Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Tư 18/01/2023 16:28(GMT+7)

Zalo

Theerathon Bunmathan chắc chắn là nhân tố quan trọng nhất trong hành trình bảo vệ ngôi vương của Thái Lan ở AFF Cup. Nhưng chính nền tảng chiến thuật hiện đại và hiệu quả mà người thuyền trưởng Mano Polking vạch ra giúp Thái Lan phát huy tối đa năng lực của các học trò. 

326233281_673341517921296_228234079579690788_n
 

Suốt cả chiến dịch AFF Mitsubishi Electric Cup 2022, Thái Lan của Mano Polking luôn tìm cách chơi thứ bóng đá kiểm soát, bất kể hệ thống chiến thuật nhiều lúc thay đổi, bất kể những con người được lựa chọn có là ai đi chăng nữa. Điều đó còn đồng thời khẳng định, nhà cầm quân gốc Brazil thật sự hiểu nguồn nhân sự ông có trong tay, dựa trên kinh nghiệm và vốn hiểu biết tích lũy được sau nhiều năm gắn bó với bóng đá Thái.

Trong hai lượt trận chung kết trước Việt Nam, Thái Lan vẫn tiếp tục thể hiện hình ảnh quen thuộc ấy. Dù ở khía cạnh số liệu thống kê, Thái Lan không hẳn vượt trội so với đội bóng của HLV Park Hang-seo, nhưng đường nét lối chơi không thay đổi.

LƯỢT ĐI

Đã có một sự thỏa hiệp nhất định của Thái Lan khi những chú voi chiến chơi với hệ thống 3 trung vệ hoàn toàn. Thái Lan đã thật sự muốn gò hệ thống của họ để soi gương/chống lại hệ thống của Việt Nam, giống cái cách mà những Malaysia, Singapore hay Indonesia từng làm, tức đá 3 trung vệ. Dù thực tế, với vị trí và vai trò đa dạng của Theerathon Bunmathan, việc Thái Lan nhiều lúc ở các trận đấu trước có hình thù tuyến dưới 3 người khi triển khai bóng đã được nhìn thấy.

Trong hệ thống 5-3-2 ấy của Thái Lan ở trận chung kết lượt đi, sát cánh cùng Theerathon Bunmathan ở đáy hàng tiền vệ là số 8 Peeradol Chamrasamee. Trong khi, số 6 Sarach Yooyen là người chơi như một tiền vệ hộ công sau lưng cặp Adisak Kraisorn và Poramet Arjvirai. Cặp tiền đạo của Thái Lan đều là những người có phạm vi hoạt động rộng, như Adisak thường lùi về rất thấp, còn Poramet thì khuynh hướng dạt ra biên trái. Hai wingback của họ là Sasalak Haiprakhon và Suphanan Bureerat luôn dâng cao bám biên. Còn ở bộ 3 trung vệ, điểm nhấn là việc số 18 Weerathep Pomphan lần đầu được đá chính, bên cạnh Pansa Hemviboon và Kritsada Kaman.

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 1
(Cấu trúc triển khai bóng 3-2 của Thái Lan)

Bất kể là tổ chức lên bóng từ tuyến dưới qua cấu trúc 3-1 hay 3-2, Thái Lan sẽ luôn tìm cách có khoảng 5 cầu thủ tham gia tấn công ở phía trên, gồm 2 tiền đạo, 2 wingback dâng cao và 1 trong hai tiền vệ. Có thể hơi quá nếu so sánh với cách sắp xếp và khai thác không gian của những đội bóng hiện đại đâu đó bên châu Âu, nhưng hình thù này ít nhiều cũng mang đến những liên tưởng: hai biên, hai hành lang trong và trung lộ luôn có người chiếm giữ từ lúc bắt đầu khâu lên bóng ở lớp dưới cùng.

Hãy lấy dẫn chứng từ tình huống ở phút 46+1 của hiếp đấu tại Mỹ Đình, một đường chuyền xuyên tuyến từ người giữ vai trò trung vệ lệch trái trong hệ thống của Thái Lan, là số 18 Weerathep Pomphan, dành cho số 9 Adisak Kraisorn. Pha bóng này không cho ra kết quả gì khi tuyển Việt Nam bẫy việt vị thành công. Nhưng góc máy quay chậm sau đó vẽ ra một bức tranh cơ bản về cấu trúc triển khai tấn công của Thái Lan. 

