Tảng băng trong huyết quản của Nicolas Jackson

Tác giả Nam Giang - Thứ Bảy 11/11/2023 14:22(GMT+7)

Zalo

Một tảng băng đang được hình thành và bồi đắp trong huyết quản của Nicolas Jackson sau cú hat-trick vào lưới Tottenham Hotspur tại vòng 11 Ngoại Hạng Anh. 

386833751_305177989122059_5696128262225663870_n
 

Sau khi ghi bàn nâng tỷ số lên 3-1 cho Chelsea trong chiến thắng 4-1 trước Tottenham, Nicolas Jackson đã ăn mừng bằng cách đặt hai ngón tay phải vào mạch máu ở phía trong của cẳng tay trái. 

Kiểu ăn mừng này có tên tiếng Anh là “Ice in my veins” (tạm dịch: “Tảng băng trong huyết quản của tôi”) và xuất phát từ môn bóng rổ, với người đầu tiên thực hiện là D'Angelo Russell tại NBA 2016.

Tảng băng trong huyết quản của Nicolas Jackson 1
 

 

Hậu vệ sinh năm 1996 đã “khai sinh” ra màn ăn mừng ấy trong một ngày thi đấu mà anh ghi tới 39 điểm (nhiều nhất hai đội), giúp Los Angeles Lakers giành thắng lợi 107-101 trước Brooklyn Nets. Ở thời điểm đó, đây là trận đấu mà Russell ghi được nhiều điểm nhất trong sự nghiệp. 

Khi được tạp chí GQ hỏi về ý nghĩa của pha ăn mừng chưa từng xuất hiện trong lịch sử, sao trẻ mang áo số 1 giải thích: “Đó là điều bố tôi đã dạy tôi từ khi còn nhỏ. Ông ấy luôn nói rằng tôi phải có băng trong huyết quản khi chuẩn bị cho những khoảnh khắc lớn. Có nghĩa là bạn phải có một cái đầu thật lạnh và không bị lung lay bởi bất kỳ sự tác động nào về mặt cảm xúc”.

“Bạn phải ra ngoài đó, chơi tốt nhất có thể và làm những việc mình cần làm. Tôi đã ăn mừng như vậy, khi tôi biết mình đã chơi tốt và đã chuẩn bị kỹ về mặt tình thần”. 

Tảng băng trong huyết quản của Nicolas Jackson 2
 

Về sau, đặc biệt là khi “Ice in my veins” trở nên viral trên TikTok vào năm 2021, càng có nhiều vận động viên ăn mừng theo cách của Russell và bóng đá cũng không phải ngoại lệ. Với Nicolas Jackson, màn ăn mừng ấy mang rất nhiều ý nghĩa. 

Theo số liệu từ FBRef, trước khi lập hat-trick vào lưới Tottenham, chân sút gốc Gambia dẫn đầu đội hình Chelsea ở số cú sút đã thực hiện (24) và số lần bỏ lỡ cơ hội ngon ăn (7) trong 9 lần ra sân (669 phút thi đấu) tại Ngoại Hạng Anh 2023/24. 

Tuy nhiên, Jackson chỉ ghi được vỏn vẹn… 2 bàn thắng. Tính trung bình, cựu cầu thủ Villarreal cần tới 12 pha dứt điểm và hơn 5 giờ đồng hồ có mặt trên sân thì mới có nổi… 1 lần lập công. Trong khi đó, Chelsea đã phải chi ra 37 triệu euro để mua Jackson - một cầu thủ lúc bấy giờ chỉ được Transfermarkt định giá 30 triệu euro. 

Vì lý do này, số 15 mới của The Blues đã phải chịu áp lực khi bị một vài chuyên gia của bóng đá Anh chỉ trích. 

“Chelsea sẽ không bao giờ ghi bàn nếu như Nicolas không thay đổi phong cách thi đấu. Cậu ta lúng túng và không biết mình phải làm gì. Nhiệm vụ của một tiền đạo cắm là phải thi đấu trong vòng cấm, ghi bàn chứ không phải đứng ngoài vòng cấm và làm thinh”, huyền thoại Alan Shearer nhận xét về Jackson. 

“Jackson có vẻ như không còn tự tin khi đối mặt với khung thành đối phương. Một số cú sút của cậu ta trông giống hệt với những pha dứt điểm của một cầu thủ hạng 3. Chất lượng như vậy không thể là những cú sút của một cầu thủ ở Ngoại Hạng Anh. Nếu không thay đổi, Jackson sẽ không bao giờ đủ trình độ để chơi bóng ở đó. Đây là sự thiếu tự tin rất lớn”, cựu hậu vệ Arsenal Lee Dixon chê bai Jackson trên NBC Sports. 

“Lúng túng”, “không biết mình phải làm gì”, “thiếu tự tin”; những từ ngữ được Shearer và Dixon sử dụng để bình luận về số 15 của Chelsea đều cho thấy Jackson đang gặp vấn đề về tâm lý. 

Ngoài ra, có một sự tương phản ở phong độ của trung phong người Senegal giữa thời điểm trước tháng 8 với trong và sau tháng 8. Jackson đã ghi 2 bàn và có 3 kiến tạo chỉ trong 4 trận giao hữu diễn ra từ ngày 20 đến 31 tháng 7. Tiền đạo 22 tuổi còn được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất trận thắng 4-3 trước Brighton hôm 23 tháng 7. 

Nhưng sau đó, mọi thứ đảo lộn hoàn toàn, Jackson “tịt ngóm” khi bước vào giải đấu chính thức khi chỉ có 3 lần xé lưới đối phương trong 3 tháng. Niềm tin cũng như sự kiên nhẫn của các CĐV Chelsea dành cho trung phong người Senegal đã phần nào suy giảm. Jackson phải bước vào trận đại chiến với Tottenham với đôi chân đeo chì. 

Nhưng với gánh nặng áp lực trên vai, Jackson đã làm được việc mà trước anh, mới chỉ có đúng hai cầu thủ trong lịch sử CLB ở kỷ nguyên Premier League làm được, đó là ghi 3 bàn vào lưới Spurs. Hai người đầu tiên làm được điều này là Tore Andre Flo năm 1997, Jimmy Floyd Hasselbaink năm 2002 và người thứ ba là Nicolas Jackson hôm 7/11 vừa rồi. 

Tân binh sinh năm 2001 cũng là cầu thủ trẻ thứ ba (22 tuổi 139 ngày) trong danh sách những cái tên từng lập hat-trick cho Chelsea ở kỷ nguyên Premier League. Hai người trẻ nhất là Christian Pulisic (21 tuổi 38 ngày) và Tammy Abraham (21 tuổi 347 ngày). 

Tảng băng trong huyết quản của Nicolas Jackson 3
 

Cú hat-trick trên sân nhà của Gà trống là liều doping tinh thần để Jackson vượt qua những sức ép mà anh đang phải gánh chịu. Thông qua pha ăn mừng “Ice in my veins”, tiền đạo mang áo số 15 như thể muốn nói rằng vấn đề lớn nhất mà mình đang gặp phải là tâm lý và 3 bàn thắng vào lưới Guglielmo Vicario đã giúp anh giải quyết được điểm yếu này. 

Sự giải tỏa còn xuất hiện ở hai pha ăn mừng khác ngoài “Ice in my veins” của Jackson trên sân Tottenham Hotspur. Đầu tiên là động tác đặt ngón tay trỏ lên môi. Số 15 mới của Chelsea muốn phản bác rằng tất cả những ai đang “dìm hàng” anh nên ngậm miệng lại. 

Sau khi ấn định thắng lợi 4-1 và hoàn thành cú hat-trick đầu tiên trong màu áo CLB mới, Jackson còn chỉ tay vào thái dương, giống hệt với cách ăn mừng thường thấy của Marcus Rashford. 

Tờ The Athletic cho biết động tác này xuất phát từ gợi ý của nhóm bạn của ngôi sao thuộc biên chế Manchester United. Họ khuyên Rashford nên làm vậy lúc ăn mừng để thể hiện rằng mình luôn cố gắng tập trung hoàn toàn vào bóng đá và bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu từ các anti-fan.

Ở phần họp báo sau trận, HLV trưởng Mauricio Pochettino cũng công nhận cú hat-trick này là liều thuốc để Jackson “chữa” được “căn bệnh” tự ti. “Cậu ấy đang ngày càng tự tin hơn. Jackson cho thấy khi cậu ấy ở trạng thái tốt nhất và duy trì sự tự tin cao nhất, cậu ấy có thể làm được những điều lớn lao”, nhà cầm quân người Argentina nói. 

Chưa dừng lại ở đó, cũng có thể khẳng định rằng đây đang là hình mẫu mà Jackson muốn trở thành. Chân sút người Senegal muốn biến bản thân thành một cầu thủ mạnh mẽ về tinh thần và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tâm lý. 

Một trong những điểm yếu của các cầu thủ trẻ là tâm lý không ổn định. Và một tâm lý vững vàng là hành trang vô cùng cần thiết để một cầu thủ trẻ có thể tỏa sáng ở một môi trường như Ngoại Hạng Anh. 

Tảng băng trong huyết quản của Nicolas Jackson 4
 

Trước khi cập bến Stamford Bridge ở mùa hè vừa qua, Jackson chưa bao giờ được khoác áo một CLB ngang tầm Chelsea nếu xét về đẳng cấp và vị thế. Casa Sports - đội bóng mà Jackson phục vụ trong giai đoạn 2018–2019 - chỉ là một CLB ở Senegal. 

Villarreal - bến đỗ tiếp theo trong quãng thời gian thi đấu chuyên nghiệp của anh chỉ mới có vỏn vẹn 4 danh hiệu trong phòng truyền thống. Con số này của Chelsea lên tới 36, gấp đúng 9 lần số cúp của đại diện La Liga. 

Khi gánh nặng tâm lý đã được trút bỏ, NHM The Blues có quyền kỳ vọng vào phong độ của Jackson ở phần còn lại của mùa giải nói riêng và trong tương lai gần nói chung. CĐV của đội chủ sân Stamford Bridge đang chờ đợi những màn tỏa sáng, những pha ăn mừng “Ice in my veins” của tân binh sinh năm 2001. 

Và với tảng băng đang được bồi đắp trong huyết quản của mình, Jackson sẽ nỗ lực hết mình để mang lại niềm vui cho những trái tim đang dành tình yêu cho Chelsea…

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow