Thiago Alcantara: Bóng đá bây giờ không “vui” như trước

Tác giả Thế Trung - Thứ Bảy 19/06/2021 17:41(GMT+7)

Trước khi bước vào trận đấu quan trọng với Ba Lan, tiền vệ Thiago Alcantara đã có cuộc trao đổi với cây bút Sid Lowe của tờ The Guardian về sự thay đổi của bóng đá, về Robert Lewandowski, Alvaro Morata và nhiều câu chuyện thú vị khác.

Ảnh: Thiago Alcantara

“Có một cụm từ mà cha tôi rất hay dùng: diversion con responsibilidad”, Thiago Alcantara nói, “Dịch ra có nghĩa là ‘trách nhiệm đi kèm niềm vui’. Đây là phương châm sống của gia đình tôi và là một bài học mà mọi người có thể áp dụng vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống”.
 
- Vậy đâu là thứ quan trọng hơn, niềm vui hay trách nhiệm? Vì mọi thứ trong bóng đá đôi khi sẽ trở nên căng thẳng tới nghẹt thở phải không?
 
Đúng vậy. Bóng đá bây giờ đang phát triển theo một hướng “kém vui” hơn trước. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn thực hiện đúng trách nhiệm của mình ngay từ khi còn nhỏ. Câu hỏi đặt ra là làm sao để dung hòa được hai khái niệm đó, đưa chúng trở nên cân bằng nhất có thể. 
 
- Anh sinh ra ở Italy. Cha anh là một cầu thủ Brazil từng vô địch thế giới (1994) nhưng anh lại lựa chọn đội tuyển Tây Ban Nha và chơi bóng ở cả Bundesliga lẫn Premier League. Những yếu tố đó đã nhào nặn Thiago của ngày hôm nay như thế nào?
 
Tôi nghĩ sự thay đổi lớn nhất không phải là về mặt địa lý mà là về thế hệ. Ở thời của cha tôi, tôi rất thích xem các cầu thủ chơi bóng theo một kiểu rất riêng. Tôi thích theo dõi họ trước và sau mỗi buổi tập, muốn biết họ uống cái gì (tôi vẫn nhớ họ có một loại nước hoa quả gì đó mà sau này không thấy nữa), sút bóng ra sao,… Tôi hỏi cha tôi đủ thứ. 
 
Rồi sau này khi lớn lên, tôi được chứng kiến Xavi, Iniesta, Puyol. Tôi dần nhận ra những thay đổi mang nhiều tính thế hệ hơn là văn hóa. Việc thi đấu ở những giải đấu khác nhau cũng vậy. Mỗi nơi lại có một đặc điểm riêng và nó giúp tôi hoàn thiện bản thân hơn.
 
- Bóng đá bây giờ khác với khi anh bắt đầu chơi bóng như thế nào?
 
Tốc độ và nhịp điệu. Bóng đá hiện đại đòi hỏi cầu thủ phải nhanh hơn và khỏe hơn. Hình mẫu về những cầu thủ “số 10” gần như biến mất hoàn toàn. Chúng ta ít được chứng kiến những khoảnh khắc kỳ diệu hơn trước. Thay vì rê bóng thì cầu thủ bây giờ chạy nhiều hơn. Những người không có tốc độ như chúng tôi thì phải bù đắp bằng cái đầu nhanh nhạy. Đó gọi là sự thích nghi, cũng giống như cuộc sống tự nhiên vậy. Thời nay, dù kỹ thuật có xuất chúng đến đâu mà không nhanh thì cũng khó có cơ hội. Bóng đá, cũng như mọi lĩnh vực khác, luôn luôn thay đổi và phát triển từng ngày.
 
- Anh nghĩ thế nào về sự “quyết liệt” của các cầu thủ ngày nay?
 
Đó là thứ tôi đã được chứng kiến, đặc biệt là ở đội tuyển quốc gia. Các cầu thủ trẻ được gọi lên. Họ tràn đầy khát khao thể hiện, chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng và luôn cần cù tập luyện. Ở độ tuổi đó, tôi sẽ uống một tách cà phê, ngồi nói vài câu chuyện tào lao với bạn bè rồi đến khi chỉ còn 5 phút nữa là tới buổi tập, tôi mới đi giày và ra sân. Bây giờ, cách buổi tập khoảng 30 phút hay một tiếng, các cầu thủ đã có mặt trong phòng gym để rèn luyện sức mạnh và sự nhanh nhẹn rồi. Chúng tôi không làm như vậy trước đây vì chẳng có ai hướng dẫn cả.

Ảnh: Getty Images
 
-  Thế bây giờ những cầu thủ đã lớn tuổi như anh có học theo phương pháp của các đàn em không?
 