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 2
(Hình khối cấu trúc Thái Lan trong tình huống ở phút 46+1)

Cặp tiền đạo của Thái Lan như đã nói đều là những người có phạm vi hoạt động rộng, một trong hai người này, như ở pha bóng trong ảnh, sẽ giật về đứng ở khoảng trống giữa hai tuyến của Việt Nam, người còn lại giữ vị trí tấn công chiều sâu. Điều này mở ra hai khả năng chuyền bóng cho đồng đội, hoặc đưa quả bóng ra sau lưng hàng thủ Việt Nam, hoặc đưa quả bóng vào khoảng trống giữa hai tuyến. 

Tìm cách khai thác khoảng trống giữa hai tuyến đối thủ không chỉ là hành động của riêng một trong hai tiền đạo Thái Lan, mà còn là công việc của những tiền vệ hoặc thậm chí hậu vệ biên của họ. 

Để tấn công vào khoảng trống giữa hai tuyến, đòi hỏi cầu thủ phải có nền tảng kỹ thuật và cảm quan không gian tốt, để nhận bóng rồi xoay trở và phối hợp. Thái Lan về cơ bản có được điều đó xét ở mặt bằng khu vực. 

Khi Thái Lan đưa được quả bóng tới cuối 1/3 sân ở hai biên, họ không tìm cách để tạt, thay vào đó là chuyền vào khoảng trống ấy, tạo ra những tình huống tấn công ở trung lộ, chính diện vùng 16m50 của Việt Nam.

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 3
(Pha bóng dẫn tới cú sút nguy hiểm của số 8 Peeradol ngay khu vực trung lộ)

Từ đầu giải đấu tới giờ, cánh trái vẫn luôn là hướng tấn công quan trọng của Thái Lan, khi người giữ vai trò điều phối chính Theerathon Bunmathan chơi lệch nhiều ở cánh này.

Trước Việt Nam ở lượt đi, Thái Lan tiếp tục tấn công nhiều qua cánh trái (chiếm 42,4% so với trung lộ 21% và cánh phải 36,6%), qua nhóm 3 chân chuyền là Theerathon Bunmathan, Sasalak Haiprakhon và đáng chú ý chính là Weerathep Pomphan. Bộ 3 cầu thủ này cũng là 3 trong số 4 cầu thủ chạm bóng nhiều nhất của Thái Lan tại Mỹ Đình (chỉ sau Kritsada Kaman). Đồng thời, Weerathep và Theerathon là hai cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất của Thái Lan, chỉ sau Kritsada. 

Cần phải nói thêm về trường hợp của Weerathep Pomphan. Trước trận chung kết, cầu thủ chơi được ở cả vị trí tiền vệ trụ và trung vệ lệch trái này chỉ ra sân đúng 2 lần, đều từ ghế dự bị. Lần đầu là trước Philippines, anh vào sân đá như tiền vệ trụ. Lần thứ hai là ở bán kết lượt về Malaysia, bấy giờ anh đá như một trung vệ lệch trái. Tại Hà Nội, Weerathep như đã chỉ ra, lần đầu đá chính ở AFF Mitsubishi Electric Cup 2022, trong vai trò trung vệ lệch trái.

Weerathep cho thấy anh có dải chuyền bóng và sự mạnh dạn để tung ra những đường chuyền xuyên tuyến, phát triển bóng về phía trước không khác gì Theerathon Bunmathan. Điều đó, cổ xúy cho thiên hướng tấn công qua cánh trái của Thái Lan. Đồng thời, nếu nhạc trưởng Theerathon bị kiềm tỏa, Weerathep sẵn sàng giữ vai trò điều phối ở khu vực này.

Giờ hãy nói về Theerathon ở lượt đi. Sự biến hóa về mặt vị trí lẫn vai trò của Theerathon là hình ảnh thu nhỏ của cả bức tranh chiến thuật mà Thái Lan sử dụng ở giải đấu lần này. 

Theerathon cho thấy sự biến hóa và ghê gớm. Ghê gớm ở khả năng chuyền bóng - chân trái lẫn chân phải, nhất là những đường chuyền hướng về phía trước. Còn biến hóa là ở mặt vị trí. Bàn đầu tiên của Thái Lan, cầu thủ này kiến tạo ở vị trí của một trung vệ lệch trái, chuyền bổng vượt tuyến bằng chân trái. Còn ở bàn thứ hai, cầu thủ này kiến tạo ở vị trí của một tiền vệ trụ, chọc khe chân phải ngay ở bước chạm một.

Cũng chính trong bàn gỡ hòa 1-1 của Thái Lan trước Việt Nam ở lượt đi, chúng ta nhìn thấy đường nét về một pha triển khai tấn công theo trục dọc bên hành lang cánh trái của đối thủ. Thay vì Weerathep thì chính Theerathon lùi về giữ vị trí như một trung vệ lệch trái (còn Weerathep dâng lên ôm biên) tung ra đường chuyền bổng vượt tuyến để Poramet Arjvirai thoát xuống ghi bàn. 

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 4
(Dấu ấn vị trí và sự nguy hiểm của Theerathon trong hai bàn thắng của Thái Lan ở Mỹ Đình)

HLV Park Hang-seo chắc chắn hiểu rõ sự nguy hiểm và vai trò tối quan trọng của Theerathon với Thái Lan. Do đó, ngay từ đầu, nhà cầm quân người Hàn đã giao phó trọng trách theo kèm Theerathon ở những khu vực và giai đoạn nhất định cho Hùng Dũng. 

Tiền vệ của CLB Hà Nội có xu hướng thường xuyên dâng cao hơn so với hai người đồng đội còn lại ở hàng tiền vệ là Hoàng Đức và Quang Hải trong hệ thống 5-3-2 lúc không bóng, hòng dễ theo kèm Theerathon. Đó thực sự là một bài toán nan giải, bởi tầm hoạt động đa dạng của cầu thủ từng chơi bóng ở J-League này. Nếu Hùng Dũng di chuyển theo như hình với bóng, hàng tiền vệ sẽ thiếu người, nếu bỏ mặc Theerathon, Thái Lan sẽ dễ dàng triển khai bóng từ tuyến dưới.

LƯỢT VỀ

Ngay và luôn, hãy nói về bàn thắng duy nhất được ghi tại Thammasat. Các bạn có thấy quen thuộc không? Khi đó vẫn xuất phát từ một miếng đánh đưa bóng vào trung lộ, khu vực trọng yếu mà chúng ta từng để Thái Lan liên tục khai thác ở trận lượt đi trên sân nhà.

Trước tiên, Việt Nam trong trận chung kết lượt về đã có một sự điều chỉnh nhỏ về mặt hệ thống chiến thuật. Không còn là cấu trúc 5-3-2 cố định khi phòng ngự như ở lượt đi nữa, mà thay vào đó là 5-2-3 với cặp tiền vệ trung tâm gồm Tuấn Anh và Hoàng Đức, trong khi tiền vệ Hùng Dũng được đẩy dâng lên rất cao cùng hai tiền đạo để gây áp lực vào một số thời điểm lên các cầu thủ làm bóng ở tuyến dưới của Thái Lan, nhất là việc Hùng Dũng di chuyển theo Theerathon. 

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 5
(Tình huống dẫn tới bàn thắng của Thái Lan, những khoảng trống giữa hai tuyến và ở trung lộ tiếp tục bộc lộ trong cấu trúc phòng ngự của Việt Nam)

Nhìn vào tình huống dẫn tới bàn thắng mà Theerathon ghi được, dễ nhận thấy kết cấu phòng ngự 5-2-3 của tuyển Việt Nam đã để lộ ra những khoảng trống giữa các tuyến, và nhất là cặp tiền vệ trung tâm của Việt Nam đã không thể dàn trải nổi phạm vi chiều ngang sân khi cả Hoàng Đức và Tuấn Anh đều bị kéo ra gần biên, từ đó để hổng vùng không gian nguy hiểm ở trung lộ. 

