Theo Hernandez: Cơn lốc của Rossoneri

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 30/08/2021 09:40(GMT+7)

Kể từ khi gia nhập AC Milan, Theo Hernandez đã tiến bộ và chứng minh anh là một trong những hậu vệ trái hàng đầu Serie A.

Những ký ức về mùa hè năm 2019 chắc chắn sẽ không bao giờ phai mờ đối với Theo Hernandez. 
 
Quên làm sao được, khi mà bản thân anh – một hậu vệ trái – đã được nhân vật được ca tụng là “hậu vệ trái xuất sắc nhất mọi thời đại” – Paolo Maldini –đang đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật tại A.C Milan đích thân thuyết phục mình gia nhập CLB của người đàn ông ấy, sau đó xúc tiến và “chốt sổ” với phía CLB chủ quản Real Madrid. 
 
Chính Theo cũng từng kể với tờ The Athletic rằng: “Khi Maldini bảo mình muốn ký hợp đồng với tôi, cảm giác cứ như thể đang mơ vậy. Ông ấy đã thể hiện một niềm tin rất lớn vào tôi và thuyết phục rằng Milan có thể trở thành gia đình của tôi. Tôi biết ông ấy là một huyền thoại, một cầu thủ thực sự vĩ đại. Được xem trọng bởi một vĩ nhân như Maldini thực sự quá ‘phê’ luôn.”

Ảnh: Getty Images
 
Theo đã không cần phải suy nghĩ quá lâu để chấp nhận lời đề nghị của Milan. Dù cho đang phải trải qua những năm tháng đầy khó khăn, nhưng uy tín, giá trị của Rossoneri vẫn không hề bị tổn hại chút nào. 
 
“Quyết định cuối cùng đã được tôi đưa ra một cách rất dễ dàng,” Anh chia sẻ. “Đây là câu lạc bộ có số lần đăng quang nhiều thứ hai tại Champions League. Đây là AC Milan! Tôi đã không cần suy nghĩ quá lâu. Tôi cũng đã bàn bạc với gia đình và những người đại diện của mình, nhưng ngay khi vừa nghe tin về sự quan tâm của Milan, bản năng đã mách bảo tôi rằng đó sẽ là ‘đất lành’ để mình phát triển sự nghiệp. Ngay cả ông tôi cũng cảm thấy vậy, khi tôi kể với ông về chuyện mình sẽ chuyển đến Milan, ông đã rất vui và vô cùng tự hào.” 
 
Bên cạnh đó, đội chủ sân San Siro cũng chẳng khác nào một “chiếc phao cứu sinh” dành cho hậu vệ người Pháp trong sự vô vọng ở Los Blancos – dù cho đã gia nhập CLB này với rất nhiều kỳ vọng theo cùng. “Tại Real Madrid, tôi đã không được trao cơ hội để thể hiện bản thân,” Theo từng tâm sự. 
 
Rốt cuộc, niềm tin của Maldini và các cộng sự, cũng như 20 triệu Euro được chi ra cho vụ đánh cược này, đã được đền đáp một cách xứng đáng – thậm chí có thể xem đây là một món hời lớn của Milan. 
 
Hai mùa bóng trôi qua, Theo Hernandez đã trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của Rossoneri, tỏa sáng rực rỡ ở Serie A, thậm chí còn được ca tụng là một trong những hậu vệ cánh trái xuất sắc nhất làng túc cầu. Và trên cuộc hành trình giành lấy tấm vé tham dự Champions League lần đầu tiên sau 8 năm của Milan, không ai có thể phủ nhận chàng trai sinh năm 1997 này nằm trong số những nhân tố góp công lớn nhất.
 
Sau đây, hãy cùng chiêm ngưỡng bức chân dung của Theo Hernandez. 
 

MÁY CHẠY CỦA MILAN

 
Giờ đây, chúng ta đang sống trong một thời đại mà vai trò hậu vệ cánh hiện đại cũng quan trọng tương đương vai trò “nhạc trưởng” (playmaker). Họ đang có một tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc trong mọi đợt tấn công của các CLB hàng đầu.
 
Tại AC Milan, lối chơi của Theo Hernandez đang thể hiện một cách hoàn hảo khuynh hướng đó. Bạn sẽ liên tục hết lần này đến lần khác được thấy cầu thủ người Pháp có những động thái mang ý định xuyên phá hệ thống phòng ngự của đối phương từ dưới sâu, cả khi có bóng lẫn không có bóng, trong xuyên suốt một trận đấu. 
 
