Tại sao thế giới bóng đá lại có quá nhiều "bom xịt"?

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 26/07/2022 13:52(GMT+7)

Thị trường chuyển nhượng là một cuộc chơi đầy những hiểm nguy, và cái giá cay đắng nhất phải trả chính là các quả “bom xịt”.

 

Tại Hội Nghị Statsbomb được tổ chức vào năm ngoái, giám đốc nghiên cứu của Liverpool, Ian Graham – một trong các nhân vật hiểu rõ nhất cách để chinh phục những nguy hiểm trên thị trường chuyển nhượng – đã chia sẻ lý thuyết của ông về công tác chiêu mộ cầu thủ. Đại khái, Graham cho rằng, có 6 lý do tạo thành nguy cơ thất bại cho một cuộc chuyển nhượng:        

- Cầu thủ đó không đủ giỏi

- Cầu thủ đó không phù hợp với phong cách chiến thuật của đội

- Cầu thủ đó không được chơi ở vị trí sở trường

- HLV trưởng không thích cầu thủ đó

- Cầu thủ đó gặp chấn thương / hoặc các vấn đề cá nhân

- Trong đội có một người khác giỏi hơn cầu thủ đó

Và ngay cả khi bạn chắc chắn đến 90% rằng từng yếu tố trong 6 yếu tố riêng lẻ trên sẽ không trở thành vấn đề, thì phần tỷ lệ không chắc chắn còn lại vẫn sẽ khiến cho khả năng thành công của cuộc chuyển nhượng chỉ là 53% (0,9 x 0,9 x 0,9 x 0,9 x 0,9 x 0,9). Khi bạn nhận ra rằng hầu hết các cuộc chuyển nhượng chẳng thể có đến 90% tỷ lệ an toàn trên toàn bộ 6 yếu tố, khá dễ hiểu tại sao thị trường chuyển nhượng thường là cuộc chơi của những kẻ thất bại.

Tháng trước, nhà báo thể thao lừng danh người Italy là Gabriele Marcotti đã xem xét top 10 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất của các vị trí trên sân đấu và đưa ra kết luận rằng “19 trong số 41 thương vụ… là những thương vụ mà các CLB sẽ không muốn lặp lại sau khi đã được khai sáng bởi nhận thức muộn màng (và nếu rút các thủ môn ra khỏi danh sách, bạn sẽ còn lại 17 trong số 31 thương vụ, tức hơn một nửa). Chúng ta sẽ dựa trên ý tưởng đó, đồng thời sử dụng lý thuyết của Graham, để tìm hiểu tại sao có quá nhiều thương vụ bom tấn – được đảm bảo khả năng thành công với một số lượng tiền mặt thể hiện mức độ chắc chắn cao hơn nhiều so với các bản hợp đồng trung bình – trở thành bom xịt. 

 

NHỮNG QUẢ BOM XỊT NHIỀU ĐẾN THẾ NÀO?

Kể từ năm 2010, đã có 73 vụ chuyển nhượng trị giá ít nhất 50 triệu Euro diễn ra trên khắp top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, theo dữ liệu được cung cấp bởi Twenty First Group. Để xác định thế nào là “thành công”, chúng ta sẽ sử dụng một cách định nghĩa khá đơn giản: Họ phải góp mặt trong ít nhất 70% số phút thi đấu của đội ở giải VĐQG kể từ khi được mua. Tiêu chuẩn đó nghe có vẻ hơi hào phóng và dễ dãi – chẳng phải những cầu thủ đắt giá nhất thế giới đương nhiên sẽ thường xuyên ra sân sao? – nhưng ngay cả với tiêu chuẩn tưởng chừng rất thấp đó, bạn sẽ chỉ có 25 trong số 73 vụ chuyển nhượng có thể được coi là thành công. Đồng nghĩa với tỷ lệ chỉ 34%.

Giá trung bình của các vụ chuyển nhượng thành công là 80 triệu Euro, trong khi mức giá trung bình của các vụ bom xịt chỉ thấp hơn một chút, 76 triệu Euro. Nói cách khác, một khi bạn chi tiền trong phạm vi từ 50 triệu Euro trở lên cho một thương vụ, thì số tiền vượt trên 50 triệu Euro mà bạn bỏ ra dường như không thực sự ảnh hưởng đến khả năng thành công của vụ chuyển nhượng.

Tuy nhiên, trước khi tiếp tục với những thương vụ tồi, chúng ta sẽ nhìn qua những thương vụ xuất sắc.

