Takehiro Tomiyasu: Hình mẫu về một cầu thủ đáng tin cậy

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 04/03/2022 16:15(GMT+7)

Cựu hậu vệ của Southampton, Maya Yoshida, có một vị trí rất lý tưởng để thảo luận về Takehiro Tomiyasu. Giống như cầu thủ của Arsenal, anh cũng đã chơi bóng ở Nhật Bản, Italy và Anh. Hơn thế nữa, trong tư cách một cặp đối tác ở hàng thủ ĐTQG, anh đã chứng kiến tài năng của chàng trai trẻ này nở rộ trên sân chơi quốc tế.

 
Theo Yoshida, trong một thời đại mà đội bóng nào cũng có một nhóm chuyên gia phân tích chuyên đảm nhận nhiệm vụ “mổ xẻ” các đối thủ để tỉm ra những điểm yếu, thì điểm mạnh quan trọng nhất của Tomiyasu chính là anh chẳng có một điểm yếu rõ ràng nào cả.
 
Tomiyasu có cùng chiều cao với tôi, cậu ấy nhanh nhẹn, rất mạnh mẽ và cực giỏi không chiến. Cậu ấy có thể chơi ở cả cánh phải lẫn cánh trái. Cậu ấy là một cầu thủ bóng đá cực kỳ hiện đại. Không có một điểm yếu rõ ràng nào cả.
 
Đó chính là ấn tượng mà một Tomiyasu 23 tuổi đã tạo nên trong nửa mùa giải đầu tiên ở Anh: Một hậu vệ toàn diện, tận hiến và ổn định. Ban đầu, anh đến với Premier League như một canh bạc của Arsenal hồi tháng 8, còn bây giờ, ngôi sao trẻ người Nhật đang được nhiều người coi là hình mẫu về một cầu thủ đáng tin cậy.
 
***
 
Lee Dixon hiểu rõ về những điều cần thiết để chơi ở vị trí hậu vệ phải cho Arsenal, và sự khởi đầu tuyệt vời của Tomiyasu đã thu hút sự chú ý của ông.
 
“Tôi nghĩ cậu ấy đang gây ấn tượng mạnh nhờ nhiều lý do,” Dixon nhận định với The Athletic. “Cậu ấy khá bắt mắt trên sân đấu nhờ chiều cao và năng lực thể thao mà mình sở hữu. Cậu ấy cực kỳ nổi bật về khía cạnh khả năng thể chất.”
 
“Cậu ấy trông không giống như một hậu vệ cánh điển hình. Cậu ấy hơi thuộc kiểu ‘Marcos Alonso’ về thể hình. Cậu ấy cao lêu nghêu hơn so với một hậu vệ cánh truyền thống, ví dụ như tôi hồi xưa, và cậu ấy có những khả năng của một vận động viên thể thao cừ khôi – chạy quanh sân không biết mệt, giỏi không chiến, ‘thọc gậy bánh xe’ rất cừ. Tôi đã rất ấn tượng với khả năng thể chất và những cú tắc bóng của cậu ấy.”


CHIỀU CAO VÀ KHẢ NĂNG KHÔNG CHIẾN

 
Chiều cao và khả năng không chiến của Tomiyasu là những đặc điểm nổi bật ngay trong các trận đấu đầu tiên của anh ở Arsenal. Trong số những cầu thủ đã đá chính hơn 5 trận ở giải đấu, không một ai được ghi nhận số lần không chiến mỗi 90 phút nhiều hơn hậu vệ người Nhật (5,13). Cũng không một ai có số lần thắng không chiến mỗi 90 phút nhiều hơn anh (2,86).
 
 
Trong số những cách tận dụng điểm mạnh này của Tomiyasu tại Arsenal bao gồm việc Aaron Ramsdale đã thường xuyên sử dụng anh như một điểm đến cho những cú phát bóng. Kể từ khi ngôi sao người Nhật không thể thi đấu vì chấn thương, Ramsdale đã thiếu đi một mục tiêu đáng tin cậy cho các pha bóng dài của mình.
 
