Tâm thư của Mesut Ozil: Giọt nước tràn ly (P1)

Tác giả Phương GP - Thứ Hai 23/07/2018 15:36(GMT+7)

PHẦN MỘT – CUỘC GẶP VỚI TỔNG THỐNG ERDOGAN
Những tuần vừa qua đã cho tôi thời gian để suy xét, cũng như nhìn lại những sự việc đã xảy ra trong vài tháng gần đây. Giờ đây, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm giác của bản thân về những gì đã ập đến.
Giống nhiều người khác, gốc gác của tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi trưởng thành ở Đức, nhưng nguồn gốc gia đình tôi là ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi mang hai dòng máu, một Đức và một Thổ Nhĩ Kỳ. Những ngày còn bé, mẹ tôi dạy rằng phải luôn biết trân trọng và không bao giờ được quên cội nguồn của mình, và những lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với tôi cho đến hôm nay.
Ozil, Gundogan và Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 5 vừa qua, tôi có dịp gặp gỡ Tổng thống Erdogan ở London, trong một sự kiện từ thiện và giáo dục. Chúng tôi đã gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2010, khi ông ấy cùng bà Angela Merkel dự khán trận đấu giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ ở Berlin. Sau lần đó, chúng tôi còn nhiều dịp khác gặp nhau nữa. Tôi biết rằng bức ảnh của chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi từ phía truyền thông nước Đức, trong đó không ít người đã lên án rằng tôi là một kẻ dối trá.

Bức ảnh ấy không hề mang một thông điệp chính trị nào cả. Như tôi đã chia sẻ, mẹ tôi không bao giờ cho phép tôi quên đi nguồn cội, dòng máu cũng như truyền thống gia đình. Đối với tôi, chụp một bức ảnh với tổng thống Erdogan chẳng liên quan đến chính trị hay chiến dịch tranh cử gì cả, nó đơn giản là cách tôi thể hiện sự tôn trọng đối với vị quan chức cấp cao nhất của đất nước mà gia đình tôi xuất thân. Công việc của tôi là một cầu thủ đá bóng, không phải là chính trị gia, và cuộc gặp mặt của chúng tôi không hề đem đến một ký kết nào về mặt chính sách. Thực tế, chúng tôi đã trao đổi về cùng một chủ đề mỗi lần gặp nhau – bóng đá – bộ môn mà ngài tổng thống cũng đã từng kinh qua vào thời còn trẻ.
Ozil thất thần sau trận thua Hàn Quốc
Mặc dù truyền thông Đức lái nó theo những ý nghĩa khác, nhưng sự thực là nếu không gặp ngài Tổng thống, tôi sẽ thể hiện sự bất tôn kính đối với tổ tiên của mình, những người đang từ trên cao mỉm cười nhìn xuống vị trí của tôi vào ngày hôm nay. Đối với tôi, không quan trọng ai là Tổng tống, mà quan trọng đó chính là Tổng thống. Thể hiện sự tôn trọng đối với một quan chức chính phủ là điều mà tôi chắc chắn cả Nữ hoàng hay Thủ tướng Theresa May đều sẽ bày tỏ khi họ chào đón ông Erdogan ở London. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức cũng vậy, hành động của tôi sẽ không có gì khác biệt.
Tôi biết rằng sẽ khó để hiểu được vấn đề này, trong nhiều nền văn hoá, một vị lãnh đạo quốc gia không thể tách rời khỏi người đang tại nhiệm. Nhưng trong trường hợp này thì hoàn toàn khác biệt. Dù kết quả có ra sao ở những cuộc tranh cử liền trước hay trước đó nữa, tôi vẫn sẽ chụp ảnh với ngài Tổng thống.