Trong số 25 vụ chuyển nhượng thành công, 13 trong số đó là các cầu thủ tấn công, 7 người là các hậu vệ, các tiền vệ chiếm 4 người và có 1 thủ môn. 25 vụ chuyển nhượng thành công đó chỉ được thực hiện bởi 10 CLB, và đây là lúc bạn nhận thấy rằng định nghĩa “thành công” của bài phân tích này tuy trông có vẻ tiêu chuẩn thấp, nhưng thực ra lại cao đến thế nào.

CLB có nhiều cuộc chuyển nhượng “thành công” nhất cũng chính là CLB đang phải bán bớt một lượng lớn bản quyền truyền hình để có thể chi nhiều tiền hơn cho các tân binh. Barcelona đã có 5 thương vụ “thành công” kể từ năm 2010, khi Neymar, Luis Suarez, Frenkie de Jong, Antoine Griezmann, và Ferran Torres đều chơi ít nhất 70% số phút thi đấu của đội ở La Liga sau khi gia nhập. Tuy nhiên, nếu CLB xứ Catalan làm được những gì mình muốn trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2022, sẽ chỉ có duy nhất 1 người trong số đó (Torres) vẫn còn có mặt trong đội khi mùa giải mới bắt đầu, và anh có thể thậm chí còn không phải một cầu thủ đá chính nếu danh sách các mục tiêu chuyển nhượng mùa hè của Joan Laporta được hiện thực hóa và chơi đúng kỳ vọng.

 

Sau Barcelona, có 2 CLB đồng hạng hai. Juventus đã có 4 thương vụ thành công – Cristiano Ronaldo, Gonzalo Higuain, Matthijs de Ligt và Dusan Vlahovic – và Manchester United cũng vậy, trớ trêu thay đội chủ sân Old Trafford cũng chính là CLB lớn duy nhất bị chê bai là hoạt động kém cỏi hơn Barcelona. Harry Maguire, Bruno Fernandes, Romelu Lukaku, và Aaron Wan-Bissaka đều đã góp mặt trong ít nhất 70% số phút thi đấu của đội tại Premier League sau khi gia nhập.

Xếp sau Manchester United là nửa xanh thành Manchester, khi Man City có 3 bản hợp đồng thành công theo tiêu chuẩn của bài phân tích là Rodri, Ruben Dias và Raheem Sterling. Kế tiếp là Liverpool (Alisson, Virgil van Dijk), Paris Saint-Germain (Achraf Hakimi, Kylian Mbappe) và Arsenal (Pierre-Emerick Aubameyang, Ben White) với 2 bản hợp đồng thành công cho mỗi đội. Tiếp theo là Chelsea (Jorginho), Inter Milan (Romelu Lukaku), và Atletico Madrid (Antoine Griezmann) với 1 bản hợp đồng thành công cho mỗi đội.

Nhìn chung, chỉ có 8 cầu thủ góp mặt trong 80% số phút thi đấu của đội mình ở giải quốc nội kể từ khi gia nhập, nhưng 3 trong số họ (White, Torres và Vlahovic) mới chỉ chơi 1 hoặc thậm chí là chưa đến 1 mùa giải cho đội bóng đó. Trong số 5 cầu thủ đã góp mặt trong ít nhất 80% số phút thi đấu với nhiều mùa giải, Bruno Fernandes đứng đầu (92%), Alisson đứng thứ hai (89%), và Maguire đứng thứ ba (88%), tiếp theo là Lukaku trong khoảng thời gian khoác áo Inter lần đầu (86%) và Ronaldo tại Juventus (81%).

ĐIỀU GÌ KHIẾN HỌ TRỞ THÀNH BOM XỊT?

Vậy là chúng ta đang có 48 quả bom xịt dựa trên định nghĩa đã nêu, và cũng giống như sự không hoàn hảo của định nghĩa “bản hợp đồng thành công”, thì định nghĩa “bản hợp đồng thất bại” cũng vậy.

Manchester City dẫn đầu với 10 quả bom xịt, nhưng phần lớn là do họ có quá nhiều cầu thủ trong tầm giá này và không thể cho tất cả thi đấu cùng một lúc. Nhờ khả năng tiêu tiền cực khủng của họ, Man City đã có một cuộc chơi hoàn toàn khác với tất cả những CLB còn lại. Liệu Kevin De Bruyne và Joao Cancelo có phải là những bản hợp đồng “thất bại”? Chắc chắn là không, nhưng cả hai người họ đều không đáp ứng điều kiện góp mặt trong ít nhất 70% số phút thi đấu của CLB ở giải VĐQG kể từ khi gia nhập. Điều đó không thành vấn đề, bởi vì đội chủ sân Etihad đã giành được 4 chức vô địch Premier League trong 5 mùa giải gần nhất.