Hãy nhìn vào thể hình của Tomiyasu và bạn sẽ thấy anh còn là một sự lựa chọn đầy hấp dẫn cho vai trò trung vệ ở Arsenal. Tuy nhiên, thời điểm này, cầu thủ 23 tuổi đang tỏ ra thoải mái nhất khi đá hậu vệ cánh. Mặc dù Tomiyasu không loại trừ khả năng chuyển vào chơi ở trung lộ trong tương lai, nhưng anh đã tâm sự với những người thân thiết với mình rằng bản thân cảm thấy hài lòng khi trải qua giai đoạn thích ứng với Premier League ở những khu vực ngoài cánh hơn là trong vai trò trung vệ, nơi mà những thử thách dành cho khả năng thể chất có thể còn lớn hơn. Tomiyasu đã nói trong các cuộc phỏng vấn ở Nhật rằng mình đang phải nhận “nhiều vết bầm tím” hơn bao giờ hết.
 
Còn trong suy nghĩ của Dixon, Tomiyasu không hề giống như một trung vệ bất đắc dĩ, phải chơi trái vị trí sở trường. “Tôi nghĩ cậu ấy vẫn phát huy được rất nhiều phẩm chất mà mình thể hiện ở vị trí hậu vệ cánh khi đảm nhận vai trò trung vệ, đặc biệt là khi cần lao nhanh ra phía cánh của mình,” Ông nhận định. “Khi bạn triển khai một hàng thủ 3 trung vệ trên sân đấu, hai trung vệ lệch cánh sẽ thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ truy cản một cầu thủ chạy cánh – vốn dĩ thuộc về các hậu vệ cánh, và không ít người trong số họ tỏ ra rõ bản thân đang bị đưa vào thế ‘bắt cá leo cây’! Trông không hề thoải mái chút nào. Tomiyasu thì không như vậy.”
 
Và chính vì thế, tuyển thủ Nhật Bản đang phát triển một mối quan hệ đối tác đầy hứa hẹn với trung vệ Benjamin White, khi cả hai đều cùng hoạt động nơi hành lang cánh phải (White đá trung vệ lệch phải trong hàng thủ 4 người của Arsenal). Dixon nhận định rằng, chắc chắn hai người họ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện sự thấu hiểu lẫn nhau: “Cậu ấy vẫn đang phát triển mối quan hệ với Ben. Tôi từng mất đến 14 năm để có được sự ăn ý với trung vệ chơi bên phía cánh của mình, và sau đó tôi giải nghệ! Đây không phải là chuyện có thể làm được trong một sớm một chiều. Nhưng giá trị của nó là vô giá.”
 
“Khi bạn bắt đầu tìm hiểu về các sắc thái của một cầu thủ, khi bạn quan sát họ ngay bên cạnh mình hết lần này đến lần khác, bạn sẽ bắt đầu có khả năng nhận biết được những lúc họ gặp rắc rối. Tôi từng quan sát Martin Keown – tôi biết khi nào thì cậu ấy bối rối, khi nào thì cậu ấy chật vật trong việc truy cản một ai đó. Nhưng phải mất nhiều năm sự thấu hiểu đó mới được hoàn thiện. Họ vốn đã rất ‘tâm đầu ý hợp’ với nhau rồi, nhưng mối quan hệ này vẫn có thể được nâng cấp hơn nữa.”
 
 
Mối quan hệ trên sân đấu giữa trung vệ người Anh và hậu vệ phải người Nhật đã thu hút một sự quan tâm nhất định của giới truyền thông Nhật Bản, bao gồm một số cuộc trao đổi về việc White rất ít khi chuyền bóng cho Tomiyasu. Cả hai người họ đều đã đưa ra lời giải thích, trong đó Tomiyasu từng chia sẻ như sau: “Tanaka Ao (của Fortuna Düsseldorf và ĐTQG Nhật Bản) cũng đã hỏi tôi về chuyện này, và chúng tôi đã đi đến kết luận rằng nguyên nhân chính là vì Ben White là một cầu thủ rất giỏi. Thông thường, những đường chuyền từ trung vệ tới hậu vệ cánh sẽ dẫn đến việc cầu thủ nhận bóng ngay lập tức bị pressing. Tôi cũng đã không ít lần chơi trung vệ, và những đường chuyền đơn giản cho hậu vệ cánh đúng thật là phương án cuối cùng mà tôi nghĩ tới.”
 
