Thử tưởng tượng nếu Thomas Tuchel không bị Chelsea sa thải đầu tháng 9, đồng nghĩa với việc Graham Potter sẽ không bị lôi kéo từ Brighton để thay thế nhà cầm quân người Đức. Liệu thành tích của Brighton hiện tại sẽ tốt hơn hay tệ hơn? Liệu đội bóng của De Zerbi có chơi trận đấu hôm Chủ nhật với Southampton ở vị trí thứ sáu trên bảng xếp hạng Premier League và tràn đầy cơ hội dự Europa League hay không?
Brighton đã có sự khởi đầu mùa giải này không thể tốt hơn, khi giành 13 điểm sau 6 trận đầu tiên. Nếu không về Chelsea, nhiều khả năng Potter sẽ duy trì được khởi đầu đó. Tất nhiên, không dễ để nhà cầm quân người Anh có thể duy trì con số 2,17 điểm/trận đó.
Nhưng nếu bạn kết hợp thông số này với mùa giải trước, Potter sẽ đạt tới con số 1,45 điểm/trận. Cần biết rằng, 29 trận của Roberto De Zerbi mùa này có đạt tỷ lệ 1,55 điểm/trận. Với những thay đổi tích cực về nhân sự mùa hè vừa qua, khả năng duy trì thành công của Potter là không nhỏ.
Nhưng vẫn có cảm giác De Zerbi đã đưa Brighton lên một tầm cao mới. Giờ đây, họ là đội bóng có thể làm khách trên sân Emirates, thi đấu một trận ra trò và ra về với thắng lợi 3-0. Chắc chắn rồi, ông đã làm cho Brighton trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Đúng là Potter đã tiến bộ và Brighton có thể vẫn sẽ thành công nếu ông ở lại. Mặc dù vậy, để thăng hoa như mùa giải này, có lẽ họ cần phải thay thế Potter. Nghĩa là sự xuất hiện của De Zerbi đến đúng thời điểm cho sự phát triển của họ.
Đây là những suy luận khó khăn, trừu tượng và thậm chí có phần giả tạo. Chắc chắn Brighton không có ý định sa thải Potter vào tháng 9, bởi điều đó thật vô lý. Cũng không thể nhận xét De Zerbi là nhà cầm quân giỏi hơn Potter. Nó không giống như lên đời điện thoại. Mọi thứ trong bóng đá đều là tương đối. Các chiến lược gia có những kỹ năng khác nhau để chuẩn bị cho những hoàn cảnh khác nhau.
Trước đây, một GĐKT từng chia sẻ với người viết rằng lẽ ra họ nên sa thải HLV của mình ngay khi giành quyền thăng hạng Premier League. “Bạn không nên để một gã điều hành một cửa hàng ở góc phố phụ trách một công ty đa quốc gia,” ông nói.
Nhưng trên thực tế, gần như chẳng có đội bóng nào sa thải HLV đã giúp họ thăng hạng mà không cho ông ấy dẫn dắt ít nhất một vài trận ở hạng đấu cao hơn. Chỉ có một vài ngoại lệ hiếm hoi. Scott Parker chia tay công việc tại Bournemouth mùa này sau 4 trận, đánh bại Gary Megson ở West Brom mùa giải 03/04 (6 trận) để trở thành nhiệm kỳ sau khi thăng hạng ngắn ngủi nhất lịch sử Premier League.
Hay Jørn Andersen đưa Mainz lên chơi ở Bundesliga năm 2009, nhưng bị sa thải trước khi có trận đấu đầu tiên. Mặc dù vậy, quyết định này ít nhiều liên quan đến thất bại ở cúp Quốc gia trước đội hạng Tư Lübeck hơn là việc Anderson không đủ khả năng dẫn dắt Mainz chơi ở Bundesliga.
Nếu quyết định sa thải là một sai lầm, các GĐKT sẽ trở nên thật lố bịch. Ngay cả trong một thế giới mà quan niệm về lòng trung thành bị hạ thấp như trong bóng đá, các HLV giúp đội bóng lên hạng xứng đáng có cơ hội.
Ở chiều ngược lại, Championship là một giải đấu rất khác so với Premier League. Nó đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau. Ngay cả ở Premier League, có một sự khác biệt lớn giữa việc dẫn dắt một đội bóng tránh xuống hạng với số tiền ít ỏi và nắm quyền một CLB có ngân sách lớn hơn để tranh vé dự cúp châu Âu.
Ở mức độ cao hơn, đó là cạnh tranh cho danh hiệu và chơi ở Champions League. Đó là lý do tại sao các đội bóng hàng đầu thường miễn cưỡng trong việc bổ nhiệm các chiến lược gia người Anh làm nên tên tuổi ở các giải hạng dưới. Họ thích thuê các nhà cầm quân nước ngoài có kinh nghiệm ở châu Âu hơn.
Mọi chuyện thậm chí còn phức tạp hơn thế. Các HLV không đến một bãi đất trống. Luôn có một cái nền ở sẵn đó; hoặc là những cấu trúc cần được loại bỏ hoặc để xây dựng trên đó. Một trong những lý do giúp Pep Guardiola thành công tại Manchester City là bởi ông đã được hai cựu GĐKT của Barcelona (Ferran Soriano và Txiki Begiristain) chuẩn bị sẵn mọi việc cho ông. Còn một trong những nguyên nhân khiến Manchester United của Erik ten Hag thi đấu không ổn định mùa này, là bởi sự không tương thích giữa đội hình mà ông thừa hưởng và tầm nhìn của ông.
Những di sản người đi trước để lại rất quan trọng cho người đến sau. Arsene Wenger rõ ràng đã hưởng lợi từ bộ tứ vệ của George Graham ở Arsenal. Cái nền do Nigel Pearson tạo ra là yếu tố chủ chốt giúp Claudio Ranieri dẫn dắt Leicester giành chức vô địch. Bob Paisley là một nhà cầm quân tài ba, nhưng liệu ông có thể thành công ở Liverpool nếu Bill Shankly không xây dựng đội bóng trước đó?
Với trường hợp của Brighton, chính Chris Hughton đã khiến họ trở nên khó bị đánh bại. Sau đó là Potter, người đã giúp Brighton trở thành tiến bộ hơn. Hiện tại (cần nhớ rằng mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh theo chiều hướng đi xuống với những đội bóng nhỏ, ví dụ như Leicester), De Zerbi đã giúp đội chủ sân Amex tiến thêm một bước dài.
Nhưng liệu De Zerbi có thể cứu được Brighton khi Hughton tiếp quản vào cuối tháng 12 năm 2014, khi đội bóng này đứng thứ tư từ dưới lên ở Championship? Có lẽ là không. Các nhà cầm quân khác nhau phù hợp với những thách thức khác nhau.
Chốt lại, có thể thấy quá trình thay đổi đã diễn ra hoàn hảo với Brighton. Rằng việc Todd Boehly bất hòa với Tuchel là may mắn ngẫu nhiên đối với họ, rằng họ đã thực hiện quá trình chuyển đổi sang giai đoạn tiếp theo ở đúng thời điểm, một sự thay đổi mà họ sẽ không bao giờ tự nguyện thực hiện.
Đó là một trong những điều phức tạp nhất và kỳ diệu nhất của bóng đá. Nó thường không phải là trường hợp tốt hay xấu, tốt hơn hay tồi tệ hơn, mà do nhiều tình huống đan cài vào nhau. Tất cả mọi thứ phụ thuộc vào một điều gì đó khác.
Lược dịch bài viết “Serendipity of De Zerbi and Brighton underlines football’s great complexities” của Jonathan Wilson (The Guardian)