PHẦN HAI – TRUYỀN THÔNG VÀ NHỮNG NHÀ TÀI TRỢ

Tôi đã được chơi ở ba giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới. Tôi có may mắn được nhận nhiều sự ủng hộ từ phía đồng đội, ban huấn luyện khi chơi ở Bundesliga, La Liga và Premier League. Và không chỉ như thế, trong suốt sự nghiệp của mình, tôi cũng đã học được cách đương đầu với truyền thông.
Tôi đã được nghe nhiều lời nhận xét về màn trình diễn của mình – có cả những lời tán thưởng và không ít sự chỉ trích. Nếu các ký giả và chuyên gia tìm được những lỗi mà tôi gặp phải trong trận đấu, tôi sẽ hoàn toàn chấp nhận – tôi không phải là một cầu thủ hoàn hảo và chính những lời góp ý sẽ tạo động lực giúp tôi luyện tập và thi đấu chăm chỉ hơn. Nhưng thứ mà tôi không thể chấp nhận, đó là truyền thông Đức liên tiếp đổ lỗi cho dòng máu lai của tôi và một bức ảnh không liên quan về một World Cup tệ hại.
Nỗi thất vọng mang tên đội tuyển Đức
Thậm chí có những tờ báo ở Đức còn sử dụng gốc gác của tôi và bức ảnh cùng Tổng thống Erdogan như một cách thức tuyên truyền cho những chiêu trò chính trị. Còn lý do nào nữa để họ sử dụng những bức ảnh cùng với dòng tít kèm theo tên tôi để giải thích cho thất bại ở Nga? Họ không chỉ trích màn trình diễn của tôi, họ không chỉ trích màn trình diễn của toàn đội, họ chỉ lên án nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ và niềm trân trọng mà tôi nuôi dưỡng. Đó là những công kích cá nhân lẽ ra không được xuất hiện, những tờ báo như muốn cả nước Đức chống lại tôi.
Có một chuyện làm tôi thực sự thất vọng là tiêu chuẩn kép mà truyền thông áp đặt. Lothar Matthaus (người đội trưởng danh dự của tuyển Đức) đã gặp một vị lãnh tụ khác cách đây vài ngày, và không hề có một làn sóng nào xuất hiện từ phía truyền thông. Mặc cho vai trò của ông đối với DFB, họ vẫn không yêu cầu ông phải giải trình về hành vi của mình, và ổng tiếp tục đại diện cho các tuyển thủ mà không chịu lời chỉ trích nào. Nếu truyền thông không muốn tôi có tên trong đội hình đến World Cup, thì có lẽ ông ấy cũng nên rời khỏi vị trí đội trưởng danh dự mới phải? Hay chính dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ khiến tôi trở thành mục tiêu có giá trị hơn?
Tôi đã từng nghĩ rằng “sự hợp tác” sẽ bao gồm cả sự ủng hộ trong mọi hoàn cảnh, kể cả những lúc tốt đẹp hay cả thời điểm khó khăn. Gần đây, tôi đã lên kế hoạch về thăm lại ngôi trường cũ Berger-Feld ở Gelsenkirchen, nước Đức, cùng với hai đối tác từ thiện. Tôi đã quyên góp một năm qua cho một dự án dành cho trẻ em nhập cư, nghèo khó và nhiều hoàn cảnh khác có thể chơi bóng cùng nhau, cũng như học tập những quy tắc về cuộc sống.
Mesut Ozil cự cãi với người hâm mộ khi ĐT Đức bị loại từ vòng bảng.
Thế nhưng, vài ngày trước khi kế hoạch được triển khai, tôi đã bị bỏ rơi bởi những người mà tôi gọi là “đối tác”, những kẻ không muốn sánh vai cùng tôi trong quãng thời gian này. Để rồi chưa hết, ngôi trường của tôi còn bảo rằng họ không muốn tôi hiện diện ở đó trong thời điểm này, họ sợ truyền thông sẽ viện vào bức ảnh mà tôi chụp cùng Tổng thống Erdogan, đặc biệt là trong tình hình những đảng phái cực hữu ở Gelsenkirchen đang bành trướng. Mặc dù đã từng là học sinh ở nơi đây, tôi cảm thấy như mình bị ruồng bỏ và không có chút giá trị gì đối với lịch sử của ngôi trường này.
Chưa dừng lại ở đó, tôi còn nhận được thông báo từ một đối tác khác. Họ cũng là một nhà tài trợ cho DFB, tôi từng được họ yêu cầu tham gia một video quảng bá cho World Cup. Nhưng sau bức ảnh ấy, họ cho tôi ra rìa khỏi dự án và huỷ tất cả mọi hoạt động quảng bá mà họ đã lên lịch từ trước. Đối với họ, thật chẳng ổn chút nào nếu cứ kè kè bên tôi, và họ gọi những hành động trên là “kiểm soát sự khủng hoảng.” Điều mỉa mai ở đây là một Bộ trong chính phủ Đức đã cảnh báo rằng những sản phẩm của họ là trái pháp luật, có thể đẩy khách hàng đến những rủi ro. Hàng trăm ngàn sản phẩm của họ bị thu hồi. Trong khi tôi đang bị lên án và chịu sức ép giải trình những việc làm của mình bởi DFB, thì không hề có yêu cầu giải trình chính thức nào được gửi đến nhà tài trợ cho DFB. Tại sao lại như thế? Có phải bức ảnh cùng Tổng thống của quê hương gia đình tôi đem lại hậu quả nghiêm trọng hơn? DFB có nên trình bày về tất cả điều này?
Bức ảnh đầy thất vọng của Mesut Ozil
Như tôi đã nói, “đối tác” là phải luôn bên bạn trong mọi hoàn cảnh. Adiddas, Beats và BigShoe đã cho thấy họ là những người đáng tin cậy và tuyệt vời để làm việc cùng. Họ vượt qua những thứ vô nghĩa của sức ép từ nước Đức và truyền thông, chúng tôi vẫn tiếp tục những dự án với thái độ chuyên nghiệp và tôi hứng thú khi được tham gia. Trong suốt World Cup, tôi đã cùng BigShoe giúp đỡ cho 23 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Nga, đó là điều tôi từng làm ở Brazil và châu Phi. Đối với tôi, đó là điều quan trọng nhất khi trở thành một cầu thủ, nhưng báo chí thì không bao giờ dành không gian cho những câu chuyện như thế. Đối với họ, tôi kèm với sự la ó và bức ảnh cùng một vị Tổng thống mang lại nhiều ấn tượng hơn là việc giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên thế giới. Họ có cơ hội để nâng cao nhận thức và giúp đỡ lập quỹ để hỗ trợ những hoàn cảnh trên, nhưng họ đã không chọn làm điều ấy. (Còn nữa)
#MesutOzil
(Nguồn: Twitter/MesutOzil)