Chúng tôi học hỏi lẫn nhau. Các cầu thủ trẻ thường nhìn các anh lớn và nghĩ rằng: “Ồ, mình phải đạt tới đẳng cấp đó”. Chúng tôi thì theo dõi cách làm của lứa trẻ và tự nhủ: “Mình cũng thử xem sao”. Chúng tôi luôn có ý thức cải thiện bản thân và nhận thức được những phương pháp mới. Điều quan trọng là phải giữ được nét đẹp riêng.
 
-  Anh giải thích rõ hơn được không?
 
- Như Pedri chẳng hạn. Cậu ấy là ví dụ tiêu biểu của một tài năng thuộc về thế hệ cũ. Mọi thứ đến với cậu ấy rất tự nhiên. Cách cậu ấy nhìn nhận bóng đá từ khi còn là một cậu bé cho tới bây giờ hầu như không thay đổi.
 
- Có vẻ các HLV chính là người đã khiến những nét riêng biệt của cầu thủ bị mất đi?
 
Không thể đổ lỗi cho HLV được. Bóng đá là môn thể thao tập thể. Nếu tập thể mang lại hiệu quả thì bạn không cần đến những khoảnh khắc kỳ diệu (như tôi nói ở trên) nữa. Sau cùng, sự kỳ diệu vẫn xuất hiện nhưng theo một kiểu khác. Đó là khi bạn biết phải di chuyển như thế nào, phải chuyền bóng cho ai, phải phòng ngự ở đâu,… Hoặc là khi bạn không có được góc chuyền thuận lợi, khi bị vây kín bởi cầu thủ đối phương, bạn sẽ nhận ra rằng mình phải làm gì đó khác biệt. Đó chính là sự kỳ diệu. Bóng đá đang phát triển theo hướng buộc cầu thủ phải suy nghĩ nhiều hơn đến lối chơi chung thay vì khoảnh khắc của cá nhân.
 
- Covid đã thay đổi cuộc chơi như thế nào?
 
Chúng tôi giao tiếp với nhau nhiều hơn. Có thể cầu thủ sẽ giảm đi một chút về độ cạnh tranh nhưng sẽ phát triển ở những phương diện khác. Nhiều sự thay đổi người hơn cũng đồng nghĩa với việc phải thi đấu vất vả hơn. Tôi nhìn chung là người theo phong cách cổ điển nên tôi cũng có suy nghĩ “chán” bóng đá hiện đại. 
 
Rồi có cả VAR nữa. Tôi luôn phản đối VAR vì nó đã làm mất đi bản chất và sự khó lường thú vị của bóng đá. Cầu thủ mắc sai lầm khi thi đấu thì trọng tài cũng có quyền mắc sai sót. Với VAR, những khoảnh khắc lịch sử sẽ chẳng thể nào tồn tại. Ví dụ như khi bạn ghi được một tuyệt phẩm, bạn sẽ phải chờ đợi và hy vọng rằng không có lỗi nào xảy ra trong tình huống đó, hy vọng rằng không có ai việt vị, hy vọng một tỉ thứ khác không xảy ra…

Ảnh: Getty Images
 
- Anh đã nói đến sự khác biệt thế hệ, nhưng sự thay đổi về môi trường, đồng đội và HLV cũng ảnh hưởng chứ?
 
Tất nhiên rồi. Ở Tây Ban Nha, mọi người đề cao kỹ thuật trong khi tính chiến thuật ở Ý sẽ lớn hơn. Ở Anh lại đòi hỏi tốc độ và thể chất. Bundesliga thì chú trọng tới khả năng thay đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại. Pháp lại là nơi các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội phát triển. Thi đấu ở nhiều đất nước, giải đấu khác nhau cũng có nghĩa là bạn đã học được thêm nhiều điều mới mẻ, mở rộng giới hạn của bản thân.
 
-  Anh có biết rằng mình là một trong số 65 cầu thủ đang khoác áo đội tuyển quốc gia không phải nơi mình sinh ra?
 
Mọi nền văn hóa đều có thể hòa hợp được với nhau. Con người và tính cách của mỗi cá nhân được hình thành từ nơi mà họ sinh ra và lớn lên. Tôi là người cởi mở, luôn sẵn sàng chào đón cái mới. Quan trọng là hãy phát triển theo cách mà bạn mong muốn, theo những trải nghiệm và bài học của riêng mình. Bóng đá cũng như thế. 
 
Như Brazil chẳng hạn. Bóng đá Brazil có pha trộn một chút từ Châu Phi và vẫn đang là một trong những quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất thế giới. Tôi nghĩ bóng đá là một hình thức khác của sự giao tiếp và giải thoát. Nó chỉ là một môn thể thao thôi nhưng khi bạn nhìn thấy hàng triệu người trên thế giới quên đi mọi thứ để xem bóng đá, được chứng kiến cảm xúc và sự thỏa mãn sau mỗi trận đấu của họ, bạn mới nhận ra rằng bóng đá quan trọng như thế nào.
 
- Anh đã được huấn luyện bởi Guardiola, Tito Vilanova, Ancelotti, Hansi Flick, Klopp, Luis Enrique và nhiều người khác nữa. Anh so sánh những HLV này như thế nào?
 
Mọi người thường tập trung vào những HLV huấn luyện cầu thủ khi họ đã thi đấu chuyên nghiệp, còn cầu thủ chúng tôi thường nhìn từ điểm bắt đầu. Tôi có lẽ dành nhiều tình cảm cho những HLV đã dạy dỗ tôi khi còn trẻ hơn là khi tôi đã chơi bóng nhiều năm. Còn nếu bắt tôi kể ra tất cả những người đã hướng dẫn để tôi có được ngày hôm nay thì tôi sẽ phải kể đến già mất.

Ảnh: Getty Images
 
- Sắp tới, anh sẽ đối mặt với Robert Lewandowski và ĐT Ba Lan. Các anh đã nói chuyện với nhau về trận đấu đó chưa?
 
Chưa nhưng chúng tôi sẽ liên lạc với nhau. Tôi và anh ấy đã có 6 năm tươi đẹp ở Bayern Munich và đó chính là nét đẹp của bóng đá: những người bạn chúng ta có trên suốt con đường sự nghiệp. Anh ấy là một cầu thủ xuất sắc và nếu có, giải thưởng Quả Bóng Vàng năm ngoái chắc chắn sẽ thuộc về Lewandowski. Tôi nghĩ hơi thiếu công bằng khi họ không thể trao giải trực tuyến như mọi sự kiện khác. 
 
Lewandowski phát triển không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần nữa. Anh ấy ghi trên 30 bàn mỗi mùa nhưng vẫn chăm chỉ tập luyện, hoàn thiện những gì anh ấy giỏi và rèn giũa những mặt hạn chế. Anh ấy là hình mẫu cho sự chuyên nghiệp, một người sinh ra để giành chiến thắng. Một tiền đạo sẽ luôn bị ám ảnh bởi việc ghi bàn. Ban đầu có thể Lewandoski cũng như vậy nhưng bây giờ thì không. Lewandoski hoàn toàn thoải mái vì anh ấy đã biến việc ghi bàn trở thành một thói quen.
 
- Vậy còn Alvaro Morata thì sao? Anh ấy đang phải chịu áp lực nặng nề với nhiệm vụ đưa bóng vào lưới đối phương đúng không?
 
Khán giả luôn đòi hỏi một tiền đạo phải ghi bàn nhưng chúng tôi, là cầu thủ, phải tự đòi hỏi những mục tiêu cụ thể của bản thân. Alvaro Morata vậy. Chúng tôi có cần bàn thắng không? Có, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để ghi bàn như một tập thể đoàn kết.
 
- Theo dõi Euro lần này, có đội bóng nào (ngoài Tây Ban Nha) mà anh muốn chơi cùng không?
 
Thiago: Tôi không suy nghĩ theo từng quốc gia. Niềm hạnh phúc khi được chơi cho Tây Ban Nha là quá đủ rồi. Tôi có thói quen suy nghĩ về một đội hình nào đó mà tôi sẽ xây dựng bằng những cầu thủ mà tôi từng được theo dõi. Tôi có thể kể ra 4 hay 5 đội như vậy đấy.
 
- Trường hợp của Eriksen thì sao? Anh đã nghĩ gì khi chứng kiến tình huống đó xảy ra?
 
Khi đó, chúng tôi đang trên đường đến sân tập và tất cả đều đã ôm đầu lo lắng: “Làm ơn đừng để có chuyện gì xảy ra với anh ấy. Làm ơn hãy giúp anh ấy bình phục”. Ở khoảnh khắc đó, chúng tôi rất hoang mang. Có rất nhiều suy nghĩ diễn ra trong đầu chúng tôi như là “Chúng ta đang đá bóng vì cái gì đây?” hay “Hy vọng rằng Eriksen sẽ bình an vô sự để tiếp tục cuộc sống và được tiếp tục chơi bóng”. Cảm xúc khi đó rất lẫn lộn: vừa hoang mang, vừa không muốn tiếp tục thi đấu, vừa cảm thấy thật may mắn khi mình được chơi bóng vì bóng đá là môn thể thao thật đáng yêu.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.