Đứng sau Man City, Chelsea có 8 vụ chuyển nhượng không thành công, Manchester United và Real Madrid cùng có 5 bom xịt, PSG có 4, trong khi Arsenal, Atletico Madrid và Barcelona cùng có 3. Kế đến, chúng ta có Bayern Munich với 2 bản hợp đồng thất bại, tiếp theo là  Liverpool, Juventus, Tottenham, West Ham và Napoli mỗi đội có 1.

Sử dụng các tiêu chí do Graham đưa ra, nhà báo / chuyên gia phân tích dữ liệu Ryan O’Halon của ESPN đã cố gắng phân loại 48 bản hợp đồng thất bại thành 6 nhóm riêng biệt. Rõ ràng, yếu tố suy nghĩ chủ quan là điều không thể tránh khỏi trong danh sách này – và các bản hợp đồng có thể thất bại vì nhiều lý do khác nhau kết hợp lại. Nhưng anh cho biết mình đã đưa từng cái tên vào bất cứ hạng mục nào mà bản thân nghĩ là lý do chính khiến cho bản hợp đồng trở thành bom xịt.    

 

Chấn thương hoặc các vấn đề cá nhân (18): Victor Osimhen (Napoli), Gareth Bale (Real Madrid), Eden Hazard (Real Madrid), Neymar (PSG), Angel Di Maria (Manchester United), Kyle Walker (Manchester City), Kevin De Bruyne (Manchester City), Aymeric Laporte (Manchester City), Benjamin Mendy (Manchester City), Leroy Sane (Manchester City), Naby Keita (Liverpool), Fernando Torres (Chelsea), Ben Chilwell (Chelsea), Christian Pulisic (Chelsea), Lucas Hernandez (Bayern Munich), Ousmane Dembele (Barcelona), Diego Costa (Atletico Madrid), Thomas Partey (Arsenal)

Cầu thủ đó không giỏi như chúng ta nghĩ (10): Tanguy Ndombele (Tottenham), Luka Jovic (Real Madrid), Fred (Manchester United), Miralem Pjanic (Barcelona), Arthur (Juventus), Timo Werner (Chelsea), Kepa (Chelsea), Thomas Lemar (Atletico Madrid), Alexandre Lacazette (Arsenal), Nicolas Pepe (Arsenal)

Có những cầu thủ giỏi hơn anh ta trong đội (8): Eder Militao (Real Madrid), James Rodriguez (Real Madrid), Angel Di Maria (PSG), Bernardo Silva (Manchester City), Jack Grealish (Manchester City), Riyad Mahrez (Manchester City), John Stones (Manchester City), Leroy Sane (Bayern Munich)

HLV trưởng không thích anh ta (6): Sebastien Haller (West Ham), Paul Pogba (Manchester United), Joao Cancelo (Manchester City), Romelu Lukaku (Chelsea), Alvaro Morata (Chelsea), Joao Felix (Atletico Madrid)

Không phù hợp với lối chơi của đội (3): Mauro Icardi (PSG), Philippe Coutinho (Barcelona), Jadon Sancho (Manchester United)

Không được chơi ở vị trí sở trường (3): Edinson Cavani (PSG), Anthony Martial (Manchester United), Kai Havertz (Chelsea)

Thay vì đặt nặng hai chữ “thất bại”, hãy nghĩ về danh sách trên nghiêng theo hướng “lý do chính mà cầu thủ này đã không thể chơi ít nhất 70% số phút thi đấu của CLB kể từ khi gia nhập.” Vậy là, 38% trong số này là do chấn thương hoặc các vấn đề ngoài sân cỏ. 20% khác là do cầu thủ đó không đáp ứng được những kỳ vọng về chuyên môn, và 17% là do có những cầu thủ giỏi hơn anh ta vốn đã có mặt trong đội hoặc được chiêu mộ sau khi anh ta gia nhập. 25% còn lại là do sự yếu kém trong việc lập kế hoạch tuyển dụng từ CLB chiêu mộ (ví dụ, bỏ ra một số tiền khủng để mua về nhưng lại không có chỗ cho anh ta trong đội), HLV trưởng chưa bao giờ thực sự muốn có anh ta, hoặc cầu thủ này bị sử dụng theo kiểu “bắt cá leo cây”.

Với những trường hợp bom xịt được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau kết hợp lại, sau đây là quan điểm từ Ryan O’Halon: Khoảng 1/3 là vì chấn thương / các vấn đề cá nhân, 1/3 khác là vì sự kém cỏi trong khâu tuyển trạch, 1/3 còn lại là vì sự kém cỏi trong việc lập kế hoạch và công tác quản lý.

