Tạm biệt Ibrahimovic - gã ngang tàng nói được làm được của các Milanista

Tác giả CG - Thứ Hai 05/06/2023 15:03(GMT+7)

Ở tuổi 41, Zlatan Ibrahimovic quyết định dừng lại sự nghiệp chơi bóng. Anh nói lời từ giã bóng đá tại San Siro, trong một buổi lễ tri ân giàu cảm xúc mà AC Milan dành cho anh.

Xướng ngôn viên đã lạc giọng khi bắt nhịp để hô vang cái tên Zlatan Ibrahimovic. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi. Khán đài trên sân San Siro khóc khi ngôi sao người Thụy Điển chuẩn bị chia tay đội bóng. Những đồng đội của anh cũng không kìm được sự xúc động, đôi mắt của Sandro Tonali đã ngấn nước. Thậm chí chính Ibrahimovic cũng không ngăn được dòng cảm xúc của mình. Mãnh sư đầu đàn cũng có phút mềm mỏng, một người đàn ông mạnh mẽ can trường cũng có khi phải rơi lệ.

Đó là một buổi chia tay đầy xúc động. Trên khán đài, ngay từ đầu trận đấu với Hellas Verona, các cổ động viên AC Milan đã giương tấm tifo với dòng chữ “God Bye” để nói lời từ biệt với huyền thoại của họ. AC Milan đã về đích mùa giải 2022/2023 một cách tốt đẹp: Đội bóng kết thúc mùa giải trong top 4 và đi xa hơn tưởng tượng ở đấu trường UEFA Champions League. Với Ibrahimovic, anh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình với đội bóng này để kết thúc hành trình bóng đá tuyệt vời.

Trong mắt nhiều người, Ibrahimovic có thể là một kẻ ngang tàng. Nhưng với các Milanista, anh là một người hùng đích thực, một người nói được và làm được. Năm 2010, anh gia nhập Milan và lập tức trở thành nguồn cảm hứng trên hàng công để đưa Rossoneri đến với Scudetto đầu tiên sau 7 năm. Đó là giai đoạn vàng son cuối cùng của lứa cầu thủ “Grande Milan” đã 3 lần lọt vào chung kết Champions League của thập niên 2000. Ibrahimovic đơn giản là chơi bóng cùng những nhà vô địch.

Còn AC Milan mà anh quay về vào năm 2019 là một tập thể hoàn toàn khác. Đó là đội bóng đã để bóng tối che lấp suốt một thời gian dài và không hề có tinh thần chiến thắng. Khi đó, hợp đồng của Ibrahimovic với LA Galaxy chuẩn bị hết hiệu lực và “siêu cò” Mino Raiola nói với thân chủ của mình rằng giải nghệ ở Mỹ thì quá dễ, nhưng anh cần quay trở lại và cho tất cả thấy bản thân vẫn đủ khả năng chơi bóng ở châu Âu. Ibrahimovic hỏi rằng đội bóng nào đang cần một cầu thủ như anh nhất, Raiola trả lời đó là AC Milan. Và thương vụ nhanh chóng được hoàn thành.

Thời điểm ấy, tuy trong đội bóng có những gương mặt trẻ và tài năng, nhưng họ chưa có đủ sức bật để vực dậy một tập thể rệu rã. Đỉnh điểm của nỗi thất vọng là trận thua Atalanta 0-5 vào tháng 12/2019. Và rồi những lão tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc như Ibrahimovic (cùng Simon Kjaer hay sau đó là Olivier Giroud) xuất hiện. Họ “thổi lửa” vào cả tập thể, trở thành những tấm gương cho cả đội noi theo bằng cả chuyên môn lẫn tác phong làm việc. Một AC Milan lạc lối dần tìm thấy ánh sáng vì những cầu thủ trẻ không còn mất phương hướng khi có những đàn anh như Ibrahimovic dìu dắt trên sân. 