Có lẽ ông Park cũng đã nhìn thấy vấn đề sau bàn thua đó, khi chiến lược gia người Hàn vào những phút cuối của hiệp 1 quyết định tung Quang Hải vào sân. Bên cạnh việc gia tăng thêm sức tấn công bằng Quang Hải, thì một công đôi việc còn xuất phát từ lý do quan trọng là chuyển cấu trúc phòng ngự thành 5-3-2, với Hùng Dũng lùi về chơi lệch trái trong hàng tiền vệ ba người,ở  giữa là Hoàng Đức và bên phải là Quang Hải. Mục đích là có thêm quân để trải theo chiều ngang, tìm cách bịt trung lộ trong những pha triển khai tấn công của Thái Lan. 

Bản đồ các điểm chạm bóng của Hùng Dũng trước và sau thời điểm Quang Hải được tung vào sân cho thấy sự điều chỉnh đó của ông Park.

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 6
(Các điểm chạm bóng của Hùng Dũng trước và sau khi Quang Hải vào sân trong trận chung kết lượt về)

Trở lại với hình ảnh chung của Thái Lan ở trận lượt về. HLV Mano Polking tiếp tục tin tưởng vào những con người đã từng sử dụng tại Mỹ Đình, cùng một cách chơi quen thuộc, dựa vào khả năng kiểm soát và làm chủ thế trận thông qua việc triển khai từ tuyến dưới. Dẫu vậy, không phải người Thái không có những sự tinh chỉnh.

Sự khác biệt đáng chú ý đầu tiên của Thái Lan ở trận chung kết lượt về so với lượt đi, chính là tầm hoạt động của 2 wingback Sasalak Haiprakhon và Suphanan Bureerat. Cả hai cầu thủ này không còn ôm biên chủ yếu nữa, mà rất thường xuyên tìm cách lẻn ngang vào phía trong, tức di chuyển vào hành lang trong trái và phải ứng với cánh của mỗi người. 

Hành động này là hòng gia tăng thêm quân số để chiếm lĩnh ở khoảng trống giữa hai tuyến hậu vệ và tiền vệ của tuyển Việt Nam tại các khu vực hành lang trong ấy, hoặc những khoảng trống mở ra giữa các vị trí nơi hàng tiền vệ áo đỏ, từ đó sẵn sàng đâm sâu ở vào vùng cấm. Một lần nữa, người Thái lại cho thấy sự ưa thích tấn công vào trung lộ thông qua những hành động chiếm lĩnh khoảng trống giữa hai tuyến của Việt Nam.

Bản đồ các điểm chạm bóng của hai wingback Thái Lan trong hai trận lượt đi và về của chúng kết chỉ ra sự khác biệt. 

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 7
(Bản đồ các điểm chạm bóng của 2 wingback Thái Lan trong hai trận chung kết lượt đi và về: Xu hướng chạm bóng len lỏi nhiều hơn ở khu vực hành lang trong mỗi bên và cả trung lộ được nhìn thấy ở lượt về)

Để nhìn rõ hơn về sự thay đổi đó của Thái Lan, một lần nữa chúng ta cần phải nhìn lại tình huống dẫn đến bàn thắng duy nhất của đối thủ. 

Ở tình huống đó, trung vệ lệch trái Weerathep, một người với sự lợi hại ở những đường chuyền, dâng lên chiếm lấy vị trí của wingback trái Sasalak, Sasalak từ đó dạt vào hành lang trong, trong khi tiền đạo Adisak cũng dạt ra từ trung lộ. Cả ba tạo thành một tam giác phối hợp ở khoảng trống giữa hai tuyến và giữa các tiền vệ của tuyển Việt Nam. Trong thuật ngữ chiến thuật bóng đá, hành động của nhóm cầu thủ này được gọi là rotation, tức hoán đổi vị trí cho nhau, vốn dĩ thường được nhìn thấy ở các đội bóng nhuyễn bài, nhằm phá vỡ cấu trúc phòng ngự của đối phương, thoát người kèm và mở ra hướng lên bóng.

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 8
(Tình huống dẫn tới bàn thắng duy nhất của Thái Lan ở chung kết lượt về)

Sau khi Sasalak chuyền cho Adisak, wingback trái này lập tức dâng lên vào vị trí của Adisak, sẵn sàng đâm ra sau lưng hàng thủ Việt Nam. Adisak thì giật về vị trí Sasalak vừa bỏ lại. Một lần nữa, tam giác phối hợp tiếp tục được duy trì, nhưng có sự hoán đổi về mặt vị trí, đủ gây hoang mang cho các cầu thủ áo đỏ. 