PHƯƠNG GP (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Danny Welbeck và "mùa xuân" mới cùng Brighton

Danny Welbeck, 33 tuổi, đang tận hưởng một trong những mùa giải đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Bạn có thể thích tiền đạo Brighton hoặc không, nhưng bạn không thể phủ nhận những bước tiến khó tin của chàng trai “tuổi băm” này.

Estevao Willian và ước mơ một ngày đứng trong hàng ngũ những người giỏi nhất

Như một lời giời thiệu tổng quát về bản thân mình đến người hâm mộ bóng đá Anh, trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Thiago Rabelo của tờ The Guardian (Anh), Estevao Willian, tài năng bóng đá 17 tuổi được đánh giá là triển vọng nhất của Brazil kể từ sau Neymar – người sẽ chính thức gia nhập Chelsea vào mùa hè năm sau – đã có những chia sẻ về nhiều khía cạnh trong cuộc đời lẫn sự nghiệp vẫn còn chưa đơm hoa của mình.

Dẫn dắt Manchester United sẽ là một rủi ro lớn với Ruben Amorim?

Đã xuất hiện những tin đồn về việc HLV của Sporting CP, Ruben Amorim sẽ gia nhập City vào mùa hè tới nếu Pep Guardiola quyết định ra đi, nhất là sau khi GĐTT của CLB, Hugo Viana được chỉ định là người kế nhiệm Txiki Begiristain tại sân Etihad. Tuy nhiên, Amorim đang nổi lên như ứng cử viên hàng đầu thay thế Erik ten Hag, sau khi nhà cầm quân người Hà Lan bị sa thải.

Nicolas Jackson: Tiến bước trong chỉ trích

Bất chấp việc bị chỉ trích rất nhiều kể từ khi đến Anh, Nicolas Jackson đã đạt được 20 bàn thắng tại Premier League cho Chelsea nhanh hơn các danh thủ của CLB như Gianluca Vialli, Eidur Gudjohnsen hay Didier Drogba.