Giám đốc Kỹ thuật Paolo Maldini từng nói: “Trong thế giới nói chung và bóng đá nói riêng, có nhiều thứ phát triển nhưng một số khái niệm luôn đúng. Một trong số đó là tính cạnh tranh trong tập luyện, đó là cách duy nhất để nâng cao trình độ. Zlatan là bậc thầy của điều đó. Cậu ấy không bao giờ muốn thua, kể cả khi chơi bài”. Ông Adriano Galliani - cựu CEO của AC Milan - thì chia sẻ: “Tôi nhớ cậu ấy từng đẩy đồng đội vào tường vì họ không tập luyện một cách nhiệt huyết”.

Danh hiệu Scudetto mùa giải 2021/22 là phần thưởng xứng đáng đồng thời cũng là minh chứng cho thành công của một tập thể biết đoàn kết và chiến đấu vì nhau, khi những cầu thủ trẻ với khát khao và tài năng kết hợp cùng kinh nghiệm lẫn sự mẫu mực của những đàn anh. Và đó cũng chính là lời hứa mà Ibrahimovic đã thực hiện. 

“Đội bóng đã làm được những điều tuyệt vời kể từ sau khi tôi trở lại và hiện tại chúng tôi chỉ thiếu duy nhất một thứ: Danh hiệu. Chúng tôi đang chiến đấu để đạt được điều đó. Tôi sẽ không rời đi chừng nào tôi đoạt được danh hiệu cùng với Milan”, đó là những chia sẻ của tiền đạo người Thụy Điển vào đầu năm 2022.

Để thực hiện cam kết đó, Ibra đã làm gì? Anh đánh cược sức khỏe của mình vào cả chiến dịch của tập thể. Trong suốt 6 tháng trời, anh chấp nhận thi đấu với cái dây chằng đầu gối bị đứt, sẵn sàng tiêm thuốc giảm đau và hút dịch liên tục để được ra sân mỗi khi có thể nhằm gánh vác trọng trách của một tiền đạo ghi bàn lẫn cả một người thủ lĩnh. Bạn đừng quên, trước đó vào năm 2017 Ibrahimovic cũng đã dính chấn thương dây chằng phải nghỉ 7 tháng. Với một cầu thủ trẻ, đó đã là chấn thương nghiêm trọng, chưa nói tới một lão tướng như anh. Song, cầu thủ người Thụy Điển trở lại từ chấn thương đó, trở lại từ quãng thời gian bị coi là “dưỡng già” ở Mỹ để tiếp tục tỏa sáng tại Italy.

2 mùa giải đầu tiên trong giai đoạn thứ 2 khoác áo AC Milan, Ibrahimovic thực sự đóng góp lớn về chuyên môn với lần lượt 10 bàn thắng trong 18 lần ra sân ở mùa 2019/20 và 15 bàn thắng trong 19 trận ở mùa giải 2020/21. Sau đó, cần nhìn nhận thực tế, mùa giải 2021/22, việc phải chơi bóng với cái đầu gối nát bấy vì chấn thương khiến Ibra không còn duy trì phong độ làm bàn. Dù vậy, ngôi sao người Thụy Điển vẫn có những bàn thắng rất quan trọng, như cú đá phạt trực tiếp trên sân Olimpico góp phần giúp Milan đánh bại AS Roma 2-1 hay cú ngả người vô lê giúp Rossoneri giữ lại 1 điểm ở những phút cuối cùng trước Udinese…

 

Chẳng ai chống lại được thời gian và Zlatan Ibrahimovic cũng vậy. Ở tuổi 41, sau những năm tháng dài thi đấu với nhiều vinh quang cùng những khoảnh khắc đẹp, Ibrahimovic cũng phải chùn chân mỏi gối. Và anh lựa chọn kết thúc sự nghiệp ở nơi mà anh gọi là “ngôi nhà thứ hai” sau khi đã thực hiện lời hứa của mình. Cái kết sẽ trọn vẹn hơn nếu Ibrahimovic có thể xỏ giày và thi đấu vài phút ở cuộc chạm trán với Hellas Verona. Nhưng sau cùng, điều đó cũng chẳng còn quan trọng, khi những kỷ niệm đẹp, những phút giây xúc động đã mãi nằm trong tim anh và các Milanista. 

“Từ ngày mai, tôi sẽ là người tự do trên thế giới này”, Ibrahimovic chia sẻ trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp. Chúc anh sẽ hạnh phúc và nhiều niềm vui trên những hành trình mới của mình.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.