Khi các cầu thủ chúng ta chưa kịp phản ứng, qua việc vị trí đứng của nhóm ba tiền vệ và hai tiền đạo giữ nguyên trong suốt chuỗi phối hợp tam giác của Thái Lan, thì Weerathep tung ra đường chuyền bổng vào không gian trống trải ở trung lộ cho tiền vệ Peeradol. Chuỗi hành động cuối cùng là Peeradol có một pha tiền kiến tạo, còn Adisak có kiến tạo, và Theerathon thì ghi bàn. Mảng miếng này xuất hiện nhiều lần trong trận đấu.

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 9
(Một loạt các tình huống hoán đổi vị trí, tổ chức tấn công từ bên cánh trái của Thái Lan ở phút 35: Lúc này tiền vệ Sarach Yooyen là người dạt biên, Sasalak bó vào trong, Weerathep tiếp tục đóng vai trò dâng cao châm ngòi phối hợp. Những khoảng trống ở giữa hai tuyến Việt Nam tiếp tục lộ ra)

Quả thực, Thái Lan không thiếu những cầu thủ đa năng. Theerathon là điển hình, Weerathep cũng như vậy, và cả Sasalak. Trận chung kết lượt về không phải lần đầu tiên Sasalak bỏ biên để bó vào trong. Ở vòng bảng, trước Indonesia, Sasalak đã từng có những pha di chuyển kiểu đó. Thậm chí, ở trận đấu ấy, cầu thủ này còn dạt hẳn vào trung lộ ở giữa sân để kết nối bóng, góp phần đảm bảo cự ly trong cấu trúc kiểm soát bóng của Thái Lan.

Điểm khác biệt đáng chú ý còn lại của Thái Lan ở trận chung kết lượt về chính là vị trí của Theerathon. Ở lượt đi, anh chủ yếu lùi về lệch sang trái hàng thủ Thái Lan, tức là chơi như trung vệ lệch trái. Trong khi tại Thammasat, cầu thủ này lúc thì ở giữa trung vệ giữa và trung vệ lệch phải, lúc thì ở giữa trung vệ giữa và trung vệ lệch trái. Nhưng vì cấu trúc hàng thủ 3 người của Thái không cân đối, mà lệch sang cánh lên bóng tấn công (ví dụ: nếu Thái Lan tấn công qua cánh trái thì trung vệ giữa và trung vệ lệch trái của họ di chuyển ngang ra gần biên trái, bấy giờ Theerathon sẽ đứng ở giữa trung vệ giữa và trung vệ lệch phải) nên xét về tính cân đối theo chiều ngang sân, vị trí trung bình thường trực của Theerathon là ngay giữa, ở trung lộ. 

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp chiến thuật của Thái Lan 10
(Các điểm chạm bóng của Theerathon ở lượt đi và lượt về: Lượt đi có xu hướng lệch trái, lượt về có xu hướng ở trung lộ)

Điều này rất có thể là vì Theerathon có vẻ chủ động tìm cách... né Hùng Dũng, người được giao trọng trách tiếp tục theo kèm số 3 của Thái Lan như ở lượt đi. Tức là Theerathon chủ động tách ra khỏi người kèm để tự tạo khoảng trống hoạt động. Một lần nữa, pha bóng dẫn tới bàn thắng của Thái Lan khi chính Theerathon ghi bàn, cho thấy rõ vị trí chủ đạo của cầu thủ này và việc Hùng Dũng đã nỗ lực chạy từ gần biên vào trung lộ để ngăn chặn Theerathon. 

Thái Lan đã kết thúc giải đấu AFF Mitsubishi Electric Cup 2022 với chức vô địch xứng đáng, bằng một hệ thống chiến thuật hiện đại, được tổ chức cao, cùng những cá nhân có nền tảng kỹ thuật tốt, nhất là nhạc trưởng Theerathon Bunmathan. 

BLV Hoàng Thông (Le Foot)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow