“Toét”, hồi còi mãn cuộc được trọng tài người Liên Xô - Nikolay Latyshev cất vang. Cả sân vận động Estadio Nacional de Chile rền vang như ong vỡ tổ. Brazil đã làm nên lịch sử, họ đã bảo vệ thành công ngôi vị vô địch thế giới với chiến thắng 3-1 trước Tiệp Khắc. Người ra đã tưởng như đó là nhiệm vụ bất khả thi khi Selecao mất Pele ngay từ trận thứ 2 ở vòng bảng vì một chấn thương. Nhưng giờ đây các CĐV chẳng còn nhớ nổi bi kịch đó nữa, bởi trong tim họ đang cất vang bài ca “Ole”, bài ca họ viết riêng dành cho “Con chim hồng tước” Garrincha.
|
Garrincha Chú chim hồng tước của bóng đá Brazil |
4 năm về trước, Brazil đến Thụy Điển với một đội hình khá mạnh. Họ có những Didi, Vava, Zagallo và nhất là bộ đôi tiền đạo trẻ Pele-Garrincha. Lứa thế hệ đem lại một niềm kỳ vọng to lớn để khâu lại vết thương lòng về nỗi buồn mùa hè 1950 tại Maracana. Thế nhưng, trong khi Pele đang tỏa sáng ở hai trận đầu tiên tại vòng bảng, thì hình bóng của Garrincha vắng đâu mất bên hành lang cánh phải của Selecao.
Ít ai biết rằng Garrincha lúc đó đang chịu án phạt từ ban huấn luyện. Trong một trận đấu giao hữu với câu lạc bộ Fiorentina của Italia, Garrincha đã có một bàn thắng để đời. Ông lừa qua 4 hậu vệ trước khi khuất phục cả thủ môn đội bạn để đối diện với khung thành trống.
Cả khán đài đợi chờ một bàn thắng dễ dàng. Nhưng không, bỗng nhiên chàng trai ấy dừng bóng, đợi hậu vệ đối phương về chắn ngang khung thành, để rồi lừa bóng qua luôn cả chàng hậu vệ tội nghiệp và sút tung mành lưới của The Viola. Cả khán đài bùng nổ, Garrincha mỉm cười cho màn trả thù ngọt ngào sau khi bị đối phương dùng những từ ngữ không đẹp. Nhưng ban huấn luyện lại cảm thấy đó là một sự vô kỷ luật, và họ đã thật quá phiền lòng với nhân vật kỳ dị này.
Vậy là để yên ổn, ban huấn luyện quyết định nhốt Garrincha trên băng ghế dự bị. Thế nhưng qua hết lượt trận thứ hai, Brazil phải đứng trước thách thức khi họ buộc phải thắng Liên Xô để không phải chơi trò xổ số khi đụng Anh ở loạt trận play-off. Và Garrincha được tung vào sân, đó là khoảnh khắc đã thay đổi cuộc đời anh mãi mãi. Garrincha đã có bước chuyển mình vĩ đại, từ một cậu bé xóm nghèo với dị tật bẩm sinh trở thành một trong những huyền thoại vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Và hơn tất cả là tình yêu của người Brazil, thứ tình yêu mà đến Vua bóng đá Pele cũng phải ghen tị.
|
World Cup 1962 là sân khấu riêng của Garrincha và Brazil |
Garrincha-cái biệt danh mang hình hài thật nhỏ bé, nhưng bên trong đó lại chứa cả một tinh thần Brazil rất lớn, là hiện thân của tất cả những tố chất, nét riêng biệt của những người con xứ sở Samba.
Chúng ta thường thán phục Rivaldo khi anh làm ảo thuật với trái bóng bằng đôi chân vòng kiềng thì nửa thế kỷ trước, báo chí cũng đã tốn kha khá giấy mực khi nhìn đôi chân lệch của Garrincha nhảy múa trên sân cỏ. Chân phải của ông dài hơn chân trái những 6cm. đó là hậu quả mà cậu bé Mane phải cam chịu ngay từ trong bụng mẹ bởi vì chứng nghiện rượu của người cha nghèo khó, một hậu duệ của những người nô lệ bị giới chủ nô bóc lột.
Nhưng Garrincha không mấy phiền lòng vì khuyết tật của mình, vì nó giúp ông có thể sử dụng cái chân ngắn hơn làm trọng tâm vững vàng, còn chân kia có thể dễ dàng múa máy qua lại, thậm chí còn thoải mái xoay “compa” khiến cho hậu vệ phải bao phen khiếp đảm, còn đám đông thì có cơ hội sung sướng hò reo cái biệt danh Anjo de Pernas Tortas- “Thiên thần với đôi chân khuyết tật”.
Nhắc đến niềm vui trong bóng đá thì chúng ta nhớ đến khuôn mặt hay cười của Ronaldinho, lối chơi hoa mỹ với những điệu nhảy Samba tuyệt đẹp trên nền cỏ xanh. Nhưng ngày xưa, Garrincha còn khiến mọi người cười nhiều hơn cả “Rô vẩu”, nhiều đến nỗi họ gọi ông là Alegria do Povo - “Niềm vui của mọi người”. Giới hâm mộ bóng đá ngày nay thường “chọc khuấy” Ronaldo (Bồ Đào Nha) mỗi khi anh qua người vì sử dụng quá nhiều động tác, nhưng ngày xưa thậm chí Garrincha còn thể hiện nhiều hơn gấp bội mỗi lần loại bỏ hậu vệ, chỉ khác là Ronaldo qua một người còn Garrincha qua tận 3-4 người. Những pha đảo chân có phần khoa trương như những vũ điệu Samba làm tan chảy trái tim người hâm mộ, nhưng đối với hàng phòng ngự bên kia chiến tuyến thì lại sợ chúng như sợ những cơn lốc xoáy có thể làm mình đổ rạp bất cứ lúc nào.
Giới trẻ hiện nay thường xem Ronaldo béo là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại, họ cho rằng Hoàng đế hay Vua cũng chỉ là con người, chỉ có “Người ngoài hành tinh” mới thật sự là phi thường, là duy nhất, là khác biệt. Thế nhưng cách đây hơn 50 năm, thế giới từng phải sửng sốt khi đặt những tiêu đề cho trang nhất tờ báo của mình với những dòng tít như “Anh ấy đến từ hành tinh nào vậy?”, “Đó có phải là người ngoài hành tinh hay không?”. Bởi vì mọi người không thể nào tìm ra cách lý giải về màn trình diễn của Garrincha ở mùa hè 1962 trên đất Chile.
|
Đôi chân lệch làm nên phép màu của Garrincha |
Cứ mỗi trận đấu loại trực tiếp là Garrincha lập một cú đúp, đều đặn và đầy ngẫu hứng. Khác với những tiền vệ cánh đương thời, Garrincha không chỉ biết bám biên và thực hiện những quả tạt, ông là một nỗi lo sợ thường trực với những pha solo từ cánh tiến vào trung tâm, sau đó là một cú sút hiểm hóc vào góc mà thủ môn chỉ biết khóc thét.
Bóng đến đôi chân “cong võng” là trên sân chỉ như còn ông và quả bóng, đường đến khung thành thật quá trống vắng trên đường chạy của Garrincha. Ông xuất sắc đến mức hậu vệ của tuyển Xứ Wales-Hopkins, một trong những bại tướng của ông đã phải thốt lên: “Garrincha còn nguy hiểm hơn Pele bội phần. Anh ta là sinh vật ngoài trái đất, một đôi chân diệu kỳ”.
Thế giới xem Kaka là thiên thần, và người Brazil cũng xem Garrincha như là hiện thân của một vị thánh. Pele sau khi thành công liền xây đường sá để làm từ thiện, còn Garrincha chỉ đơn giản là đến một xe hủ tiếu gần nhà, ông ăn thường xuyên và trả nhiều phần dư hơn cho người đàn ông nghèo phải đội mưa gió với chiếc xe hàng quán. Tuổi thơ của Garrincha gắn liền với sự gian khổ, gia đình khó khăn ở tại khu Pau Grande, quận Mage thuộc thủ phủ Rio de Janeiro.