Nếu không bám biên để kéo dãn hàng thủ đối phương, anh cũng sẽ xuất hiện ở hành lang trong, trong khi cầu thủ chạy cánh đồng đội đá rộng để đảm bảo khả năng tận dụng chiều ngang sân. Theo luôn muốn đóng góp trực tiếp vào các bàn thắng bằng cách đi bóng vào vòng cấm rồi thực hiện những đường chuyền tạo cơ hội hoặc tự mình dứt điểm. 
 
Nhờ vào tốc độ đáng kinh ngạc và trình độ kỹ thuật mà bản thân sở hữu, cầu thủ 23 tuổi đã thường xuyên trở thành một trong các “nhân vật chính” của Milan khi họ chuyển đổi trạng thái từ thủ sang công. 
 
Trong mùa 2020/2021, khả năng kéo bóng của Theo đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Rossoneri, khi anh được ghi nhận đã thực hiện 8,34 lần kéo bóng mỗi 90 phút - tức những tình huống dẫn bóng hướng về phía khung thành đối phương ít nhất 4,57m, hoặc bất kỳ pha dẫn bóng nào vào vòng cấm, theo Fbref. Bên cạnh đó là 3,22 lần dẫn bóng vào khu vực 1/3 cuối sân đối phương, một con số có bách phân vị 99 khi đưa vào nhóm các hậu vệ cánh ở Serie A để so sánh (tức đứng trên 99% cầu thủ trong nhóm).
 
Cầu thủ người Pháp cũng đã có trung bình 2,03 pha rê bóng qua người thành công mỗi 90 phút, đứng trên 94% hậu vệ cánh ở Serie A. Nhìn rộng hơn thay vì chỉ so sánh với các hậu vệ cánh, Theo đã đứng trên cả Cristiano Ronaldo, Lorenzo Insigne và Frank Ribery – những chuyên gia rê bóng lừng danh trong làng túc cầu – về khía cạnh này.
 
Hãy nhìn lại pha kiến tạo của ngôi sao người Pháp trong trận đấu với Sassuolo vào tháng 12 năm ngoái – sau khi Milan phòng ngự thành công trước một tình huống cố định của đối thủ. Đây thực sự là một minh chứng đã thể hiện một cách hoàn hảo khả năng kéo bóng, rê dắt bóng, và tốc độ tuyệt vời mà Theo sở hữu, cũng như vai trò của anh khi Milan tổ chức phản công.
 
 
Biết rằng trình độ kỹ thuật, khả năng kéo bóng và rê dắt bóng của Theo là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm, các đội bóng đã bắt đầu tăng cường nhân sự đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn các tình huống dâng cao tấn công của anh. Điều này đồng nghĩa rằng Theo có thể kéo vài cầu thủ đối phương rời khỏi vị trí với những bước chạy của mình và mở ra khoảng trống cho các đồng đội khác. Trong trận đấu với Roma vào tháng 2, một ví dụ về điều này đã xuất hiện.
 
 
TẦM ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHÂU SÁNG TẠO CỦA ĐỘI
 
Phong cách tấn công và những bước chạy, những pha tăng tốc bất ngờ từ dưới sâu của Theo, khiến đối thủ rất khó ngăn chặn, đặc biệt là khi họ phải để tâm đến những cầu thủ khác của Rossoneri nữa. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có những lúc hậu vệ cánh người Pháp được tự do để nhận một đường chuyền từ đồng đội, trừ khi đối thủ cử người bám sát anh trên xuyên suốt chặng đường di chuyển. 
 
Lối chơi đầy cơ động của Theo đã mang đến cho Milan nhiều sự lựa chọn hơn ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương, và anh thực sự đã đóng góp trực tiếp vào rất nhiều cơ hội ghi bàn của họ. Với việc thường xuyên xuất hiện ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương, Theo đã kiến tạo nên không ít cơ hội tốt, thậm chí là cực kỳ ngon ăn cho các đồng đội của anh. 
 
Ở mùa giải trước, hậu vệ trái người Pháp đã được ghi nhận 2,42 “shot-creating actions” mỗi 90 phút (được định nghĩa là có ít nhất 2 hành động tấn công trực tiếp dẫn đến 1 cú dứt điểm, chẳng hạn như chuyền, lừa bóng và buộc đối thủ phải phạm lỗi), đứng trên 81% các hậu vệ cánh khác ở Serie A về chỉ số này (đứng thứ 2 trong đội với tổng số 79), và 0,37 trong số các tình huống đó được chuyển hóa thành những bàn thắng (đứng trên 81% các hậu vệ cánh khác ở Serie A và đứng thứ 3 trong đội với tổng số 12). 
 
Ngoài ra, với thống kê tổng 5,2 kiến tạo kỳ vọng và 39 đường chuyền quyết định ở mùa 2020/2021, Theo đã chứng minh bản thân là một trong 3 cầu thủ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến khâu sáng tạo của Rossoneri, bên cạnh Hakan Çalhanoğlu và Ante Rebić. Đồng thời, cũng cần phải nhắc đến việc phần lớn các cơ hội mà Theo kiến tạo ở mùa 2020/2021 đã diễn ra bên trong vòng cấm, với thống kê 1,41 đường chuyền vào vòng cấm đối thủ mỗi 90 phút – đứng thứ hai ở Milan với tổng số 46. 
 
Trong một trận đấu với Parma vào tháng 12, một tình huống khác thể hiện một cách hoàn hảo sự cơ động và hiệu quả của Theo trong việc kiến tạo cơ hội cho đồng đội với tốc độ và kỹ năng mà bản thân sở hữu, cũng đã xuất hiện. Nhưng thật đáng tiếc khi bàn thắng được ghi bởi Samu Castellejo sau đó đã không được công nhận vì lỗi việt vị.
 
 
Cần phải nhấn mạnh rằng, trên thực tế, Theo hoàn toàn không phải một chiếc máy chạy đơn thuần, tức chỉ biết tận dụng khả năng tốc độ mà mình sở hữu để tạo cơ hội cho đồng đội. Anh cũng có thể tung ra những quả tạt tuyệt vời, hết sức tinh tế để mang đến các cơ hội ghi bàn khi cần phải làm vậy. 
 
 
 
 
KHẢ NĂNG SĂN BÀN
 
Với việc thường xuyên tiến vào khu vực 1/3 cuối sân đối phương và thậm chí là xâm nhập vào vòng cấm, Theo chắc chắn đã có được rất nhiều cơ hội ghi bàn. Ở mùa giải 2020/2021, tại Serie A, anh đã tung ra đến 47 cú dứt điểm (đứng thứ ba trong đội) và ghi được 7 bàn thắng – một con số tuyệt vời đối với một hậu vệ. Chỉ có Çalhanoğlu và Zlatan Ibrahimovic là được ghi nhận đã thực hiện nhiều cú dứt điểm hơn ngôi sao người Pháp ở Milan, điều này đồng nghĩa với việc Theo đã có được rất nhiều cơ hội ghi bàn. 
 
Nhìn rộng hơn, thống kê bàn thắng kỳ vọng trung bình mỗi 90 phút của Theo ở Serie A 2020/2021 là 0,11, đứng trên 90% các hậu vệ cánh ở đấu trường này. 
 
 
 
Như đã đề cập từ trước, những tình huống tăng tốc bất ngờ từ dưới sâu của Theo thường không bị theo kèm và rất khó ngăn cản, cứ như thể một cơn lốc vậy. Anh luôn tận dụng một cách xuất sắc tốc độ của mình trong các pha phản công có khoảng trống để khai thác.
 
Pha lập công dưới đây của ngôi sao người Pháp vào lưới Torino chính là một trong các ví dụ tiêu biểu cho điều này, khi Theo thực hiện một pha bùng nổ tốc độ đặc trưng và xông vào vòng cấm đối thủ mà không bị ai theo kèm (vì không theo kịp để mà kèm), đón lấy đường chọc khe của đồng đội và dứt điểm thành bàn. 
 
 
Khi các đối thủ nhận thức rõ hơn về khả năng tấn công của Theo, họ đã cố vô hiệu hóa điều đó bằng cách kiểm soát và hạn chế những khoảng trống mà anh có thể khai thác. Phương án đối phó của Milan với điều này là trước tiên triển khai bóng bên cánh phải, thu hút sự chú ý của đối thủ tập trung vào cánh này, sau đó đưa bóng sang cánh trái thật nhanh cho Theo đang được tự do. 
 
Bàn thắng của hậu vệ cánh người Pháp vào lưới Parma có thể coi là một thành quả của chiến thuật trên. 
 
 
KHẢ NĂNG PHÒNG NGỰ THÌ SAO?
 
Bởi lối chơi luôn muốn tham gia tấn công của Theo, tất nhiên rất nhiều người đã lo ngại rằng điều đó chắc chắn sẽ mở ra những khoảng trống hết sức nguy hiểm ở phía sau anh để đối thủ khai thác. 
 
Sự thật là Theo đã chơi khá kỷ luật và tận dụng tốc độ của mình một cách xuất sắc để phục vụ cho việc phòng ngự. Ở mùa 2020/2021, hậu vệ cánh người Pháp là một chuyên gia tắc bóng đích thực, anh được ghi nhận đã thực hiện 1,99 pha tắc bóng mỗi 90 phút (đứng trên 71% hậu vệ cánh ở Serie A và đứng thứ ba trong đội với tổng số 65) và 1,32 pha tắc bóng thành công mỗi 90 phút (đứng trên 82% hậu vệ cánh ở Serie A và đứng thứ ba trong đội với tổng số 43). Tỷ lệ vô hiệu hóa thành công các pha rê dắt bóng phải đối mặt được ghi nhận ở Theo cũng rất ấn tượng, lên đến 55,3%, đứng trên 86% các hậu vệ cánh khác ở Serie A. 
 
Đây là một pha đua tốc độ và tắc bóng hết sức ấn tượng của Theo với Achraf Hakimi: 

 
Một khoảnh khắc đáng đề cập khác: 

 
Ngoài ra, khả năng phán đoán, đọc tình huống tuyệt vời của Theo cũng đã được thể hiện qua việc anh chính là cầu thủ sở hữu những con số cao nhất đội cả về thống kê số pha cắt bóng mỗi 90 phút (1,38) và tổng số lần cắt bóng 45. 
 
Khi đối thủ muốn xuyên phá Rossoneri từ cánh trái, tùy theo tình hình, nếu cảm thấy thích hợp, “công tắc pressing” của Theo sẽ được kích hoạt và anh sẽ dâng lên để pressing cầu thủ tấn công cánh của đối thủ một cách quyết liệt, nhằm khiến họ không thể tiến thêm được nữa trên sân đấu, buộc phải chuyền về. 
 
Thậm chí, khả năng nhận định thời điểm thích hợp để pressing của Theo cũng đã giúp tạo nên những cơ hội phản công tuyệt vời dành cho Milan. Bàn thắng mà hậu vệ cánh người Pháp đã ghi vào lưới Spezia là một ví dụ hoàn hảo cho điều này – dâng cao, pressing cầu thủ đá cánh sắp nhận bóng của đối thủ, đoạt lấy bóng, đi bóng và tự mình ghi bàn.
 
 
KẾT LUẬN
 
Kể từ khi “kết duyên” lại với Rossoneri, trên cương vị giám đốc phát triển chiến lược thể thao và sau đó là giám đốc kỹ thuật, Paolo Maldini đã có không ít những sai lầm đáng trách và bộc lộ nhiều yếu điểm trong tư cách một thành viên trong ban lãnh đạo của CLB nửa đỏ thành Milan – đây là điều không thể phủ nhận, ngay cả với những người yêu mến ông nhất.  
 
Nhưng đồng thời, quá rõ ràng là những quyết định tuyệt vời mà huyền thoại người Italy đã thực hiện cũng không hề ít, và niềm tin vào Theo Hernandez chắc chắn là một trong số đó – nhất là khi nó đã có một tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự tái xuất của CLB này ở Champions League, đấu trường danh giá nhất châu Âu. 
 
Rốt cuộc, chuyện gì phải đến cũng đã đến, sau rất nhiều lần bị “ngó lơ”, mới đây – ngày 28 tháng 8 – Theo đã chính thức có được lần đầu tiên được điền tên vào một cuộc triệu tập của ĐTQG Pháp. Một phần thưởng đáng tự hào khác dành cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh. Ở tuổi 23, dĩ nhiên phía trước vẫn còn một chặng đường rất dài, với nhiều thử thách và mục tiêu lớn khác đang chờ đợi chàng trai này. Tiếp tục tiến bước nào, “Theodini”!

(Bài viết sử dụng tư liệu của blog Chun Hang)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.