề điều chỉnh lối chơi để trở thành cầu thủ tốt hơn. 
 
Trong khi nhiều tiền đạo sẽ tiến hóa thành một sát thủ sau khi bước qua tuổi 20 thì dường như ngôi sao của Arsenal hoàn toàn ngược lại: vẫn giữ sự đẹp mắt, bổ sung thêm chút nghệ sĩ trong lối chơi. Anh trêu đùa đối thủ bằng những cú lừa, tốc độ kinh hoàng và những pha tâng bóng kỹ thuật. Dennis Bergkamp từng khẳng định: “Khả năng tăng tốc của Thierry giúp cậu ấy vượt qua bất cứ hậu vệ nào trên thế giới. 
 
Tháng 4 năm 2004, Arsenal tiếp đón Liverpool ở Highbury và Henry lập hattrick để “Pháo thủ” giành chiến thắng 4-2. Trong đó, bàn nâng tỷ số thành 3-2 là pha bóng kinh điển của Henry: cầm bóng gần giữa sân, quan sát và vượt qua cả hệ thống phòng ngự đối thủ trước khi dứt điểm. “Cậu ấy có thể nhận bóng ở giữa sân và ghi một bàn thắng không ai trên thế giới này có thể làm”, Wenger khẳng định.
 
Khi Patrick Vieira chuyển tới Juventus, Henry là người tiếp quản tấm băng đội trưởng Arsenal và cho thấy sự xứng đáng cả về chuyên môn lẫn phẩm chất thủ lĩnh. Mùa giải 2004/2005, anh ghi 30 bàn trên mọi đấu trường. Mùa bóng tiếp theo, anh tiếp tục duy trì phong độ với 33 bàn thắng trên mọi đấu trường - bao gồm cả cú hattrick vào lưới Real Madrid. Đáng tiếc trong trận chung kết Champions League, đội bóng của anh bị Barcelona lội ngược dòng và để tuột mất chiếc cúp bạc.
 
“Với đội hình mà chúng tôi có, chúng tôi vẫn thất bại”, Henry thở dài buồn bã.  Tuy nhiên anh vẫn quyết định ở lại Arsenal và ký thêm hợp đồng 4 năm. Anh lập hattrick vào lưới Wigan trong ngày tạm biệt sân Highbury, anh ghi bàn thắng chính thức đầu tiên cho “Pháo thủ” trên sân Emirates mới - dù trước đó, Bergkamp đã lập công ở đây trong trận đấu chia tay gặp Ajax.
 
Thierry Henry Nghệ sĩ sân cỏ đích thực hình ảnh
 
Ngôi sao người Pháp tuyên bố: “CLB có cùng khát vọng giống tôi. Liên quan đến việc chuyển nhượng vào mùa hè, sự tự tin của tôi đã không bị phản bội. Tôi ở Arsenal suốt đời. Tôi sẽ không tới Barcelona”.
 
Tuy nhiên, có lẽ lúc này Henry đang dần cô đơn ở đội bóng mà anh yêu quý. Những thành viên trong thế hệ Invincibles đang dần rời đi, Arsenal từ CLB top 2 trở thành đội bóng cạnh tranh top 4. Bản thân tương lai của Wenger cũng bất định. Và đội trưởng của Arsenal quyết định rời khỏi Emirates để chuyển tới Camp Nou vào năm 2007.
 
“Ngày đầu tiên thậm chí tôi không dám nhìn mặt anh ấy. Tôi biết tất cả những gì anh ấy đã làm được ở Anh”, Lionel Messi bày tỏ sự ngưỡng mộ với người đồng đội mới. Những gì Henry đã làm được là 4 danh hiệu vua phá lưới Premier League trong 5 mùa giải từ năm 2001 đến 2006. Và tất nhiên đó chưa phải là tất cả.
 

MŨI NHỌN TRONG CÂY ĐINH BA CỦA BARCELONA

 
Thử thách trong mùa giải đầu tiên ở Tây Ban Nha đang chờ Henry - lúc này đã 30 tuổi và phải cạnh tranh một vị trí trên hàng công với Messi, Samuel Eto’o, Ronaldinho, Eidur Gudjohnsen và Bojan Krkic. Ban đầu, HLV trưởng Frank Rijkaard bảo với tân binh của đội rằng anh sẽ không có vị trí trong đội. “Tôi đến đó và biết rằng sẽ không được đá chính. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng ‘Tôi sẽ chứng minh cho ông thấy rằng tôi có thể làm được”, Henry sau này thừa nhận.
 
Tuy nhiên sau khi Eto’o bị chấn thương, Henry trở thành tiền đạo được đá chính nhiều nhất trong mùa giải 2007/2008 của Barca. 19 bàn trên mọi đấu trường giúp anh trở thành chân sút số một của đội bóng chủ sân Camp Nou, tuy nhiên anh chỉ ghi hơn Eto’o 1 bàn dù đá nhiều hơn người đồng đội 19 trận. Trong khi đó, đội bóng xứ Catalunya thì trắng tay và Rijkaard bị sa thải.
 
Thierry Henry Nghệ sĩ sân cỏ đích thực hình ảnh
 

HLV Pep Guardiola được đôn lên từ đội B và có những ý tưởng mới. Thuyền trưởng mới của Barcelona đã một lần nữa định hình lại biểu tượng người Pháp. Henry sau này thừa nhận: “Tôi đã học lại cách chơi bóng”.
 
Anh đã tái khám phá ra bản năng của mình, học hỏi từ những gì Guardiola yêu cầu và làm quen lại với vị trí tiền đạo cánh trái. Anh hợp với Messi và Eto’o trở thành bộ ba sát thủ. Tháng 12 năm 2008, anh lập hattrick vào lưới Valencia. Tháng 4 năm 2009, cú đúp của anh góp phần giúp Barca hủy diệt Real Madrid với tỷ số 6-2 ngay trên sân Bernabeu. “Titi” cũng ghi bàn vào lưới Lyon và Bayern Munich trên đường tiến vào trận chung kết Champions League nữa trong sự nghiệp của mình. Và lần này, anh đã được nâng chiếc cúp bạc sau chiến thắng 2-0 trước Manchester United ở Rome.
 
comment left Ngày đầu tiên thậm chí tôi không dám nhìn mặt anh ấy. Tôi biết tất cả những gì anh ấy đã làm được ở Anh.
- Lionel Messi
comment right

Mùa giải 2008/2009, thế giới bóng đá thừa nhận Messi là nhà chinh phục mới - 38 bàn thắng trong một mùa giải khi mới chỉ 23 tuổi. Eto’o có 36 pha lập công trong Henry “chỉ” ghi được 26 bàn (và thêm 10 kiến tạo). Anh trở lại với vai trò của người hỗ trợ và hài lòng với vai trò đó.
 
Dù vậy trước khi Messi leo lên hàng ngũ thượng thừa, Henry chính là cầu thủ toàn diện nhất của thập niên 2000: một cầu thủ có kỹ thuật, sự tinh tế, nhãn quan, tốc độ, sức mạnh và khả năng dứt điểm. Henry là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Arsenal và đội tuyển Pháp.
 
Nhưng có lẽ điều khiến Henry thực sự trở nên khác biệt là cách anh biến mọi thứ trông trở nên thật đơn giản. Anh không chỉ rê bóng mà nhảy múa với nó. Và anh biến bóng đá trở nên thật nhiều niềm vui.

Lược dịch từ bài viết “Thierry Henry: The noughties’ greatest player ruled Highbury and rebooted at Barcelona - then finally won big” của tác giả Mark White trên FourFourTwo.

CG

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn.

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow