Henry mô tả Wenger như một “người cha tinh thần”. Sự kiện không hay năm 1996 đã từng khiến mối quan hệ giữa anh và cha ruột đổ vỡ. Và anh tìm thấy ở Wenger hình ảnh một người cha mới, người dẫn lối anh tới thành công và trở thành ngôi sao đồng thời đưa anh tiến xa hơn rất nhiều so với trước đó.
Thời điểm ban đầu, Thierry Henry không hề hứng thú với bóng đá, nhiều lần anh thừa nhận như vậy. Khi anh lớn lên ở Les Ulis, một vùng ngoại ô ở phía nam Paris, có nhiều thứ để bận tâm hơn. Đó là khu vực mà các tệ nạn xã hội xảy ra đầy rẫy.
Cha của Henry, ông Antoine, biết điều đó nên luôn làm việc không biết mệt mỏi để đảm bảo con trai ông có một mục tiêu sống rõ ràng. “Tôi phải cảm ơn bố,” Herny nói. “Tôi thấy nhiều vấn đề bất cập trong tuổi thơ mình nhưng may mắn thay, tôi có hai phụ huynh rất nghiêm khắc. Không hiểu tại sao bạn bè tôi có thể ra ngoài vào buổi đêm, tôi có thể nhìn thấy họ từ cửa sổ. Điều đó khiến tôi rất buồn và đau lòng. Hầu hết bạn tôi thời điểm đó giờ đây đang ở trong tù. Thật không dễ để thoát khỏi cuộc sống ấy.”
Điều đó quả thực không dễ nhưng Henry đã làm được phần lớn nhờ sự kiên trì của cha. Ông Antoine không bỏ lỡ một trận đấu nào mà con trai thi đấu và cống hiến hết sức cho sự tiến bộ của Henry. Trong một lần, khi không đồng tình với quyết định của trọng tài trong một trận đấu ở US Palaiseau, ông Antoine đã chạy vào sân và tranh cãi với trọng tài. Một cuộc ẩu đả nổ ra và trận đấu bị hủy bỏ. Henry buộc phải rời Palaiseau và chuyển đi nơi khác. Nhưng động lực, sự kiên trì và quyết tâm của cha anh là không đổi.
“Có lẽ tôi khiến con ‘khó thở’ một chút, nhưng tôi cảm thấy cần phải để mắt nó liên tục,” ông Antoine nói. “Tôi quyết tâm để nó trở thành người giỏi nhất đến nỗi tôi đã mất việc. Tôi bỏ ca khi làm bảo vệ để đưa Thierry tới một trận đấu và hệ quả là tôi bị sa thải vì đến muộn 2 tiếng.”
Nhưng sau đó, điều này đã được đền đáp. Henry năm ấy 13 tuổi, đang thi đấu cho đội địa phương Viry-Châtillon và rồi được tuyển trạch viên từ Monaco lựa chọn. Anh ghi tất cả bàn thắng trong một chiến thắng 6-0 và tuyển trạch viên Arnold Catalano đã đưa ra quyết định trước khi trận đấu kết thúc. Henry được mời tới Monte Carlo và thậm chí còn không cần phải thử thách.
Ngay từ thời điểm đó, cậu thiếu niên Henry đã thể hiện sẵn những tố chất của mình. Huấn luyện viên câu lạc bộ đầu tiên của anh, ông Claude Chezelle, chia sẻ vào năm 2004 rằng cầu thủ trẻ Henry “đã có cách dứt điểm để đưa bóng vào lưới giống như bây giờ.” Dù vậy, điều mà anh thiếu là “tính chuyên nghiệp”. Nó sẽ đến vào sau này, ở Arsenal, tuy nhiên rõ ràng trong những ngày tháng đầu tiên ở Monaco, Henry là một tài năng không thể lẫn vào đâu được.
Thần tượng của anh là Marco van Basten, cựu tiền đạo AC Milan và đội tuyển Hà Lan, người mà anh đã học hỏi cách dứt điểm theo phong cách đặc biệt đó. Anh là một vận động viên nhưng cũng như một vũ công ballet trong mỗi tình huống di chuyển. Anh sở hữu kỹ thuật điêu luyện. Dường như không có bất cứ khiếm khuyết nào trong lối chơi của anh. Nhưng trước khi Henry bước chân vào Monaco, anh được gửi tới Clairefontaine, học viện bóng đá lừng danh của Pháp. Dù “kết quả học tập” không tốt tuy nhiên sau đó Giám đốc học viện đồng ý cho Henry hoàn thành khóa học. Ngay sau đó, anh Nam tiến tới Monaco.
Lúc đó, Henry mới 17 tuổi và ngay lập tức bị bất ngờ trước cuộc sống ở đây. “Có một cú sốc nhẹ khi so với vùng ngoại ô Paris nơi tôi lớn lên,” anh chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với FourFourTwo năm ngoái. “Điều đập vào mắt là mọi thứ đều rất sạch sẽ và có vô số chiếc xe hơi hàng hiệu. Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không thể hòa nhập với nơi đây. Thật khó mà làm quen được với cuộc sống ấy.”
Rõ ràng, sự xa hoa và quyến rũ của Monte Carlo không thể thu hút Henry. Những nguyên tắc sống mà cha mẹ dậy vẫn được anh thuộc nằm lòng, trong khi người khác bị phân tâm thì Henry vẫn chỉ tập trung vào nhiệm vụ duy nhất của mình. Kết quả là anh có bước đột phá khi lên đội một Monaco dưới sự dẫn dắt của Arsène Wenger.
Dù lúc này họ chỉ làm việc với nhau một khoảng thời gian ngắn – Wenger rời đi năm 1994, năm mà Henry ra mắt – nhưng nó vẫn đủ để khiến huấn luyện viên tương lai của Arsenal khi đó cảm thấy thích thú. “Cậu ấy đã rất trưởng thành rồi,” Catalano, tuyển trạch viên của Monaco, nói về Henry. “Cậu ấy chưa bao giờ gây chuyện, không hề gây gổ cá nhân hay dối trá. Cậu ấy tập luyện, ghi bàn, giúp đội bóng giành chiến thắng, đơn giản như thế thôi.”
Tại Monaco, Henry chỉ được thi đấu trước rất ít khán giả và trong một môi trường không phải lúc nào cũng có lợi cho sự phát triển của các tài năng trẻ. Ở đó anh cần một sự năng nổ nhất định để tạo động lực cho bản thân. Và mặc dù thừa nhận mình có bản tính lười bẩm sinh nhưng quả thực những sự nỗ lực cống hiến giúp anh vượt lên những người khác.
“Không cần phải bàn cãi, anh là một người mang chủ nghĩa cá nhân nhưng tình yêu dành cho bóng đá của anh ấy là rất mãnh liệt và sâu sắc, tới nỗi anh có thể bóp méo trái bóng để đạt được mục đích của mình – để thành công, để chiến thắng, để thành người giỏi nhất,” nhà báo Philippe Auclair viết trong cuốn tiểu sử về Henry có tên “Một mình trên đỉnh cao”. “Có thể gọi đó là niềm hạnh phúc hoặc một lời nguyền cũng được, không có cách nào để thoát khỏi điều này.”
Henry được gọi lên đội một Monaco không lâu sau khi bước sang tuổi 17 trong cuộc đối đầu với Nice ở giải vô địch quốc gia. Thực tế, một phần vì Wenger bị buộc phải đưa ra quyết định này. Ông đã mất đi nhiều lựa chọn trên hàng công sau một loạt những chấn thương, do đó ông cần người để hỗ trợ cho tiền đạo số một Sonny Anderson. Thế nên ông chuyển hướng sang Henry, người đã ghi hơn 30 bàn trong mùa giải đầu tiên cho đội dự bị Monaco.
Thế nhưng trận đấu đầu tiên của chàng trai trẻ ngày ấy không thành công cho lắm. Anh bị rút khỏi sân chỉ sau 1 giờ thi đấu đồng thời đội bóng của anh thất bại với tỷ số 0-2. Trận đấu kế tiếp trước Le Harve, Henry vào sân từ ghế dự bị nhưng một lần nữa để lại dấu ấn nhạt nhòa khi đội bóng của anh để thua 0-1. Sau 7 trận, Monaco chỉ cách nhóm xuống hạng 3 điểm. Wenger bị sa thải.
Rõ ràng sự khởi đầu của Henry không hề lý tưởng chút nào. Người thầy tin tưởng trao anh cơ hội đã phải ra đi và đội bóng đứng trước nguy cơ xuống hạng. Người được chọn thay thế Wenger là Gérard Banide, HLV đã từng dẫn dắt Monaco hơn 10 năm trước đó. Không bất ngờ khi Henry không còn được ra sân nhiều nữa trong phần còn lại mùa giải đầu tiên của anh vì Banide thích sử dụng những cầu thủ có kinh nghiệm đá chính để đảm bảo đội bóng có thể trụ lại Ligue 1.
Thế nhưng dù chỉ được đá thêm 6 trận nữa thì vào cuối mùa, Henry cũng đã kịp để lại đấu ấn. Anh lập cú đúp sau khi vào thay người trong cuộc đối đầu với Lens tháng 4 năm 1995 – bàn đầu tiên là một pha dứt điểm từ góc ghẹp sau khi đi bóng qua thủ môn còn bàn thứ hai cho thấy khả năng đánh hơi, lựa chọn vị trí với cú đệm bóng dễ dàng vào lưới trống. “Thành công là điều tôi muốn,” Henry chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau trận. “Đó là những gì tôi mong muốn kể từ khi còn bé.”
Sau khi chứng kiến màn trình diễn của Henry trước Lens, rất ít người ở Monaco còn nghi ngờ khả năng của anh nữa. Và trong ngày sinh nhật tuổi 20, gần như tất cả đã bị thuyết phục: Henry giành giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của Pháp, một chức vô địch châu Âu với đội U21 Pháp, danh hiệu vô địch quốc gia cùng Monaco và được triệu tập lên đội tuyển quốc gia.
Trong 5 mùa giải gắn bó với đội bóng chủ sân Louis II, Henry hầu như gắn bó với vị trí tiền đạo cánh trái. Lúc đó anh không phải một tiền đạo giữa hay ghi quá nhiều bàn thắng từ vị trí của cầu thủ chạy cánh. Dù vậy, sau này khi chuyển tới Arsenal anh đã chứng minh tài săn bàn của mình khi dịch chuyển dần vào vị trí trung phong cắm.
“Tôi đã học được những kỹ năng khác từ vị trí đá cánh, nó rất có ích cho sự nghiệp của tôi,” Henry sau này thừa nhận. “Điều lớn nhất mà tôi học được là khi bạn là tiền đạo cắm, tên bạn hầu như sẽ luôn xuất hiện trên trang nhất. Khi đá cánh, bạn có thể làm tất cả mọi thứ để đi bóng, qua người, kiến tạo nhưng tiền đạo cắm mới luôn là người đưa bóng vào lưới, đem về vinh quang và thu hút sự chú ý.”
Dù vậy, ở Monaco, Henry ngày càng nhận được nhiều sự chú ý. Vào mùa giải thứ ba, tờ L’Equipe thường xuyên gọi anh là “viên kim cương” hay “hiện tượng” và sau khi ghi một bàn thắng ngoạn mục vào lưới Strasbourg, bình luận viên đã khẳng định anh là một “thiên tài”. Nhưng tưởng như con đường vươn đến đỉnh cao thế giới bóng đá của Henry sẽ hanh thông từ đây thì đột nhiên nó bị cắt ngang bởi một câu chuyện tranh cãi vào năm 1996. Tay đại diện “lưu manh” Michel Basilevic đã dàn xếp một hợp đồng để Real Madrid chiêu mộ Henry. Bố của Henry, ông Antoine, là trung tâm những cuộc đàm phán nhưng anh thì bị gạt ra ngoài.
“Toàn bộ câu chuyện Real Madrid thật điên rồ,” Gilles Grimandi, cựu cầu thủ Monaco, chia sẻ với ký giả Philippe Auclair trong cuốn hồi ký về Henry. “Cha cậu ấy thì khóc trong phòng khách, Thierry thì khóc trên tầng. Thời điểm đó câu chuyện này thực sự hủy hoại cậu ấy và gây nên vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ với cha. Và nó đã thay đổi Thierry, chắc chắn theo chiều hướng tốt lên.”
Trong vài tháng tiếp theo, những chi tiết trong câu chuyện Real Madrid chiêu mộ Henry dần dần xuất hiện. Đó quả thực là một mớ hỗn độn. FIFA phạt đội bóng Tây Ban Nha 80.000 bảng vì tiếp cận bất hợp pháp với cầu thủ đang trong hợp đồng và sử dụng người đại diện chưa được đăng ký hoạt động. Trong khi đó Henry cũng phải trả 40.000 bảng. Tuy nhiên, hình phạt về tài chính không thực sự là vấn đề mà Henry quan tâm. Câu chuyện đáng lo là phong độ của anh ngay lập tức sa sút sau vụ lùm xùm Real Madrid, và từ tháng 1 đến tháng 3 anh chỉ được ra sân vỏn vẹn 3 phút.
Giờ đây khi nhìn lại thì câu chuyện ngày ấy và hệ quả của nó chính là tiền đề tạo ra Thierry Henry sau này mà chúng ta biết. Anh trở nên độc lập và trưởng thành hơn; anh không còn phụ thuộc và bố nữa và bắt đầu tự đưa ra những quyết định của mình, trong đó đáng chú ý nhất là chuyển tới Juventus năm 1999. “Nó khiến anh cứng rắn hơn,” như lời ký giả Auclair viết trong cuốn sách của ông.
Henry lấy lại phong độ trong màu áo Monaco và vào mùa hè năm 1998, anh dẫn đầu danh sách ghi bàn của Pháp đồng thời giúp Les Bleus vô địch World Cup. Arsenal, vào thời điểm đó đã được Wenger dẫn dắt, bày tỏ sự quan tâm. Chiến lược gia người Pháp muốn làm việc tiếp với Henry. Wenger rất tin tưởng, và thực tế sau này cho thấy Henry đã trở thành thủ lĩnh hoàn hảo ở sân Highbury.
Tuy nhiên Monaco thời điểm ấy từ chối Arsenal. Thay vào đó, tháng 1 năm 1999, Henry chuyển tới Juventus. Ký giả Auclair trong cuốn sách của mình đã đặt tên cho chương về quãng thời gian của Henry ở Turin là “Một mùa giải địa ngục”, tuy nhiên bản thân cựu danh thủ lại không cho rằng như vậy.
“Mọi người thường nói tôi không được thi đấu nhiều ở Juve, nhưng sự thực là tôi thường xuyên ra sân,” anh nói. “Thứ nhất, tôi chỉ gia nhập đội bóng vào tháng 1. Tôi ra sân cả 16 trận còn lại của mùa giải, đá chính 13 trận. 3 trận đầu tiên tôi ngồi dự bị vì huấn luyện viên Marcello Lippi đang chuẩn bị rời đội và ông nghĩ tốt nhất là nên cho tôi một chút thời gian.”
Henry gia nhập đội 1 tháng thì Lippi rời đi và ông được thay thế bằng Carlo Ancelotti, người đã thừa nhận rằng tiền đạo người Pháp sẽ rất khó để khẳng định bản thân giữa một “rừng” những tên tuổi lớn của câu lạc bộ.
Năm đó, Henry được cho là đã bất ngờ gặp Wenger trên một chuyến bay. “Thierry,” nhà cầm quân người Pháp lên tiếng. “Cậu đang phí thời gian khi đá cánh. Cậu là một số 9.” Henry đã đáp lại bằng một câu hỏi: anh hỏi Wenger là liệu ông có thể đưa anh tới Arsenal và thắp sáng sự nghiệp của anh không. Và “Giáo sư” đã làm được. Sau nửa mùa giải ở Juventus, Henry chuyển tới bắc London để một lần nữa thi đấu cho người đã trao anh cơ hội thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên.
Henry mô tả Wenger như một “người cha tinh thần”. Sự kiện không hay năm 1996 đã từng khiến mối quan hệ giữa anh và cha ruột đổ vỡ. Và anh tìm thấy ở Wenger hình ảnh một người cha mới, người dẫn lối anh tới thành công và trở thành ngôi sao đồng thời đưa anh tiến xa hơn rất nhiều so với trước đó.
Lược dịch từ bài viết “The making of Thierry Henry: A journey from Monaco to London via Turin” của tác giả Callum Rice-Coates trong ấn phẩm France (These Football Times)
Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.
Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.
Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.