Garrincha ngày thơ bé phải tìm đến những khoảng sân đất để trốn khỏi sự ngột ngạt trong ngôi nhà bé nhỏ. Và đến khi lớn lên, mỗi lần có thời gian, ông vẫn thường cởi phăng chiếc áo, chạy ra khoảng sân trong trưa hè nóng nực để hòa mình vào niềm vui của những đứa trẻ cùng xóm. Garrincha vui vẻ, cười giòn tan như chú chim bé nhỏ dễ thương mà người đời vẫn thường gọi.
Nhưng cầu thủ Brazil thường nổi tiếng với những hình ảnh tương phản. Họ là vũ công, là thiên thần trên sân cỏ nhưng ngoài đời họ là những tay chơi khét tiếng. Gần đây, cư dân mạng không khỏi xót xa khi nhìn cảnh Adriano phải đắm mình bên trong một khu ổ chuột, đó là hậu quả của những tháng năm ăn chơi, vung tay quá trán. Và cách đây 33 năm, người Brazil cũng đã khóc thương cho Garrincha khi ông trút hơi thở cuối cùng bên trong cơn mê của rượu. Garrincha xem bóng đá là một cuộc vui, mỗi đồng tiền kiếm được sẽ là những lần ông ném mình vào những cuộc vui.
|
Những con người làm nên lịch sử của bóng đá Brazil |
Trong cuộc đời mình, bên cạnh bóng đá thì niềm say mê bất tận của ông là phụ nữ và rượu. Sau mỗi trận đấu là những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, là những cuộc gặp gỡ đầy hơi men, và những màn cặp kè với một vài cô đào nổi tiếng đương thời. Garrincha trải qua hai đời vợ nhưng không có cuộc kết thúc nào là tròn vẹn, ông có hơn chục người con nhưng ngày ra đi vẫn phải cô đơn, lặng lẽ với độc tấm vé số nằm trong túi quần. Cuộc đời ông như một vòng tròn khép kín, đi lên từ nghèo khổ, giàu sang tột đỉnh để rồi ngày nằm lại với đất mẹ thì ông trở về với nghèo khổ. Nhưng có một giá trị đã được ông tạo ra và nó sẽ mãi trường tồn, đó là tình yêu của người hâm mộ trái bóng tròn.
Pele đã nói: “Tôi sẽ không bao giờ được ba chiếc cúp vàng nếu không nhờ có Garrincha. Garrincha là cầu thủ xuất sắc nhất mà tôi từng chứng kiến”. Đó là điều mà những người Brazil không bao giờ quên. Cả thế giới xem Pele như nhân vật kiệt xuất nhất, nhưng trong lòng người dân xứ Samba thì Garrincha mới thuộc vào vị trí độc tôn ở trong tim.
Vì ông chơi thứ bóng đá mê đắm đúng với tinh thần Joga Bonito của xứ Samba, vì ông gần gũi với người dân lao động khổ cực, và vì ông sống rất “đời” với đầy những nốt trầm thăng. Ngày ông về với Chúa, hàng triệu con người đã phủ kín những nẻo đường ở Pau Grande, đó là những người hâm mộ, bạn bè và đồng đội, có cả những đối thủ đến để nhìn mặt Alegria do Povo lần cuối. Những tấm băng rôn với khẩu hiệu: “Cám ơn, Garrincha, vì đã từng tồn tại” giăng kín trên con đường dẫn đến nơi thăm viếng cố danh thủ.
Vào một ngày đẹp trời, cậu bé Mane bỗng bị người em gái yêu thương gọi bằng cái tên “Con chim hồng tước bé nhỏ”, cậu không giận mà vui vẻ lấy nó làm biệt hiệu và mang theo cả đời ở bên mình. Để rồi gần ba phần tư thế kỷ sau, hay thậm chí mãi mãi về sau, cái tên ấy vẫn còn khắc sâu trong trái tim của những người Brazil, để họ nhắc thế giới nhớ rằng: Selecao không chỉ có Pele, mà vẫn còn đó một Garrincha bất tử.
PHƯƠNG GP (TTVN)