Có những cầu thủ thậm chí còn không góp mặt trong 40% số phút thi đấu của CLB đã chi ít nhất 50 triệu Euro cho phí chuyển nhượng của anh ta. Trong thương vụ đổi người nổi tiếng mang mục đích làm đẹp sổ sách tài chính bằng cách thổi phồng giá trị các cầu thủ của Juventus và Barcelona, cả Athur (31%) và Pjanic (17%) đều không thể hiện được nhiều tại CLB mới của họ. Cuộc tái ngộ Atletico Madrid của Diego Costa vào năm 2018 đã không được như ý (38%), Dembele đã thường xuyên có những khoảnh khắc khuấy động sân đấu nhưng lại hiếm khi có thể ra sân tại Barcelona (36%), Icardi chưa bao giờ hoàn toàn ăn khớp với PSG (31%), Keita hiếm khi góp mặt trên sân đấu ở Liverpool (29%), và Mendy (22%) luôn ở trong tình trạng chấn thương và hiện đang bị quản thúc tại gia với cáo buộc h.i.ế.p d.â.m.

Real Madrid chính là CLB dính phải nhiều quả bom xịt loại “cực nặng” này nhất. James Rodriguez chỉ góp mặt trong 39% số phút thi đấu khi anh khoác áo CLB chủ sân Santiago Bernabeu, nhưng vẫn chưa tệ bằng Eden Hazard (23%) và Jovic (11%), tiền đạo người Serbia cũng là cầu thủ có thời lượng góp mặt trên sân đấu ít nhất so với bất kỳ cuộc chuyển nhượng có phí từ 50 triệu Euro trở lên nào kể từ năm 2010. Nhưng Los Blancos vẫn dành được rất nhiều chức vô địch Champions League trong khoảng thời gian đó, phần còn lại của châu Âu nên cảm thấy may mắn vì CLB này đã quá tệ trong việc chiêu mộ các bom tấn.

 

NHƯNG SẼ RA SAO NẾU … MỌI BOM TẤN ĐỀU LÀ BOM XỊT?

Dưới đây, chúng ta sẽ so sánh và xếp hạng thành tích của các CLB trong việc tuyển dụng những cầu thủ có phí chuyển nhượng từ 50 triệu Euro trở lên:

1. Inter Milan: 1 thành công / 0 bom xịt, đạt tỷ lệ thành công 100%

2. Juventus: 4/5, 80%

3. Liverpool: 2/3, 67%

4. Barcelona: 5/8, 62%

5. Manchester United: 4/9, 44%

6. Arsenal: 2/5, 40%

7. PSG: 2/6, 33%

8. Atletico Madrid: 1/4, 25%

9. Manchester City: 3/13, 23%

10. Chelsea: 1/9, 11%

Đồng hạng 11. Tottenham, West Ham, Napoli: 0/1, 0%

14. Bayern Munich: 0/2, 0%

15. Real Madrid: 0/5, 0%

 Và tiếp theo là bảng phân tích theo vị trí:

Các cầu thủ tấn công: 39 người, trung bình góp mặt 61% số phút thi đấu của đội trong mùa giải đầu tiên, 58% số phút thi đấu của đội trong khoảng thời gian khoác áo CLB.

Các tiền vệ: 17 người, trung bình góp mặt 56% số phút thi đấu của đội trong mùa giải đầu tiên, 45% số phút thi đấu của đội trong khoảng thời gian khoác áo CLB.

Các hậu vệ: 15 người, trung bình góp mặt 65% số phút thi đấu của đội trong mùa giải đầu tiên, 64% số phút thi đấu của đội trong khoảng thời gian khoác áo CLB.

Các thủ môn: 2 người, trung bình góp mặt 97% số phút thi đấu của đội trong mùa giải đầu tiên, 70% số phút thi đấu của đội trong khoảng thời gian khoác áo CLB.

Tuy những con số đó trông khá tệ – và đúng là vậy – chúng vẫn tốt hơn trung bình. Kể từ năm 2010, những cầu thủ được mua với giá ít nhất 50 triệu Euro đã góp mặt trung bình 61% số phút thi đấu của đội bóng mới trong mùa giải đầu tiên. Theo Twenty First Group, đối với tất cả những vụ chuyển nhượng từ 10 triệu Euro đến 30 triệu Euro trong cùng khoảng thời gian, các cầu thủ chỉ góp mặt trong trung bình 52% số phút thi đấu của đội bóng mới.

Khi chúng ta tiến sâu hơn vào một kỳ chuyển nhượng vốn đã kỳ cục, những tin đồn xuất hiện không ngừng và tất cả mọi người đều phấn khích về sự xuất hiện của các bom tấn, hãy ghi nhớ điều này: Gã đó vừa được ký hợp đồng với mức phí vài chục triệu đô la ư? CLB chi tiền sẽ rất may mắn nếu anh ta có thể góp mặt trong hơn nửa số phút thi đấu của họ vào mùa giải tới.

Theo Ryan O’Hanlon, ESPN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.