White cũng đã đưa ra một lời giải thích tương tự, và ca ngợi Tomiyasu hết lời. “Tomi thực hiện những việc đơn giản với trình độ đẳng cấp thế giới,” White bình luận. “Cậu ấy cực kỳ tập trung và sẽ không bao giờ có bất kỳ khoảnh khắc bất cẩn nào trong một trận đấu.”
 
Tuy nhiên, cựu cầu thủ từng chơi 616 trận cho Arsenal cũng đưa ra một lời cảnh báo. “Có không ít người phải mất một khoảng thời gian để đạt được sự ổn định sau khi đến Premier League,” Dixon giải thích. “Cũng có những người có được điều đó ngay lập tức – nhưng về sau mọi thứ lại bắt đầu trở nên khó khăn hơn.” Có lẽ, với đợt nghỉ thi đấu vì chấn thương gần đây, chúng ta đã được thấy dấu hiệu đầu tiên về những sóng gió dành cho Tomiyasu.
 
“Đối với một chàng trai sở hữu thể chất mạnh mẽ như Tomiyasu, cậu ấy đã không gặp vấn đề gì trong việc thích nghi và đã nhanh chóng làm được điều đó. Nhưng sự đa dạng sắc thái của giải đấu, của các đối thủ và việc phải đương đầu với điều này một cách thường xuyên có thể trở thành một vấn đề. Tomiyasu đang có một sự khởi đầu tuyệt vời – nhưng hãy chờ đến khi cậu ấy chơi 100 trận rồi mới đưa ra những lời khẳng định.”
 
 
***

 

Bên cạnh phong độ tuyệt vời ở Arsenal, Tomiyasu lại càng quan trọng hơn đối với ĐTQG Nhật Bản.

 
Tomiyasu từng được phát hiện tiềm năng bởi Masami Ihara – người đội trưởng trong kỳ World Cup đầu tiên của Nhật Bản. Thuở còn dẫn dắt Avispa Fukuoka, Ihara đã cho cậu học trò 16 tuổi Tomiyasu có trận debut ở đội một trong một trận đấu thuộc Emperor’s Cup vào năm 2015.
 
Thời đỉnh cao phong độ cầu thủ, Ihara từng được mệnh danh là “Bức Tường của Châu Á”. Giờ đây, ông tin rằng Tomiyasu sở hữu đủ tiềm năng để vượt qua cả danh hiệu đó. “Tomiyasu có tiềm năng để trở thành ‘Bức Tường Của Thế Giới’, một trong những hậu vệ xuất sắc nhất môn thể thao vua,” Ihara bình luận trên Japan Times. “Tôi hy vọng cậu ấy sẽ chinh phục thành công những thử thách mà mình phải đối mặt ở bóng đá CLB và mang những gì mình học được lên phát huy trên ĐTQG.”
 
Nhật Bản đang hy vọng về lần thứ bảy liên tiếp giành được vé dự World Cup bằng cách đánh bại Australia vào tháng Ba. Chìa khóa cho những hy vọng của họ sẽ là cặp trung vệ Tomiyasu và Yoshida, cựu cầu thủ của Southampton và hiện đang miệt mài cống hiến cho Sampdoria ở Serie A.
 
Yoshida cũng chính là một người thầy khác của Tomiyasu, thường xuyên đưa ra những lời khuyên cho cậu đàn em. “Chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều về nước Anh, hầu như trong mọi đợt tập trung của ĐTQG,” Yoshida kể với The Athletic. “Hồi cậu ấy 20 hoặc 21 tuổi, chúng tôi đã bàn luận về khả năng bước lên một tầm cao mới của cậu ấy. Bởi vì cậu ấy muốn đến một CLB lớn hơn.”
 
“Nhưng tôi vẫn kinh ngạc về tốc độ thích nghi của cậu ấy tại Arsenal, đặc biệt là ở vị trí hậu vệ phải. Tôi đã nghĩ rằng cậu ấy sẽ gặp khó khăn trong mùa giải đầu tiên, nhưng thay vào đó, cậu ấy lại đang thể hiện rất tuyệt vời.”
 
“Tại Anh, cậu ấy sẽ phải đưa ra các quyết định nhanh hơn nhiều. Nhịp độ trận đấu cao hơn rất nhiều so với Italy, cường độ lối chơi cao hơn và cách làm việc của các trọng tài cũng hoàn toàn khác. Tại Italy, các trận đấu liên tục đứt đoạn, nhờ đó mà các cầu thủ được nghỉ ngơi nhiều hơn – còn ở Anh, chỉ có chế độ ‘chiến’ luôn được bật trên sân đấu. Về mặt thể chất, bạn phải cực kỳ sung sức, và tinh thần luôn trong trạng thái sẵn sàng.”
 
“Nhưng tôi không hề lo lắng về khía cạnh tinh thần của cậu ấy. Cậu ấy thông minh hơn nhiều cầu thủ trẻ cùng thế hệ - cậu ấy cực kỳ chuyên nghiệp, luôn chuẩn bị tốt cho mọi thử thách.”

 

TRÌNH ĐỘ TIẾNG ANH

 
Tất nhiên, sự thích nghi của Tomiyasu với nước Anh còn vượt ra cả ngoài sân đấu. Trình độ tiếng Anh ấn tượng của hậu vệ người Nhật cũng đã góp phần rất lớn vào quá trình này.
 
“Ngôn ngữ rất quan trọng – ngoài ra đồ ăn, văn hóa, phong cách sống cũng hoàn toàn khác,” Yoshida, một cầu thủ cũng rất coi trọng việc thích nghi với mọi khía cạnh của cuộc sống ở một đất nước mới, nhận định. “Sẽ phải mất một thời gian dài để hiểu được cuộc sống châu Âu, phong cách sống châu Âu. Thật đáng mừng, đây đã là đất nước mới thứ ba của Tomiyasu sau Bỉ và Italy. Vậy nên việc thay đổi môi trường sống từ Italy sang Anh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều đối với cậu ấy.”
 
Yoshida và Tomiyasu đã tạo nên một cặp đối tác ăn ý ở vị trí trung vệ của ĐTQG Nhật Bản – Tomiyasu thường chơi lệch trái – và sự linh hoạt đó chính là nền tảng cho thành công của anh.
 
“Cậu ấy có thể chơi ở mọi vị trí của hàng thủ - trung vệ, cánh phải hoặc cánh trái,” Yoshida bình luận. “Nếu Mikel Arteta yêu cầu cậu ấy đá hậu vệ trái, không thành vấn đề, bởi vì cậu ấy đủ nhanh và đủ thông minh. Tôi nghĩ và hy vọng trong tương lai cậu ấy sẽ thực sự hoàn thiện mọi kỹ năng cần có để trở thành một trung vệ toàn diện, bởi vì đó là điều mà chúng tôi cần ở ĐTQG.”
 
“Tôi rất thoải mái khi chơi cùng cậu ấy, và hy vọng cậu ấy cũng nghĩ như vậy!” Yoshida nói thêm. “Tôi luôn đòi hỏi rất nhiều từ cậu ấy, và cậu ấy cũng thúc đẩy tôi phải chơi tốt. Chúng tôi đã thúc đẩy lẫn nhau.”
 
 
***
 
Chỉ trong một thời gian ngắn gia nhập Arsenal, Tomiyasu đã tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ. Khả năng thuận cả hai chân của anh đã giúp tái phát triển cánh phải của Arsenal. Tình trạng liệt cánh khi tấn công của đội chủ sân Emirates lúc trước giờ đây đã trông cân bằng hơn đáng kể.
 
Nhưng chính sự chắc chắn trong khâu phòng ngự mà anh mang đến mới là khía cạnh đang được ca ngợi nhiều nhất. Arsenal rõ ràng sẽ chơi tốt hơn nhiều khi Tomiyasu có mặt trên sân đấu so với những lúc thiếu vắng anh. Sự tái xuất của anh sau chấn thương chắc chắn đang rất được trông ngóng.
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Tomiyasu’s big impression in a short time – ‘His biggest strength is he doesn’t have an obvious weak point’” của ký giả James McNicholas, đăng tải trên The Athletic.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.